Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUỐC THỂ

Thanh Tùng
Thứ hai ngày 4 tháng 7 năm 2011 9:57 PM

Thanh Tùng
Theo lệ xưa, sau khi lên ngôi các vị Hoàng đế Việt Nam cử sứ thần sang Trung Quốc cầu phong. Từ triều Lê trở về trước Sứ thần Trung Quốc sang làm lễ sắc phong ở kinh đô Thăng Long. Triều Nguyễn đóng đô ở Huế nhưng nhà Thanh vẫn theo lệ cũ, sứ thần sang Việt Nam phong vương chỉ tới Thăng Long. Khi sứ bộ nhà Thanh trên đường đến Thăng Long thì vua Nguyễn cũng từ kinh đô Phú Xuân  ngự giá ra hành cung Thăng Long đợi sẵn.
Nguyễn Ánh lên ngôi tháng Năm năm Nhâm Tuất (l802), lấy niên hiệu là Gia Long. Tháng 11 cùng năm, vua Gia Long sai Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong. Tháng Giêng năm Giáp Tý (l804), sứ bộ nhà Thanh do Tề Bồ Sâm làm Chánh sứ mang theo sắc phong vương cho vua Gia Long đến Thăng Long, nghỉ tại công quán Gia Quất. Lễ thụ phong của vua Gia Long được tổ chức tại điện Kính Thiên. Năm 1821, lễ thụ phong của Minh Mạng cũng được tổ chức ở Thăng Long. Năm 1831 Thăng Long đổi tên là Hà Nội, đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nhưng tại đây vẫn diễn ra lễ thụ phong của vua Thiệu Trị vào năm 1842 (năm Thiệu Trị thứ 2).
Vua Thiệu Trị ra Thăng Long làm lễ thụ phong, Thọ Xuân Vương được sung Ngự tiền Thân thần (Hoàng tử thứ 2 của vua Minh Mạng là Miên Chính mất sớm  nên Thọ Xuân Vương là em kế vua Thiệu Trị, là Hoàng thân thân cận nhất của vua, là Thân thần dưới nhiều triều vua tiếp theo). Ngày hành lễ, sứ Tàu là Bảo Thanh ngồi trên kiệu đi vào cửa Chu Tước. Như thế là phạm nghi thức điển lễ. Các quan văn võ đứng hai bên rất bất bình nhưng không một ai dám lên tiếng, quan đón tiếp cũng không dám ngăn cản. Thấy nhà vua, Quốc thể bị xúc phạm, Thọ Xuân Vương nổi giận, chỉ vào mặt sứ giả Thanh triều đang ngồi trên kiệu thét lớn: Nghi thức bang giao không cho phép nhà ngươi ngồi trên kiệu đến trước mặt Hoàng đế Đại Nam. Hãy xuống kiệu ngay lập tức. Sứ Thanh giật mình, xuống kiệu trong sự lúng túng, xấu hổ.
Lễ tất, nhà vua mở yến tiệc khoản đãi, sứ nhà Thanh từ chối, xin lui về công quán nghỉ ngơi. Thấy vậy các quan lấy làm lo lắng. Có người tâu: Lỗi này là do Thọ Xuân Vương đã lớn tiếng với sứ giả. Vua Thiệu trị nói: Nghi thức điển lễ bang giao đã đưa trước cho sứ nhà Thanh xem. Tại sao sứ Thanh lại phạm tất? Nếu Thọ Xuân Vương không biết tự trọng, sợ nước lớn thì Quốc thể Đại Nam còn ra gì? Sứ Thanh là người có học đáng lẽ phải biết điều đó. Cớ sao sai phạm rồi còn giận dỗi từ chối khoản đãi? Người mình mà không biết trọng Quốc thể của mình trách gì người ngoài? Các khanh nên xét cho kỹ.
Sau lễ sắc phong vua ban khen Thọ Xuân Vương. Trở về Huế nhà vua thưởng cho Thọ Xuân Vương một viên ngọc có khắc bốn chữ đặc nghị quyền hưu (đặc biệt mãi mãi yêu thương).
Thọ Xuân Vương sống lâu, trãi qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, chứng kiến 8 lần thay đổi ngôi vua. Từ đời Minh Mạng, đời vua nào ông cũng được nể trọng. Ông có công lớn trong tổ chức điều hành Tôn Nhơn Phủ. Đêm 4-7-1885 (23-5 âm lịch) Tôn Thất Thuyết chỉ huy quân đội tấn công quân Pháp. Sáng ngày quân Pháp phản công, kinh đô thất thủ, Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất cung ra sơn phòng Quảng Trị, xuống chiếu cần vương, tổ chức kháng chiến. Nước không thể không có vua, trong bối cảnh lịch sử đó, nhờ uy tín và đức độ của Thọ Xuân Vương, Nghi Thiên Chung Hoàng hậu (Đức Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức) và Hoàng tộc nhất trí đề cử Thọ Xuân Vương làm Nhiếp chính. Trong bối cảnh tang thương của đất nước, triều đình hỗn quân hỗn quan, Thọ Xuân Vương đứng ra lo Quốc sự khi tuổi đã ngã chiều xế bóng. Trong những ngày cuối đời ông đã làm tròn vai trò chứng nhân của lịch sử bằng cách bảo đảm cho sự liên tục của triều Nguyễn.
Khi vua Đồng Khánh chính thức lên ngôi Thọ Xuân Vương xin thôi Nhiếp chính nhưng vẫn giữ trọng tránh ở Tôn Nhơn Phủ. Khi ông mất vua cho nghỉ triều 3 ngày. Ông là người có cả phúc và thọ. Trong lễ ngũ tuần vạn thọ đại khánh tiết vào mùa xuân năm thứ 31 ông được tấn phong Thọ Xuân Vương, vua Tự Đức có dụ rằng: Thọ Xuân Vương tuổi gần 70, kiêm đủ phúc, thọ, phú, quí mà biết lo lắng trung thành, hết lòng với triều đình đã lâu. Đức tốt đó, chẳng phải riêng trẫm kính yêu, mà đủ để mọi người ngưỡng vọng...”. Năm sau mừng thọ ông 70 tuổi, vua Tự Đức ban phẩm vật cùng bài tự và bài ca. Bài tự về thọ ghi: “Việc ở đời khó được là phúc với thọ. Có người thọ mà không phúc. Được phúc thì trăm ngàn người chỉ có một, hai; được thọ thì chỉ được một, hai trong vạn ức người. Huống gì được cả hai điều, mà lại đầy đủ, chẳng thiếu sót chút nào thì trăm ngàn vạn ức tuyệt không có. Ít như vậy mà lại có, ta được một người”.
 Đến thời Tự Đức (1848) lễ sắc phong được tổ chức ở kinh đô Huế.
 Tháng Năm năm Giáp Ngọ (Kiến Phước nguyên niên - 1884) triều đình nhà Nguyễn và chính phủ Pháp ký Hoà ước Patenotre. Trước đó, ngày 18-4-1884, tại Thiên Tân, đại diện của chính phủ Pháp và đại diện nhà Thanh là Lý Hồng Chương đã ký một Hiệp ước thoả thuận về những nội dung tờ giao ước của người Pháp lập với nước Nam. Nghĩa là nước Tàu để cho nước Pháp được tự do xếp đặt mọi việc ở lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 6-6-1884 đại diện cho chính phủ Pháp là Patenotre cùng ba vị Thượng thư Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, đại diện cho triều Nguyễn, ký Hoà ước. Hoà ước vừa ký xong người tây và người ta có mặt hôm đó đem cái ấn của vua Tàu tấn phong cho vua Việt Nam cho vào “thụt bễ” (lò đúc kim loại) nấu chảy, huỷ đi. Có nghĩa là từ đó Việt Nam không còn thần phục nước Tàu nữa mà thuộc về nước Pháp bảo hộ.
Câu chuyện này được ghi lại trong Đại Nam thực lục tập 36 (trang 119). Sau khi ghi đầy đủ 19 điều khoản của Hoà ước, các sử thần chép: “Hôm ấy tức thì Hội đồng thu ấn cũ của nhà Thanh phong cho phá đi để đúc lại”. Phần chú thích ở phía dưới trang này khảo tả: Ấn bằng bạc, mạ vàng, hình vuông, mỗi bề 11 cm, nặng 5,9 kg, trên có cái tay nắm hình con kỳ lân, trong khắc sáu chữ  Việt Nam quốc vương chi ấn. Ấn do nước Tàu phong cho vua Gia Long năm 1803.
Phải chịu sự bảo hộ của Pháp nhưng về danh nghĩa triều Nguyễn vẫn là pháp nhân của quốc gia. Năm 1925, dưới triều vua Khải Định, trước các yêu sách của chính quyền Trung Hoa dân quốc về biển Đông, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề đã thay mặt Nam triều làm văn bản phản đối và khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 1929 Le Fol, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ, trong một báo cáo về diễn biến tranh chấp các đảo trên biển Đông giữa Trung Hoa và chính quyền bảo hộ đã khẳng định nước An Nam từ lâu đã duy trì các hoạt động thực thi chủ quyền. Dưới thời Bảo Đại, Khâm sứ Trung Kỳ cũng có khá nhiều văn bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa. Ví dụ: Ngày 10-2-1939, Khâm sứ Pháp có công văn đề nghị Nam triều thưởng huy chương Long tinh hạng năm cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”. Ngày 15-2-1939, Tổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên vua Bảo Đại bản tấu xin nhà vua duyệt y, và nhà vua đã châu phê chuẩn y (xem ảnh).
                                                                        TH.T
          
Thọ Xuân Vương (1810-1886) tự là Minh Tỉnh, hiệu Đông Trì, là con thứ 3 của Thánh tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng). Mẹ là bà Gia phi Phạm Thị Tuyết, quê ở Bình Định, con gái của Truy Thự Quang lộc tự thiếu khanh Phạm Văn Chấn. Năm Gia Long thứ 11 (1812) Gia phi mất, lúc đó ông mới 3 tuổi, Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ vua Thiệu Trị) đưa ông vào cung nuôi dưỡng. Ông được học chữ ở chái tây điện Cần Chánh, thường mang cả hòm sách đi nghe giảng nên vua Minh Mạng rất hài lòng và thường ngợi khen. Ông thông minh, hay thơ, giỏi ứng chế (thể văn do vua ra đề), có hai tác phẩm để lại là “Minh Mạng cung từ” và “Tỉnh Minh ái phương thi tập”. Đại thần Trương Đăng Quế suy tôn ông là bậc ứng chế nổi danh đương thời. Trong cung từ (thơ văn ghi chép chuyện trong cung cấm) Tùng Thiện Vương Miên Thẩm  chép: Tất cánh trầm tam hoàn đệ nhất/Đương gia thiến phủ Thọ Xuân Công (Tuy ở hạng ba nhưng thành nhất/Nổi tiếng đương thời Thọ Xuân Công).
Lúc nhỏ ông được Thế tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) ban cho tên Yến. Năm Minh Mạng thứ 4 có Ngự chế Đế hệ thi về phép đặt tên trong Hoàng tộc ông được ban tên Miên Định. 
(Theo Đại Nam Liệt truyện và Những người con của Thánh Tổ Hoàng Đế)