Đây là ba chuyện nóng xảy ra liên tục trong tuần qua ở Bình Dương và Cà Mau.
Chuyện thứ nhất - Một người dân nhặt được 85 phiếu bầu cử
Người dân đó là bà Trịnh Thị Kim Hoa (ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tình Cà Mau). Ngày 28-6, bà Hoa tìm đến Phòng dân nguyện - văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Cà Mau để giao nộp 85 phiếu bầu cử HĐND cấp xã (nhiệm kỳ 2011-2016) do bà nhặt được, đồng thời tố cáo tổ bầu cử gian lận để một ứng cử viên trúng cử vào HĐND xã Khánh Bình Tây. Theo kết quả kiểm 85 phiếu bầu nói trên thì ứng viên nọ chỉ có một phiếu bầu.
Tại sao lại có 85 phiếu bầu rơi ngoài đường thế? Thật hay giả? Chỉ có trời biết và…tổ bầu cử ở xã Khánh Bình Tây biết.
Chuyện thứ hai - “Hiệp sĩ” bị côn đồ truy sát dã man
Rạng sáng 27.6, anh Nguyễn Đăng Tiên, thành viên nhóm phòng chống tội phạm P.An Bình, TX Dĩ An (Bình Dương) bị 4 người bịt mặt truy sát, gây thương tích nặng ngay sau khi công an thả các tội phạm mà anh cùng các bạn “hiệp sĩ” tham gia phát hiện, truy bắt. Điều đáng nói ở đây là không phải chuyện công an thả tội phạm (vì việc đó vẫn thường xảy ra) mà là chuyện anh Tiên nằm viện mấy ngày rồi mà chẳng thấy bóng dáng một vị đại diện chính quyền hay công an nào đến thăm hỏi, động viên.
Tội phạm vẫn nằm ngoài vòng pháp luật. Còn các “hiệp sĩ” nhân dân thì đơn độc và tính mạng như đang treo đầu sợi tóc !
-Chuyện thứ ba - Bác sĩ ngủ, cô gái bị hãm hiếp chết oan?
Đêm 28/6, bệnh nhân Dương Thị Thu Huyền được đưa vào Bệnh viện đa khoa Năm Căn cấp cứu. Sau khi khám xét qua loa, bác sĩ Nguyễn Duy Tú nói rằng “không sao hết, con bé không có bệnh, chỉ giả bộ nằm vạ, tới sáng sẽ khỏe”, sau đó trở về phòng nằm ngủ tiếp.
Mặc dù sau đó gia đình đã cầu cứu đến 6 lần, thậm chí bà ngoại và dì ruột Huyền đã phải quỳ lạy xin chuyển viện, nhưng bác sĩ Tú vẫn không đồng ý và khăng khăng: “Nếu nó có chết thì tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”.Và đến 4h30 ngày 29/6 thì bệnh nhân chết thật. Bác sĩ chịu trách nhiệm bằng cách…trốn !
Cái chết của Huyền gây bức xúc dẫn đến vụ việc vi phạm pháp luật của người dân. Cái sự bức xúc ấy bắt nguồn từ hành động tắc trách, vô lương tâm của bác sĩ. Lương y không còn như từ mẫu.
Cả ba vụ việc đều dẫn đến một kết cục: niềm tin của dân bị xói mòn. Dân gửi nhầm niềm tin vào những vị đại diện do mình bầu ra mà lại không phải mình bầu ra. Dân một lòng tin vào cơ quan bảo vệ luật pháp nhưng chính họ lại không tin dân, bỏ rơi dân lúc hoạn nạn mà cái hoạn nạn ấy có nguyên nhân từ việc người dân giúp cơ quan bảo vệ an ninh trật tự chống lại cái ác, cái xấu. Niềm tin cũng bị mất hết bởi những thầy thuốc vô hồn vô cảm trước nỗi đau và sự nguy nan tính mạng của người dân.
Người ta đã đánh cắp niềm tin của dân một cách trơ trẽn.
Nguyễn Duy Xuân