TNc: Hình như ý kiến của Văn Giá chưa chuẩn vì LLPB của chúng ta có các Hội đồng to tướng chỉ đạo sát sao, họp hành hội thảo tơi tới sao lại nói là bỏ rơi...?
Bài viết này tôi không nhằm vào đánh giá những ưu điểm vốn không đáng kể của nền lý luận phê bình hiện nay (vì việc này không khó), mà chủ yếu đi vào những hạn chế, khiếm khuyết của nó. Có thể những lời nói của tôi khó nghe đối với ai đó, nhưng biết làm sao được. Nói theo cách nói của người miền núi: Tôi chỉ biết nói lời cây mọc thẳng.
1. Giới làm lý luận- phê bình (LL-PB) bị bỏ rơi.
Trước nhất xin nói về cái cụm từ “lý luận - phê bình”. Thực ra thì lý luận khác với phê bình, mặc dù nó có liên đới. Một đằng quan tâm trên bình diện lý thuyết mang tính trung tính về văn chương, còn một đằng quan tâm đến các giá trị cụ thể của văn chương thuộc về tác phẩm, tác giả, vấn đề của đời sống văn học đương đại. Tuy nhiên, tạm gác lại vấn đề khu biệt, tôi vẫn tạm sử dụng cụm từ quen thuộc này; vả lại, trên thực tế, có một chuyện khá phổ biến ở ta là đại đa số những người làm lý luận đều làm phê bình cả.
Trở lại với LL PB, tôi hoàn toàn không nói ngoa rằng: giới làm nghề này đã bị bỏ rơi, bỏ quên từ lâu chứ không phải đến bây giờ.
Chứng cớ là:
- Chưa bao giờ Hội nhà văn, hoặc các Nhà xuất bản của Hội tiến hành ra các tuyển LLPB thuộc các giai đoạn, thời kỳ văn học, trong khi đó về sáng tác thì khá đều.
- Sau Hội nghị những người viết văn trẻ, hay các đợt tập huấn thường niên, Hội nhà văn chưa bao giờ ra tuyển tập LLPB, trong khi đó chỉ có các tuyển sáng tác.
- Chưa bao giờ có trại sáng tác dành riêng cho những người viết phê bình, nhất là phê bình trẻ.
- Trong một số Hội nghị LLPB vốn rất hiếm hoi, số người viết PB trẻ được tham gia rất ít, đã thế khi tham dự hầu như không được phát biểu, không được đối thoại, đến dự để cho có mặt gọi là.
- Trong các cuộc thi về thơ, về văn xuôi, các thành viên Ban giám khảo chưa bao giờ có một nhà LLPB nào tham gia chấm giải. Các giải chỉ do các nhà sáng tác bầu bán, không có giới LLPB phản biện. Đó cũng là một trong những lý do làm cho chất lượng giải thấp.
- Trong kế hoạch bồi dưỡng của Hội nhà văn thường niên, đã từng có để ý đến bồi dưỡng đội ngũ những người viết LLPB, cách tiến hành thường qua loa, làm cốt để gọi là có, diễn ra khoảng tuần, với những bài nói chuyện đại ngôn tráng ngữ, không đâu vào đâu, không đi vào nghiệp vụ cụ thể, thí dụ như cách viết một bài phê bình thế nào thì không một bài giảng nào quan tâm.
- Trong các cuộc tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân thuộc văn học nước ngoài do Hội NVVN tổ chức, trong số các thành viên được mời, những người làm LLPB thường cũng bị bỏ quên nốt.
Như vậy, đội ngũ những người làm LLPB vốn đã thưa vắng, thời nào cũng vậy, cho đến hôm nay về cơ bản vẫn bị bỏ quên, mặc dù lời nói bên ngoài thì vẫn rằng một rằng hai đề cao LLPB. Những quan tâm kiểu ấy không đem lại giá trị thúc đẩy nâng cao LLPB, mà nhiều khi còn có màu sắc giễu cợt. Cuối cùng, LLPB chỉ còn là nỗ lực của mỗi cá nhân, những ai tha thiết với nghề (dĩ nhiên có cả những người tuy không tha thiết, nhưng không viết thì không biết làm gì khác).
2. Các tác phẩm LL-PB bị rẻ rúng:
Như ta biết, làm LLPB là một nghề chứa đầy hiểm hoạ. Đào tạo một người làm LLPB tử tế nhất thiết phải qua bậc học vấn tối thiểu là đại học. Còn người sáng tác không nhất thiết phải như vậy.
Thế nhưng, các tác phẩm LLPB được đối xử thế nào?
Các báo đều đánh đồng hoạt động LL-PB, nhất là PB chỉ như là những bài đọc sách, điểm sách, mạn đàm, nhàn đàm… về các vấn đề thuộc sinh hoạt thực tiễn văn học. Như vậy, nó chỉ quan tâm tới phê bình kiểu báo chí, chứ xem thường, thậm chí khinh miệt những tác phẩm LLPB chuyên nghiệp. Chứng cớ là, các tờ báo quy định viết mang tính phổ thông, dễ hiểu, ngắn, dung lượng chỉ cho phép đến vậy, viết theo đơn đặt hàng của các ông chủ báo. Nếu dài quá so với quy định là cắt. Nếu trình bày hàn lâm, nhiều khái niệm quá, cắt. Cuối cùng là các bài LLPB chỉ là loại phê bình kiểu báo chí. Loại PB này cũng quan trọng ở chỗ là nó làm báo dưới hình thức giới thiệu, đưa tin về văn học, thế thôi, chứ nó không có khả năng đi sâu vào hoạt động phê bình, tức là thẩm định cắt nghĩa, đánh giá giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Yêu cầu này chỉ có thể đạt được khi phê bình chuyên nghiệp lên tiếng.
Mà PB chuyên nghiệp lại vượt khung khổ của một tờ báo. Nó buộc phải viết có ngọn ngành, bài bản với khung lý thuyết, với khái niệm, với những diễn giải khoa học… Nên buộc nó phải có độ dài nhất định. Trong khi đó các báo không chấp nhận những bài dài. Mâu thuẫn là ở đó.
Chính vì thế, ngày nay do cung cách của báo chí, LLPB trong con mắt của đại đa số, đã tự biến thành hoạt động thông tin báo chí thuần tuý, đánh mất vai trò chuyên nghiệp và tính trí thức của nó.
Thêm nữa, việc trả công cho một tác phẩm phê bình vô cùng thảm hại. Sáng tác dẫu sao vẫn được trả khá hơn. Mỗi bài phê bình đúng nghĩa phê bình của chúng tôi đăng trên sân nhà (báo chuyên văn nghệ) được trả nhuận bút khoảng 200 đến 250 ngàn đồng. Mà viết được bài phê bình tử tế phải đọc ngày đọc đêm, phải phân loại, thống kê, so sánh, tổng hợp, khái quát, đặt trong tính hệ thống của chính tác giả, của thể loại, của nền văn học trong cả hai chiều lịch đại và đồng đại… Ôi chao, vô cùng công phu, vất vả nếu muốn thuyết phục được người đọc, nếu không muốn bị chê là cảm tính, nói vu vơ, vòng vo ngoài tác phẩm. Người đọc ít ai nghĩ để viết được một bài phê bình khoảng 2000 chữ về một tác giả, anh phải đọc hết trên nghìn trang, thậm chí vài nghìn trang tác phẩm của tác giả đó.
Ai là người kiên nhẫn viết phê bình mãi được mà không thấy chạnh lòng với cách trả nhuận bút như vậy.
Ấy là chưa kể phê bình còn chịu cái nhìn định kiến từ phía không ít các nhà văn. Đại đa số họ chỉ thích đọc bài phê bình về chính mình chứ không thích đọc bài phê bình về người khác, mà lại chỉ thích bài khen chứ không thích bài chê. Cái chủng chẳng cố hữu giữa dân sáng tác và dân phê bình thời nào vẫn thế.
Có lần gặp một bạn viết vào nghề chưa lâu, anh ta nói hung hăng rằng thơ ca suy cho cùng không cần đên phê bình. Tôi nói rằng: chỉ có thơ ca tuyệt đỉnh may chăng mới không cần đến phê bình, còn lại nó luôn luôn cần phê bình, mà tuyệt đỉnh giá trị thì vô cùng hiếm, trong số đó chắc chắn không có thơ của anh.
3. Hoạt động lý luận phê bình hiện nay đang bị… loạn.
- Phê bình chuyên nghiệp hiện đang rất thiếu người. Chưa ai làm phép thống kê xem tỉ lệ giữa người làm LLPB so với giới sáng tác xem thế nào, tôi cầm chừng tỉ lệ khoảng 1/30. Thế thì làm sao có thể đọc hết, bao quát hết thực tiễn sáng tác được. Vả lại với số ít ỏi đó, nói thật, không có ai chuyên tâm làm công việc này. Họ phải đi dạy học, làm báo, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Ai chăm sóc họ? Ai nuôi sống họ? Không ai! Tuy nhiên thì đôi bữa nửa tháng họ vẫn nhớ nghề, vẫn muốn tỏ mình, vẫn có đôi bài tử tế, đành đăng trên một số tạp chí, mà tạp chí thì mấy người đọc ngoài một số người trong nghề.
Trong tình hình như vậy, phê bình báo chí lên ngôi, thống trị, ngang nhiên (và có khi cả ngang ngược), khen chê búa xua, bất chấp tính khoa học. Phê bình kiểu báo chí đã làm được một điều đó là: đem lại cho người đọc một ảo tưởng tất cả nền phê bình chỉ có thế. Và căn cứ vào đó người ta chê bai, đổ lỗi cho phê bình đủ thứ tội nợ.
Xin thưa, từ khi ngành phê bình ra đời, chỉ có loại phê bình chuyên nghiệp mới có thể đại diện cho tiếng nói phê bình của một nền văn học, còn phê bình báo chí và phê bình nghệ sĩ chỉ là những bổ sung, làm sinh động hóa nền phê bình mà thôi chứ chúng không có tư cách đại diện.
- Nhìn vào bản thân các tác phẩm phê bình được coi là có nghề cũng không phải không có chuyện. Theo quan sát của tôi, chúng lại rơi vào mấy căn bệnh khá nguy hiểm này:
Một là, căn bệnh hư văn, tức là nói những chuyện đẩu đâu, vu vơ, ngoài lề, không đi vào thực tiễn văn bản, vào vấn đề bình giá trực diện. Nói ra các vấn đề thấy đúng cả, nhưng đúng một cách chung chung vô ích. Nói chung chung thì dễ, nói cho thấu đáo, trách nhiệm mới khó.
Hai là, căn bệnh súng sính khái niệm, đọc vào toàn thấy khái niệm thiếu tính xác định, chưa được nghiền ngẫm cẩn thận, nghe xủng xoảng cho oai, chứ không mang lại hiệu quả gì. Trong trường hợp này, tôi thật sự quý một vài cây bút phê bình trẻ, trước khi ứng dụng tri thức lý thuyết phê bình mới, họ đã có giới thiệu những điểm căn bản nhất của lý thuyết, được khai thác từ nguồn trực tiếp, cấp một (chứ không phải nguồn thứ cấp, tức là dẫn theo), rồi sau đó mới ứng dụng vào phê bình trường hợp. Nhưng những tấm gương lao động như thế đang còn rất ít. Mong sao cách làm bài bản này sẽ ngày càng được coi trọng.
Ba là tình trạng không hiểu thực sự giá trị đích thực của văn chương là gì? Câu hỏi này tưởng như dễ mà kỳ thực vô cùng khó. Nếu hiểu thực sự văn là gì thì sẽ hiểu đâu là văn thật, đâu là văn giả, đâu là văn ngụy. Và từ đó mới thấy văn hay là thế nào. Có một số ngòi bút phê bình quen thói phức tạp hóa những điều vốn không có gì khó hiểu, và nhầm lẫn tưởng phức tạp là sâu sắc. Đọc vào bài viết của họ mới đầu thấy có vẻ thông thái, nhưng đọc xong không hiểu họ định nói gì. Đó là căn bệnh mà đại thi hào Goethe đã từng giễu cợt là bệnh thông thái rởm. Lại có không ít người sính cái lạ mà không thấy được chất văn thực sự, nên đã đồng nhất chất văn (tính nghệ thuật) với cái lạ. Nếu xét kỳ cùng, lạ mà hay thì là điều đáng mong. Sợ nhất lạ chỉ để mà lạ thì không mấy ý nghĩa, quá lắm nó chỉ có giá trị gây hấn nghệ thuật mà thôi. Không ít bài phê bình hiện nay chạy theo cái lạ, nhầm cái lạ với tính nghệ thuật, với giá trị. Bản thân cái lạ chưa là giá trị, cái lạ-hay mới là giá trị. Hiện nay không ít các cây viết trẻ tìm kiếm cái lạ một cách điên cuồng, nhưng vẫn hiếm thấy cái lạ-hay. Cái lạ hay này nó phải có máu của tư tưởng mới thành được, nếu không chỉ còn là thời thượng.
Bốn là tình trạng chữ nghĩa và diễn đạt chạy theo mốt (modern). Gần đây, một số công trình dịch thuật, nhất là dịch thuật triết học, tiêu biểu là các công trình của nhà nghiên cứu và dịch thuật triết học Bùi Văn Nam Sơn tương đối phổ biến. Trong đó, ông phải sử dụng một loạt các từ, hoặc các thuật ngữ do ông sáng tạo, hoặc ông lấy lại từ kho từ vựng/thuật ngữ trước 1975 ở sinh hoạt học thuật miền Nam. Một số người do không có điều kiện đọc các sách LLPB phía Nam trước bẩy nhăm, nên cứ tưởng là mới, thế là đổ xô vào bắt chước. Tầm vóc Bùi Văn Nam Sơn sử dụng có cái tư thế riêng của ông, chứ còn người khác bắt chước, đọc vào không tránh khỏi cảm giác chướng chướng.
Ấy là chưa kể đến những thói tật của phê bình thời nào cũng có như viết theo kiểu cánh hẩu, hoặc quy chụp, hoặc xúc phạm cá nhân, hoặc tự cao tự đại vô lối, hoặc xem thường người khác… nhìn chung là thiếu tính trí thức và văn hóa. Những điều này đã bàn nhiều, và chưa thể nói là đã giải quyết xong.
4. Vài đề xuất:
Bây giờ không nên khách sáo nữa, tôi có mấy đề xuất cụ thể như sau:
- Các hoạt động văn chương như hội thảo, hội nghị, tiếp xúc với văn nghệ sĩ quốc tế, các cuộc thi văn học… cần có người làm nghề LLPB tham gia. LLPB bao giờ cũng cần được hiểu như là một kênh đối thoại, một trợ lực điềm tĩnh và có chất lượng khoa học cho các hoạt động kể trên.
- Cần phân biệt giữa phê bình chuyên nghiệp và phê bình báo chí. Phân biệt không phải để đánh giá cao thấp, mà cốt để có đối xử cho công bằng, sử dụng bài vở hợp lý, và từ đấy cũng có chế độ nhuận bút công bằng, xứng đáng.
- Mỗi tờ báo chuyên văn nghệ nên đặt một số người thường xuyên viết phê bình về tác giả, tác phẩm mới, và trả lương xứng đáng cho họ. Cách làm này của phương Tây. Thí dụ ông Giám đốc Hội đồng Anh có cho chúng tôi biết là: mỗi tờ báo ở nước này thường thuê vài ba nhà phê bình viết đều đặn cho họ về các tác phẩm mới ra, các tác giả và các vấn đề của đời sống văn học đương đại, và trả lương xứng đáng cho họ, nên chất lượng phê bình, cả phê bình chuyên nghiệp lẫn phê bình báo chí đều được bảo đảm. Liệu chúng ta có dám bỏ tiền ra thuê các nhà phê bình không?
- Có thể thành lập một ấn phẩm riêng cho ngành lý luận- phê bình tương tự như Tạp chí Thơ, Tạp chí Văn học nước ngoài hiện nay. Đây là một diễn đàn tập hợp các tác phẩm LLPB đủ loại, thuộc nhiều phương pháp, phong cách khác nhau một cách có tổ chức và phân công hợp lý.
- Nên thường xuyên có những tập huấn, đào tạo đối với những ai muốn viết phê bình, nhất là những cây bút trẻ đi theo nghề này. Mà tập huấn nhất thiết phải đi vào chuyên môn nghiệp vụ, chứ không trang bị nghị quyết, thời sự chính trị như hiện nay.
- Tăng cường tổ chức dịch thuật, giới thiệu các lý thuyết và các tác phẩm LLPB của nước ngoài vào Việt Nam. Hiện giờ việc tiếp cận lý thuyết mới đã có triển vọng nhờ các chuyên gia truyền bá và ứng dụng, nhất là một số cây bút trẻ có ngoại ngữ được tiếp xúc lý thuyết tận nguồn. Tuy nhiên thì hiện nay vẫn là nỗ lực của mỗi cá nhân chứ hoàn toàn chưa có tính tổ chức.
- Chấn chỉnh lại các trang, chuyên trang LLPB trên các báo trung ương và địa phương. Tìm người có đầu óc tổ chức, có chuyên môn LLPB, có kiến văn rộng rãi, có tinh thần cởi mở trong tiếp cận cái mới, cái khác biệt để phụ trách, trao cho họ cái quyền được tổ chức bài vở có hiệu quả và trách nhiệm cao.
***
Muốn làm được tất cả những điều trên, chúng ta phải thực sự quyết tâm vào cuộc, chứ cứ bàn mãi như lâu nay cũng không đi đến đâu. Thí dụ các Hội từ trung ương tới địa phương nên bớt đi những khoản chi tiêu lãng phí, không cần thiết, để tập trung kinh phí, thời giờ, nhiệt huyết cho hoạt động LLPB này.
Trên đây là ý kiến của riêng tôi trong tư cách người làm nghề, tư cách hội viên. Những hạn chế mà tôi nêu lên cũng có một phần trong chính bản thân tôi. Tuy nhiên, sự tự ý thức như vậy luôn luôn có ích cho sự tiến bộ. Tôi tâm niệm điều đó.
Hà Nội, 17.6.2011
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ.
Trên đây là bản đầy đủ từ phongdiep.net