Nghề báo là một nghề cao quý nên những ai không yêu nghề báo thì đừng làm nhà báo bởi họ sẽ làm hỏng cái cao quý của mình và hỏng cả cái cao quý của nghề.
Có lẽ tôi biết không dưới 100 nhà báo và cũng ngần ấy nhà báo quen biết tôi. Họ đến với tôi vì nhiều lẽ. Khi là tư cách phóng viên đi lấy tài liệu cho bài viết, khi là khách mời của ai đó ở Hải Phòng đến Nhà hàng Nam Phương queen, khi là khách hàng đến với các sản phẩm từ cá sấu và đôi khi chỉ là đi qua, tạt vào tham quan Thạch thi viên (Vườn thơ đá – Nơi có hàng trăm phiến đá to nhỏ, được lấy từ khắp nơi và trên mỗi phiến đá đều khắc một câu thơ do bạn bè tuyển chọn) hay phòng trưng bày cổ vật ở trang trại cá sấu. Có thể do tôi cũng có cái “máu” văn nghệ sĩ, yêu văn chương, hội họa, thích giao du nên hầu hết các nhà báo đều quý mến tôi và ngược lại, tôi cũng quý mến họ. Thậm chí có người trở thành bạn thân thiết, cùng nhau chia sẻ những buồn vui của cuộc đời này.
Báo chí với tôi là những người bạn. Chính các nhà báo đã phong “vương” cho tôi khi họ gọi tôi là “Vua cá sấu” đất Bắc. Đành rằng ở miền Bắc, Công ty Cá sấu Việt Nam của tôi là nơi đầu tiên nuôi cá sấu và cho đến nay cũng là cơ sở quy mô nhất với có số lượng lớn nhất miền Bắc nhưng nếu không có báo chí thì ai xác nhận cho chúng tôi điều đó?
Có lẽ không chỉ có tôi mà hầu hết các doanh nhân đều muốn báo chí là những người bạn đồng hành, biết chia sẻ, động viên lẫn nhau và cùng phấn đấu cho một sự nghiệp chung là làm giàu cho bản thân và cũng là làm giàu cho Tổ quốc. Doanh nhân chúng tôi tham làm chẳng qua cũng vì “giời đầy” mà mang số khổ. Nhà thì cũng ở một cái là chán, xe ô tô thì cũng chỉ đi được một chiếc, sáng ra thì cũng chỉ ăn nổi một bát canh bánh đa cua, bia vài chai, rượu vài chén… Ăn lắm,uống nhiều chỉ tổ bệnh nhiều, mau chết chứ báu bở gì đâu.
Chả hiểu sao một thời trong dư luận, hình ảnh giám đốc doanh nghiệp thường được gán với ăn chơi trụy lạc. Họ chẳng hiểu biết bao nhiêu về chúng tôi cả. Các cụ từ xưa đã dạy: “Giàu đâu có kẻ ngủ trưa…” rồi “Buôn tầu bán bè không bằng ăn dè, ở sẻn”… Làm ục mặt và tằn tiện từng đồng còn chẳng giàu nữa là rong chơi, hoang phí, ném tiền qua cửa sổ. Tôi làm nghề nuôi cá sấu và tôi không chỉ yêu mà hơn thế, tôi đam mê các sấu. Một đam mê không thuần túy chỉ vì tiền mà còn vì danh dự. Khi các nhà báo “phong vương” cho tôi là “Vua cá sấu” tức là khoác trên vai tôi một gánh nặng trách nhiệm làm sao để xứng với “ngai vàng” mà truyền thông giao tặng.
Điều thất vọng lớn nhất của tôi đối với không ít nhà báo là sự nhàm chán. Họ hỏi những câu hỏi cũ… giống nhau và viết về chúng tôi cũng… cũ như nhau. Đó là những câu hỏi quen thuộc như anh bắt đầu nuôi cá sấu từ bao giờ? Các khó khăn gì anh đã trải qua? Anh vượt qua việc đó như thế nào? Anh có mong muốn gì không?… Và bài viết thì luôn trung thành với môtip thời trẻ thì hàn vi, nghèo khó, lớn lên thì bằng tài năng, sáng tạo, quyết tâm vươn lên thành đạt rồi vấp ngã, vượt dậy và giờ đây là… làm từ thiện. Không chỉ có nhà báo ta mà ngay cả nhà báo nước ngoài khi gặp tôi cũng hỏi như thế. Thành thực thì lần đầu tiên được phỏng vấn rồi đăng báo kiểu này cũng sướng. Lần thứ hai thì còn thấy bình thường nhưng đến lần thứ ba thì thấy chán, lần thứ tư thì thấy chối và lần thứ năm thì vừa chán, vừa chối. Cách làm rập khuôn, lười suy nghĩ, kém sáng tạo thể hiện làm nghề mà không yêu nghề, không trọng cái nghề của mình. Làm nghề mà không yêu nghề vừa làm hỏng nghề, vừa làm hỏng mình. Lòng tự trọng nghề nghiệp hay nói cách khác, tình yêu chính bản thân mình sẽ là động lực cho mỗi cá nhân. Tại một phiến đá trong Thạch Thi viên, tôi đã khắc 2 câu thơ của Nhà thơ - Nhạc sĩ Văn Cao, người con của Hải Phòng: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại - Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi” – Trường ca Những người trên cửa biển.
Theo tôi, nghề báo là một nghề cao quý nhưng không phải ai viết báo cũng đều là cao quý cả. Sự cao quý hay tầm thường phụ thuộc ở mỗi con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể. Với nhà báo, tác phẩm sẽ làm nên tác giả chứ không phải nghề nghiệp làm nên họ. Vì vậy, những ai không yêu nghề báo thì đừng làm nhà báo bởi họ sẽ làm hỏng cái cao quý của mình và hỏng cả sự cao quý của nghề rất cao quý: Nhà báo!