Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI TRI ÂN VỚI NGƯỜI GIỮ BIỂN

Cao Năm
Chủ nhật ngày 26 tháng 6 năm 2011 6:13 AM
(Đọc bài thơ “Chủ quyền Tổ quốc trên mỗi cánh buồm” của Hồ Phong Tư)

Chủ quyền Tổ quốc trên mỗi cánh buồm
(Kính viếng hương hồn các đội viên đội Bắc Hải)
 
Đảo như dấu triện mà trời cao đã đóng xuống
tờ lệnh biển Đông qua bao tháng năm
 vẫn long lanh màu mực
ở phía biển xa mờ kia vẫn nguyên một góc thịt da Tổ quốc
Cầm cái bánh ít lá gai, cái bánh nổ (*) trên tay
Bỗng nghẹn ngào tưởng như nhập vào cánh buồm
          phần phật mà cha ông ra đi
Thể xác dẫu tan hòa trong nước xanh
Nhưng hồn phách vẫn ấp iu từng viên đá,
 từng tán bàng trong bão lốc.
 
Ta dựng lá cờ màu máu lên cánh buồm hướng đảo ra khơi
Cánh buồm ở đâu
                                      Chủ quyền ta đấy!
   
Hồ Phong Tư
(Tập thơ “Vẹt mòn bậc đá”- NXB Hội nhà văn - 2010)
___________________
(*) Bánh thay cho lương khô.
 
Bài thơ hào sảng, tự tin và phóng túng ngay từ câu mở đầu: “Đảo như dấu triện mà trời cao đã đóng xuống”. Câu thơ thật đến không thể thật hơn, nhưng lại nói nên biết bao điều về sự hiện diện của những đảo nổi, đảo chìm ngoài khơi xa. Đọc câu thơ lại nhớ “Nam quốc sơn hà…” của Lý Thường Kiệt khi xưa. Thì ra, ở thời đại nào thì sự nhắc nhở, nhấn mạnh đến chủ quyền lãnh thổ cũng là điều tuyệt nhiên không thừa. Cũng giống mảnh đất hình chữ S này, những hòn đảo nằm ngoài đó giữa muôn trùng đại dương, dù nổi hay chìm, to hay nhỏ, thuộc về đâu, cũng đều là ý trời đã định, cái “dấu triện mà trời cao đã đóng xuống” tự bao giờ, chứ đâu phải mới bây giờ, và lại càng không phải muốn là có.
Thế nên, là những người lính, những công dân, canh giữ biển đảo một khi đã có lệnh tuần phòng thì dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng lập tức lên đường. Bởi, họ ý thức được cái nơi xa mờ ngoài khơi kia, trông lặng lẽ, im lìm và đôi khi thét gào sóng gió đấy, nhưng vẫn cứ là khúc ruột mềm, một phần thịt da ta: “ở phía xa mờ kia vẫn nguyên một góc thịt da Tổ quốc”. Vì thế, khi nhận lệnh ra đi canh giữ ngoài đảo xa, trong tay chỉ một ít bánh trái thay lương khô, phía sau là làng quê bố mẹ, vợ con có khi còn cơm ăn bữa no bữa đói, còn phía trước là muôn trùng con sóng dữ như lúc nào cũng muốn lật chìm những con thuyền gỗ nhỏ nhoi xuống đáy biển. Nhưng bất chấp tất cả, những người lính đi canh giữ biển đảo quê hương vẫn giăng buồm thẳng hướng ra biển xa, vì họ hiểu, sự ra đi của mình là để giữ nguyên vẹn biển cả quê hương, giữ bình yên cho sóng nước, thế nên:
          Thể xác dẫu tan hòa trong nước xanh
          Nhưng hồn phách vẫn ấp iu từng viên đá,
từng tán bàng trong bão lốc.
           Trải mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dẫu không ai nỡ cân đong đo đếm, nhưng có thể nói mỗi lít nước biển, mỗi mét đất nơi đảo xa đều thấm đẫm máu xương bao thế hệ người Việt Nam canh trời, canh biển mới có được như ngày nay. Thế nên, nhà thơ Hồ Phong Tư có lý khi ông viết câu thơ như cứa vào lòng người nỗi đau và sự hào sảng đến kiêu hành này:
                   Ta dựng lá cờ màu máu lên cánh buồm
hướng đảo ra khơi
                   Cánh buồm ở đâu
                   Chủ quyền ta đấy!
          Câu thơ như tảng đá dựng cột mốc sừng sững trên biển khơi.
          Bài thơ ra đời trong chuyến nhà thơ ra đảo Lý Sơn mấy năm trước, khi đứng trước tờ lệnh của vua Minh Mạng giao cho đội hải tuần Bắc Hải ra canh giữ quần đảo Hoàng Sa. Cũng từ tờ lệnh, nhà thơ miên man nghĩ tới cái lớn hơn, rộng hơn, đấy là chủ quyền đất nước và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác biển đảo sao cho tốt, để xứng đáng với sự hy sinh của bao người đi trước đã vì sự toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ mà không tiếc máu xương gìn giữ. Trải mấy trăm năm, dẫu tờ lệnh ấy giờ có chỗ đã ố vàng, nhưng đứng trước tờ lệnh, nhà thơ vẫn thấy như còn “long lanh màu mực”. Vâng, màu mực hay màu máu ông cha ta đổ xuống thì hôm nay vẫn cứ long lanh ngời sáng, như những ngọn hải đăng hiên ngang đứng giữa biển trời, bất chấp bão tố trùng khơi giằng giật đêm ngày, những ngọn hải đăng vẫn lung linh tỏa sáng, như một sự xác lập chủ quyền Tổ quóc chúng ta.
          Bài thơ là lời tri ân với những người ngày đêm canh giữ biển đảo, và cũng là sự nhắc nhỡ mỗi người về trách nhiệm công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biển đảo Tổ quốc./.
 
CAO NĂM