Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN, BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC: “Quý nhất là hạnh phúc được sẻ chia”

Phùng Hoàng Anh
Chủ nhật ngày 26 tháng 6 năm 2011 3:32 PM
 
Những ai từng có dịp trò chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hẳn sẽ có dịp chiêm nghiệm lời nhận xét của học giả Nguyễn Hiến Lê: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”, khi ông viết đề tựa cho cuốn sách đầu tay “Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (tác giả tự xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn).

Thưa nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, đến nay ông đã bước sang tuổi 72, nếu đánh giá lại chặng đường đã qua của mình với những thành công có được, ông thấy đáng quý nhất là điều gì?

- Chưa. Tôi mới 71. Tính theo tuổi Tây. Nhưng tôi không hề có ý thức về tuổi tác bạn ạ. Tôi thấy nó giả tạo. Nó là thứ thời gian trừu tượng. Không thật. Tôi đang sống với mẹ mình, năm nay bà mới 95 tuổi và lúc nào cũng coi tôi như một đứa trẻ nít. Tôi nhớ André Maurois bảo có người 20 tuổi mà đã quá già, trong khi có người 80 mà hãy còn rất trẻ. Lại nhớ bài thơ tình hay nhất của Bertrand Russel viết là lúc ông đã 92 tuổi: To Edith! (Gửi Edith!). Tôi chưa bao giờ “đánh giá lại chặng đường đã qua của mình” nên chẳng biết nó ra sao. Tôi cứ lững thững. Và mỗi bước lững thững cũng đã là một niềm vui rồi. Ai đó đã nói “Hạnh phúc là con đường chứ không phải đích đến”. Và Bùi Giáng cũng nhắc: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...
 
Chân dung bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc do họa sĩ Đỗ HOÀNG TƯỜNG thực hiện
Với tôi, được sẻ chia ấy là điều hạnh phúc. Và có thể nói, “thành công” chính là hạnh phúc chớ không phải gì khác. Thành công không đo đạc bằng tiền tài danh vọng mà bằng hạnh phúc - sự cảm nhận rất chủ quan của nội tâm mình. Hải Thượng Lãn Ông lên non hái thuốc về chữa bệnh cho người giữa lúc bản thân ông cũng đang bị bệnh: ông gọi cái đó là hạnh phúc. Tôi muốn học “Ông già Lười”. Những điều tôi viết ra là từ cảm nhận chủ quan, từ trải nghiệm cá nhân cũng như kinh nghiệm trong nghề nghiệp có được để sẻ chia. Nó không phải là “văn chương” gì đâu nên khi được gọi là “nhà văn” tôi ngại lắm. Tôi chỉ viết những chuyện đời thường, cái ăn, cái ngủ, cái thở, cái nghĩ, cái sống... Được bạn bè đọc, đồng cảm, vậy là quý rồi. Tóm lại, với tôi, cái đáng quý nhất là hạnh phúc được sẻ chia. Mà hạnh phúc thì “rất đơn sơ” bạn ơi.

 Ông vốn là một bác sĩ, duyên cớ gì mà ông lại trở thành nhà thơ Đỗ Nghê và nhà văn Đỗ Hồng Ngọc như ngày nay? Có phải ông chịu ảnh hưởng từ người cậu của mình là nhà văn Nguiễn Ngu Í?

- Câu hỏi này ngộ ghê! “Duyên cớ” gì ư? Làm gì có một thứ duyên cớ gì để ta trở thành... nhà thơ hay nhà văn? Chẳng khác chi ta hỏi duyên cớ gì mà hoa nở, mà trăng lên? Nó như thi, nó như lai, bạn ơi. Bạn bảo tôi “vốn là” một bác sĩ. Điều này thì lại không đúng rồi. Bác sĩ không thể “vốn là” được. Nó là một cái nghề, phải học hành đàng hoàng và vất vả 6-7 năm trời bạn ạ. Rồi phải hành nghề chừng mươi năm mới có ít nhiều kinh nghiệm “chẩn bệnh bốc thuốc”! Trái lại, làm thơ, viết văn, tôi chưa thấy ai phải học hành 6-7 năm trời ở trường ốc như vậy cả. Đó mới thật là một thứ “vốn là”, hay nói cách khác, nó là một thứ “nghiệp”, gắn tự trong gien. Bạn biết đó, có những “thần đồng” thơ, có những nhà văn “thiên tài”. Ngược lại, nhiều tiến sĩ... văn chương thì không viết được văn, tiến sĩ âm nhạc thì không sáng tác được nhạc... Dĩ nhiên họ có thể nghiên cứu và giảng dạy. Lạ vậy đó. Nó cần năng khiếu, một thứ “vốn là”, thứ “trời cho”. Ảnh hưởng tác động từ bên ngoài nếu có, rất ít! Không phải ông chủ báo nào cũng viết được báo, không phải ông chủ nhà xuất bản nào cũng viết được sách. Khi người ta “gắng sức” để trở thành nhà thơ, nhà văn thì thường... người ta không trở thành nhà gì cả! Nó tự tâm. Văn chương chi sự/ thốn tâm thiên cổ.

 Ông đã viết rất nhiều sách với nhiều đề tài khác nhau, theo ông, ông tâm đắc cuốn sách nào nhất?

- Cuốn nào đang làm hay vừa làm xong thì thấy “tâm đắc”. Nhưng, như bạn thấy đó, sách tôi viết không thuộc loại “sáng tác”, không phải tiểu thuyết hay truyện ngắn, truyện dài... Tôi không có khả năng “hư cấu”! Tôi theo một trường phái cũ rích: “văn dĩ tải đạo”. Ecrivant hơn là écrivain bạn ạ. Tôi viết vì thấy nó có ích cho tôi, cho người khác về một vấn đề nào đó. Viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, viết cho tuổi chớm già v.v. là để tự chữa bệnh cho mình và cũng để giúp ít nhiều cho bạn bè gần xa. Nó không phải “sáng tác”, không làm văn chương, không có tưởng tượng, hư cấu gì cả. Một người bạn Nhật bảo sách tôi không “best seller” mà là “long seller”. Dĩ nhiên, khi về... già (ủa, bây giờ thì có già?) thì những cuốn nghiêng về tâm linh có vẻ là những cuốn tôi tâm đắc nhiều hơn, chẳng hạn Nghĩ từ trái tim, viết về Tâm kinh bát nhã và Gươm báu trao tay, viết về kinh Kim cang... 

 Thời gian này ông đang tập trung viết về đề tài nào và bao giờ thì ông cho ra mắt độc giả?

- Tôi đang cho in cuốn Nhớ đến một người, sắp ra mắt nay mai. “Nhớ đến một người” với tôi là “để nhớ mọi người...” (Trịnh Công Sơn). Đây là một tập hợp các bài viết rải rác của tôi trong hơn 20 năm qua về các nhân vật thân quen, dĩ nhiên dưới cái nhìn rất chủ quan vừa cận thị, vừa “méo mó nghề nghiệp” của mình. Tôi cũng đang hoàn thành cuốn Thư gởi người bận rộn (Tập 2) vì ngày càng có thêm nhiều người bận rộn... rất bận rộn!
 Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

PHÙNG HOÀNG ANH thực hiện