Sau khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi được đăng trên các báo: Thanh Niên, Nhân Dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Vienamnet, Văn Nghệ, Đại Đoàn Kết, Blog Nguyen Xuan Dien, Trannhuong.com…và được nhiều trang mạng điện tử trong và ngoài nước đưa lại, tôi rất xúc động khi được tin bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Minh Thuần ở TP.HCM phổ nhạc. Nói chuyện với tôi qua điện thoại, nhạc sĩ Phạm Minh Thuần cho biết, ông phổ bài thơ này theo nhịp hành khúc- hùng tráng và điều đặc biệt, trong một ngày hội ở trường Đại học nơi nhạc sĩ giảng dạy, các em sinh viên đã hát đồng ca bài hát “Tổ quốc nhìn từ biển” phổ thơ tôi. Có nhiều độc giả đã đề nghị tôi cho biết xuất sứ và hoàn cảnh ra đời cụ thể của bài thơ này. Thật ra, mỗi bài thơ hay đều có một số phận riêng và đều mang trong mình một sứ mệnh thi ca.
“Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ đầu tiên tôi viết sau chuỗi ngày hoạn nạn. Ba tháng sau khi trở về tiếp tục nghề báo tại Báo Thanh Niên, tháng 4.2009, tôi được mời đi dự trại sáng tác văn học của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hạ Long . Trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác về “ Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân” với sự tham gia của đông đảo các cây bút sung sức trong và ngoài quân đội. Một chuyến đi thú vị với nhiều nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng cùng khá nhiều cây bút trẻ đang được nhắc tới trên văn đàn thời gian gần đây.
Hôm khai mạc trại sáng tác, một sĩ quan cao cấp của quân chủng hải quân đã nói chuyện cả một buổi sáng với các nhà văn về tình hình biển- đảo của chúng ta hiện nay. Có lẽ đã rất lâu, tôi và một số nhà văn mới tiếp cận được những thông tin có thể gọi là khá nhậy cảm và nóng bỏng từ nhiều phía về đề tài này. Tôi nghĩ, đối với những người cầm bút hôm nay, vượt lên trên tất cả các vấn đề thời sự nhậy cảm ấy là tình yêu Tổ quốc. Tình yêu đó được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam qua nhiều thăng trầm, và hình như lại đang được khơi dậy trong những tháng năm này.
Có người cho rằng, có thể tình yêu Tổ quốc đồng nghĩa với trách nhiệm công dân của mỗi một con người trước số phận của dân tộc, của đất nước mình. Thôi, xin hãy bớt nói những điều lớn lao, những lời vĩ đại như vậy. Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển-đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.
Đất nước của chúng ta liên miên trận mạc suốt bao đời, những nỗi đau thương chiến tranh còn ghi dấu nơi rừng sâu, biển thẳm. Và, qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau... Những cảm xúc trên đã bồn chồn, thao thức trong tôi suốt một ngày dài ở trại sáng tác văn học Hạ Long. Và, “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ đầu tiên của tôi sau chuỗi ngày hoạn nạn vừa đi qua.
Tôi đã vượt được qua nỗi đau đời thường của riêng mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ khi cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống. Không hiểu đấy có phải là điều đáng mừng hay đáng lo, bởi bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút lại là bài thơ viết về Tổ quốc- một đề tài lớn lao đã bao trùm dân tộc này trong suốt ngàn năm giặc giã. Tôi nghĩ rằng hình tượng Tổ quốc trong thơ tôi (và trong thơ của nhiều nhà thơ Việt Nam yêu nước) là một chủ đề bất tận, có tính sử thi xuyên suốt qua nhiều năm tháng. Vì thế, hôm tôi đi dự trại sáng tác về đề tài biển-đảo ở Hạ Long, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi như một sự cộng hưởng tri âm với tình yêu đất nước của những người đang mang trong mình dòng máu Việt Nam bất khuất được cha ông truyền lại từ ngàn đời nay. Dưới đây là bản nhạc của nhạc sĩ Phạm Minh Thuần phổ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”.