NXB Hội Nhà văn vừa xuất bản tập "THƠ PHẠM TRỌNG THANH". Đây là một tập thơ chọn, nên vì thế nó mang khá đầy đủ phong cách cũng như thành tựu thơ 45 năm của ông. Trong LỜI BẠT, tác giả Đỗ Thanh Dương viết: "Đó là một người thơ có tâm hồn mẫn tuệ, đa cảm, thông minh mà nhân hậu, chân chất mà tinh tế. Cũng là một chân thi sĩ có ý thức học hỏi, sáng tạo, mong góp một chút sức mình làm mới cho thơ".
Trần Mỹ Giống thì thông qua tên các tác phẩm của Phạm Trọng Thanh, để vẽ chân dung ông:
Vô tư Khúc hát tặng nhau,
Lá bay còn để nỗi đau Gió trầm.
Một đời Mùa hạ đi tìm,
Thương câu Tứ tuyệt đường trường đầy vơi.
Đã hay nóng lạnh thói đời,
Lòng còn trắc ẩn Thác trời trào tuôn.
Tôi nhận ra ở THƠ PHẠM TRỌNG THANH cái nét TRIẾT LÝ nhẹ mà thấm sâu thường có ở những người đã trải nghiệm cuộc đời trong nhiều môi trường sống với bao nhiêu nguồn cơn nông nỗi (chữ của Đỗ Thanh Dương). Xin chọn ngẫu nhiên một bài:
Các triết nhân hãy hượm ở trên lầu
Các vị thiền sư xin cứ ngồi nhập định
Đây là khoảng đêm nồng như rượu mạnh
Môi quỳnh thơm lên ánh trăng
(ĐỐI KHÚC ĐÊM QUỲNH)
Vâng! Đêm nay và có thể phải nhiều đêm khác, tôi thức để tận hưởng "Môi quỳnh thơm lên ánh trăng".
*********
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh
I. Vài nét về tác giả
Sinh năm 1942
Quê quán: thôn Ngọc Tỉnh, xã Xuân Hùng, nay là thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Hiện thường trú tại: Số 6/22, phố Ngô Quyền, thành phốNamĐịnh.
Nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh - Nam Hà - Nam Định khoá II, III, IV,V ( 5/1983 - 3/2006).
Hội viên Hội Nhà văn ViệtNam.
Tác phẩm văn học đã xuất bản:
-Khúc hát tặng nhau (thơ, in chung NXB Tác phẩm mới, 1983)
- Mùa hạ đi tìm ( thơ, NXB Hội Nhà văn, 1990)
-Lá bay (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1993)
- Gió trầm ( thơ, Nxb Văn học, 1997)
- Thác trời ( thơ NXB Quân đội nhân dân, 2000)
- Tứ tuyệt đường trường (thơ, NXB Thanh Niên, 2002)
- Thức cùng trang viết (bút ký, NXB Hội Nhà văn, 2008).
- Thơ Phạm Trọng Thanh (NXB. Hội Nhà văn, 2011)
Giải thưởng văn học:
- Giải Nhất thơ Nam Hà, 1965.
- Tặng thưởng, giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1976, 1990
- Giải thưởng thơ Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1998 loại C về thơ.
- Giải thưởng thơ cuộc thi Tầm nhìn thế kỷ báo Tiền phong (1999-2001) loại C (Không có loại A và B).
- Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà lần thứ I, II, II loại B về thơ.
- Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định (1996 – 2000) loại A về thơ.
- Giải Nhì cuộc vận động sáng tác thơ “Vì hạnh phúc cuộc sống” của báo Gia đình & xã hội – Bộ Y tế năm 2009.
II. Một số bài thơ tiêu biểu:
Bên vòng tròn ca dao
Cái sàng đánh bạn cái giần
Cái nia cái thúng ở gần cái nong
Cuối mùa quai hái vừa hong
Mẹ còn cặm cụi long đong giần sàng
Hạt thóc ướt hạt thóc vàng
Vòng vòng từ cánh đồng sang bên này
Gió nồm đánh đu chàng xay
Tiếng chày nặng chịch cám bay bời bời
Trời tròn gieo tiếng mưa vui
Dẻo thơm cay đắng ngọt bùi tròn xoay!
Khi nào mẹ được dừng tay
Bếp nồng rơm mới đỡ ngày lao dao
Giần sàng tay thấp tay cao
Mẹ ơi, có trận mưa rào đằng đông
Lại còn cơn giá cơn dông
Tháng ba đằng đẵng ngày trông lúa mùa
Trông ngang chùm sao tua rua
Xá cày đi trước đường bừa theo sau
Mẹ thầm lặng những đêm thâu
Giữa ba bề gió thổi nhàu chéo khăn
Cho con nhiều tháng nhiều năm
Cứ lo đêm vắng vầng trăng trước nhà
Hạt gạo lặn lội đường xa
Trên vai con giữa rừng già, mẹ ơi...
(Đồng Nai Thượng,1975)
Mẹ
Với con, mẹ chẳng nỡ buồn
Câu thơ con viết ngọn nguồn ở đây
Giữa nhà con đứng như ngây
Nắm rơm vàng ríu trên tay, mẹ mừng
Ơ kìa mắt mẹ rưng rưng
Con như ngọn gió, mẹ đừng có thương
Nhà mình mỗi đứa mỗi phương
Cái sân đã rộng, con đường càng xa
Cây cau bể nước vại cà
Tuổi già ở với tuổi già hôm mai
Ngày nào một lũ con trai
Áo quần đất cát loang dài quãng sông
Ngày nào xứ Bắc, xứ Đông
Mẹ tôi vạt áo gió dông nhiều bề
Rồi con giong ruổi xa quê
Tuổi thơ đâu có dội về trái tim
Đường quê bước nổi bước chìm
Có khi nỗi nhớ im lìm đèn chong...
Con làm khách, mẹ đứng mong
Gần, xa...bóng mẹ ở trong cõi đời
Chập chờn sương nắng, mẹ ơi
Khói cơm thơm, tuổi bốn mươi nghẹn ngào
(Ngọc Tỉnh,1987)
Chim phượng bay về
Phố chiều nối đuôi từng con diều giấy
những đứa trẻ yêu trời vừa thả lên
chín mươi chín ngọn núi - những đầu hồi khấp khểnh
chín mươi chín cây thông - hàng cơm nguội bụi bặm
cõi thiêng trời rộng
những con chim-diều-giấy
lượn lờ bay lên
Chim phượng, chim phượng
đã dời tổ về phía sau mặt trời ?
Những đường lượn của sải cánh ngũ sắc
đã vòng qua mấy trùng khơi ?
Giã biệt ngọn tùng cao lao xao
truyền thuyết hồi ức
toát mồ hôi hột
đường nhấp nhổm vũng ổ gà chóng mặt
đâu là những ban mai xoè cánh
con mách khách đuôi dài - sứ giả của mẹ
con chích choè học bài dậy sớm
tiếng vàng anh rơi rơi
bay theo chim là dải nắng vàng trời
Giã biệt cửa rừng chiến trận
những cành sao cháy đen
khoảng trống không ngầu bụi
trảng cỏ đế tàn tro nghi ngút khói
những người lính chiều đông nhớ nhà
nhìn đỉnh rừng mây tụ
bóng chiều xa xa xa
ai khẽ reo: chim phượng bay về !
Đất lặng phắc là khi
tấm khăn rằn em gái phươngNam
ủ về lán chú chim non kêu lí nhí
trở dạ sau cơn hồng thuỷ
nghe sáng trời thảng thốt giọng từ quy
Thứ lỗi cho ta
những sinh thể bay cao hơn ý tưởng của ta
nhìn xa hơn ta
mặt đất bộn bề...
xin đừng giã biệt !
Vực trời sâu hút
mù sương quái chiều
chim phượng, chim phượng
thả cái bóng thuở nào cho lũ trẻ đùa reo...
Cỏ may
Trở lại triền đê lối cỏ
Mùa thu chừng cũng thăm nhà
Một dải sông Hồng cát sáng
Chi chút tâm tình cỏ hoa
Chẳng biết vì ai líu ríu
Những bông cỏ dọc đường đời
Vạt áo heo may dìu dịu
Phải lòng nhau đấy , người ơi !
Ai biết lối này thi sĩ
Để vương cả gió một chiều
Thu tiễn em về đến ngõ
Hãy còn hoa tím bao nhiêu...
Thành phố Nam Định, 27-8-2009
Ngoảnh lại Giang Đình
Rặng bần áp bến đò ngang
Để sông Lam chẳng lẫn sang sông Tần
Đỉnh Hồng gấp cánh phù vân
Chín mươi chín ngọn in ngần trời quê
Bên sông buổi ấy người về
Mon men tùng cúc thu kề ngoài song
Giang Đình kề mảnh trăng trong
Tiếng chày ánh lửa động lòng cố hương
Vớt lên khói sóng Tiền Đường
Trăm năm ngày cõi vô thường người ta
Bụi hồng bạc xoá lau xa
Tiếng Kiều đồng vọng cỏ hoa cúi đầu
Sông in núi chẳng thay màu
Ngả dài điệu sóng thuyền câu bập bềnh
Giang Đình ngày rộng thênh thênh
Cánh buồm xa thoắt qua ghềnh chiều lên
Cỏ thơm vạt áo Tiên Điền
Thi nhân chừng mới như biền biệt đây?
Chiều tà buộc nắng lưng cây
Biết đâu mây trắng còn ngây lối về…