Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HƯƠNG CÀ PHÊ BUÔN MÊ

Trần Trung
Chủ nhật ngày 22 tháng 5 năm 2011 5:15 AM
  HƯƠNG CÀ PHÊ BUÔN MÊ

Nguyễn Thị Kim Thanh

Sáng Buôn Mê, trời trinh nguyên trong xanh
Như áo em xanh một thuở yêu thương
Rừng cà phê ngút ngàn trong sương sớm
Hoa cà phê trắng tím một góc trời
Buôn Mê Thuột đẹp quá em ơi!
Như bức tranh một thời em phác họa
Hương cà phê gợi nhớ bao điều
Nhớ cái thuở anh, em đồng đội
Ta lạc nhau giữa bạt ngàn đồi núi
Có em gái Buôn Mê mang về gió mới
Ngơ ngác nhìn như nai non lạc lối
Làm đắm lòng bao du khách phương xa
Mắt tròn xoe, em cười tươi mời gọi:
“Trong kia có võng nằm, có voi làm xiếc
Có cả mát – sa và nhiều trò vui khác
Xin quý khách dừng bước, tạm nghỉ chân”
Tôi nhìn em ái ngại, thương thầm
Hương cà phê Buôn Mê mời? – tần ngần
Nhìn em, tôi bất chợt giật mình
Đôi mắt em xanh mơ đẹp thiên thần
Như đường nét hoang dã – thanh tân
Có bóng dáng bà Âu Cơ thời mở đất
Những hòn đá nằm im, chứa bao bí mật
Hương cà phê Buôn Mê, hương vị quê nhà
Vị ngọt ngào, quyến rũ khách đường xa
Đến một lần để ngắm bầu vú sữa Buôn Mê!
PHẢI LÒNG CÀ PHÊ BUÔN MÊ
Trần Trung
Trên tay tôi là tập thơ “Sông Mai” (Nhà XBVH – 2011) với ngót tám mươi bài thơ mang sắc điệu tâm hồn riêng của nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Thị Kim Thanh. Có thể chưa tạo được ấn tượng về sự độc đáo, ám ảnh, nhưng - “Sông Mai” đủ thấm tháp dư vị giản dị, ân tình của nhà thơ nữ này.
Một chiều hướng cảm hứng trong thơ của Kim Thanh thuộc về những miền đất mà chị đã sống, đã trưởng thành và đã qua. Đất Tây Nguyên Buôn Mê phóng khoáng mà ân tình, cà phê Buôn Mê đậm đà ngát thơm, hút hồn nhà thơ. Và, điểm dừng ấy, đã giúp Kim Thanh cảm hứng, xúc động cùng suy tư mà tạo nên thi phẩm: “Hương cà phê Buôn Mê”.
Rung động từ sắc mầu xứ sở, Buôn Mê đem đến cho bài thơ ấn tượng về chất “thi trung hữu họa”. Một cách nói khác: “Hương cà phê Buôn Mê” của Kim Thanh dịu dàng và mê đắm tỏa lan từ sắc màu của miền đất này, con người đất này. Ngay từ câu thơ đầu, câu thơ quan sát và khơi nguồn cảm xúc đã nhập hòa thời gian và không gian. Ăm ắp và tràn đầy sắc màu xanh tươi, quyến rũ:
“Sáng Buôn Mê, trời trinh nguyên trong xanh
Như áo em xanh một thuở yêu thương”.
Thời gian của hiện tại và thời gian mát lành kỷ niệm chợt như đan quyện, chợt đi về trong nỗi nhớ thương Buôn Mê. Đất trời và con người Buôn Mê đang xôn xao bừng hiện vẻ đẹp trong trẻo, mát lành. Vẻ đẹp ấy khiến ta nghẹn lòng trong xúc động và nâng niu, chiêm ngưỡng cả “trời trinh nguyên trong xanh”. Hình ảnh “trời trinh nguyên trong xanh” tạo dựng và chân thành từ đôi mắt - tâm tư của nhà thơ. Nói trời đất thiên nhiên mà thực ra cũng là nói tới sắc mầu – con người, sắc mầu thanh tân -  trinh nguyên của thiếu nữ.
Có một sắc màu đẹp luôn tạo nên sự đồng nhất và liên tưởng vẻ đẹp tâm hồn của con người - nhất là sắc màu thuộc về tình chung thủy, lòng chung thủy - Kim Thanh đã cảm nhận và đưa vào thi phẩm của chị.
Trăn trở từ “Hoa cà phê trắng tím” lại được gặp gỡ và tỏa lan cảm xúc từ lời thơ cảm thán, đã khiến Kim Thanh viết nên những câu thơ ý vị và chân thành:
“Hoa cà phê trắng tím một góc trời
Buôn Mê Thuật đẹp quá em ơi!”
Phải chăng, đây cũng là cái cách biểu đạt mang dư vị của tính hàm xúc trong ngôn ngữ của thơ ca: cụ thể và khái quát. Và, đấy cũng là một cách định giá sắc mầu tinh thần của con người trong cuộc sống: tình chung thủy.
Chảy theo mạnh cảm xúc tâm tình và cấu tứ của: “Hương cà phê Buôn Mê”, có thể gọi ra: cách cấu tứ từ sắc mầu, hương vị Tây Nguyên; sắc mầu và hương vị Buôn Mê. Trong sự chảy trôi và nhất quán ấy, Kim Thanh chợt đẩy lên một tầm cao hơn của ý tưởng; tứ thơ cũng thêm một tầng bậc, sắc mầu của cảm xúc lẫn suy tư:
“Hương cà phê gợi nhớ bao điều
Nhớ cái thuở anh, em đồng đội
Ta lạc nhau giữa bạt ngàn đồi núi
Cô em gái Buôn Mê mang về gió mới”.
Cách đẩy ngôn ngữ và hình ảnh tạo nên tứ thơ, nhà thơ đã đạt được cảm giác đắc địa cả lối thơ chân thành của tình và ảo hóa, mộng mơ trong nghệ thật thơ. Tựa như câu thơ:
“Đôi mắt em xanh mơ đẹp thiên thần
Như đường nét hoang dã – thanh tân
Thế là, hương vị Buôn Mê, sắc mầu và chất riêng của mảnh đất Tây Nguyên này, con người xứ sở này, cả đặc sản của nơi này… đã thành miền – đất – hứa, miền yêu thương khó quên. Cũng chính vì thế, đất và người Buôn Mê, trong rung động của nhà thơ, tất trở thành địa chỉ vẫy gọi – vẫy gọi và quyến rũ không chỉ với con người xứ sở:
“Hương vị cà phê Buôn Mê, hương vị quê nhà
Vị ngọt ngào quyến rũ khách phương xa
Đến một lần để ngắm bầu vũ sữa Buôn Mê!”
Bài thơ “Hương cà phê Buôn Mê” của Kim Thanh  có thể còn dàn trải câu chữ; có thể giãi bày và kí thác tâm tư theo điệu kể, giọng kể. Mà, cũng có thể là tiếng thơ của con người tham yêu mà nặng tình, nặng nghĩa. Nhưng, tôi vẫn thích hương vị riêng, tinh chất riêng của cà phê Buôn Mê. Và, tôi cũng không ngần ngại mà bộc bạch: tôi phải lòng vị riêng, hương riêng của hồn thơ nhà giáo, nhà thơ Kim Thanh!
Hà Nội 18/5/2011