Diêu bông
Lúc người hỏi tôi về Diêu Bông
Là sóng tràn lên ngập cõi lòng
Thi sĩ năm xưa đi tìm lá
Có biết rằng “chị ” giấu chốn hư không?
Người hỏi tôi về lá Diêu Bông
Để xua tan cái rét cắt lòng
Nay người không cất công tìm lá
Vì biết rằng lá còn mải ngủ đông…
Ôi lá diêu bông, lá diêu bông
Nhớ thương xao xác những cánh đồng
Thì đây một lần ta xòe lá
Ngắm người thỏa nguyện với Diêu Bông…
TRƯƠNG NAM CHI
Lời bình : DUNG THỊ VÂN
NHỚ THƯƠNG XAO XÁC NHỮNG CÁNH ĐỒNG
Lại một người thơ nữa viết về lá Diêu bông. Có lẽ Trương Nam Chi cũng khắc khoải về sự tích lá Diêu bông của cố thi sĩ Hoàng Cầm mà lòng chị cũng dạt dào những cảm xúc để cho ra đời …Thêm một bài thơ tình viết về lá “Diêu bông”. Một Diêu bông hình tượng của thực và hư, của tất cả mơ hồ nhớ nhung tuyệt vọng, của yêu thương nồng cháy mà ngày xưa Hoàng Cầm đã đau thương trong ngấn lệ khi đi tìm chiếc lá, người đã trong vô vọng kiếm tìm đã kìm nén nỗi lòng mình theo tháng năm và đau đáu suốt một cuộc đời. Trương Nam Chi vì lẽ đó mà đau theo dòng cảm xúc để mà nói lên lời thơ:
“Thi sĩ năm xưa đi tìm lá
Có biết rằng “chị”giấu chốn hư không?”
Vâng, chốn hư không là bụi mờ thế gian, là tất cả những ảo ảnh yêu thương mà loài người luôn kiếm tìm trong vô vọng. Điều gì có là đã được thượng đế sắp sẵn cho con người hết rồi. Nhất là tình yêu. Thiên mệnh đã có rồi thì chả ai hoài cất công tìm kiếm. Cái đau khổ và đau thương nhất của con người suy cho cùng rồi đó cũng chỉ là tình yêu. Dù biết rằng đời vẫn có câu: “Có tiền mua tiên cũng được”. Vâng, ta sẽ mua được tất cả và có tất cả kể cả tình yêu! Nhưng liệu tình yêu đó có thực hay không? Bởi vậy mà Trương Nam Chi đã nhấn mạnh từ “chị giấu chốn hư không?”. Nghe thật nhẹ nhàng đấy nhưng thực ra nếu ở trong tâm trạng thì đúng là tan nát cả cõi lòng, giấu chốn hư không?..Chao ơi nó xa vời và hoảng loạn vô cùng. Thật bi đát cho người thơ Hoàng Cầm mà Trương Nam Chi cho đến bây giờ vẫn còn thấu đáo những lời thơ xưa ấy để mà viết hộ ông những nỗi niềm tâm sự đầy lòng trắc ẩn.
Tôi không muốn dài dòng, nhưng “riêng với bài thơ này” thiết nghĩ ta cũng nên viết lại một đôi chút về “lá Diêu bông” của Hoàng Cầm, như những lời cảm ơn và tưởng nhớ đến người, nhờ lá Diêu bông của người mà đã cho chúng tôi những người cầm bút đã tuôn trào dòng tư tưởng theo lá Diêu bông của người. Tôi xin copy lại bài viết (hoặc…) trên mạng của tác giả myheartmoscow về chuyện Hoàng Cầm để cho mọi người có dịp đọc lại:
“Lá Diêu Bông là lá tưởng tượng để bày tỏ ẩn tình bi thương, chất ngất. Ân tình đó được phổ biến qua tiếng hát với cung đàn. Làng Đình Bảng, Bắc Ninh tuy là miền quê nhưng cũng là “nơi đàn bà con gái đa tình, sóng sánh mắt lá răm” trông mòn con mắt. Trong bài thơ Lá Diêu Bông, mở đầu, Hoàng Cầm đã viết “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để phác hoạ hình ảnh điạ phương với bóng dáng trang phục diễm kiều cuả người gái quệ Năm Hoàng Cầm lên 8 tuổi, từ tỉnh ở trọ học, trở về thăm nhà gặp người con gái 16 tuổi – tên Vinh – yêu kiều trong chiếc váy bước vào hàng xén cuả thân mẫu Hoàng Cầm. Cậu bé 8 tuổi quá lãng mạn đã bị “tiếng sét ái tình” (coupđe-foudre) (amour subit & violent) ngay tức khắc. Tiếng sét ấy đã đi sâu vào trái tim, gần 70 năm sau Hoàng Cầm tâm sự: “Trước mắt tôi, Chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả đến học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số 1, xe xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần cuả tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ điù hiu, tỉnh nhỏ… Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng”. Người con gái đó biết được mối tình si cuả cậu bé học trò. Thế nhưng “Chị vẫn dứt áo ra đị Đi lấy chồng. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm, không thấỵ Biền biệt tăm cá bóng chim…”. Theo Hoàng Cầm, Lá Diêu Bông “là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thời thơ ấu”. Chiếc lá ấy mang theo hình ảnh có thật với Hoàng Cầm: “Tôi còn nhớ mồn một một buổi chiều muà đông… Chị đi về phiá cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ Những dãy nuí xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn thờ tìm đồng chiềụ Cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng theo sau lưng : Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng…”.
Mang hình ảnh đó những 25 năm sau, bài thơ Lá Diêu Bông cuả Hoàng Cầm mới ra đờị
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thờ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
……………………………….”
Để tưởng nhớ đến người với những dòng tóm gọn như thế đã là quá đủ cho một tiếng cám ơn người, Trương Nam Chi đã viết :
“Người hỏi tôi về lá Diêu Bông
Để xua tan cái rét cắt lòng
Nay người không cất công tìm lá
Vì biết rằng lá còn mải ngủ đông…”
Với những từ thật nhẹ nhàng, nhưng nó như những tiếng khóc thầm của một tình yêu. Cái rét cắt lòng, người không cất công tìm lá, lá còn mãi ngủ đông…Lá Diêu bông mơ hồ sẽ ngủ mãi trong mùa đông bất tận trên cánh đồng thơ của Trương Nam Chi. Tình yêu đã không có , tất cả chỉ là mơ hồ thì tìm ở đâu?...tìm ở đâu đây …Trong mơ hồ, trong tưởng tượng mà tác giả thấy lòng lạnh lẽo giá băng để viết nên cái rét cắt lòng. Hẳn là người cũng thấu đáo cho nỗi lòng của Hoàng Cầm lắm mới tuôn trào những lời bi thương như vậy.
Trên cánh đồng bất tận của tình yêu chỉ còn là nỗi nhớ nhung da diết. Những cánh đồng mang cả một cuộc tình buồn cho nhân thế... Trương Nam Chi viết với cả một sự tưởng tượng huyền bí mà chính cả cuộc đời cố thi sĩ Hoàng Cầm vẫn không lý giải được lá Diêu bông. Cho dù Hoàng Cầm đã trải qua hết một kiếp người mà chính người vẫn không giải thích đượcvề lá Diêu bông. Vậy thì chiếc lá muôn đời muôn kiếp sẽ mãi mãi là lá hư ảo, lá vô vọng để cho chúng ta suy diễn và suy diễn trong hư không, trong đau khổ một mối tình. Ở đây Trương Nam Chi vẫn suy diễn lá Diêu bông để thỏa nguyện trong tư tưởng của mình.
Thì đây một lần ta xòe lá
Ngắm người thỏa nguyện với Diêu Bông…
Dung Thị Vân
HV Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh
19.05.2011