Hiện thực Việt Nam những năm 30- 45 có rất nhiều biến động: Đất nước mất tự do, nhân dân nô lệ, lầm than…, họ phải sống trong cảnh “ một cổ đôi tròng”. Căm ghét xã hội thực dân phong kiến thối nát, phê phán mãnh liệt các thế lực thống trị xã hội, trên cơ sở cảm thông, yêu thương và trân trọng con người, nhất là những con người bị vùi dập, trà đạp. Đó là cảm hứng chung của các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 30-45. Nếu như các nhà văn : Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… luôn lên tiếng bênh vực các nhân vật có số phận bi đát của mình bằng giá trị hiện thực đi cùng với giá trị nhân đạo trong mỗi tác phẩm. Số phận những con người trong “Cánh đồng lưu lạc” của Hoàng Đình Quang được ra đời trong một bối cảnh xã hội loạn lạc vào thời kỳ kháng chiến chống pháp cũng rất bi đát và đau thương. Thật ra bất cứ tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, giá trị hiện thực bao giờ cũng đi liền với giá trị nhân đạo. Tác phẩm càng xuất sắc, những giá trị ấy càng thẩm thấu, thống nhất nhau và khó tách rời. Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bởi vì nội dung phản ánh ( và tiếp nhận)- yêu thương, trân trọng hay căm ghét, khinh bỉ? Tách riêng ra hai giá trị là làm phá vỡ sự gắn liền hữu cơ của một chỉnh thể nghệ thuật vốn dĩ thống nhất. Phải nói rằng: Số phận con người trong “Cánh đồng lưu lạc” cũng là đúc kết từ giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của đời sống. Vậy số phận những con người ấy sẽ đi về đâu hay lại bị đẩy vào “bước đường cùng” không lối thoát như Anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo…? Bạn đọc hãy cùng tôi tìm hiểu.
Năm 2007, tình cờ tôi đọc được tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc của nhà văn Hoàng Đình Quang ( cũng có đoạn đọc kỹ và cũng có chỗ thoáng qua). Lúc đó tôi cũng chẳng biết Hoàng Đình Quang là ai, cứ đọc những con chữ trong tiểu thuyết như một sự giải trí giữa bề bộn cuộc sống. Từ chỗ không muốn đọc( vì không có thời gian), nhưng mở cuốn sách ra, tôi lướt qua những dòng chữ giới thiệu về tiểu thuyết rất giản dị, chân tình ( điều này không thấy ở một số các tiểu thuyết khác) :“Nếu nó không hay, không hấp dẫn bạn thì tôi, với tư cách là tác giả, xin bạn hãy khoan buông xuống, mà đọc thử đoạn này. Rồi sau đó có đọc tiếp hay không, là quyền của bạn…” . Đúng, đọc tiếp hay không nữa là quyền của tôi…Thế là tôi đọc trong một thời gian rất dài vào lúc rỗi việc. Bẵng đi bao năm nay bon chen giữa dòng đời xuôi ngược, dường như tôi thấy mình gần như vô cảm trước văn chương. Cuối năm 2010, tôi về Thái Nguyên công tác, có đi ngang một cái làng gọi là “Làng Sơn Cốt”, lúc này trong đầu tôi mường tượng ra không gian, bối cảnh của một tiểu thuyết mà mình đã từng đọc. Cánh đồng Lưu Lạc nằm ở đây chăng? Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, điều đọng lại trong lòng tôi nhất vẫn là số phận của những con người có thân phận thương tâm. Đây chính là điều làm tôi day dứt nhất, để rồi… đến bây giờ mới viết lên được những cảm nghĩ về số phận con người trong tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc, đến bây giờ mới suy tư cùng tác giả…
Liệu rằng có muộn quá không? Tôi thiết nghĩ : Một tác phẩm có giá trị thì vẫn luôn sống mãi trong lòng độc giả, dù hôm nay, ngày mai và cả mai sau… Ở đây tôi không cảm nhận Cánh đồng lưu lạc bằng sự đạt giải hay giải thưởng( dù rằng tác phẩm đạt giải B cuộc thi tiểu thuyết do hội nhà văn tổ chức năm 2005), tôi chỉ muốn nói bằng cái tâm của mình khi đến với văn chương chân chính. Suốt 358 trang sách giống như mỗi trang đời của những mảnh đời quái dị, bất hạnh được lật qua. Nhân vật tôi- ngôi thứ nhất liệu rằng có phải chính là sự hóa thân của tác giả Hoàng Đình Quang? Có lúc nhân vật tôi tự sự, có lúc đau xót, có lúc mừng vui khôn xiết…cho các nhân vật trong tác phẩm. Đôi khi “Tôi” lại giống như một ông nông dân quê mùa, nhưng có lúc lại như một phóng viên cuộc đời dày dạn kinh nghiệm để đối chọi với cái hiện thực khắc nghiệt của làng quê.
Nếu như chưa đọc tiểu thuyết, chỉ nghe qua cái tên Cánh đồng lưu lạc , thì người ta vẫn nghĩ đó là một địa danh có tên tuổi và địa chỉ rõ ràng. Không có sự mơ hồ ngay từ tiêu đề ( mà một số tác phẩm khác vẫn gây mơ hồ cho người đọc từ tiêu đề). Người tinh ý sẽ nhận ra được giá trị hiện thực ngay ở cái tên đề. Đi vào tác phẩm sẽ thấy: Đó là một cái làng đông dân ngụ cư, nằm bên cạnh một đồn điền cũ của chủ người Pháp. Đó là những con người có số phận khác nhau từ tứ xứ về đây tụ họp và sống thành một cái làng. Cánh đồng Lưu Lạc mang tên cũng vì lý do đó. Nghĩa đen của tiêu đề tác phẩm là vậy. Hai chữ “Lưu Lạc” là một địa danh, cũng được viết hoa. Nhưng cánh đồng lưu lạc cũng có thể là tính từ để chỉ nghĩa bóng. Phải chăng số phận của mỗi nhân vật đều là những ẩn số mà ta phải đi kiếm tìm? Thì đấy, Cánh đồng lưu lạc nghĩa bóng chỉ về số phận lưu lạc của con người. Nghĩa đen chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân văn lại nằm ở nghĩa bóng trong tác phẩm.
Ở bài viết này, điều tôi muốn làm nổi bật nhất vẫn là việc so sánh số phận của con người trong Cánh đồng lưu lạc với số phận của những con người ở dòng văn học hiện thực phê phán (1930- 1945). Ở trên Cánh đồng Lưu Lạc ấy có đầy đủ các con người với đầy đủ những số phận khác nhau. Đó cũng là một màn ảnh “thu nhỏ” của xã hội Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ( không chỉ riêng một cánh đồng Lưu Lạc mới có dân ngụ cư). Đề tài về người nông dân “ngụ cư” cũng được nhà văn Kim Lân đề cập tới trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Nhưng số phận của Tràng và Thị cùng là dân ngụ cư còn may mắn, hạnh phúc hơn nhiều so với những con người ngụ cư trong Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang. Đó là ông giáo Hoan, có vợ bị chính bố vợ giết vì không nghe theo sự sắp đặt ép duyên của bố. Biết bao nhiêu người nghèo đói tha phương cầu thực, có cả những kẻ chưa chừng đã là lưu manh bất hảo. Bị kịch nhất là Nga- con gái của ông giáo Hoan có hoàn cảnh thật trớ trêu. Cô đang dạy học thì vì lấy Kỳ mà bỏ việc về nuôi dưỡng bố mẹ chồng trong khi Kỳ đi chiến trường. Nếu như Kỳ không hy sinh ở chiến trường thì có lẽ Nga không phải rơi vào bi kịch đau khổ tột cùng. Kỳ hy sinh, anh là con trai duy nhất của Lão Tuân, là cuối chót của dòng họ này tại làng Sơn Cốt. Lão Tuân cũng là người biết đạo, biết chữ nghĩa nhưng chả ra đâu vào đâu cả. Vợ lão ốm liệt giường . Cũng vì lão sợ không có người nối dõi tông đường nên Lão đã mắc phải tội loạn luân với Nga( con dâu lão). Từ một người con dâu ngoan hiền, hiếu thảo, Nga đã bị lão Tuân biến thành một kẻ “tòng phạm” để thực hiện hành vi loạn luân. Một mặt, cũng vì lão Tuân coi trọng người hương khói cho dòng họ khi lão qua đời. Kỳ hy sinh, không lẽ số phận lại thui chột không có cả người hương khói cho lão sao? Bởi có ý nghĩ thế, nên lão Tuân quyết định chống lại số phận bằng cách toan tính loạn luân với con dâu mình. Lúc đầu Nga cự tuyệt lão ra mặt bằng cách nói trống không, không còn tôn trọng kẻ trên- người dưới. Ta hãy xem cách đối thoại của Nga với bố chồng:
-Vợ Kỳ hôm nay ở nhà để thày đi cày chỗ đất củ Đồng Quán cho.
Chị Nga đáp lại:-Không. Cứ ở nhà đấy. Lần khác chị bảo: “Đưa tiền mua đường cho u.” Rồi: “Chả thiết.”
Đây là một thái độ “ngang hàng” mà Nga ngầm thông báo cho lão Tuân biết sự thiếu tôn trọng của cô. Bởi thế mà lão Tuân đau lắm. Ông im lặng một cách nhịn nhục để lấy lòng Nga. Ông sợ sự cự tuyệt của Nga, sợ mất đi giống nòi… Rồi chính cái oái oăm đấy đã đẩy Nga vào tình thế xiêu lòng, cô đã thay đổi suy nghĩ cự tuyệt trước đây. Đó cũng chính là khát khao của người đàn bà “dở bữa” khi bắt gặp những ý nghĩ chỉ trong cảm tính. Lão Tuân- Nga đã rơi vào tấn bi kịch tinh thần mắc phải tội loạn luân mà xã hội không thể tha thứ. Ngòi bút của nhà văn Hoàng Đình Quang lúc này như đẩy lên cao trào, đầy kịch tính. Nhất là cách đối thoại giữa Nga và Lão Tuân, khiến người đọc đâm lo lắng, hồi hộp, chờ đợi và mong sao đừng có sự loạn luân ấy. Nhưng sự việc đã rồi… Hàng trăm cái giá như được đặt ra lúc này với Nga… Gía như …đừng… . Mở màn cho số phận đau khổ của Nga cũng là từ đây. Người đọc nghẹn ngào, thương cảm và trách cái tư tưởng nặng đạo lý “nối dõi” ở đời. Chỉ còn biết chép miệng thở than cho bi kịch của Nga. Khốn nạn thay. Một kiếp người!
Hoàng Đình Quang có cái tài trong vốn từ vựng khi miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật Nga và cuộc độc thoại nội tâm của Lão Tuân. Cho thấy nỗi đau khổ, dằn vặt của hai con người trong bi kịch. Những từ ngữ mà nhà văn dùng rất mộc mạc và dung dị. Nhưng cái dung dị này thật cao, thật tinh tế. Ông Tuân, vừa cảm thấy bực bội, nhưng lại có cảm giác thinh thích, dịu dàng, không thấy có cái vẻ xa cách bố chồng nàng dâu như trước. Chứ còn gì nữa? Họ đối đáp với nhau nhấm nhẳng, như là một cặp nhân ngãi. Ông bố chồng cũng bắt đầu giở giọng phiêu lưu:
-Cứ để cho tôi chết quách đi cho xong, sống làm gì, sống mà không con cái, không kẻ nối dõi. Cô là đàn bà làm sao biết được cái khổ tâm của kẻ tuyệt tự.
Chị Nga tiếp tục quay sàng, miệng vẫn đều đều:
-Thiên hạ cũng đầy ra đấy chứ nào riêng ai. Đằng này con người ta xông pha ngoài mặt trận mà bỏ mạng chứ ăn cướp ăn trộm gì mà xấu hổ?
Bỗng ông Tuân đổi giọng:
-Nga ơi, hay là con tìm người nào mà chắp nối lại đi, chứ sống mà như thế này, lúc khỏe trẻ không sao, về già như thày u, khổ lắm, nhục lắm!
Chị Nga vẫn giấm giẳng:
-Chả thiết!
-Còn cái tuổi xuân, con gái đàn bà có thì, có lứa, không ai trách con đâu. Hỏi con câu này, con với thằng Kỳ ăn ở thế nào mà già nửa năm trời vẫn không có gì?
-Ăn ở thế nào? Cũng như người ta chứ còn biết ăn ở thế nào?
-Hay là... tại con?
Bỗng chị Nga lắc mạnh tay, làm cho cái sàng vung ra khỏi nia, gạo thóc tung tóe ra nền nhà. Rồi chị buông tay sàng oằn người lên, tay chống ra sau, còn tay kia ôm bụng quằn quại, miệng ú ớ:
-Đau... đau quá!
Ông Tuân giật mình luống cuống chạy lại ngồi xuống sát chị Nga, nhưng không dám động tay vào người chị:
-Sao thế con?
-Đau quá! Chị vừa rên vừa bấu tay vào vai ông Tuân. Dìu ... tôi vào buồng!
Ông Tuân vội vàng xốc nách chị Nga, còn chị, vừa dặt dẹo lê chân trên nền nhà, vừa dựa hẳn người vào ông Tuân. Ông bố chồng đỡ con dâu nằm lên giường xong, hỏi nhỏ:
-Đau bụng à? Để lấy nắm tóc rối cho đánh gió nhá?
Chị Nga vẫn nhắm nghiền mắt, vùa lắc đầu. Lát sau, chị nằm im, thở dốc, hé mắt bảo ông Tuân:
-Ra khép hộ cánh cửa vào cái!
Ông Tuân lật đật làm theo, rồi quay vào, ghé ngồi lên mép giường. Thình lình chị Nga nắm lấy bàn tay ông Tuân, kéo sát, ghì chặt vào ngực, giọng lạnh băng:
-Đây! Làm gì thì làm đi!
Cái mong manh của tình yêu, của cuộc đời, cái thiết tha mộc mạc trong từng lời đối thoại, cái đau đớn khi chị Nga phải gượng ép…gói gọn trong những câu với nét đơn thuần Việt Nam như thế, chắc chỉ có cụ Nguyễn Du mới “thả” ra một cách nhẹ nhàng như thế thôi. Định mệnh của một đời người “Bắt phong trần mới được phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đỉnh cao nhất của Cánh đồng lưu lạc là xoay quanh số phận và cuộc hành trình lưu lạc của nhân vật Nga. Nhà văn Hoàng Đình Quang đã khéo léo xây dựng nhân vật Tôi đi theo suốt cuộc đời của Nga, để đồng cảm chia sẻ với “chị Nga” , có lúc lại thân thiết như một người yêu của chị. Lối tự truyện này rất thành công, tôi hiếm gặp ở các tiểu thuyết khác. Nói gì thì nói, rốt cuộc tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc vẫn đưa chúng ta trở về với vấn đề muôn thuở mà ở phương Đông ta quen diễn tả bằng hình ảnh hai cánh cửa của đời người, cửa sinh và cửa tử. Không ai thoát khỏi hai cánh cửa ấy: “sinh tử quan đầu mạc năng độ”. Sự khác nhau có lẽ tuy ở cách nhìn và những người đạt đạo, chứ không nhất thiết là có tín ngưỡng, sẽ nhìn một cách nhẹ nhàng hơn là người tham sinh úy tử”. Hoàng Đình Quang lại không phải là một nhà văn “đắc đạo” nhưng Anh vẫn có cái nhìn tinh tế, nhạy cảm trước mọi biến thiên của cuộc sống. Chỉ một lối tự truyện bằng nhân vật Tôi đã cho thấy một tâm hồn đồng cảm, muốn đi sâu vào quần chúng nhân dân để hiểu. Các nhân vật được nhà văn miêu tả hết sức khách quan về cá tính, từ đó Hoàng Đình Quang xoáy sâu vào số phận con người một cách tự nhiên, như thể là người trong cuộc. Dẫn dắt vấn đề miêu tả không gian, quang cảnh làng quê Sơn Cốt rồi đến những con người ngụ cư( đây là sự di chuyển loạn lạc của cuộc chiến tranh chống Pháp); mục đích cuối cùng của Hoàng Đình Quang là đưa người đọc tới “hai cánh cửa của cuộc đời”. Số phận của các nhân vật ở đây còn do yếu tố tâm linh định đoạt.
Tấn bi kịch tinh thần đã đảy Nga vào mối lo, sợ hãi và mặc cảm với người, với đời. Từ đây Nga đã trốn chạy khỏi dư luận, chạy từ cánh đồng Lưu Lạc để rồi lưu lạc tiếp trên những đoạn đường ấy. Nhưng đó là cuộc lưu lạc trở về. Số phận đưa đẩy, dòng đời cuốn trôi đi mãi, trên con đường chạy trốn, Nga đã gặp Tĩnh. Đó là một người đàn ông hết sức vị tha, chân tình. Anh đã cưu mang mẹ con Nga bằng trái tim đồng cảm, yêu thương. Họ đã yêu nhau bằng thứ tình cảm bao dung, hy sinh. Những tưởng rằng hạnh phúc ấy Nga và Tĩnh được ở bên nhau và khó chia lìa. Nào ngờ số phận của tình yêu đã để Nga- Tĩnh lại phải kiếm tìm nhau một lần nữa. Tĩnh đã bỏ thời gian chục năm trời để đi tìm Nga bằng tình yêu chân chính và hy vọng cuộc đời sẽ đổi thay. Nga chỉ mới nghe Bố nói về đoạn đời kháng chiến 9 năm bên Phú Thọ nên trong cuộc bỏ trốn, cô đã sang Phú Thọ. Ở đây, Nga may mắn gặp được ông Thức- cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống. Ông Thức đã vượt ra lễ giáo, phép tắc trong khuôn khổ gia đình để cưu mang mẹ con Nga và cho cô chân hợp đồng nắm than quả bàng. Không chỉ vậy, ông Thức còn cho mẹ con Nga ở lại, mà trong thời buổi loạn lạc hiếm có sự tốt đẹp như thế. Cũng thật tình cờ, sau này mới biết ông Thức chính là học trò năm xưa của thầy Hoan.
Thật là kỳ diệu! Cuộc chạy trốn như một phép màu và hình như có sự sắp đặt của số phận. Không phải ngẫu nhiên nhà văn Hoàng Đình Quang lại cho nhân vật Nga gặp được Tĩnh. Rồi lại một hành trình trốn tiếp tục, nhà văn lại để Nga gặp được ông Thức. Tôi cảm nhận đó là ý đồ mang tính chất nhân sinh quan mà Hoàng Đình Quang xây dựng rất tự nhiên trong thiên truyện. Số phận của Nga đã dần dần được mở ra một trang mới, với hy vọng có cơ sở, chứ không phải là mong manh. Hoàn cảnh không thể dồn đẩy Nga vào bước đường cụt, trái lại các hoàn cảnh, tình huống tiếp theo đã tạo đà để Nga có một bước nhảy mới… Tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc được đẹp hơn, có bước tiến bộ hơn là được xây dựng trên cơ sở cuộc chiến tranh chống Pháp. Bởi những cuộc loạn lạc, người dân phải đi tản cư và trong suốt hành trình di chuyển, mỗi con người lại có thêm một tình cảm mới tốt đẹp… Tất cả thấy cần nhau, yêu thương nhau và gắn bó với nhau hơn. Đó là hành trình lão Tuân đi tìm mẹ con Nga ( thằng Hận là con của lão với Nga), tìm được rồi nhưng lại không dám bắt cóc thằng Hận. Đó là tình yêu, sự đùm bọc của ông bà Thức đối với mẹ con Nga. Đó là tình yêu trở lại của Tĩnh với Nga sau cuộc buôn ba tìm kiếm như “mò kim dưới đáy bể”. Hoàn cảnh đã tạo nên thử thách, càng thêm tôi luyên ý chí, nghị lực của Tĩnh, Nga.
Tưởng rằng sự sống của các nhân vật chỉ là mong manh trên cái nền hiện thực chua chát ấy, nhưng càng đi sâu, quan sát từng khía cạnh, bước đi của nhân vật, người đọc càng thẩm thấu hơn khát vọng sống của mỗi con người, dù chỉ còn hy vọng nhỏ nhoi. Ánh sáng mà mỗi con người lóe lên, mà lại không tắt, như sáng thêm soi đường dẫn lối để bước vào đỉnh cao của hạnh phúc. Cuộc đời của chị Nga tưởng chừng như “Bèo dạt mây trôi” rồi cuối cùng cũng có bến bờ nương náu. Sự ra đời của thằng Hận là nỗi đau của “Tôi”, của Nga, của lão Tuân, nhưng không phải là “Đau đời có cứu được đời đâu”. Chị vẫn sống, vẫn hy vọng…bằng khát vọng rất đỗi bình thường của người phụ nữ. Anh bộ đội xuất ngũ Tĩnh xuất hiện, là điểm mốc quan trọng làm thay đổi cuộc đời của Nga. Người đọc cảm thấy phơi phới niềm tin, vui mừng trong sự đoàn tụ của Nga- Tĩnh.
Cuộc đời đổi khác, mở ra nhiều hướng đi. Mỗi người có quyền nhìn xa hơn. mong ước nhiều hơn cảnh ngộ của mình, có quyền chọn lựa, có quyền bắt đầu một cái gì đó khác trước, để hy vọng vào tương lai… Có lẽ Nga cũng có suy nghĩ như thế từ khi chị gặp được Tĩnh. Tôi lại nhớ tới một triết lý sống trong tác phẩm Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải : “ Sự sống này sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những đau thương gian khổ. Ở đời không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Quan điểm sống này có thể đưa ra làm bàn đạp trong con đường, sự sống của Nga khi phải đương đầu với hiện thực phũ phàng trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc. Số phận của Nga tôi thấy có sự vận động hồi sinh. Nga hòa nhập vào hoàn cảnh, cuộc sống mới, vượt qua những mặc cảm thân phận , lột xác hồi sinh, từng bước hòa nhập với cộng đồng.
Quan niệm về số phận con người của nhà văn Hoàng Đình Quang đã xuất phát từ góc nhìn văn hóa, khắc phục bệnh sơ lược một chiều trong cách nhìn con người cá nhân của giai đoạn văn học trước đó. Điều đó làm nên khuynh hướng sáng tác chủ đạo của Hoàng Đình Quang tiến bộ hơn. Bộc lộ được thái độ tỉnh táo, điềm tĩnh của nhà văn trong việc soi chiếu vào những ngóc ngách đời thường muôn mặt. Tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc còn mang giá trị hiện sinh trong mỗi số phận con người. Gía trị hiện sinh nằm ở chỗ: Đó là sự sống của con người, cỏ cây, chim muông. Cũng có thể hiểu là sự sống trong tâm hồn, trong nhận thức. Không có gì trường tồn mãi với thời gian, không có cuộc sống, số phận nào là luôn luôn hạnh phúc. Cái chết phải luôn song hành cùng sự sống, có hy sinh gian khổ mới có hạnh phúc. Cuộc sống vốn rất phức điệu và đa chiều. Nó có muôn màu, muôn vẻ thiên hình và vạn trạng. Ông cha ta đã từng khẳng định: “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Đó chính là một dẫn chứng cho ý kiến trên. Không ai cấm, trên xác cây khô kia nảy sinh những mầm xanh, qua mùa đông tàn tạ úa vàng mới đến ngày xuân trăm hoa đua nở. Số phận của Nga, của Lão Tuân, Tĩnh đã phần nào minh chứng cho giá trị hiện sinh. Trên cánh đồng Lưu Lạc đó, tôi vẫn còn nhớ như in chi tiết : Nga chạy ra cánh đồng trước khi xảy ra bi kịch loạn luân với lão Tuân. Phải chăng đó cũng là những phút giây để Nga tĩnh tâm, suy nghĩ, chứ không phải bế tắc không lối thoát.
Với số phận của lão Tuân, bản thân tôi dễ dàng tha thứ được. Lão có duy nhất một người con trai đi lính thì chẳng may hy sinh, vợ thì ốm liệt giường. Lão Tuân và Nga giống như hai chiếc bóng thầm lặng trong ngôi nhà. Một cuộc sống như thế, một số phận như thế thì có gì là sung sướng đâu. Ý nghĩ loạn luân với con dâu cũng là để vớt vát phần nào cho dòng họ của lão có người hương khói. Lão rơi vào bi kịch là phải treo cổ tự tử. Cái đạo lý đã bóp nghẹt tâm hồn khao khát sống của Lão. Được Nga cứu sống, lão thấy rằng cần phải sống. Bà con làng xóm láng giềng tới thăm hỏi, không ai biết lão Tuân tự tử. Chỉ còn lại một nỗi xót xa, đau đớn lặng thầm trên chiếc bóng của hai con người. Nga đã hiểu được lão hơn, hiểu rằng không phải lão có ý đồ xấu xa, hay ham muốn của một người đàn ông bình thường. Xuất phát từ sự thương hại, Nga đã thuận lòng để lão Tuân có người nối dõi. Thằng Hận ra đời là kết quả của mối tình loạn luân giữa bố chồng- con dâu.
Nhà Văn Hoàng Đình Quang không chỉ thành công ở đề tài viết về người nông dân Việt Nam trong thời buổi chiến tranh loạn lạc( cụ thể là nông thôn Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp). Bởi đề tài người nông dân cũng không có gì mới mẻ so với các nhà văn giai đoạn 1930- 1945 như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân… . Cái đói, cái khát, cái tăm tối của làng quê, chế độ thực dân phong kiến vẫn còn… Nhưng số phận của người nông dân trong tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc có vẻ cao hơn một bước về mặt nhận thức, về suy nghĩ đau đớn của người có học thức. Lão Tuân đã từng trăn trở trước sự sống và cái chết. Thoát khỏi cái chết thì lão lại hướng tới ý nghĩ sống mới. Cái trăn trở của một con người biết đạo lý, vẫn còn tuân thủ lễ giáo phong kiến. Bà vợ lão Tuân rất thương con dâu nhưng vẫn muốn cầm quyền ngôi vị mẹ chồng- nàng dâu. Từng đấy thôi cũng đủ cho thấy : Người nông dân coi trọng lễ giáo phong kiến, giữ ý, giữ tứ trong trong cách sống ở gia đình mà Hoàng Đình Quang đã thành công hơn một số tác giả trào lưu hiện thực phê phán. Nỗi đau của Nga, sự dằn vặt của lão Tuân chủ yếu nặng về tinh thần. Đó là nguyên nhân chính Nga và lão Tuân phải đối mặt với sự thật để sống. Phải bỏ làng ra đi không vì nỗi khổ vật chất, mà chính nỗi khổ tinh thần đã hành hạ lương tâm của Nga. Chi tiết lão Tuân phải thú nhận với ông giáo Hoan( bố Nga) về sự loạn luân thật tội nghiệp. Cho thấy một cách sống dũng cảm, dám làm, dám chịu của người nông dân. Nga thì chịu bao tiếng tăm, hy sinh cả bản thân mình không phải vì lão Tuân, mà vì giống nòi dòng họ lão. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của người nông dân được Hoàng Đình Quang phát hiện ra một hướng mở. Cái đói, cái nghèo, cái khốn khó… không phải là điều nhà văn quan tâm ở thiên truyện này.
Nếu như những tác phẩm thuộc trào lưu hiện thực phê phán, số phận của người nông dân đi vào ngõ cụt của sự sống, thì tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc có nhiều ngã rẽ trên cùng một con đường. Mà ở đấy, ngã rẽ nào cũng hướng về cái đích của sự sống. Đau đớn, quằn quại, Chí Phèo chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện. Mòn mỏi, lay lắt, những kiếp người trong Vợ nhặt của Kim Lân sống trong nghèo khổ, tủi nhục và âm thầm tiến đến bên bờ vực của cái chết, ngay khi đang sống. Chị Dậu phải bán cả con, bán chó để đổi lấy sự sống. Nửa đêm chị chạy ra ngoài, trời tối đen như mực. Đó chính là dụng ý nghệ thuật của “Tắt đèn” mà Ngô Tất Tố không thể làm cho cuộc đời chị Dậu sáng sủa được hơn. Mỗi trang văn của Nam Cao, Ngô Tất Tố và Kim Lân như thấm đẫm những day dứt, đau đớn về số phận con người, đau đáu một khát khao cho hạnh phúc nhân thế và ngời sáng một niềm tin bất diệt về con người. Dẫu rằng các tác phẩm văn học hiện thực phê phán có hướng đi khác nhau, một bên là sự trăn trở trước nỗi khổ của một số phận bị chà đạp, mất hết cả nhân hình lẫn nhân tính, không được quyền làm người, một bên là nỗi đau đớn của những thân phận bị rẻ rúng trong cái đói, nghèo, nhưng hai nhà văn đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân chính: ấy là cảm hứng nhân đạo thiết tha. Tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc dẫu sao vẫn có nét giống nhau là cùng viết về đề tài người nông dân với các nhà văn hiện thực phê phán. Đã nói đến sự so sánh là phải nói đến nét giống và khác nhau của hai trào lưu văn học. Đề tài chung đó, nhưng mỗi nhà văn có khám phá riêng về số phận và cảnh ngộ của người nông dân.
Nam Cao (1915-1951) là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc nhất của văn học Việt Nam giai đoạn 1939-1945. Năm 1941, tác phẩm Chí Phèo ra đời đã gây một tiếng vang lớn, đưa tên tuổi của Nam Cao lên đến đỉnh vinh quang của thành công nghệ thuật về đề tài người nông dân. Trước đó, văn học Việt Nam cũng đã xây dựng được những hình tượng người nông dân khá hấp dẫn trong xã hội cũ như chị Dâu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan... nhưng phải đến khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta mới thực sự thấy được hình tượng điển hình sắc sảo nhất cho nỗi thống khổ của người nông dân trước Cách mạng.
Cùng viết đề tài người nông dân trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp, Hoàng Đình Quang viết tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc dựa trên một sự thật ở xóm ngụ cư làng Sơn Cốt cho thấy những hoàn cảnh của từng con người đi tản cư, chạy nạn đều có số phận bất hạnh. Ý nghĩa của thiên truyện là: Cái đói, cái khát không thể làm nung nao ý chí của con người. Xoáy sâu nhất là nỗi đau về tinh thần, dù phải đương đầu với hiện thực khô khan, tàn tạ, nhưng người nông dân vẫn cứ khao khát vươn lên sự sống để mà hy vọng vào ngày mai.
Số phận của người nông dân trong văn học hiện thực phê phán từ Năm Thọ, Binh Chức đến Chí Phèo, cuộc đời bị bọn thống trị độc ác và nhà tù tàn bạo của chế độ thực dân làm tha hóa, biến chất và bị gạt bỏ ra ngoài xã hội loài người. Đỉnh cao của những nỗi khổ trong số phận Chí Phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Giữa bóng tối mênh mông của cuộc đời, vào một đêm trăng thơ mộng, Chí Phèo được gặp Thị Nở. Được sự săn sóc giản dị với bát cháo hành hiện thân của nhân tình, ý thức nhân tính trong con người Chí Phèo đã thức dậy. Chí Phèo khao khát trở về cuộc sống bằng phẳng của những con người lương thiện Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Chí Phèo hồi hộp hi vọng. Nhưng cánh cửa hi vọng vừa hé mở thì đã bị đóng sầm ngay lại. Vì bà cô Thị Nở hiện thân của những thành kiến, định kiến bất công, tồi tệ, vô nhân đạo của xã hội cũ đã không cho Thị Nở đâm đầu đi lấy một thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Thế là Chí Phèo thực sự lâm vào một tấn bi kịch tâm hồn đau đớn: bi kịch bị xã hội dứt khoát cự tuyệt làm người. Kết cục Chí Phèo phải tìm đến một cái chết đầy bi phẫn, thảm thương của một con vật.
Ở Trong Cánh đồng lưu lạc cũng có đỉnh cao nhất của bi kịch đầy kịch tính. Đó là bi kịch loạn luân mà xã hội không cho phép. Còn gì đau đớn hơn nỗi đau về tinh thần mà Nga- lão Tuân phải chịu đựng? So với bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, dẫu sao Chí Phèo chết để thoát một kiếp người, không còn phải khổ giữa chốn trần gian, thì bi kịch trong Cánh đồng lưu lạc phải trăn trở và vướng bụi hơn nhiều. Thế mà số phận hai con người ấy vẫn đi về đến đích cuối cùng của hạnh phúc đời thường. Lão Tuân vẫn đi tìm Nga và sản phẩm tội lỗi của mình. Nga vẫn sống đầy hy vọng trong tình yêu với Tĩnh. Cái thắt nút và mở nút của Hoàng Đình Quang làm người đọc đôi lúc ngỡ ngàng, trăn trở, nghĩ suy cùng với nhân vật. Số phận con người được Hoàng Đình Quang mở ra chiều hướng tích cực: cứ sống, cứ yêu…để rồi ta sẽ tìm thấy những hạnh phúc giản dị, ngọt ngào nhất xung quanh mình.
Kết thúc của thiên truyện Cánh đồng lưu lạc cũng khác rất nhiều so với lối kết thúc của văn học hiện thực phê phán. Chí Phèo kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh cái lò gạch cũ đã xuất hiện ở phần đầu tác phẩm. Khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và trong óc thị thoáng hiện ra hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ không và vắng bóng người qua lại. Có thể sẽ lại sinh ra một Chí Phèo con trong cái xã hội phong kiến thối nát ấy nữa. Nghĩa là cái bi kịch của số phận nghiệt ngã dự báo vẫn có thể xảy ra. Chị Dậu chạy ra ngoài trời tối đen như mực phù hợp với tên tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Với Cánh đồng lưu lạc thì lối kết thúc rất độc đáo và ngẫu nhiên. Cái tự nhiên của hoàn cảnh đã đưa đẩy hai mẹ con Nga và Tĩnh đi tìm mộ Kỳ. Ngay từ lúc sinh ra thằng Hận đã đẹp trai, chỉ một cái là bị ngây ngô. Nhưng khi tìm được mộ Kỳ thì thằng Hận trở nên mặt mũi sáng sủa, khôi ngô. Lối kết một cách thần bí :“ Tôi tin là anh Kỳ đã hiển hiện!”. Trong giờ phút này, chỉ còn đợi Kỳ hiện linh để tha thứ cho lỗi lầm của người sống. Tôi và có lẽ tất cả bạn đọc đều hồi hộp trước chi tiết tâm linh này. Số phận của con người trong Cánh đồng lưu lạc được đẩy lên chiều hướng tốt đẹp, một mặt cũng là do sự cố gắng vận động của mỗi con người. Mặt khác cũng là do yếu tố tâm linh định đoạt. Do mối lương duyên gặp gỡ giữa con người với nhau. Tất cả những điều đó càng làm cho tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc thêm mới mẻ hơn so với các tiểu thuyết trước đó và đương thời.
Ta cũng nên giải thích vì sao có sự khác nhau trong mỗi thiên truyện. Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử: Tác phẩm Chí Phèo cùng với một số tác phẩm hiện thực phê phán khác viết trước cách mạng tháng tám năm 1945, trong hoàn cảnh đen tối của xã hội đương thời. Còn Cánh đồng lưu lạc là tác phẩm của nền văn học sau cách mạng có khả năng và cần thiết chỉ ra chiều hướng tích cực của đời sống xã hội. Kết thúc Chí Phèo đầy ám ảnh, góp phần tạo nên kết cấu theo kiểu vòng tròn, thể hiện sự luẩn quẩn bế tắc của số phận người nông dân; đồng thời cho ta thấy hiện tượng Chí Phèo vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội cũ. Còn kết thúc Cánh đồng lưu lạc Hoàng Đình Quang mở ra một hướng giải thoát cho số phận các nhân vật, chỉ ra con đường sống của người nông dân chế độ xã hội mới, cho thấy dù khổ cực thế nào hay bị tra tấn tinh thần nặng đến đâu thì con người vẫn hướng tới giá trị hạnh phúc đời thường.
Nhà văn Sê Khốp đã từng nói: “Mỗi nhà văn chân chính phải là nhân đạo từ trong cốt tủy”. Điều này rất đúng với Hoàng Đình Quang hay với các nhà văn hiện thực phê phán Nam Cao, Ngô Tất Tố… . Trên mỗi trang sách của các nhà văn luôn luôn có một trái tim đập thổn thức vì nỗi đau của con người và tấm lòng trân trọng trước vẻ đẹp của họ. Tuy nhiên, mỗi nhà văn có những cách thể hiện, khám phá riêng rất đặc sắc để làm nên tính đa dạng, sinh động, hấp dẫn cho từng tác phẩm. Nếu như ở tác phẩm Chí Phèo đại diện cho trào lưu hiện thực phê phán, điểm đặc sắc riêng của Nam Cao là đã lớn tiếng tố cáo tội ác của xã hội thực dân phong kiến đã đấy người nông dân lương thiện vào tình trạng tha hoá, lưu manh hoá, huỷ hoại cả nhân tính và nhân hình của con người. Từ đó, tác phẩm đã vút lên tiếng kêu khẩn thiết đòi quyền sống, quyền làm người lương thiện cho những con người cùng khổ trong xã hội cũ. Điều đặc biệt là Nam Cao vẫn có niềm tin bất diệt vào bản chất lương thiện của người lao động và khẳng định khát vọng lương thiện của họ ngay cả khi họ bị đẩy vào tình trạng lưu manh hoá. Với Chí Phèo , Nam Cao là nhà văn đồng tình với khát vọng lương thiện của con người. Thì ta thấy ở Cánh đồng lưu lạc , Hoàng Đình Quang đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau bi kịch tinh thần của số phận con người. Nhà Văn khẳng định bản chất tốt đẹp của họ. Trong cảnh đường cùng lưu lạc, họ vẫn cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Ánh sáng của tình người là thứ ánh sáng đẹp nhất, rạng rỡ nhất ngay từ mở đầu thiên truyện, đẹp hơn cả hiện thực khắc nghiệt mà con người ngụ cư trên cánh đồng Lưu Lạc . Một ngọn cỏ mềm lặng lẽ nở hoa, cũng làm cho tâm hồn con người thêm khao khát sống, thêm yêu đời hơn. Hoàng Đình Quang còn thể hiện một khát vọng nhân bản của con người. Khi bị đẩy đến bước đường cùng, người lao động vẫn không bao giờ mất hết niềm tin, họ vẫn khao khát hạnh phúc, khao khát sống, bám lấy sự sống như một quy luật sinh tồn tất yếu. Điều đặc biệt là Cánh đồng lưu lạc còn mở ra một con đường giải quyết mới cho một bi kịch lẽ ra bế tắc nhất.
Hai mươi năm sau vào đến Sài Gòn gặp nhân vật Tôi , cả Nga, cả Tĩnh, cả thằng Hận có lẽ đều muốn trải lòng với nhân vật Tôi về cuộc sống, về đoạn đường đời suốt hai mươi năm xa cách. Họ đã có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau, có chăng chỉ còn là sự trăn trở trước vong linh của Kỳ. Tất cả đã đi tìm mộ của Kỳ trong niềm hân hoan, hy vọng… Tất cả chúng ta, bạn đọc ngồi đây đã từng nhỏ những giọt nước mắt xúc động cho bi kịch của Nga, lão Tuân để có thằng Hận, thì bây giờ lại theo chân hai mẹ con Nga, Tĩnh, Tôi đi sắm hối, ăn năn trước vong linh của Kỳ. Ai cũng tin rằng: Kỳ chắc chắn sẽ hiện linh và điều thấy rõ nhất là trên gương mặt của thằng Hận đã đổi thay. Kỳ chắc sẽ tha thứ để thằng Hận sống cho trọn vẹn kiếp làm người.
Tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc của nhà văn Hoàng Đình Quang khắc họa rõ nét nhất số phận của con người trong giai đoạn hiện thực Việt Nam những năm sau cách mạng tháng tám. Với một đề tài cũ về người nông dân và cảnh nông thôn Bắc Bộ những năm chiến tranh loạn lạc, song tác phẩm vẫn thành công ở sự phát hiện, khám phá mới mẻ về cảnh ngộ người nông dân và tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Vâng, từ trong cái chết, trong gian khổ hy sinh, vẫn có thể nảy sinh, hiện hình hạnh phúc và sự sống, đáng trân trọng biết bao! Vấn đề nhân sinh mà Hoàng Đình Quang đặt ra trong Cánh đồng lưu lạc rất đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm… . Kết thúc bài viết, tôi lại nhớ đến một bài thơ của một nhà sư . Dường như giữa Hoàng Đình Quang và nhà sư này có gì gặp nhau chăng ?
Mộc trung nguyên hữu hoả
Nguyên hoả phục hoàn sinh
Nhược vị mộc vô hoả
Toàn toại hà do minh
Tôi tạm dịch:
Lửa sẵn có trong cây
Vơi đi chốc lại đầy
Ví cây không có lửa
Xát lửa sao bùng ngay.
Cái “ngọn lửa đầu tiên” thắp sáng nên hi vọng ấy phải chăng đã được Hoàng Đình Quang đưa vào Cánh đồng lưu lạc mà phát triển, bổ sung thành một triết lý nhân sinh mới. Tôi luôn tin rằng: Cánh đồng lưu lạc sẽ Vượt qua sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết. (Sêđrin).
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/5/2011
T.H.N