CHIỀU THU QUÊ EM
Trương Nam Hương
Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ
Chuồn kim khâu lá trong vườn
Hoa chuối rơi như tàn lửa
Đất trời được ướp bằng hương
Con chim dấu chiều trong cánh
Để rơi tiếng hót khi nào
Hoàng hôn say về chạng vạng
Lục bình líu ríu cầu ao
Dòng sông mát lành tuổi nhỏ
Nước tung tóe ướt tiếng cười
Con bò mải mê gặm cỏ
Cánh diều ca hát rong chơi
Lúa bá vai nhau chạy miết
Dừa cầm gió lọt kẽ tay
Mây trốn đâu rồi chẳng biết
Chiều lo đến tím mặt mày!
Không gian lặn vào ngòi bút
Bé ngồi phác họa mùa thu
Quê hương hiện lên đậm nét
Buổi chiều rung động tâm tư
(*) Thơ Trương Nam Hương trong tập “Ban mai xanh”-NXB Đồng Nai 1994
CHIỀU THU QUÊ – TÌNH THU QUÊ
Trần Trung
Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ
Chuồn kim khâu lá trong vườn
Hoa chuối rơi như tàn lửa
Đất trời được ướp bằng hương
1. Những câu thơ mở đầu bài “Chiều thu quê em” của nhà thơ Trương Nam Hương hướng con mắt tâm tình của ta tới vẻ đẹp thật đáng yêu, đáng thích của hương sắc vườn chiều – một địa danh xác định mà cũng có thể không xác định miền quê nào đó. Quả là ấn tượng thật rõ ràng mà cũng rất đỗi mơ hồ của mùa thu phương Nam. Chút nắng chiều, mơ mơ, dịu nhẹ mỏng manh như sợi chỉ, lại tiếp một so sánh gợi cảm trong hình ảnh “Hoa chuối rơi như tàn lửa”. Hoa chuối sao lại rơi – thật vô lý! Ấy thế mà vẫn rất thơ, rất gợi bởi sắc đỏ của hoa trong nắng chiều thu ngỡ như buông lơi nhè nhẹ và tan dần, tan dần duyên dáng…
Hương sắc vườn chiều sao mà sống động thế. Sắc màu trong vườn thu như đan díu vào nhau bởi nắng, bởi lá, bởi hoa và cũng đang dần chuyển vào hoàng hôn khi cây – kim – nhỏ xinh của tạo hóa – con chuồn chuồn kim, đang khâu lại những sắc màu tự nhiên.
Chuồn kim khâu lá trong vườn
Thú vị quá bởi những câu thơ của Trương Nam Hương đến với chiều thu ngợp đầy hương sắc. Cảnh vườn “Chiều thu quê em” cũng thật hài hòa, tao nhã bởi đường nét, sắc màu. Và, thơm tho tinh khiết biết bao khi cả không gian vườn chiều như thoang thoảng hương vương – bởi “Đất trời được ướp bằng hương”. Đó là hương đất, hương trời, hương quê mà mỗi chúng ta khi tìm đến, khi đối diện với quê, ai mà chẳng muốn hít thật sâu, thật khoái vào tận miền tâm tư thương mến.
2. Từ khổ thơ đầu, những câu thơ tiếp theo của Trương Nam Hương lại dẫn dắt ta tới những không gian rộng hơn, thoáng đãng hơn của “Chiều thu quê em”.
Con chim dấu chiều trong cánh
Để rơi tiếng hót khi nào
Hoàng hôn say về chạng vạng
Lục bình líu ríu cầu ao
Dòng sông mát lành tuổi nhỏ
Nước tung tóe ướt tiếng cười
Con bò mải mê gặm cỏ
Cánh diều ca hát rong chơi
Lúa bá vai nhau chạy miết
Dừa cầm gió lọt kẽ tay
Mây trốn đâu rồi chẳng biết
Chiều lo đến tím mặt mày!
Trời chiều mùa thu đang nhẹ chuyển sang hoàng hôn. Một cánh chim nhỏ với một chút chao nghiêng cũng đủ mang cả buổi chiều đi xa. Và tiếng hót của chim chiều như lọt thỏm và rơi vào không gian vắng lặng. “Con chim giấu chiều trong cánh; Để rơi tiếng hót khi nào”. Những câu thơ của tác giả tả cánh chim, tả tiếng hót, hay tả cảnh “Chiều thu quê em” đang dần bước tới hoàng hôn? Có lẽ cả hai. Chẳng thế sao hoàng hôn trong chiều thu lại say say trong sắc màu chạng vạng cùng sắc lục bình như bịn rịn, như xôn xao:
Hoàng hôn say về chạng vạng
Lục bình líu ríu cầu ao
3. Tỏa giăng từ bầu trời chiều thu, nhà thơ lại dắt ta tiếp bước tới dòng sông tuổi thơ. Dòng sông quê bao giờ chẳng lành, chẳng mát. Dòng sông chảy suốt đời ta mà tuổi thơ sẽ mãi mát lành kỷ niệm bởi tiếng cười thật trong, thật ướt. Và bên sông quê, những chú bò mải mê gặm cỏ. Và, triền đê quê, vi vút cánh diều no gió hát ca. Hồn nhiên và thanh bình biết bao trong cảnh chiều thu bên sông:
Dòng sông mát lành tuổi nhỏ
Nước tung tóe ướt tiếng cười
Con bò mải mê gặm cỏ
Cánh diều ca hát rong chơi
Thơ Trương Nam Hương biết vui với niềm vui trẻ thơ và thơ Trương Nam Hương cũng biết đùa, biết nghịch với niềm vui con trẻ. Thực đấy mà cũng đùa vui đấy, khi nhà thơ phát hiện:
Lúa bá vai nhau chạy miết
Dừa cầm gió lọt kẽ tay
Mây trốn đâu rồi chẳng biết
Chiều lo đến tím mặt mày!
Tím chiều là sắc màu. Thế mà nhà thơ lại biết đùa nghịch khi chuyển câu thơ từ sắc màu sang tâm trạng rất vui mà cũng rất thơ trong hình ảnh “Mây trốn đâu rồi chẳng biết. Chiều lo đến tím mặt mày!”.
4. “Chiều thu quê em” kết lại bằng một không gian nội tâm. Nói khác đi, nhà thơ đã chuyển hóa bốn khổ thơ tả ngoại cảnh chiều thu sang khổ thơ kết lặn về tâm trạng, lặn thật sâu, thật thấm thía mà cũng thật hồn nhiên, chân thành trong tâm hồn thơ trẻ:
Không gian lặn vào ngòi bút
Bé ngồi phác họa mùa thu
Quê hương hiện lên đậm nét
Buổi chiều rung động tâm tư
Những câu thơ cuối của “Chiều thu quê em” khép lại rồi mà sao vẫn lan tỏa không dứt trong mỗi chúng ta những “rung động tâm tư” của tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương xứ sở.