(về bài thơ GIAO MÙA của Cao Ngọc Thắng)
Giao mùa
Bởi nắng xuân non
Gió xanh bối rối
Hạ tròn đỉnh núi
Trăng mềm lưng ong
Thu se nhớ thương
Cúc chờ mở rượu
Giục
Đông
Ủ ấm men nồng
Phập phồng mây núi
Thúc
Phù sa cựa mình
Gió xanh rong ruổi
Chồi non bật trổ
Cành bổng cành la
Nõn nà
Bên song
Lích tích
Chim chích
Vo tròn
Giọt xuân
Trung thu 2009
Ấn tượng và ám ảnh giao mùa, theo quy luật tạo hóa-tự nhiên, thường gợi cảm bởi khoảnh khắc hoặc thời điểm tương giao và chuyển hóa của đất trời.
Bài thơ “Giao mùa” của Cao Ngọc Thắng gây ấn tượng trước hết bởi vẻ đẹp thanh tân và quyến rũ một cách giục giã- chào mời từ thiên nhiên đất trời. Vẻ ngoại giới ấy mang chứa những nét non tươi đến nõn nà, mê hoặc của thiên nhiên, từ thiên nhiên. Có sự tương giao và cộng hưởng giữa cảm thực và ẩn dụ trong những hình ảnh thú vị. Với “Gió xanh bối rối”, với “Trăng mềm lưng ong”; lại nữa với với cảm giác nồng nàn say tỉnh: “Thu se nhớ thương / Cúc chờ mở rượu”.
Cái cách cảm thụ và ẩn dụ nhân hóa của nhà thơ họ Cao thì không mới. Nhưng, Cao Ngọc Thắng tạo được ấn tượng riêng, bởi cách giãn chữ, xô chữ. Chính điều mà người đọc bình thường ngỡ tưởng tác giả “chạy” theo hình thức, lại đóng đinh vào tâm trí độc giả - dẫu còn ai đó kỹ tính đến cứng nhắc với biểu hiện hình thức của thơ thời đương đại.
Trong Con-Mắt-Thơ của Cao Ngọc Thắng, hình như muôn thuở hình ảnh của thiên nhiên-ngoại giới vừa mang dáng vẻ đa chiều, đồng thời cũng cảm hóa bởi vẻ đẹp hội tụ. Sự hội tụ ấy, thoắt trở thành mẫu-số-chung của sự hiện hữu khách quan của thiên nhiên với cảm xúc tâm tình của nhà thơ-chủ thể sáng tạo. Đọc và cảm ngẫm những dòng thơ thế này của Cao Ngọc Thắng sẽ thú vị, sẽ ấn tượng và cả ám ảnh nữa:
Bởi nắng xuân non
Gió xanh bối rối
Hạ tròn đỉnh núi
Trăng mềm lưng ong
Thu se nhớ thương
Cúc chờ mở rượu
Thật khó mà phân biệt được thiên nhiên quyến rũ bởi vẻ đẹp-chào mời hay tâm hồn đa cảm, đa tình của nhà thơ khi say đắm trước thiên nhiên.. Mới hay, cái chất đa tình-lãng mạn của thi sĩ, nhiều khi bao trùm và lấn át cả cái khách quan từ ngoại giới.
Theo sự dịch chuyển của tứ thơ “Giao mùa”, Cao Ngọc Thắng đẩy tiếp sang phía sự sống, sức sống nhân sinh.
Cao Ngọc Thắng đẩy tứ thơ lên tiếp một tầng bậc nữa, khi ông sử dụng khá đắc địa một chuối động từ gợi động thái chuyển dịch mang cường độ mạnh. Thế nên, sự vật khách quan ngỡ như vô tri, vô giác lại hàm chứa luôn cái mạnh mẽ say nồng của con người:
Thu se nhớ thương
Cúc chờ mở rượu
Chuỗi động ấy với “ủ ấm”, “phập phồng”, “thúc”, “cựa”, “bật trổ”, như đang gieo mầm và đánh thức sự sống cùng sức sống sung mãn, tràn đầy từ chính con người. Cao Ngọc Thắng, trong niềm phấn khích thơ đã tạo nên những ngôn từ, hình ảnh gợi cảm, giàu sắc màu, giàu chất tượng hình. Người thơ như đã treo lên trong không trung vẻ đẹp và quyến rũ lúc “Giao mùa”:
Chồi non bật trổ
Cành bổng cành la
Nõn nà
Có lẽ, cũng chính vì thế “Giao mùa”của Cao Ngọc Thắng không phải chỉ nói tới khoảnh khắc, thời khắc giao mùa mà, cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông ngỡ như đang giao hòa vào nhau, gặp gỡ, cộng hưởng cùng nhau. Ranh giới thời gian và không gian như xóa mờ.
Sao lại cứ phải tường minh theo quy luật bất biến. Phải chăng sự không tường minh chủ ý ấy cũng chính là bản chất, là đặc trưng huyền hồ của thơ ca kim cổ.
Những con chữ cuối trong “Giao mùa” của Cao Ngọc Thắng như tự nó biết hát. Hát bằng thanh âm, hát bằng sự tinh chất đọng mật của sự sống, sức sống muôn đời của thiên nhiên, của nghệ thuật, của con người.
Xin hãy lắng nghe và cảm nhận:
Bên song
Lích tích
Chim chích
Vo tròn
Giọt xuân
Hà Nội, 23-4-2011