Kính thưa Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh,
Kính thưa các vị thành viên Hội đồng giải thưởng Phan Châu Trinh,
Thưa các quý vị và các bạn có mặt tại đây,
Lời đầu tiên tôi muốn bày tỏ tại Lễ trao giải trọng thể này là lời cảm ơn. Tôi xin trân trọng cảm ơn Hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã quyết định trao cho tôi giải thưởng về nghiên cứu năm 2010 của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh.
Tôi là người hoạt động phê bình, nghiên cứu văn học; kinh nghiệm cho biết, người hoạt động ở lĩnh vực này, nhất là người làm công việc phê bình, rất ít khi được vinh danh, rất ít khi được tặng thưởng. Trong cuộc đời hoạt động phê bình nghiên cứu văn học, tính ra cũng đã trải dài 40 năm của tôi, đây hầu như là lần đầu tiên tôi được trao một giải thưởng. Điều này khiến tôi hết sức cảm động.
Việc Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao cho tôi giải thưởng về nghiên cứu, và đây là về lĩnh vực nghiên cứu văn bản học, cũng lại là điều đáng chú ý. Tôi hoạt động ở khu vực liên quan đến văn bản học từ đầu những năm 1990, nhưng, thành thực mà nói, văn bản học không phải là mục đích tự thân, không phải là cứu cánh đối với tôi, ngược lại, văn bản học chỉ là phương tiện để tôi thực hiện một mục đích khác: khôi phục, “trục vớt”, làm rõ diện mạo cụ thể những tác phẩm ngôn từ đã bị chìm khuất trong quên lãng vì hàng loạt nguyên nhân kỹ thuật và xã hội khác nhau.
Ở nước ta, khi nói đến lĩnh vực nghiên cứu văn bản học, người ta nghĩ ngay đến thư tịch Hán Nôm. Nhiều công trình của tôi gắn liền với nghiên cứu và xử lý văn bản, nhưng phạm vi những tác phẩm được xử lý lại không gắn với văn tự Hán Nôm mà hoàn toàn gắn với chữ Quốc ngữ, với phần di sản viết bằng chữ Quốc ngữ của người Việt.
Do vậy, có thể nói rằng, với tặng thưởng này, quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã đánh tín hiệu biểu dương, khích lệ hoạt động nghiên cứu văn bản cho khu vực di sản sáng tác và trứ thuật bằng chữ Quốc ngữ, một khu vực mà thực ra cho đến nay vẫn còn ở trong tình trạng hoang hóa, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cả giới nghiên cứu lẫn các giới quan chức hữu trách, so với các nguồn khác trong toàn bộ di sản văn hóa Việt Nam. Tín hiệu này, tôi nghĩ, là điều quan trọng hơn hẳn việc giải thưởng được trao cho một nhà nghiên cứu nào cụ thể, ‒ như năm nay, vinh dự ấy được dành cho tôi. Nhân dịp được nhận sự vinh danh này, tôi xin phép được lạm dụng chút ít thời giờ và sự chú ý của quý vị có mặt tại đây để nói thêm về vấn đề quan thiết này.
Thưa quý vị,
Ngôn ngữ là một loại hình tài nguyên nhân loại; sự hình thành các dân-tộc-quốc-gia luôn diễn ra đồng thời với việc tạo ra hoặc lựa chọn một hoặc một số ngôn ngữ (gồm lời nói và dạng chữ viết tương ứng) trong mỗi thời kỳ nhất định, làm công cụ giao tiếp chung trong cộng đồng dân-tộc-quốc-gia mình, làm phương tiện cho những sáng tạo tri thức hoặc sáng tạo nghệ thuật dùng vật liệu ngôn ngữ. Trong các loại hình di sản mà một dân-tộc-quốc-gia có được sau những thời đại phát triển lịch sử nhất định bao giờ cũng có loại hình di sản các tác phẩm chữ viết: đó có thể là các sáng tạo về tri thức (có thể gọi chung là trứ thuật), đó cũng có thể là các sáng tác nghệ thuật (đây là nghệ thuật ngôn từ, tức là những sáng tác văn chương, văn học); những con người từng làm ra các tác phẩm chữ viết ấy là các tác gia.
Lịch sử sự trứ thuật và sáng tác bằng ngôn ngữ của các cộng đồng dân cư Việt Nam gắn với nhiều ngôn ngữ và chữ viết mang tính quốc gia hoặc quốc tế khác nhau, nhưng được xem là đã được sử dụng nhiều hơn cả chính là dạng văn tự Hán-Nôm và dạng văn tự Quốc ngữ; bên cạnh đó là các văn tự của một số tộc người có chữ viết riêng (như Thái, Chăm, v.v…) và các văn tự nước ngoài mang tính quốc tế hóa (như chữ Pháp, chữ Anh, v. v…)
Đối với nguồn di sản bằng dạng chữ Hán-Nôm, do gắn với một giai đoạn lịch sử đã lùi hẳn và ngày càng lùi xa vào quá khứ, đến một lúc nhất định, ‒ có thể kể là vào những năm 1980-1990, ‒ do nhận thấy sự mất mát nguồn di sản này đã thành nguy cơ thật sự trước mắt, việc kiểm định và gìn giữ chúng mới được đặt ra ở quy mô quốc gia và quốc tế: đặt vấn đề kiểm định di sản này hiện còn được lưu giữ ở các nơi trong nước và ở nước ngoài; nguồn kinh phí cho kiểm định và gìn giữ được đảm bảo bằng một phần ngân sách nhà nước bên cạnh nguồn tài trợ quốc tế; lực lượng làm công việc kiểm định và gìn giữ được hưởng quy chế công chức, nằm trong cơ quan chuyên trách thuộc tổ chức khoa học của nhà nước (viện Hán Nôm, các khoa hoặc ngành Hán Nôm tại các Đại học chuyên ngành…). Tất nhiên các chuyên gia làm việc liên quan đến nguồn di sản Hán-Nôm này có thể còn thấy nhiều điều chưa vừa lòng, song phải thừa nhận đây là khu vực di sản ngôn ngữ văn tự duy nhất ở Việt Nam hiện nay được tạo các điều kiện tốt đến như vậy để chúng có thể vừa được bảo quản gìn giữ lâu dài vừa được khai thác hợp lý.
Đối với nguồn di sản được sáng tạo bằng dạng chữ Quốc ngữ, dù mới chỉ được dùng trong cộng đồng Việt từ 1865, tức là từ gần 150 năm nay, song do gắn với thời cận đại và thời hiện đại, là những thời đại phát triển năng động hơn trước về nhiều mặt, lượng sản phẩm được tạo ra bằng chữ Quốc ngữ (về tri thức, thông tin, nghệ thuật, v.v…) là rất lớn; số lượng tác gia cũng hết sức đông đảo. Về mặt đó, một vài công trình mang tính tổng kết chuyên ngành, ví dụ các bộ “Tổng tập văn học”, dù quy mô đến hàng chục ngàn trang lớn, cũng mới chỉ bao gồm được một phần rất nhỏ tác gia và tác phẩm; một số công trình miêu tả lịch sử (văn học sử, sử báo chí, sử văn hóa, v.v…) đã xuất bản cũng chỉ mô tả ghi nhận (làm thành thông tin) về một phần nhỏ tác gia và tác phẩm do họ sáng tạo ra suốt gần 150 năm ấy.
Trong khi đó, các vật liệu lưu giữ những di sản từng được sáng tạo ra, tức là những sưu tập báo chí hoặc sách in, trong các thư viện hoặc kho lưu trữ, qua thời gian xấp xỉ trăm năm, đều đã ở trạng thái cũ nát, từng ngày từng giờ đối mặt với nguy cơ bị biến mất. Hậu quả là, phần di sản bằng văn tự Quốc ngữ cũng đang đối mặt nguy cơ bị mất mát và biến mất hẳn trước khi được lập kế hoạch kiểm định và gìn giữ.
Vậy mà trong cư dân hậu thế chúng ta, sau những thời gian dài chiến tranh loạn lạc, các cộng đồng cư dân bị mất liên lạc, bị gián đoạn thông tin, thì nhu cầu tìm biết một cách chi tiết, cụ thể về phần di sản này lại đang ngày càng tăng lên. Các địa phương từ quy mô lớn (vùng, miền, tỉnh) đến nhỏ (huyện, xã), các bộ phận cư dân (dòng họ, chi họ, gia đình) không chỉ bằng lòng với những nguồn thông tin về “bộ phận tiêu biểu” tác gia tác phẩm của cả nước ở mỗi thời đại lịch sử (ý niệm “tiêu biểu” này thật ra bao giờ cũng chủ quan, hạn hẹp), mà còn muốn biết cụ thể, chi tiết những tác gia xuất thân từ địa phương mình, dòng họ, chi họ, gia đình mình, muốn biết nội dung tường tận những tác phẩm do các tác gia ấy đã tạo ra và đã từng công bố tại các thời điểm cụ thể.
Nhu cầu nói trên hầu như không được đáp ứng hoặc chỉ được đáp ứng một phần rất nhỏ bởi các công trình mang tính tổng kết lịch sử phát triển về sử học, văn hóa, văn học đã có, là vì ngoài mấy trăm tác gia mà dù ít dù nhiều đã có tác phẩm được hậu thế in lại, tên tuổi được hậu thế nhắc đến, thì một số rất đông đảo các tác gia khác, cũng từng hoạt động với tư cách nhà báo, nhà văn, nhà ngôn luận, nhưng ngày nay con cháu rất khó tìm thấy dù chỉ một số thông tin ít ỏi về cuộc đời và sự nghiệp, chưa nói đến diện mạo những tác phẩm đã từng được viết ra, được in sách in báo.
Có ý kiến cho rằng, sự lãng quên là quy luật của thời gian, thậm chí xem lãng quên như là cơ chế sàng lọc. Tuy vậy, chỉ nên chấp nhận điều ấy ở phương diện sự thưởng thức, thị hiếu của từng bộ phận công chúng, tại một thời điểm nhất định. Ngoài ra, không thể buông xuôi trước tình trạng hàng loạt bộ phận di sản như vậy bị tan nát mất mát theo các ấn phẩm cũ, trong khi còn có cơ hội để có thể cứu thoát chúng. Quả là không thể hiểu được khi chúng ta sẵn sàng tổ chức hội thảo kỷ niệm rầm rộ, truy tặng huân huy chương hoặc giải thưởng lớn đối với tác gia này tác gia kia, nhưng lại hoàn toàn không có kế hoạch gì tiếp cận, kiểm định di sản tinh thần của tác gia ấy, để mặc tủ sách của tác gia ấy bị phủ bụi nhiều năm, hoặc tệ hơn, bị xẻ chia tan tác, sách cổ sách quý bị các cháu nhỏ xé làm diều, bản thảo, di cảo bị để lộn với giấy loại!
Gây ra tình trạng kể trên, một mặt là do giới chức quản lý sự nghiệp văn hóa đã không làm hết trách nhiệm của họ; mặt khác, từ phía các tầng lớp công chúng là tâm lý ỷ lại vào nhà nước, trông chờ vào công việc sưu tầm biên khảo do các cơ quan nghiên cứu của nhà nước tiến hành, trong khi bộ máy nhà nước phải tập trung vào những lĩnh vực kinh tế xã hội cốt thiết, và phần ngân sách dành cho sự nghiệp văn hóa, trong đó có công việc sưu tầm bảo quản di sản, dù sao cũng chỉ có thể có ở mức hạn chế.
Chúng tôi cho rằng, đối với việc bảo vệ phần di sản bằng chữ Quốc ngữ của người Việt, bên cạnh phần đảm bảo của nhà nước (cho hệ thống thư viện, bảo tàng,…), ngày nay nên thúc đẩy các phương thức mang tính cộng đồng, do cộng đồng thực hiện, nhằm những mục tiêu tương đối cụ thể của cộng đồng, đồng thời cũng là góp phần gìn giữ di sản chung.
Về mặt chuyên môn, tất nhiên, chúng ta có quyền đòi hỏi các giới chuyên gia ở các viện nghiên cứu, các trường đại học chú trọng nhiều hơn nữa đến phần di sản bằng chữ Quốc ngữ, thông qua việc tăng cường các đề tài nghiên cứu, đề tài ra cho các loại luận án bậc đại học và sau đại học ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn; đề tài nghiên cứu cần tập trung cụ thể hơn vào những đối tượng là từng tác gia, từng tờ báo, từng nhà xuất bản, kê biên những tác phẩm đã từng được sáng tạo ra và đã từng công bố, khôi phục văn bản các tác phẩm ở mức có thể.
Tuy nhiên, việc khôi phục và gìn giữ di sản trứ thuật hoặc sáng tác cũng còn có thể và cần phải được tiếp cận bởi những người không chuyên, ‒ ý tôi muốn nói tới những thân nhân của các tác gia đã quá cố, những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương, giới sưu tập sách báo cũ, sưu tập bản thảo, v.v... Chính từ phía các gia đình, các dòng họ, các địa phương sẽ nảy sinh nhu cầu khôi phục di sản những tác gia xuất thân từ gia tộc mình, địa phương mình, sẽ cung cấp thông tin cho các giới chuyên môn những địa chỉ xác đáng, cần thiết.
Tóm lại, đối với phần di sản trứ thuật và sáng tác gắn với văn tự Quốc ngữ, tôi cho rằng các giới nghiên cứu chuyên nghiệp và không chuyên cần đẩy mạnh hơn công tác sưu tầm, khôi phục. Hy vọng những kết quả khả quan ở lĩnh vực này, đến một lúc nhất định, sẽ đưa tới sự đề xuất một chiến lược ở tầm quốc gia đối với từng thời đoạn thuộc di sản này, tính theo mức độ lùi sâu vào quá khứ, ví dụ chiến lược gìn giữ di sản bằng chữ Quốc ngữ giai đoạn trước 1900, giai đoạn 1900-1945, giai đoạn 1945-1975, v.v…
Thưa quý vị, thưa các bạn,
Tôi không phải là một người lạc quan. Làm công việc khôi phục văn bản những tác phẩm cụ thể của những tác gia cụ thể đã và đang lùi sâu vào quá khứ, tôi luôn luôn cảm thấy nguy cơ mất mát rất dễ xảy ra đối với mọi loại di sản. Chính vì vậy, trách nhiệm và sự tận tình của những người hoạt động trong lĩnh vực này là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, sự hiểu biết cần thiết về văn bản học, kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống văn bản, cũng là những điều không thể thiếu. Các di sản bằng ngôn ngữ văn tự sẽ được bảo quản và gìn giữ tốt hơn bởi những chuyên gia vừa có tinh thần trách nhiệm cao vừa có đủ hiểu biết và kỹ năng làm việc tốt. Ngành văn bản học Việt Nam, nếu gắn bó được với việc gìn giữ các nguồn di sản chữ viết của dân tộc, cũng sẽ ngày càng đào tạo được nhiều chuyên gia giỏi. Đó là niềm tin của tôi.
Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm lắng nghe.
Thành phố HCM., 24/3/2011
LẠI NGUYÊN ÂN
Peter Zinoman
Trong thập niên vừa qua, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân là học giả có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới tôi trong việc nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Ông là nhà biên tập tuyển tập Vũ Trọng Phụng đầy đủ nhất từ trước cho tới nay. Ông bỏ nhiều công sức tra cứu báo chí cũ tại các thư viện ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và California, và nhờ vậy đã tìm lại được nhiều tiểu luận phê bình về Vũ Trọng Phụng, cũng như một số tác phẩm tưởng chừng đã thất lạc từ lâu của nhà văn này. Gần đây, Lại Nguyên Ân cũng công bố một cuốn sách độc đáo và đặc sắc, trong đó ông so sánh bốn văn bản Giông Tố khác nhau, giúp người đọc thấy rõ việc kiểm duyệt và biên tập đã thay đổi tiểu thuyết này như thế nào kể từ cuối thập niên 1930.
Những công trình khác do Lại Nguyên Ân thực hiện cũng giúp tôi và các học giả Việt Nam học hiểu được nhiều hơn về lịch sử văn hóa và văn học Việt Nam. Chẳng hạn, có thể kể đến việc ông sưu tầm, chú thích và công bố lại nội dung của những tạp chí quan trọng (như Tiên Phong và Văn Nghệ), tiểu luận của các nhà báo nổi tiếng thời thuộc địa (như Phan Khôi và Lê Thanh), và văn bản của những cuộc tranh luận tri thức then chốt thời hậu thuộc địa (như “Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc”).
Theo tôi, mối liên hệ xuyên suốt khối lượng công việc phong phú và đồ sộ của Lại Nguyên Ân chính là niềm tin hiện đại và tiến bộ của ông rằng hiểu biết lịch sử thực sự bắt buộc phải được dựa vào việc nghiên cứu thận trọng các tài liệu gốc. Việc Lại Nguyên Ân tìm lại và công bố các tài liệu gốc này cho thấy sự hào phóng tri thức rất lớn ở nơi ông. Nó cũng biểu lộ một lòng xác tín đáng kính phục, rằng trí thức cần quyết tâm tìm hiểu sự thực không bị che đậy về lịch sử của chính họ nếu như họ muốn giúp hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai.
Tháng 7/2009
Peter Zinoman
PGS. TS. Sử học,
ĐH. Berkeley, California, USA