Quảng Trị, vốn là nơi đóng dinh thời Nguyễn Hoàng mở cõi và sau đó, từng là một phần kinh sư của vương triều Nguyễn. Trên vùng đất này, dòng họ Hoàng ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong đã có nhiều đóng góp để làm rạng rỡ quê hương. Dẫu vậy, phải đến Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), vị tổ đời thứ 13, trở đi, họ Hoàng ấy mới thật sự có nhiều người còn lưu lại tên tuổi trong sử sách. Tuy nhiên, bản thân sự nghiệp vị tổ khai sáng họ tộc – Hoàng Hữu Xứng – vẫn còn ít nhiều những tranh luận trên sách báo hiện nay. Cũng cần phải nói ngay rằng, sở dĩ còn tồn tại những ý kiến này nọ là bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, dư luận dân gian không xác đáng khởi xuất từ những bài thơ, truyện thơ nặc danh hoặc có tác giả thì tác giả ấy (Nguyễn Văn Giai, tục gọi Ba Giai) vốn không am hiểu tường tận, lại thiên kiến, quen nếp đả kích. Thứ hai, bản thân Hoàng Hữu Xứng vừa là một nhân vật lịch sử lại vừa là phó tổng tài Quốc sử quán khi chỉnh lí kỉ Tự Đức (1947-1883), biên soạn kỉ Kiến Phúc (1883-1885), về hưu vào năm 1900, và còn sống sau khi kỉ Kiến Phúc đã được khắc in, đưa vào kho sử, lưu hành trong nội bộ triều đình, hoàng tộc (1902).
Nguyên nhân thứ nhất, thiết tưởng không cần bàn luận nhiều, vì các bài thơ, truyện thơ ấy vốn thuộc lĩnh vực văn chương nghệ thuật không được bảo chứng bằng tư liệu. Đó không phải là sử học. Sử học là một lĩnh vực cần đến rất nhiều tư liệu và phải là các tư liệu được khảo chứng, có giá trị. Thứ đến, lại là một nguyên nhân nẩy sinh từ sự không am hiểu phương thức biên soạn tập thể của Quốc sử quán. Đó là phương thức mà mọi tư liệu đều được khảo chứng, thẩm định và mọi chi tiết thuật sự đều được bàn luận, cân nhắc bởi hàng vài ba chục người, lại trải qua nhiều tập thể sử quan.
Để sáng tỏ hơn, chúng ta thử xem Quốc sử quán đã viết về Hoàng Hữu Xứng như thế nào. Cụ thể hơn, trong “Đại Nam thực lục” (gọi tắt là Thực lục) (*), hành trạng của ông có phải đã được ghi chép lại chỉ theo một chiều hướng đề cao, ngợi ca? Rõ ràng không phải vậy. Như mọi người khác, Hoàng Hữu Xứng dĩ nhiên vẫn có những ưu điểm cùng với những hạn chế khác. Có điều, ưu hay khuyết nhược điểm được ghi chép vào Thực lục đều là những gì đã được triều nghị, đã được chính bản thân vua Tự Đức hay các vua sau đó ban dụ, hoặc chí ít cũng căn cứ vào những bản tấu của các vị đại thần có uy tín rõ rệt, và chính những bản tấu ấy cũng đã được chính nhà vua châu phê (nên gọi là châu bản).
I. Trước khi mất nước (7-1885): vị quan đáng kính
1. Vị quan mẫn cán và thanh liêm: Về mặt ưu điểm, sự mẫn cán của Hoàng Hữu Xứng thể hiện ở chỗ ông đặc biệt có tài điều tra các vụ án. Chính vì tài Bao Công này, nên suốt đời làm quan của ông đã có nhiều giai đoạn ông được giao phó phụ trách Đô sát viện (1). Sự mẫn cán của ông còn thể hiện ở thời điểm ông cùng đồng sự đã được vua Tự Đức khen thưởng là mặc dù đảm đương những khối lượng công việc nặng nề nhưng vẫn xử lí một cách tinh tường, nhanh chóng (2).
Thanh liêm cũng là một đức tính thuộc vào loại ưu điểm của Hoàng Hữu Xứng. Phạm Phú Thứ đã có lần tìm hiểu ý dân ở Thanh Hoá và tâu về triều như vậy (3).
2. Nhân vật lịch sử chống ngoại xâm:
2a. - Thực thi chính sách “cấm đạo”: Quốc sử quán đã chép trong Thực lục như sau: “Tỉnh Bình Định bắt được tên đạo trưởng người Tây dương tên là Y-ty-Anh. Các quan tỉnh, huyện đều được thưởng gia một cấp và tiền vàng, tiền bạc có thứ bậc khác nhau ([...] đi đốc bắt là quyền huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng, được thưởng tiền “Triệu dân” bằng bạc hạng lớn, hạng nhỏ mỗi thứ đều năm đồng [...])” (4). Cũng vụ việc ấy, ở đoạn khác, được ghi chi tiết hơn: “Duy Hữu Xứng khi làm quyền huyện, tiết thứ bắt được một người đạo trưởng người Tây dương và bốn người đạo trưởng người nước ta và bọn người theo đạo cùng là đồ dùng ở nhà thờ đạo, giải nộp để xét” (5). Phải nói là Quốc sử quán rất trung thực, vì lưu lại một thành tích như thế dưới thời thực dân Pháp và bộ phận tả đạo Thiên Chúa giáo (không vơ đũa cả nắm) đã thống trị đất nước ta, là trở thành tì vết, thậm chí có thể rơi vào nguy cơ bị trả thù, ít ra cũng bị “trù yếm”. Cũng có thể kể thêm về vai trò của Hoàng Hữu Xứng trong vụ đánh dẹp cả “dữu dân” thuộc cố đạo Pháp lẫn lực lượng “sát tả” của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình (6). Đây là trường hợp Hoàng Hữu Xứng và đồng sự đã bị rơi vào hai gọng kìm thù oán, nhưng Quốc sử quán vẫn ghi lại.
2b. - Đối phó với phỉ Tàu: Thời đoạn những năm 60 của thế kỉ XIX, nước ta phải đối phó với bọn Tàu đã biến tướng thành phỉ, tràn sang xâm chiếm đất đai, dân cư để xưng hùng xưng bá, mặc dù triều đình đã hết sức vỗ yên, cho phép tự giải giáp để làm ăn sinh sống. Năm 1869, Hoàng Hữu Xứng là biện lí Bộ Binh, rất tích cực trong việc xử lí các việc quân từ các quân thứ tâu về, và được vua khen thưởng, như đã nói trên (2). Nhưng khi ông trấn nhậm tại tỉnh Thanh Hoá, với chức trách quan văn (bố chánh), lại bị khiển trách chung với đồng sự. Quốc sử quán chép lại nguyên văn bản dụ của vua Tự Đức, lời lẽ rất thậm tệ: “Trước phái đi đánh dẹp, chưa thấy có tình trạng gì khó, bèn thác là lương hết, quân tan, đều đem quân rút về quân thứ, thực là hèn nhát quá lắm” (7). Xin nhớ rằng, dụ của vua, không ai có quyền xuyên tạc, thêm bớt! Giả định như Quốc sử quán có thiên vị với Hoàng Hữu Xứng, họ chỉ cần thêm vào vài dòng diễn giải, để làm nhẹ tội đi, nhưng trong Thực lục vẫn chỉ như vậy.
2c.- Tinh thần chống Pháp: Giữ khí tiết và linh hoạt ứng phó trong sự kiện thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai: Với quan điểm lịch sử - cụ thể, chúng ta đều biết rằng, chống sự xâm nhập của tả đạo Thiên Chúa giáo (không phải Thiên Chúa giáo mọi thế kỉ, mọi nước), lúc bấy giờ, là chống thực dân Pháp, chống thực dân Tây Ban Nha. Nhưng ở thời điểm 1882, lúc Hoàng Hữu Xứng làm tuần vũ Hà Nội, ông mới thực sự cùng đồng sự vạch ra phương án phòng thủ (8), trực tiếp chiến đấu với giặc Pháp. Đây là trường hợp ông bị Ba Giai chê bai, châm biếm một cách đầy thiên kiến. Tuy nhiên, sự thật đó, Thực lục chép nguyên văn như sau: “... Diệu uỷ án sát Tôn Thất Bá ra ngoài thành để thương thuyết, Bá vừa ra khỏi thành, quân Pháp đã bắn ngay. Diệu cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng chia đường đốc thúc quân lính chống đánh rất lâu, quân ta và quân Pháp đều có bị thương và chết. Chợt thấy kho thuốc súng phá, quân ta rối loạn, quân Pháp bắc thang lên thành, thành bèn bị mất (chống nhau tự giờ mão đến giờ mùi mới mất). Diệu đi lẫn vào trong đám quân hỗn loạn, một mình đến trước đền Quan Công (ở ngoài tường ngăn trong thành), thắt cổ ở dưới gốc cây to. Đề đốc Lê Văn Trinh, bố chính Phan Văn Tuyển, lãnh binh quan Lê Trực, phó lãnh binh quan Hồ Văn Phong, Nguyễn Đình Đường đều chạy cả. Ngay lúc ấy Hữu Xứng đi tìm hỏi Diệu, không biết Diệu ở đâu, bèn vào thềm bên tả hành cung, bỗng bị phái viên nước Pháp bắt giữ (Phái viên nước Pháp muốn lấy lễ độ dụ Xứng. Xứng không chịu khuất phục, chửi mắng hắn, cũng không bị giết. Rồi sai đem Xứng về dinh tuần phủ cũ giam lại). Sau rồi phái viên nước Pháp đón Bá về (Bá chạy đến xã Nhân Mục) giao tỉnh thành cho. Bá vào thành cùng với Xứng. Xứng có bàn tạm nhận (Lúc ấy, Xứng đã nhịn ăn thành ốm. Bá mời vào, Hữu Xứng lại [từ] chối ngay. Bá hai lần khóc, nói sự lợi, hại. Xứng lại nghĩ, không tạm nhận [thành], sợ thêm khó, nhân cũng gượng dậy, nghe theo. Nhưng [lại] bàn [chỉ] do Bá nhận một mình, mà [cũng] cùng kí tên [thông] tư cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính [:Chánh] cùng các tỉnh láng giềng: Xem thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại. Và đem việc ấy nhận tội, tâu lên). Nhưng quân Pháp vẫn đóng giữ ở hành cung” (9).
Sau đó khoảng 3 tháng, hậu quả của sự kiện thất thủ thành Hà Nội lại được Thực lục chép rõ: “Tháng 5, vua sai bắt trói ngay quan tỉnh Hà Nội (tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, bố chính Phan Văn Tuyển, án sát Tôn Thất Bá, đề đốc Lê Văn Trinh, chánh lãnh binh Hồ Như Phong, phó lãnh binh Nguyễn Đình Đường, Lê Trực) về kinh đợi án. Vua dụ rằng: Vừa rồi Hà Thành có việc, Hoàng Diệu quyết chí cố giữ, thà chết không hai lòng. Các quan chính nên cố sức làm việc đến chết, mới hợp nghĩa hiến thân cho nước. Thế mà hết lòng trung, chết vì tiết nghĩa, chỉ có một mình Hoàng Diệu. Bọn [quan võ] Lê Văn Trinh [, Hồ Như Phong, Nguyễn Đình Đường, Lê Trực] đều là quan to một tỉnh, sợ chết, tham sống, bỏ thành chạy trốn. Phan Văn Tuyển lại trốn trước, đến Sơn Tây, thì hèn nhát, không tài quá lắm. Hoàng Hữu Xứng tuy không ra khỏi thành nhưng không biết sống thác với thành. Tôn Thất Bá ra ngoài thành thương thuyết lại cùng với chúng dần dà trốn khéo. Quan giữ đất đai, gặp khi hoạn nạn, há nên như thế! [Tất cả] đều phải [bị] cách chức trước, trói giải ngay về kinh, xét rõ, để tỏ rõ phép luật. Còn quản suất giữ thành và quan phủ huyện, thông phán, kinh lịch giao cả cho đốc phủ mới xét rõ, tâu lên. (Sau đến năm Tự Đức thứ 36, tháng 11, nghị chuẩn cho Diệu được bày thờ ở Đền Trung Nghĩa. Bọn Xứng đều cách chức cho làm việc chuộc tội (sau đều cho khai phục), Tuyển phải cách chức về quê chịu sai dịch)” (10).
Xin nhấn mạnh: Thực lục thuộc kỉ Kiến Phúc, ở mục tháng 11 nguyệt lịch năm Quý mùi (1883), cũng ghi rõ như thế, với lí do “vì cớ lần ấy đường lối chiến hay hoà chưa xác định, tình hình diễn biến quá bất ngờ, việc phòng thủ có khó khăn, nên ra đặc ân giảm tội đến mức thấp nhất”. Theo đó, Hoàng Hữu Xứng cùng với những viên quan đồng sự đều chỉ bị “phái đi hiệu lực”, tức là chịu sai đi làm việc chuộc tội (11).
Đây là sự kiện mà sử sách hiện nay vẫn còn khắc hoạ ra hai Hoàng Hữu Xứng khác nhau. Một, theo cách của Ba Giai. Hai, ông vẫn giữ được khí tiết của một vị quan yêu nước (mắng giặc khi đã thua trận, sa cơ), có trách nhiệm, tuân thủ quân luật bấy giờ (không bỏ thành, tuyệt thực) nhưng biết linh hoạt ứng biến với tình hình (ông gửi thư cho Hoàng Tá Viêm: “xem thế có thể thừa cơ được, nên làm ngay [đánh Pháp ngay tại thành Hà Nội] thì làm [tức là cứ đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại [vì có ông trong thành, ông có thể bị đạn quân ta bắn trúng]”). Tuy vậy, Quốc sử quán vẫn chép lại nguyên văn lời dụ của vua Tự Đức với ngôn từ rất mực hoàng đế phong kiến, với dụng ý răn đe mọi quan quân khác, hơn là lời lẽ đúng mực của tập thể thẩm phán (triều nghị) (10 & 11).
II. Sau khi mất nước (7-1885): nhà soạn sách giữ được lòng yêu nước
1. Quyết giữ từng tấc đất Tổ quốc trong việc soan sách địa lí: Trong Thực lục, kỉ Đồng Khánh (1885-1888), có chép lại bản phàm lệ do chính bản thân Hoàng Hữu Xứng viết, với tư cách là đổng lí việc biên soạn “Đại Nam cương giới vựng biên”. Trong đó, có đoạn thể hiện rõ ý thức giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, kể cả những vùng đất bị Trung Hoa chiếm lấy dưới các triều Hồ và Mạc, đặc biệt là Nam Kỳ từ 1862, 1867: “Sáu tỉnh Nam Kỳ xin phải chép cả vào trong khoản chép tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu” (12). Ông muốn lưu lại chứng cứ để về sau khôi phục lại chủ quyền, chứ không cam đành mất hẳn cho Trung Hoa và Pháp. Ngoài ra, trong sách về cương giới ấy, còn có một bản đồ. Có thể đó là bản đồ còn thiếu sót về chủ quyền biển, nhưng chúng ta phải hiểu ấy là quyền mặc nhiên, không nhất thiết phải khẳng định, nhất là trong điều kiện thế nước suy vi như vậy, thì mối quan tâm có khi không bao quát hết.
2. Trung thực trong quá trình biên soạn Thực lục với phương thức tập thể: Là một toản tu, rồi là phó tổng tài trong ba vị phó, dưới quyền của một tổng tài khác, thuộc tập thể sử quan vài ba chục người (các tập thể này trải quan nhiều thời kì, có thay đổi), Hoàng Hữu Xứng vẫn hiện diện trong Thực lục đúng mức như hành trạng thực trong đời làm quan của mình. Như đã nói, chính nhờ phương thức biên soạn tập thể, có bàn luận, tranh cãi, để đi đến nhất trí từng chi tiết, từng câu chữ khi biên soạn Thực lục, nên Thực lục có thể xứng đáng để được gọi là tín sử. Trong bài viết trước, tôi đã nghĩ rằng, giữa tài điều tra hình án (tài Bao Công), đức tính thanh liêm, năng lực học vấn, vai trò chứng nhân lịch sử với công việc ghi chép sử kí của Hoàng Hữu Xứng, hẳn có một mối quan hệ rất hữu cơ. Tôi cũng đã viết: Khi là nhà chép sử, mặc dù dưới bóng tối thực dân Pháp, ông vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần chống Pháp, chống Trung Hoa (nhà Thanh) và đặc biệt là tôn trọng sự thật lịch sử. Đến nay, hậu thế có thể đọc thấy cái tâm ấy bên trong, đằng sau những dòng chữ của Quốc sử quán triều Nguyễn thời Hoàng Hữu Xứng, mặc dù đó là công trình của nhiều tập thể sử quan trải qua nhiều thời kì, với phương thức làm việc nghiêm ngặt, cân nhắc từng câu chữ (đến mức không những thực dân Pháp, mà ngay cả hoàng thân, hoàng đế cũng bị phê phán nếu có hành vi sai trái). Nói cho cùng, Hoàng Hữu Xứng và Quốc sử quán ít nhất là đã có công lao to lớn trong việc ghi chép lại các bản dụ, cáo, bản án, tấu, sớ vốn có giá trị xác tín rất cao, cao nhất, trong công việc khảo chứng tư liệu lịch sử, mà không bộ sử nào có thể so sánh được. Đối với hậu thế chúng ta, dĩ nhiên, cũng cần có các thao tác xới lật cần thiết với quan điểm khoa học, dân tộc nhất khi sử dụng bộ sử kí ấy, đặc biệt là các kỉ ấy (13).
Trần Xuân An
9:50 -- 15:06, 22-02 HB11 (2011).
(*) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, chính biên” (ĐNTL.CB.), kỉ Tự Đức, kỉ Kiến Phúc và kỉ Đồng Khánh, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1973-1976, 1976, 1977-1978.
(1) đến (12): (1) Kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., tr. 275-276; (2) Tập 31, sđd., tr. 333; (3) Tập 33, sđd., 1975, tr. 284; (4) & (5) Tập 29, sđd., tr. 48, 245 & 293; (6) Tập 33, sđd., tr. 68-70. Xem: Trần Xuân An, ““Ngọc đá đều cháy”, chủ trương tạm thời trong vụ trấn áp cuộc nội chiến lương – giáo ở Thanh - Nghệ - Tĩnh – Bình vào năm 1874”, Tạp chí Xưa & Nay trích đăng, số 284, tháng 5-2007, tr.42; (7) Tập 32, sđd., tr. 276; (8) Tập 35, sđd., tr. 100-101; (9), (10) & (11) Tập 35, sđd., tr. 108-109, tr. 128; kỉ Kiến Phúc, tập 36, sđd., tr. 33; (12) Kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 217-220.
(13) Xem thêm: Trần Xuân An, “Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), hành trạng biên niên”, bài khảo luận, chưa đăng tải, xuất bản.