Trên web
http://trannhuong.com ngày 04-03-2011 có in bài : “ Về một phương pháp phê bình …dị hợm của ông Trần Mạnh Hảo khi phê bình truyện ngắn Dị hương” của tác giả Nguyễn Trọng Bình viết từ Cần Thơ, nhằm phê bình chúng tôi dùng cách viết “dị hợm” không chỉ để phê bình truyện ngắn kể trên. Chúng tôi xin phép được trao đổi sơ qua với ông Nguyễn Trọng Bình.
Cuối bài viết, ông Bình tự bạch :
“Cuối cùng, tôi cũng rất biết và rất ý thức là với “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo tôi là hàng em cháu, vì thế nếu có điều chi sơ xuất mong ông hãy rộng tình bỏ qua và chỉ bảo thêm”
Chúng tôi không dám coi ông Bình thuộc hàng “ em cháu”, mà do ông tự nhận “ tôi là hàng em cháu”. Nếu vậy thì thưa ông, đúng là ông thuộc hàng hậu sinh khả úy rồi đó…Vì từ ngày có ngành phê bình văn học đến nay, chưa từng có ai lại rỗi hơi đi tranh luận với một kẻ có cách viết “dị hợm, quái gở, đáng chê cười” như ông đang tranh biện với chúng tôi.
Ấy là việc ông dùng nhan đề bài báo mang tính mạ lị cá nhân, cho chúng tôi dùng cách viết ( phương pháp phê bình) …”Dị hợm”.Ông lại diễu cợt, phỉ báng chúng tôi bằng cách đánh hai cái nháy nháy “…” ngoài danh hiệu “nhà phê bình” đi kèm tên chúng tôi, một người đã viết văn, làm thơ, viết phê bình trước khi ông sinh ra.
Xin quý vị cùng chúng tôi tra từ điển xem “Dị hợm” ngữ nghĩa ra sao. ““ Dị hợm” : “Khác thường một cách quái gở, đáng chê cười. Tính cách dị hợm” ( trang 535 – “Đại từ điển tiếng Việt “ của Bộ GD-ĐT & trung tâm ngôn ngữ -văn hóa VN –NXB Văn hóa-Thông tin 1999)
Chỉ có người “dị hợm” mới có phương pháp phê bình “ dị hợm”. Nói chúng tôi có cách viết ( phương pháp) dị hợm, khác nào ông Nguyễn Trọng Bình cho chúng tôi là kẻ dị hợm, một kẻ quái gở, đáng chê cười ?
Ngay cái tên bài viết gọi là phê bình của ông Bình đã thông báo một ý đồ “bỏ bóng đá người”, tức là bỏ học thuật quay ra đả kích cá nhân.
Chúng tôi xin trích đoạn mào đầu khá ấn tượng của ông Bình :
“Từ lâu, cái tên nhà thơ kiêm “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo vốn đã trở nên quen thuộc với những người làm những công việc có liên quan đến văn chương nghệ thuật nước nhà. Phải thừa nhận là văn phê bình của ông Trần Mạnh Hảo có một ưu điểm rất đáng ghi nhận đó là… sự sắc sảo của ngôn từ hay văn phong nói chung. Tuy nhiên, nếu ai đó đọc phê bình của ông Trần Mạnh Hảo mà để cho sự sắc sảo của văn phong ấy làm “ngất ngây”, mê muội thì thật là vô cùng nguy hiểm. Phải chăng đó cũng là kinh nghiệm, là “bài học xương máu” mà nhiều người trong giới phê bình và nghiên cứu văn chương lâu nay vẫn thường hay dặn dò nhau: trước một bài phê bình nào đó của ông Hảo phải hết sức tỉnh táo; phải có bản lĩnh để tỉnh táo và dứt khoát phải đọc lại tác phẩm hoặc bài viết của ai đó mà ông Hảo lấy ra làm đối tượng phê bình, sau đó hãy đưa ra ý kiến đánh giá chất lượng khoa học bài viết của ông Hảo. Kinh nghiệm này quả là không thừa cho những ai nếu đã trót đọc bài“Dị Hương: sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?” của ông Trần Mạnh Hảo (trên vài trang báo và blog mạng gần đây) khi phê bình truyện ngắn Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh.( bài đã dẫn-hết trích)
Viết như thế này, khác nào ông Bình cho chúng tôi từng có phương pháp phê bình dị hợm từ trước, nghĩa là từ trước khi chúng tôi phê bình truyện “ Dị hương”, đã có “tiền án, tiền sự” dị hợm.
Khi ông Bình cho chúng tôi có cách phê bình dị hợm, nghĩa là cách viết quái gở và đáng chê cười, tức là ông Bình đã nói xỏ, đã ngầm chê Hội Nhà văn Việt Nam ( HNVVN) cũng một cốt một đồng với Trần Mạnh Hảo, nghĩa là cũng dị hợm, cũng quái gở và đáng chê cười.
Vì sao vậy ?
Vì rằng HNVVN năm 1996 đã trao cho chúng tôi giải thưởng tập phê bình “ Thơ phản thơ” do NXB Văn học ấn hành năm 1995. ( Chắc lúc đó ông Nguyễn Trọng Bình còn nhỏ, hoặc chưa sinh nên không biết chuyện này chăng ?)
Chúng tôi xin trích ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng dưới đây từng khen ngợi người ông Bình vừa mạ lị có cách viết dị hợm, quái gở và đáng chê cười, như sau :
Đây là lời nhà văn Nguyễn Trí Huân, hiện là phó chủ tịch HNVVN, Tổng biên tập báo Văn Nghệ : “… Có lẽ là người sáng tác nên anh Hảo đã viết phê bình bằng cảm hứng của người sáng tác, vì thế phê bình của anh giàu chi tiết và hình tượng,có thể đọc một mạch…”( tạp chí Văn Nghệ quân đội số 4/1997)
Đây là ý kiến của nhà thơ Vương Trọng, cũng in trên tạp chí vừa dẫn : “ Ai nói gì thì nói chứ tôi thấy Trần Mạnh Hảo thật sự là một hiện tượng phê bình….Vấn đề Trần Mạnh Hảo nêu ra rất rõ ràng, có khi gay gắt. Nhưng anh viết hấp dẫn. Trước đây khi vớ được tờ Văn Nghệ, tôi thường đọc thơ, văn xuôi và bỏ qua phê bình. Bây giờ cứ có bài của Trần Mạnh Hảo là tôi đọc ngay. Anh viết rất lôi cuốn, đọc hừng hực, cuồn cuộn, đam mê chứ không lạnh tanh như cách viết của một số nhà phê bình. Xét về mặt tổng thể, Trần Mạnh Hảo có công với sự đổi mới văn học…”
Đây là ý kiến của nhà lý luận phê bình Hồng Diệu in trên tạp chí vừa dẫn : “Những bài phê bình của Trần Mạnh Hảo cho thấy anh rất dũng cảm, một yêu cầu cần thiết vào bậc nhất đối với người phê bình. Anh chịu đọc và đọc nhiều – một tác phong hiếm thấy ở những người chuyên sáng tác. Anh làm cho đời sống văn học mấy năm nay sôi động hẳn lên…. Giọng văn phê bình của anh sôi nổi, nồng nhiệt….Trần Mạnh Hảo vẫn là người có công, và hướng đi đúng của anh cần được ủng hộ…”
Đây là ý kiến của nhà văn Chu Lai, trích trong báo vừa dẫn : “…Trần Mạnh Hảo là quả pháo mở màn cho trận địa phê bình nhiều năm qua đã mê ngủ, hoặc dĩ hòa vi quý, phê bình mà có cũng như không…”
Đây là ý kiến của nhà văn quá cố Xuân Thiều, trích trong báo vừa dẫn : “…Trong phê bình, tôi thấy ít người có được tâm huyết như anh Hảo…Có bài anh viết rất giỏi, đấy là bài viết về “Bóng chữ”, bàn về chữ và nghĩa…Anh Hảo nói rành mạch, nói có sách, mách có chứng chứ không à uôm. Hoặc như bài “ Ô mai em – người xa lạ của thơ” anh ấy viết cũng giỏi vô cùng…Tôi thấy Trần Mạnh Hảo là người trung thực…”
Đây là ý kiến của nhà văn Lê Lựu, trích trong báo vừa dẫn : “Trần Mạnh Hảo đã nói đúng vào cái mà nhà văn chúng ta cũng nghĩ như thế nhưng không nói ra được thế…Những ý kiến của anh phần lớn là chính xác. Trần Mạnh Hảo là người dũng cảm. Anh thực sự là nghệ sĩ viết phê bình…Tôi tin thời gian sẽ ủng hộ anh…”
Đây là ý kiến của nhà văn Khuất Quang Thụy ( hiện là Ủy viên Ban chấp hành HNVVN, tổng biên tập tờ báo mạng của Hội), trích trong báo vừa dẫn : “Về thi pháp, anh Hảo là người có phong cách. Ngay từ bài viết đầu tiên đã thấy rõ phong cách rồi. Đó là điều mà nhiều nhà phê bình không có được. Có người viết rất nhiều, in hàng chục cuốn sách mà chẳng để lại được dấu ấn gì. Sự xuất hiện của anh Hảo đã làm cho phê bình của ta hoàn toàn khác trước. Anh cũng là người tiên phong trong việc phê phán những cái sai, cái tùy tiện trong sách giáo khoa từ đại học trở xuống…Hội nhà văn nên rất tự hào về một nhà văn của chúng ta xông xáo trong vấn đề này…”
Đây là ý kiến của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, trích trong báo vừa dẫn : “…Tập “Thơ phản thơ” và những bài phê bình khác của anh Hảo viết rất cuốn hút, bởi anh đã đề cập đến những điều bức thiết rất đáng quan tâm của thơ nói riêng, văn học nói chung hiện nay; và tác giả đã viết với một bút lực nhiệt huyết dồi dào, một giọng văn cuốn hút.. Lối viết của Trần Mạnh Hảo rất nồng nhiệt, say mê. Và chính anh đã truyền cảm cho người đọc những chiêm nghiệm từng trải, có khi sâu sắc thâm trầm, nhưng có khi bằng cả sự bồng bột, xốc nổi của riêng mình….Một số người viết bài phê bình Trần Mạnh Hảo là thiếu kiến thức, thiếu văn hóa, học hành không đến nơi đến chốn…là không công bằng; những lời lẽ mạt sát nóng nảy ấy đôi khi phản lại bài viết của chính họ…”
Đây là ý kiến của nhà lý luận phê bình văn học Đinh Quang Tốn, người năm 2010 vừa đoạt giải thưởng duy nhất của HNVVN bằng tác phẩm phê bình văn học có tên : “ Tản mạn nghiệp văn”, viết về “phương pháp phê bình dị hợm” của Trần Mạnh Hảo, như sau : “Trong nghệ thuật vẫn có quy luật này : có người cả đời viết phê bình nhưng không đạt được một thành tựu nào đáng chú ý, có người ở lĩnh vực khác tạt sang lại cắm được những ngọn cờ. Trong một chừng mực nào đó, Trần Mạnh Hảo là một hiện tượng như vậy…Trần Mạnh Hảo là cây bút phê bình có năng lực, ở một mức độ nào đó có thề nói là tài năng. …Trần Mạnh Hảo đã đạt được những thành công ( trong phê bình) không kém gì trong lĩnh vực thơ…Trong vườn phê bình anh là một cây phê bình có vóc dáng nổi trội trong không nhiều các cây phê bình có vóc dáng khác…Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ văn học không viết được một bài phê bình có giá trị. …Về mặt nội lực phê bình, trong nền phê bình hiện đại của ta, người viết sung sức như Trần Mạnh Hảo không có được mấy người, trừ các bậc đại thụ Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…( trích trong bài : “ Trần Mạnh Hảo viết phê bình” – Nhân Dân chủ nhật ngày 26/05/1996)
Còn hàng chục nhà văn, nhà phê bình khẳng định hàng mấy trăm bài phê bình văn học, phê bình văn hóa học, triết học,mỹ học, sử học, phê bình sách giáo khoa, phê bình các giáo trình đại học trên nhiều lĩnh vực của kẻ “dị hợm” này hầu hết là chính xác, là truyền cảm và lôi cuốn đấy, thưa ông Nguyễn Trọng Bình.
Chẳng lẽ những nhà văn, nhà phê bình, nhà thơ nổi tiếng như các vị Xuân Thiều, Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Đinh Quang Tốn, Hồng Diệu, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu như vừa kể trên…lại đi khen một kẻ viết phê bình rất dị hợm, rất quái gở và đáng chê cười là chúng tôi hay sao, thưa ông Nguyễn Trọng Bình ?
Như thế này, khác nào ông Bình đang xỏ xiên kết án các nhà văn trên cũng chỉ là loại dị hợm, quái gở và đáng chê cười hay sao ?
Năm 2000, sau gần trăm bài phê bình sách giáo khoa văn trung học và phê bình các giáo trình văn học bậc đại học của chúng tôi, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã tiếp thu ý kiến phê bình, cử bà thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai đến nhà riêng chúng tôi truyền đạt ý kiến của ông bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển là Bộ xin tiếp thu mọi ý kiến phê bình của nhà thơ, đang triển khai biên soạn lại SGK Văn Trung học.
Chẳng lẽ Bộ GD&ĐT lại nghe theo một kẻ viết phê bình dị hợm, viết rất quái gở, viết rất đáng chê cười là chúng tôi để biên soạn lại SGK Văn trung học cho đúng hơn, sửa hàng trăm lỗi sai kiến thức mà chúng tôi đã chỉ ra hay sao ? Hóa ra, cứ ý ấy mà suy, thì Bộ GD&ĐT cũng rất dị hợm, rất quái gở, rất đáng chê cười hay sao, thưa ông Nguyễn Trọng Bình?
Nhờ các bài phê bình của chúng tôi mà ông Nguyễn Trọng Bình không còn phải học văn theo kiểu sách giáo khoa dạy bậy rằng : “ Nguyễn Du viết truyện Kiều không cần phải tưởng tượng, hư cấu”; rằng câu thơ : “ Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” là “ hoa năm ngoái đã nở, khô đi và còn lại đến bây giờ, đây là câu thơ tả thực”; “rằng : “ Nền văn học Việt Nam là một nền văn học không lớn cũng không nhỏ”; rằng : câu thơ “ đôi con diều sáo lộn nhào tầng không” của Tố Hữu tả con diều hâu và con sáo sậu bay song đôi”; rằng “ Thơ Hàn Mạc Tử là thơ điên”;rằng “Ngông là tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân”; rằng : bài “ Mời trầu” của Hồ Xuân Hương là bài thơ bà chửi mắng mấy kẻ đến tán tỉnh bà”; rằng “câu thơ “ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” là ngọn bút sắc đâm bọn gian tà : càng đâm càng chân chính”; rằng : “bài thơ Tràng Giang của Huy Cận viết bằng bút pháp tượng trưng, ném ngôn từ và hình ảnh loạn xạ trên trang giấy’”…v…v….và… v…v….
Một người phê bình văn học lấy đả kích cá nhân làm mục đích, giống như cầu thủ đá bóng bỏ bóng đá người kiểu Nguyễn Trọng Bình, thì chúng tôi không thể nào tranh biện với ông được; nên chuyện “Dị hương” ông cho hay, tôi cho dở, đường ai nấy đi, cần chi phải mất công trao đổi? Chỉ xin trích ra đây lời nhà văn Đặng Văn Sinh phê phán “Dị hương” in trên
http://trannhuong.com để trả lời ông Bình, như sau :
“Bởi “Dị hương” thực chất chỉ là một đoản thiên nặng mùi tình dục câu khách rẻ tiền, đánh lừa độc giả vốn đã quá ngán ngẩm với thứ văn chương “quốc doanh” được dán nhãn “định hướng”, “đổi mới” giả cầy. Đọc “Dị hương”, người bàng quan nhất với nền văn học “lề phải” cũng lập tức liên tưởng ngay đến “Kiếm sắc” của Nguyễn Huy Thiệp mà so sánh cái tầm của hai cây bút cùng những vấn đề mà người viết đặt ra”
“Dị hương” không có tư tưởng mà đơn giản chỉ là chuyện tình dục nhầy nhụa của lũ trai gái mất dạy thời hiện đại được gán cho Nguyễn Ánh, biến ông thành kẻ cuồng dâm, hạ thấp phẩm giá của bậc anh hùng, phỉ báng công chúa Lê Ngọc Bình không chỉ của dòng họ Nguyễn Phúc và họ Lê mà của cả dân tộc
“Dị hương” là truyện ngắn “bẹt”, chẳng những trăm phần trăm vắng bóng tư tưởng mà còn cố tình bóp méo lịch sử, biến Gia Long thành một bạo chúa, hôn quân, nhân cách vô liêm sỉ. Công chúa Lê Ngọc Bình, trong Phả hệ còn chép, bà đã có với Gia long bốn người con, hai hoàng tử và hai công chúa. Tuy từng là hoàng hậu của Quang Toản nhưng Ngọc Bình vẫn được Gia Long phong làm Đức Phi và yêu chiều như một ái thê, vậy mà Sương Nguyệt Minh dám xuyên tạc bằng cái đoạn Nhà vua làm tình vô cùng bạo liệt đến mức nàng công chúa út vua Lê Hiển Tông đột tử ngay dưới bụng Nguyễn Ánh. Hỡi những hậu duệ của Đức Gia Long, các vị nghĩ gì về hành động bôi nhọ này? Cũng xin nói thêm, chi tiết Lê Ngọc Bình có mùi hương của Sương Nguyệt Minh đâu phải sáng tạo, thực chất là “mượn tạm” từ nhân vật Hương phi trong kịch truyền hình “Hoàn Châu cách cách” của mấy anh Ba Tàu. Trong khi đó, nếu đọc thêm “Phẩm tiết” ta sẽ thấy chi tiết mùi thơm tiết ra từ… của Vinh Hoa (nhân vật xuất hiện trong cả hai truyện ngắn) ( bài đã dẫn - hết trích)…
Chúng tôi xin trích 4 ý kiến phản hồi trong bài “ Dị hương- sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế ?” của chúng tôi in trên
http://nguyentrongtao.org để ông Nguyễn Trọng Bình tham khảo :
4 Responses to “Phê bình truyện “Dị hương” (bài 1)”
1.
Hà văn Nhân 08/02/2011
Được biết: “Dị hương” được trao giải là do 1 “hội đồng” ” bỏ phiếu” do ông HT là chủ tịch? “Dị hương” có chủ đề: Nói xấu, bôi nhọ, viết sai sự thật về vua Gia Long là đúng ý “Hội đồng” rồi !! được giải là đương nhiên !!
2.
nguyen thanh cong 09/02/2011
Bài của nhà văn Trần Mạnh Hảo , theo Tôi , là 1 cái TÁT TAI TÓE ĐOM ĐÓM đích đáng và chính xác đến ” hội đồng bỏ phiếu ” bình chọn Dị Hương !
3.
Bao Quoc 18/02/2011
Ngoai ra theo wikipedia thi :
“Gia Long còn là vị vua đã chính thức xác định chủ quyền của Việt Nam trên khu vực quần đảo Hoàng Sa khi ông chiếm đóng quần đảo này năm 1816″
Hy vọng ,ai “chi dao” “Dị huong” doat giai,khong lien quan den chuyen nay.
4.
Hoa Mai 23/02/2011
SNM không đáng trách nhiều, vì ông muốn viết gì muốn chửi ai …là quyền của ông . Nhưng cái hội đồng chấm giải mới là đáng sợ. Thế mà cũng thản nhiên ghế trên ngồi tót mười mấy người (tất nhiên là không phải tất cả) để mà chẹn họng, bịt hầu, ra oai khẩu hiệu, lập lờ gian lận.. …
Ôi , những ai còn ham viết ..Viết làm gì nữa cho mất công ?
http://nguyentrongtao.org/2011/02/08/phe-binh-truy%E1%BB%87n-d%E1%BB%8B-h%C6%B0%C6%A1ng-bai-1/
“Những Nguyễn Quang Thân, Sương Nguyệt Minh (Dị Hương)... tôi lờ mờ nhận ra họ cũng muốn mượn một cách muộn màng con đường ấy, lại thiếu hẳn sự sắc bén, cái ậm ọe quyền hạn trên ngôn ngữ (nói như “thánh thán”) của một Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, nên rõ ràng là họ đẻ ra những quái thai văn học như Hội Thề, Dị Hương... đó thôi.”
Cách đây mấy ngày, một ông bạn vong niên đã vào tuổi U80 gọi điện thoại cho chúng tôi rằng : “ Ông Hảo có biết vì sao truyện ngắn “Dị hương” và tiểu thuyết “Hội thề” viết ra cốt để nói xấu, bôi nhọ vua Gia Long và vua Lê Lợi lại được giải thưởng cao nhất của HNVVN không ? Tôi thưa : không biết ! Bạn vong niên lại bảo : đó là kế hoạch “giải thiêng các nhân vật lịch sử”, bắt đầu từ hai ông vua này, sẽ có nhiều Sương Nguyệt Minh, nhiều Nguyễn Quang Thân tiếp tục phương pháp giễu nhại, phương pháp giải thiêng, phương pháp đánh bùn sang ao để viết tiếp về các nhân vật lịch sử khác : Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…Đến khi nào HNVVN tiểu thuyết hóa, truyện ngắn hóa hết các nhân vật lịch sử nổi tiếng từ năm 1945 đến 1975 thì chiến dịch “giải thiêng” mới kết thúc. Bạn vong niên nhấn mạnh : Hảo là người mê dân chủ, tự do mà rốt cục bảo hoàng hơn vua, không đổi mới bằng tư duy của HNVVN đâu. Hữu Thỉnh là cứ thâm nhất nước. Thôi kệ họ diễn biến, đừng phê bình phê bèo nữa, chờ dăm năm bài toán này sẽ có đáp số, Hảo sẽ thấy mình sai…”
Tôi kinh ngạc, tự hỏi mình : chẳng lẽ HNVVN thâm thúy và đổi mới toàn diện đến như thế này ư ? Chả lẽ chuyện văn học hóa lịch sử, thô bỉ hóa các nhân vật lịch sử có công với đất nước như thế này, nhằm hoàn tất sứ mạng văn học là “giải thiêng”, giải thể các thần tượng, giũ bỏ mọi hào quang của các nhân vật anh hùng hay sao ?
Sài Gòn ngày 07-03-2011
TRẦN MẠNH HẢO