Hồi đó cách đây chừng hơn một năm, dư luận trong giới viết ở ta, không ít là các tác giả tên tuổi, đã dành những lời ưu ái đối với một số bài viết của Giáp Văn Dương từ nước Anh gửi về. Những bài của anh đăng khá đều trên báo điện tử VietnamNet, tạp chí Tia Sáng và một số mạng khác. Ví như bài “Thoát thân luận”, đưa lên VietnamNet (VNN) đầu tháng 1/2010 đã có những tiếng vang nhất định và từ đó khơi lên những trao đổi trong anh em viết lách cũng như giới trí thức nói chung: (
http://www.giapvan.net/2010/01/cap-nhat-thoat-than-luan-tiep-tuc-bi.html). Rồi cũng từ hướng trên, Giáp Văn Dương phát triển cái chủ đề đúng là “khó xơi” nhưng đủ sức thu hút này, để rồi xuất hiện tiếp bài: “Thoát thân theo chiều thẳng đứng”, cũng được đăng trên báo điện tử kể trên: (
http://www.giapvan.net/2010/01/thoat-than-theo-chieu-thang-ung_13.html). Sở dĩ tôi dẫn nguồn vì có những lý do tế nhị, hai bài trên đều được VNN đưa lên, rồi sửa đi, cắt bớt, rồi về sau cũng khó truy cập, nhưng tại blog của tác giả vẫn còn nguyên vẹn trên mạng.
Bằng cách khéo nêu bài học phát triển thành công khi “thoát Á” của người Nhật cuối thế kỷ 19, tác giả Giáp Văn Dương cho rằng Việt Nam bây giờ chưa cần tính đến việc thoát khỏi ai, Á hay Âu, hoặc cụ thể là thoát một nước như Nhật, Mỹ để phát triển, mà là “hãy thoát ra khỏi cái bóng của chính mình”.
Với lối viết có lập luận bài bản cùng một số chứng cứ khá thích hợp, người viết nhấn mạnh rằng người Việt ta cần biết vượt thoát ra những trói buộc rất là vô hình vô ảnh, rũ bỏ các thói tật đang cản trở bước tiến của mình đã là một bước quan trọng, không chừng “là quan trọng bậc nhất” với người Việt Nam chúng ta hiện nay.
Đó có thể coi là một quan niệm, một cách nhìn độc đáo về thực trạng tinh thần của đất nước khiến mọi người, kể cả lớp đã lớn tuổi chúng ta cùng nên suy nghĩ và chia sẻ với tác giả. Đáng chú ý là tác giả viết ra những điều ấy thuộc thế hệ 7x, một công dân Việt mà ở ta nếu nằm trong bộ máy nhà nước thì vẫn được coi là quá trẻ, thường xếp là “diện bồi dưỡng”.
Giáp Văn Dương từng học đại học ở trong nước, rồi sau đó tiếp tục học tập ở nước ngoài, ra trường có việc làm tại một trung tâm đại học bên Anh, chính xác là thành phố Livepool. Gần đây thấy anh thông tin trên mạng là có những lý do riêng, anh đã chuyển tới Singapore với một công việc mới.
Được biết anh Giáp Văn Dương đã có nhiều bài viết khác được công bố rộng rãi ở báo chí trong nước, một số khác đăng trên blog cá nhân mang tên họ của anh - Blog “Giáp Văn”. Trên trang mạng riêng này có thể thấy khá nhiều ý tưởng mới lạ của một thanh niên trí thức muốn chia sẻ với bạn bè khắp nơi, cả trong nước và trên thế giới. Người ta thấy quý là ở các bài viết này, luôn vượt trội một thái độ góp ý xây dựng với đất nước mà anh còn đang sống cách xa. Để ý từ ngày rời nước Anh về Singapore, có thể do công việc mới bận rộn, tiếc là Giáp Văn Dương ít chăm sóc đến một con blog cá nhân có nhiều bài rất đáng đọc.
Nói đến giới trí thức, lại là trí thức trẻ như Giáp Văn Dương - và lớp người như bạn bè anh đang ở nước ngoài làm việc - thì việc họ suy nghĩ và hành động thế nào đương nhiên là điều người trong nước chúng ta quan tâm. Trường hợp Giáp Văn Dương, người có nhiều bài viết nổi bật trên vài ba tờ báo trong nước, đã khiến cho chúng tôi cùng một số bạn bè thân quen rất chú ý.
Chẳng hạn, cuối tháng 8/2010, trên blog Giáp Văn và được nhiều trang mạng khác đưa lại, có một bài viết với cái tít có thể nhiều sức hút vì tò mò: “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?”. Bài viết cho rằng, bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ trường hợp Nguyễn Trường Tộ thời nhà Nguyễn chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên “Trí thức cận thần” để đi trên con đường mới - con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tiến lên đổi mới thực sự được. Giáp Văn Dương còn nói thêm là làm được như vậy (tức làm trí thức dấn thân) sẽ tránh được nguy cơ trở thành “đất nước cận thần” và giữ được nền độc lập đúng nghĩa. Ý này của anh quả là mạnh bạo và sâu sắc. Việc có chia sẻ hay không chia sẻ với nhận định này của Giáp Văn Dương là một câu chuyện, một vấn đề khác mà tôi chưa muốn bàn đến ở đây. Cái quý là một người trẻ tuổi đã dám nói lên một thực tế và có nhận định riêng về giới trí thức với một tư duy độc lập (có thể đọc nguyên văn:
http://www.giapvan.net/2010/08/hoc-gi-tu-nguyen-truong-to.html).
Giáp Văn Dương cũng không ngại bàn đến vấn đề nhạy cảm là dân chủ. Anh viết bài “Dân chủ và hiền tài”, trong đó nêu vấn đề mở rộng dân chủ chính là để tạo điều kiện tốt nhất cho lựa chọn và cũng là trọng dụng hữu hiệu hiền tài của quốc gia. Và đó chính là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong thời đại mới (bài này đăng trên tạp chí Tia Sáng, 6/2010).
Người trí thức trẻ này còn tham bàn những chủ đề mà nếu không tốn công sức nghiên cứu thì khó mà có được những ý kiến xuất sắc và mới lạ. Ví dụ anh nêu câu chuyện liên quan giữa Minh triết và Hạ tầng tư duy. Bài này đăng vào tháng 3 năm ngoái, trong đó Giáp Văn Dương viết: “Muốn phát triển, phải xây dựng được một hạ tầng tư duy vững chắc, phong phú và thông thoáng, để từ đó, tạo ra những sản phẩm tư duy có giá trị. Minh triết, với vai trò như một phông nền văn hóa, có mặt trong nhiều thành phần trong cấu trúc của hạ tầng tư duy”.
Trong bài “Định chuẩn bằng những giá trị phổ quát” viết hồi tháng 5/2010, Giáp Văn Dương nhận xét rằng: “Việc định chuẩn cho một xã hội luôn luôn rất khó. Với Việt Nam lại càng như vậy. Bởi một đất nước đang ở trong quá trình chuyển đổi về nhiều mặt, từ cách thức tổ chức nền kinh tế, quan điểm chính trị, đến cấu trúc văn hóa và cách thức giao lưu với bên ngoài, v.v...thì hiện tượng chồng lấn giữa các thang giá trị cũ và mới là điều tất yếu. Cái mới tuy đã xuất hiện, nhưng chưa đủ mạnh để đẩy lùi cái cũ đã lạc hậu. Cái cũ, dù đã không còn thích hợp với sự phát triển, cũng vẫn cộng hưởng, cấu kết với nhau và với một số lực lượng trong xã hội để tiếp tục tồn tại”.
Vẫn tại bài viết trên, anh còn nói thêm: “Trong bối cảnh đó, việc định chuẩn – lựa chọn những thang giá trị cho xã hội – trở nên phức tạp và ẩn chứa những sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cái mới, chưa chắc đã là cái tiến bộ. Và cái cũ, cũng chưa hẳn là cái lạc hậu hoàn toàn. Chưa kể, xã hội có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu thang giá trị khác nhau. Vì thế, việc định chuẩn cho xã hội, vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn gấp bội”. Vì thế theo anh, có một cách có thể giảm thiểu những sai lầm trong việc định chuẩn “đó là sử dụng những giá trị phổ quát để làm thang giá trị chủ đạo”. Lý do là các giá trị chung này đã được kiểm chứng trong suốt chiều dài lịch sử, không những ở nước ta mà còn ở nhiều nước với các nền văn hóa văn minh khác nhau. Đồng thời Giáp Văn Dương đưa ra kiến giải, nếu chúng ta biết sử dụng những giá trị phổ quát làm thang giá trị chủ đạo thì sẽ tránh được sai lầm và sự ấu trĩ trong việc chọn chuẩn. Mà những giá trị phổ quát, theo Giáp Văn Dương, đã tồn tại từ trăm tới ngàn năm nay ở ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới, đó là “Bình đẳng-Dân chủ; Tự do-Công lý; và Chân-Thiện-Mỹ” những cặp phạm trù kép trên cần được coi là những thang giá trị cơ bản nhất, nền tảng nhất để định hướng cho xã hội. Ý kiến như thế của Giáp Văn Dương rất đáng để giới nghiên cứu chúng ta tham khảo.
Một đóng góp khác cũng rất đáng quý của Giáp Văn Dương. Anh là thành viên của một nhóm các bạn trẻ hội tụ ý tưởng, lập nên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Những cái tên như TS. Trần Vinh Dự (ở Mỹ), TS. Lê Vĩnh Trương (chưa tìm được nơi nhà nghiên cứu này làm việc - NV), Lê Minh Phiếu (Pháp) và nhiều bạn trẻ khác đa phần đều là những người được đào tạo cơ bản ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, nay có công việc tại các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài. Có thể hiểu đây là lớp Việt kiều kiểu mới và thành đạt. Điểm nổi bật là ở họ là đều hướng về đất nước, muốn phục vụ tổ quốc bằng kiến thức học tập và tích lũy được của mình ở nước ngoài.
Nếu chúng ta theo dõi biên bản ghi lại những trao đổi trong cuộc “Giao lưu trực tuyến” ngày 9/4/2010 do báo VietnamNet tổ chức sẽ được biết thêm rằng các thành viên của Quỹ nói trên đến từ các ngành chuyên môn khác nhau, như Hải dương học, Luật học, Công pháp quốc tế, Vật lý học, Năng lượng hạt nhân, Kinh tế học... Các phát biểu của họ về Biển Đông tại cuộc giao lưu có một điểm chung là mong muốn đất nước lớn mạnh, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và hướng ra kinh tế biển một cách thực sự và thực chất nhất. Tuy nhiên ở tập thể nghiên cứu này cũng mang dấu ấn đặc biệt không những là sức trẻ, mà như họ tuyên bố, là tất cả đều xuất phát “từ sự yêu thích nghiên cứu các vấn đề Biển Đông” nhưng là nghiên cứu “với tinh thần trung dung và ôn hòa”. Mục đích đạt tới là góp phần nghiên cứu với trong nước để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng toàn diện phục vụ sự nghiệp và chiến lược vươn ra biển cả và đại dương của chúng ta. Họ đều nói, đối với các lĩnh vực đấu tranh ngoại giao, về vấn đề an ninh quốc phòng cho biển đảo đã và sẽ là trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam chứ không thuộc lĩnh vực mà họ nghiên cứu và đề xuất chính sách. Tôi nghĩ điều này rất đúng, họ góp cái sở trường chứ không múa võ bằng cái sở đoản. Thật là một thái độ đúng mực của những nhà trí thức trẻ nhưng đã sớm chín chắn.
Người viết bài này không hề quen biết riêng Giáp Văn Dương và những người cùng chí hướng với anh đang làm việc ở nước ngoài. Năm ngoái có lần anh bạn trẻ Giáp Văn từ Anh về Việt Nam, bạn bè của tôi gọi bảo tới ngồi có Giáp Văn Dương ở đó. Tôi đang ở xa thủ đô nên lỡ mất một dịp hiếm anh em kiến diện nhau. Chúng tôi cách nhau cả vài thế hệ kia đấy, nhưng có thể nói không xa cách cho mấy về các chủ kiến, các vấn đề kinh tế xã hội đáng quan tâm của đất nước, nên trong lòng chúng tôi sinh quý hóa nhau mà thôi.
Nhân dịp này người viết bài này xin gửi thêm ít dòng dưới đây về TS Giáp Văn Dương, chỉ nhằm giúp mọi người tham khảo thêm về con người, về một lớp trí thức trẻ của đất nước: Tiến sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999; Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) ngành Công nghệ Hóa học năm 2002; Tiến sĩ Đại học Công nghệ Vienna ngành Vật lý kỹ thuật (Áo) năm 2006. Hiện tại làm việc tại Đại học Livepool, Anh (và gần đây, như tôi đã viết trên kia anh đã chuyển về làm việc ở Singapore).
Đúng là các bạn trẻ của chúng ta hiện nay khi được đào tạo cơ bản tốt, một số bạn lại có điều kiện du học ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hiện đại, rất nhiều khả năng sẽ trưởng thành lên rất nhanh. Nó tạo đà để các bạn ấy có thể trở nên lớp trí thức trẻ mới, mang được trong đầu óc mình một thế giới quan phóng khoáng của những công dân toàn cầu. Một khi lòng yêu nước thương nòi sưởi nóng tâm can, trong các bạn lại có một nhân sinh quan đúng đắn và tiến bộ vì đất nước và dân tộc Việt Nam yêu quý, chắc chắn các bạn đó sẽ dần dần trở thành một lực lượng hùng mạnh để hòa nhịp cùng toàn dân ta dựng xây xã hội Việt Nam tốt đẹp trong tương lai gần.
Sẽ lại còn vui hơn nữa khi những lớp tuổi trẻ như thế - họ vừa có học vấn vững chãi vừa mang tâm hồn dân tộc Việt Nam - ở cả trong nước cũng như còn đang ở nước ngoài, tất cả đều rằng họ đều là người Việt Nam, là công dân Việt Nam. Lớp trí thức mới và trẻ tuổi này đang ngày càng đông đảo lên. Chắc rằng xã hội chúng ta đều một lòng trông cậy nơi họ. Điều ấy đáng kỳ vọng làm sao...
Nguyễn Vĩnh
(1/2010; sửa lại 3/2011)
-----------------------------
Nguồn:
http://vinhnv43.blogspot.com/2011/03/tri-thuc-tre-cua-ta-co-nhieu-nguoi-gioi.html