Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DỊ HƯƠNG, KIẾM SẮC và…

Bùi Công Thuấn
Thứ tư ngày 9 tháng 3 năm 2011 12:19 PM
 
Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ, cái đẹp của chính ngôn từ. Yếu tính của nghệ thuật là sự sáng tạo. Phẩm giá, tài năng của nhà văn được xác lập bằng chính sự sáng tạo nghệ thuật của anh ta. Trong  nghệ thuật, mọi sự sao chép đều là hàng giả. Nhìn một bức tranh sao chép, tranh giả, dù đường nét màu sắc có tinh vi đến mấy, người xem vẫn thấy bực bội, thất vọng. Khi được nhào nặn trong cùng một khuôn, tất yếu sẽ cho ra đời hai vật thể giống nhau, cái sau mang nguyên vẹn hình hài của cái trước. Một tác phẩm được xây dựng bằng cùng một cách viết với tác phẩm khác, thì dù có được gia công tô vẽ thêm bao nhiêu, nó cũng chỉ là bản nháp của tác phẩm trước đó, nó không mang đến chút thú vị nào cho người đọc, thậm chí nó có thể để lại vết nhơ không tẩy xóa được cho người cầm bút. Nam Cao bảo rằng “ Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có “ (Đời Thừa).
Lẽ ra tôi  không nên viết những dòng dưới đây.

 DỊ HƯƠNG, KIẾM SẮC, và…

Kiếm Sắc (1988) của Nguyễn Huy Thiệp nói về một Nguyễn Ánh cơ mưu và tàn ác trong công cuộc giành lấy thiên hạ. Mục đích của Nguyễn Huy là “giải thiêng” những định kiến thần thánh hóa mà nhân gian đã gán cho nhân vật lịch sử. Hơn thế, Thiệp dùng  nhân vật này để nói về thời đại nhà văn đang sống, nghĩa là cách mượn chuyện xưa để nói những vấn đền hôm nay, một cách nói ám chỉ.
Dị Hương cũng “giải thiêng”  Nguyễn Ánh như thế. Đó là một Nguyễn Ánh tầm thường, dâm tục, không phải một bậc anh hùng. Nguyễn Ánh không có một chút cơ mưu nào, không một ý nghĩ đến đại cuộc, không một cử chỉ hành xử trượng phu, trái lại chỉ như một đứa “thảo dân vô học”. Một nguyễn Ánh mà run sợ ngay trong giấc mơ của mình, một Nguyễn Ánh mà khi thấy Ngọc Bình trong bồn tắm thì “ Lòng Ánh nôn nao, không chịu nổi mùi gợi dục, cuống cuồng cởi quần áo. Ánh hấp tấp y như chàng trai mười sáu tuổi lần đầu nhìn thấy thân thể người đẹp trắng nuột nà, nhào vào bồn tắm, làm nước tràn quá nửa”, “Hai người lại chìm vào biển ái ân nóng bỏng. Đang lúc Ánh sướng quá tru lên như con ngựa hoang động đực”.
Vâng, dù tác giả có viết gì thêm nữa cũng chỉ là để “giải thiêng” thần tượng, như Nguyễn Huy Thiệp đã làm trong Kiếm Sắc. Chẳng có cái nhìn nhân văn hay sự cảm thông chia sẻ bi kịch nào ở đây cả (1). Thái độ viết của tác giả Di Hương, cũng như Nguyễn Huy Thiệp không phải là thái độ cảm thông, mà là thái độ đạp đổ thần tượng. Thái độ ấy bộc lộ trong cách gọi tên nhân vật, trong cách gán cho nhân vật những hành vi hạ cấp. Nguyễn Huy Thiệp gọi Nguyễn Ánh bằng tên Ánh trống không, mà không gọi bằng chức danh xã hội . Đó là cách gọi xếch mé theo kiểu người Bắc, khi muốn bày tỏ sự khi miệt, hạ bệ đối tượng. Điều này nằm trong tâm thức Hậu Hiện Đại, đạp đổ những Đại Tự Sự, giải thiêng những tín niệm, hạ bệ những thần tượng. Thâm ý của Nguyễn Huy Thiệp ai cũng rõ, chỉ có điều là không ai nói ra, sợ có khi vạ miệng (!) Nguyễn Huy Thiệp đã đi trước Sương Nguyệt Minh khá xa.
Trong Kiếm Sắc, Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh cái ý này, mặc dù thấp thoáng, nhưng nó cũng là một chủ đề tư tưởng, ấy là Nguyễn Ánh ghét bọn nho sĩ Bắc Hà. “Ánh bảo :Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi…Chữ nghĩa chúng nó thôi lắm, ngụy biện, xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả. Lân bảo : Đa số như thế, chôn cũng đáng, chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công. Ánh bảo :Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng mệt lắm “ Những câu văn này không phải Nguyễn Huy Thiệp dùng để nói về Nguyễn Ánh mà nói về thời đại ông đang sống. Chữ nghĩa nho sĩ Bắc Hà thật thâm hiểm. Bảo sao Ánh không căm ghét!
Trong Dị Hương, tác giả cũng lặp lại tư tưởng này. “ ánh rất ghét bọn hủ nho làm thơ. Chúng thường xúm vào tâng bốc, ngợi ca Ánh như một bậc kỳ tài trong thiên hạ chí lớn ngùn ngụt”. Ánh tin dùng Sán, vì “kho tàng tri thức Nho học của Sán đã giúp Nguyễn Ánh được cái danh thâm sâu, khỏi tiếng võ biền, mà cánh sĩ phu Bắc Hà cao ngạo thường mỉm cười coi rẻ”. Chỗ khác biệt là ngôn ngữ Nguyễn Huy Thiệp tầng tầng lớp lớp nghĩa, còn câu văn tác giả Dị Hương thì thẳng đuột chỉ có một nghĩa tường minh, vì thế bút lực của Nguyễn Huy Thiệp mạnh mẽ bao nhiêu thì bút lực của tác giả Dị Hương èo ọt bấy nhiêu.
Trở lại với cách kể chuyện của Kiếm Sắc và Dị Hương, người đọc dễ dàng nhận ra Dị Hương lặp lại khuôn mẫu này ở Kiếm Sắc:
Mở đầu Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp viết về nhân vật Đặng Phú Lân thế này :”Trong số những người gần gũi với thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Đặng Phú Lân”.Ấy là Nguyễn Huy Thiệp bảo, Lân chỉ là một nhân vật hư cấu thôi. Và Kiếm Sắc là kiểu truyện hư cấu.Đừng tin những gì Thiệp viết là thật. Dị Hương cũng viết về nhân vật Trần Huy Sán như vậy :”Dưới trướng Ánh có một nhân vật rất kỳ dị chỉ thấy chép trong dã sử. Y tên là Trần Huy Sán”. Sán cũng chỉ là một nhân vật hư cấu, cho phép nhà văn tha hồ bịa đặt những gì muốn bịa đặt, để nói cái điều mình muốn ám chỉ. Sao lại có sự giống nhau kỳ lạ đến vậy trong cách giới thiệu nhân vật và kiểu nhân vật giữa hai tác phẩm ? Từ đây Trần Huy Sán được xây dựng cùng một số phận với Đặng Phú Lân, nghĩa là, cả hai cùng tận tụy phục vụ Nguyễn Ánh, cả hai cùng dự cảm về cái chết của mình dưới tay Ánh, và sau cùng và cùng bị Ánh chém Đầu.
Trên cái khuôn của Kiếm Sắc, Di Hương đã triển khai câu chuyện giống Kiếm Sắc đến cả những tình tiết. Về hình tượng chủ đề, Nguyễn Huy Thiệp tập trung vào thanh kiếm gia truyền của Đặng Phú Lân, để thể hiện cái tư tưởng, kẻ dùng gươm sẽ chết vì chính thanh gươm của mình. Đó là một oan nghiệt ; còn Dị Hương tập trung vào hình ảnh chiếc yếm có mùi hương lạ của Trần Huy Sán. Dị Hương muốn nói điều này, những kẻ võ biền thô bạo như Ánh thì không thể chiếm được hương thơm thanh khiết của châu ngọc tinh thần Bắc Hà, dù anh ta có bao nhiêu sức mạnh bạo lực.”Cái yếm thắm vụt khỏi tay Ánh chấp chới lượn đi lượn lại rồi thăng thiên”. May mà, nhờ hai hình tượng này khác nhau nên chủ đề của Dị Hương có khác đôi chút với Kiếm Sắc. Nhưng ở bề sâu tư tưởng của hai tác phẩm thì vẫn giống nhau. Đối với kẻ sĩ Bắc Hà, những kẻ võ biền thô bạo, gian hiểm, dâm tục không thu phục họ được. Chỉ có một cách là tiêu diệt họ, như Nguyễn Ánh đã giết Đặng Phú Lân hay Trần Huy Sán.
 Kiếm Sắc miêu tả cái chết của Lân như sau : khi Ánh chém đầu lân thì “máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại”. Một cái chết kỳ lạ. Dị Hương cũng  kể rằng :’Sán vươn cổ cò ra như thách thức. Một  chớp sáng ngoằn ngoèo như sét đánh giữa trời quang mây tạnh. Lần này Ánh chém thật. Cái “chõ xôi”lăn lông lốc rồi dừng lại, mắt Sán hấp háy, miệng nhếch mép cười cợt. Bỗng dưng , mùi dị hương ở đâu đó ào ạt xông lên, rồi mất hẳn”, cũng là một cái chết kỳ lạ, không khác gì cái chết của Lân trong Kiếm Sắc. Trong suốt truyện, Di Hương bắt chước Kiếm Sắc trong việc tô vẽ những chi tiết kỳ dị hoang đường thường thấy trong cách kể truyện duy tâm dân gian, trong kiểu chí quái chí dị, truyện truyền kỳ (Truyền Kỳ Mạn Lục, Liêu Trai Chí Dị). Nhưng nếu ở Kiếm Sắc đó là cái mới, là sự sáng tạo, thì ở Dị Hương đó là bản sao vụng về. Bởi khi Kiếm Sắc ra đời, văn chương Việt Nam vẫn còn đang được viết bằng bút pháp của Chủ Nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Mọi điều miêu tả trong tác phẩm giống y như ngoài đời, như thể “Áo anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá”; còn Nguyễn Huy Thiệp thì đã quyết liệttừ bỏ Chủ Nghĩa Hiện Thực XHCN rồi. Anh đang mày mò những kiểu bút pháp khác.
Lại thấy điều này. Phần đầu Kiếm Sắc có bài hát của Vinh Hoa. Cuối truyện có bài hát của cô gái chủ quán. Bài hát được dùng để tạo màu sắc thẩm mỹ và nhấn mạnh chủ đề. Bài hát này cũng chứa đựng ý nghĩa tư tưởng làm cho Kiếm Sắc trở nên sâu sắc, thú vị . Dị Hương cũng dùng kỹ thuật này. Ngay sau phần mở đầu là câu hát của bọn trẻ chăn trâu thả ra khắp triền sông. Những câu hát này được lặp lại nhiều lần trong suốt truyện để tô đậm chủ đề. Tuy nhiên, những câu hát trong Dị Hương không tạo được màu sắc thẩm mỹ-tư tưởng. Đơn thuần nó chỉ là dấu chỉ đường để người đọc lưu ý chủ đề về Dị Hương mà thôi. Dị Hương đã không học được nghề của Kiếm Sắc
Câu văn của Nguyễn Huy Thiệp nói chung và trong Kiếm Sắc nói riêng có đặc trưng tạo nên phong cách nghệ thuật của anh. Câu văn tạo nên một lối kể chuyện, khắc tạc được cốt cách nhân vật, mở ra một một thế giới nghệ thuật mà trước Nguyễn Huy Thiệp chưa có, để rồi, sau Nguyển Huy Thiệp, nhiếu người đã bắt chước cách viết ấy. Đó là những câu văn trần trụi, băm bổ, nhưng lại chứa đựng một bút lực thật mãnh liệt, và một thâm ý văn chương sâu xa. Xin đọc Kiếm Sắc :”Lân gặp Ánh. Ánh thấy Lân khôi ngô, ăn nói khoan hòa mà thủ đoạn táo bạo thì thích lắm, cho ở luôn bên mình. Một lần thuyền Ánh qua cửa Tiền Giang, có bốn người đi theo, trong đó có Lân. Bấy giờ có con cá sấu rất to cứ bơi theo, đuổi thế nào cũng không được. Mọi người lo sợ, thấy phải có người nhảy xuống làm mồi cho cá sấu thì mới thoát. Ánh hỏi : Ai vì nước Việt mà chết ? Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân: Trượng phu quý mạng sống thế à? Lân chắp tay : Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người! Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: Thế này thì nghiệp ta thế nào Trời cũng cho thành”. Đó là một đoạn văn chứa đựng được đặc sắc câu văn, cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật và những ngụ ý thâm trầm, ma mị và tài hoa của Nguyễn Huy Thiệp trong Kiếm Sắc.
Dị Hương cũng dùng cách kể như vậy, kiểu câu văn như vậy, giọng điệu như vậy, nhưng hơi văn bạc nhược, tình ý hời hợt, chất thẩm mỹ nhạt nhòa, không sao thoát được ảnh hưởng Nguyễn Huy Thiệp, không hiển lộ ra được phong cách nghệ thuật riêng của tác giả. Xin đọc:
“Nửa đêm về sáng, Ngọc Bình mệt quá, mềm oặt, nằm không động đậy, như con cá chuối chết ươn. Ánh nhìn thân thể ngọc ngà đang có chiều trắng bệch, xót xa, bảo:
“Có phải ta ham quá làm nàng đau và mệt mỏi?”.
“Không! Tự nhiên thần thiếp thấy mình trống rỗng. Lúc đầu ân ái đam mê cuồng nhiệt bao nhiêu thì sau đó lãnh cảm bấy nhiêu”.
Ánh thở dài. Lại nghĩ: Ngọc Bình nhìn long sàng, thuyền rồng mà nhớ nhung Quang Toản trong lúc ái ân. Đang khi tranh tối tranh sáng, Ánh kêu quân hầu mang võng tía lên sườn núi tìm cây giăng mắc. Ánh bế Ngọc Bình đi lên theo. Sương đêm lành lạnh bay mỏng nhẹ như màn buông. Gió sông vẫn thổi không dứt quằn quặn. Gai người.
Đại giám quân Lê Văn Duyệt thức khuya, mệt phờ phạc ra sức can ngăn:
“Chúa vương hãy giữ mình rồng. Trước đây bôn tẩu gặp đâu ngủ đấy, cùng đường chạy giặc cỏ thì không nói làm gì. Nay đã có kinh kỳ Phú Xuân vàng son lộng lẫy, chúa vương nên về long sàng mà ngủ. Sao người cứ phải vui thú dập dạ trên cỏ cây như lối bọn thợ sơn tràng hạ dân”.
 
Ánh đang ẵm mỹ nhân, tức giận quá một tay quắp nàng một tay chỉ vào mặt Duyệt:
“Sao đế vương khổ thế!? Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư? Chả lẽ cái việc ngủ với gái mà còn phải hoãn cơn động cỡn lại chờ về nơi lầu son gác tía? Ta là chúa vương tối cao, ta thích sang trọng sẽ được sang trọng, ta muốn dân dã, lấm láp là được lấm láp. Ta không bằng một thợ cày sao? Đêm nay ta muốn ngủ với nàng trên cỏ cây như một thảo dân vô học”.
Mắng xong, Ánh bế phắt mỹ nhân đi như chạy. Bọn Lê Văn Duyệt không dám kêu can nữa. »
Tôi đã trích một đoạn khá dài, nhưng không thể tìm thấy bóng hình tác giả ở đâu trong đoạn văn ấy. Hồn cốt không thăng hoa lên được.
Như vậy, khi xem xét các yếu tố của cấu trúc tác phẩm, tôi thấy Dị Hương sao chép cách viết của Kiếm Sắc. Đó thật là điều đáng tiếc trong sáng tạo nghệ thuật, cũng thật là đáng thương cho một cây bút chưa đủ sức đi bằng chính đôi chân của mình. (Tôi xin lỗi nếu điều tôi nói làm buồn lòng tác giả và những ai thích Dị Hương). Xin lưu ý rằng, tôi không có ý nói Dị Hương giống Kiếm Sắc về nội dung. Cũng không nói rằng Dị Hương không hay. Nhưng cần nhìn rõ rằng, Dị Hương không đem đến cho văn chương đương đại điều gì mới trong nghệ thuật viết truyện ngắn, điều mà Kiếm Sắc đã làm được những năm đầu đổi mới.
DỊ HƯƠNG, KIẾM SẮC, và…
Việc trao giải cho Dị Hương là thẩm quyền của ban tổ chức giải. Mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí nhất định và ban giám khảo căn cứ vào tiêu chí đó để đánh giá và trao giải. Đó là quyền và trách nhiệm của họ. Quần chúng nếu có tham gia ý kiến thì vẫn chỉ là người ngoài cuộc. Tuy vậy, có điều này cần phải ngẫm nghĩ. Đã có những cách đọc khác nhau về Dị Hương, gây nên những tranh cãi về những vấn đề bên ngoài văn chương. Ít có người chú ý đến đặc điểm kiểu truyện hư cấu của Dị Hương để khám phá từ trong bản chất sáng tạo của nhà văn. Và dường như, trong tiêu chí của cuộc thi truyện cũng không có tiêu chí về sự sáng tạo? Nếu vậy, mọi tranh cãi sẽ chẳng mang đến lợi ích gì cho văn chương cả.
Không phải chỉ có Dị Hương mới sao chép cách viết. Cả Đất Trời Vần Vũ, một tác phẩm đạt giải khác  cũng vậy, tác giả cũng sao chép cách viết từ nhiều nguồn, mà đậm nhất là cách viết của Lời Nguyền Hai Trăm Năm (1). Tôi trộm nghĩ rằng, một giải văn chương chỉ nên trao cho tác phẩm có sáng tạo nghệ thuật. Bởi sự sao chép, dù ở góc độ hay yếu tố nào, cũng không phải là sáng tạo, cũng đồng nghĩa không phải là nghệ thuật.
Tháng 3.2011
_________________________________________
(1) Nguyễn Trọng Bình - Góp thêm một cái nhìn về truyện ngắn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh
  http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12249
(2) CHUYỆN CỦA NHỮNG KẺ CHƠI DAO. BCT đọc Đất Trời Vần Vũ của Nguyễn Một
               http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=9181