Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯA NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO! TÔI XIN NGỪNG CUỘC TRANH LUẬN

Phạm Quang Trung
Thứ ba ngày 8 tháng 3 năm 2011 5:39 PM

 

     TNc: Nhà văn Phạm Quang Trung đã tuyên bố ngừng cuộc tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Vâng thì theo ý nguyện của ông. Hiện nay nhiều bạn bầu vẫn tiếp tục gửi bài tham gia thảo luận nên TNc vẫn cho bài lên với tinh thần khách quan không nghiêng về bên nào.       

   
Kính gửi: Nhà văn Trần Nhương - Chủ mạng trannhuong.com cùng các trang mạng bạn: nguoibanduong, khoivudongnai, phamvietdaonv.
Đồng kính gửi: Nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

            Suốt một tháng trời nay, tôi thức khuya dậy sớm, mong góp những tiếng nói kịp thời theo diễn biến nhanh chóng không phải chỉ từng ngày mà từng giờ chung quanh cuộc tranh luận chủ yếu trên diễn đàn trannhuong.com về giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Đến lúc này, tôi ý thức rõ rệt là bản thân cần nói lời giã từ mặc dầu không phải không thấy lưu luyến và tiếc nuối. Bởi tôi luôn nhận thấy ý nghĩa tích cực của cuộc tranh luận văn chương - học thuật mà mình tự giác tham gia trên cả phương diện đạo lý lẫn phương diện nghề nghiệp. Tôi ngưng cuộc tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo giữa lúc này vì những nguyên do mà đối với riêng tôi hẳn là rất chính đáng.

Trong bài viết Tôi hiểu ra rồi! (pqtrung.com trannhuong.com ngày 04/03/2011), tôi đã thẳng thắn chỉ trích nội dung chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật VTV1 phát vào buổi sáng cùng ngày, tập trung ở chỗ, chỉ phản ánh dư luận một chiều về giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, bỏ qua những ý kiến sôi động trái chiều trên diễn đàn văn chương mạng, gây cảm giác xem thường khán - thính giả truyền hình nhất là đối với những người quan tâm lại có hiểu biết vấn đề như chúng tôi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, bài viết của tôi đã vô tình làm tổn thương tới hai người bạn văn tốt xưa nay của mình là nhà phê bình Lê Thành Nghị và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân. Rất có thể hai bạn văn trẻ Hoài Nam và Phong Điệp cũng rơi vào tâm trạng u buồn tương tự. Một người bạn của tôi sống ở Hà Nội đã nhận xét rất đúng rằng, bước vào ‘trường văn trận bút’, đôi khi chữ nghĩa trong mỗi hoàn cảnh cụ thể rất dễ từ chỗ quang minh chính đại bị vô tình đẩy sang chỗ lệch lạc, rời xa khỏi tay mình, cứ như con ngựa bất kham không thể ghìm cương nổi. Đấy là chưa nói tới bao kẻ bất lương cứ luôn rình rập để nhanh chóng chớp lấy thời cơ xuyên tạc đôi khi rất trắng trợn vì những mục đích đen tối của họ. Từ những thông tin đáng tin cậy, tôi được biết, chương trình trên được làm từ khá sớm, trước tết Tân Mão, nhưng mãi tới sáng ngày 04/03/2011 mới chính thức lên sóng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân đã chủ động đề nghị những người có trách nhiệm ở VTV1 ngưng phát vì nội dung đã tỏ ra lỗi thời, không kịp cập nhật để mang tính thời sự nóng hổi mà bất cứ một sản phẩm báo chí nào cũng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu không muốn bị chê cười. Tuy cuối cùng, Ban biên tập chương trình vẫn quyết định không thay đổi kế hoạch đã định, dẫn tới sự phản ứng hoàn toàn chính đáng từ phía khán - thính giả trong đó có tôi. Nếu thông tin này là hoàn toàn xác thực thì thiết nghĩ, Ban biên tập chương trình nên chính thức công khai xin lỗi trước các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng dẫu sao sự việc cũng đã xảy ra rồi, không thể làm lại được nữa. Và nỗi đau tinh thần của các bạn tôi vẫn còn nguyên đó. Mẹ tôi - một tín đồ thành tâm của đạo Phật thường dạy các con: “Thương người nhiều bao nhiêu cũng là ít, ghét người ít bao nhiêu cũng là nhiều, mong con hãy nhớ lấy!” Muốn nhấn mạnh ý sau, bà liền đưa ra một so sánh khá xác đáng: “Như cái kim trên da thịt con, nhỏ bé lắm chứ, so với toàn thân thể ấy mà, phải không, mà đau đớn biết nhường nào!”.

 Vì vậy, tôi xin đề nghị những người liên đới hãy bình tâm đọc thật kỹ bài viết để có thể hiểu đúng động cơ và tấm lòng của tôi. Đặc biệt, một lần nữa, tôi yêu cầu nhà văn Phạm Viết Đào hãy trả lại đúng cái tên ban đầu của bài viết, từ Ý KIẾN CỦA DÂN MẠNG KHÔNG LÀ “CÁI ĐINH” ĐỐI VỚI VTV VÀ CÁC “ÔNG NHỚN” CÓ NHÃN MÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN ?” thành TÔI HIỂU RA RỒI! do chính tôi - tác giả của nó - đặt cho đứa con tinh thần của mình ngay từ đầu. Tôi cũng xin đề nghị anh Trần Mạnh Hảo hiểu đúng ý định qua nội dung câu chữ và tinh thần chung toát lên từ cả bài viết của tôi, chớ nên đánh đồng việc “trách cứ” Ban biên tập chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật với trách nhiệm liên đới có giới hạn, mang tính phụ thuộc của những người tham gia như nhà phê bình Lê Thành Nghị và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân vào chương trình (Bài Thật nhảm hết sức! - TNc ngày 07/03/2011). Đúng là tai bay vạ gió, chính tôi cũng không thể ngờ tới! Trong một bài viết mới công bố, anh Hảo có quy kết lối phê bình của Nguyễn Trọng Bình - một tác giả đang đối thoại nghiêm túc với mình là “bỏ bóng đá người”. Tôi e là điều này có lẽ đúng với anh hơn. Trong các cuộc tranh luận ở ngoài đời cũng như trong văn chương, tôi sớm rút ra một điều được bộc lộ rõ trong Thư trả lời anh Nguyễn Huy Canh công bố trên TNc ngày 26/02/2011 như sau: “Theo kinh nghiệm của tôi,… cái Tâm của người tham dự bao giờ cũng là yếu tố quan trọng bậc nhất nếu không muốn nói là yếu tố quyết định. Tâm có sáng thì Trí mới sáng; Tâm - Trí sáng thì Con mắt mới sáng. Tâm - Trí - Con mắt có sáng thì thưởng ngoạn, đánh giá văn chương nghệ thuật mới ít khi bị lầm lạc. Còn nếu ngược lại thì chắc chắn chỉ dẫn tới những luẩn quẩn, vòng vo trong tư biện rối bời mà thôi! Đúng như một mê cung thật sự: Rối tới mức, rõ ràng mình là chủ nhân của nó, thế mà cuối cùng, có kỳ không, nó quay lại ám chính mình, khiến mình hóa thành tù nhân thảm thương của nó”. Bởi vậy, theo tôi, anh nên ngừng việc công kích Hội Nhà văn của chúng ta qua việc chê trách giải thưởng 2011 của Hội lại. Vì thực tình, động cơ phía sau những gì anh viết xem ra đều rõ cả. Có thể, trong một số bài viết của mình, tôi có đánh giá hơi nặng nề về anh mặc dù không phải là không có cơ sở. Rất mong anh hiểu và thông cảm giùm cho. Tôi muốn anh cùng các tác giả đã và sẽ tham gia cuộc tranh luận nên ghi nhớ câu nói sâu sắc và thấm thía của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga - Nhà thơ V. Terekhin trong lần tới thăm Hội Nhà văn Việt Nam vào sau tết Tân Mão vừa rồi. Ông đã chân tình cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời “bày tỏ đinh ninh rằng ngôn từ còn mạnh hơn kiếm sắc, nó nâng phẩm giá con người nhưng có khi quật ngã con người và chúng ta, các nhà văn phải làm cho bằng được sứ mệnh của văn học là nâng niu phẩm giá con người” (Website hoinhavanvietnam - cập nhật: 11:27:00 22/2/2011).

Nhiều bạn, xa có gần có, thẳng thừng hỏi: giữa tôi và nhà thơ Trần Manh Hảo có “ân oán giang hồ” gì không vậy? Xin thay mặt anh Trần Mạnh Hảo để trả lời ngay rằng: Tuyệt nhiên không! Trước khi cuộc tranh luận này xảy ra, chúng tôi là bạn, không thân nhưng cũng có thể nói là bạn tốt của nhau kéo dài tới hơn một phần tư thế kỷ qua. Có thời, tôi từng tới thăm anh chị Hảo, thậm chí còn ngủ ở nhà anh như những người thân thiết nhất. Gần đây hơn, tôi vẫn còn giữ bức ảnh anh em chúng tôi chụp chung với nhà thơ Trương Nam Hương và Từ Quốc Hoài tại Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII ở Thủ đô Hà Nội năm 2010 vừa rồi. Anh Hảo chủ động tự rửa, tìm tặng mỗi người một bức. Tôi vẫn trân trọng đặt ngay trước bàn làm việc của mình đây. Vâng, những tình cảm tốt đẹp không dễ có ấy giữa những bạn viết với nhau, tôi không bao giờ quên được. Vì đó là báu vật tinh thần giúp mỗi người cầm bút chúng ta không sa vào ích kỷ và phản trắc. Nhưng, như trong thư gửi anh Trần Mạnh Hảo đề ngày 23/02/2011, tôi đã xác định: “Ở đây, trong các cuộc tranh luận văn chương, nếu một ai trong hai chúng tôi lên tiếng thì chỉ là với tư cách của một nhà văn, một nhà trí thức thôi mà. Nghĩa là, trên diễn đàn, người ta không thể ứng xử với nhau bên ngoài chức phận công dân, chức phận nghề nghiệp được. Không hoàn toàn giống với quan hệ đời thường”. Bởi vậy mà tôi đã lên tiếng, đôi lúc cũng phải nói là khá quyết liệt, nhưng tuyệt nhiên không đi ra ngoài mục đích của những cuộc tranh luận văn chương - học thuật đích thực. Có điều, vài ngày gần đây, với hàng loạt những bài viết liên tiếp tung lên mạng, tôi đã lờ mờ cảm thấy cuộc tranh luận của chúng ta đang đi theo chiều hướng không thật lành mạnh cho lắm. Những biểu hiện phi văn chương, thậm chí phản văn chương đã bắt đầu ló hiện. Một người bạn văn mới của tôi ở Hải Phòng là cử nhân triết học Nguyễn Huy Canh trong bức thư điện tử ngày 05/03/2011, đã kịp nhắc nhở tôi, nguyên văn thế này: “Anh Trung, theo dõi trên mạng tôi thấy có vẻ như các anh quá sa đà vào lĩnh vực chuyên môn thuần tuý. Đặc biệt cuộc tranh cãi có tính chất cá nhân với anh Hảo. Theo tôi xã hội chúng ta hiện có nhiều điều nhức nhối phải quan tâm lắm: cơm áo gạo tiền thời bão giá của số đông người lao động, tự do ngôn luận, dân chủ hình thức và có phần giả hiệu...”. Là người ngoài cuộc, chắc luôn giữ được sự tỉnh táo hơn tôi, nên có lẽ bạn tôi đã nhận xét đúng. Đó chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến tôi quyết định chia tay với cuộc tranh luận chủ yếu cùng nhà thơ Trần Mạnh Hảo ở đây. Từ giờ, nếu không vì những cắc cớ vô duyên trái tự nhiên nào khác, tôi và anh Hảo lại trở về với tình bạn ấm áp như trước khi xảy ra cuộc tranh luận đôi khi khá gay cấn này.

Nhân đây, tự trái tim mình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới nhà văn Trần Nhương cùng các mạng bạn đã kịp thời post lên trang nhà của mình những bài viết nóng hổi của tôi trong vòng một tháng qua. Cũng xin cảm ơn các bạn trong và ngoài nước đã tích cực tham gia trao đổi một cách xây dựng và theo dõi một cách chăm chú những bài viết của tôi liên tiếp xuất hiện trên mạng trong thời gian qua. 

Tôi không thể quên hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ mồng Tám tháng Ba. Xin chân thành dâng tặng mẹ tôi, vợ và các con gái tôi, cùng những người mẹ, người chị, người em trên Tổ quốc Việt Nam yêu dấu và khắp mọi nơi trên trái đất ít khi bình yên của chúng ta, những bông hoa đẹp nhất của Xứ-sở-ngàn-hoa Đà Lạt, nơi tôi đang sinh sống. Cầu chúc mọi sự bình yên trong đời sống, nhất là trong tâm hồn để giữa lòng bao dung và hướng thiện vô hạn của các mẹ, các chị và các em, những người đàn ông chúng tôi nếu có những điều chưa phải với nhau thì hãy tự giác cởi bỏ tất cả, hỷ xả tất cả, nhất là mọi tỵ hiềm ác độc, góp phần đưa dân tộc đi tới tương lai rạng ngời ở phía trước…

Lúc này, tự nhiên tôi nhớ tới bài thơ Khai bút 2011 của anh Vũ Phán được xem là nhân tố gợi cảm hứng đầu tiên giúp tôi tham gia cuộc tranh luận này: Nhiều cái giả/ Cái giả đủ để người ta bị lừa/ Nhiều cái ác/ Cái ác đủ cho kẻ yếu tinh thần sợ hãi/ Tin ai?/ - Tin thời gian (Cao nguyên Di Linh, 01/01/2011). Vâng, tôi nguyện tin vào lẽ công bằng của thời gian bất chấp mọi ngáng trở ghê gớm đủ loại hiển hiện ở trên đời. Nhưng muốn thế, công bằng phải được thiết lập vững trãi nơi lòng người. Thật khó, khó lắm thay! Nhưng tôi tin. Bởi nếu không có lòng tin thì sẽ lấy ở đâu sức mạnh tinh thần để chúng ta vươn tới tồn tại đúng theo nghĩa CON NGƯỜI viết hoa cho được. 

Luôn ý thức sâu sắc là mình vừa rời xa một cuộc tranh luận văn chương - học thuật đầy hứng thú và bổ ích, tôi quyết định tập trung các bài viết cùng những thông tin phía sau chúng vào một cuốn sách sẽ công bố nay mai có tựa đề Nhắp chuột cùng mạng văn chương (Nhật ký trang chủ pqtrung.com). Xin chính thức thông báo và rất mong nhận được sự động viên, sự phán xét khách quan và công tâm của bạn đọc xa gần.

 Kính báo!

Phạm Quang Trung

 

          Xin được lưu ý: Thông báo này chính thức post lên trang nhà của tôi với tên miền pqtrung.com vào lúc 14h30’, ngày 08/03/2011.