TNc: Nhà thơ Phạm Hồ Thu ( tên thật là Phạm Thị Sửu ), sinh tại Hà Nội : Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Chị đã từng là phóng viên báo Nhân Dân, phóng viên báo Người công giáo Việt Nam. Chị là tác giả của các tập thơ : Quà tặng , Chiều Trương Chi...Trong kháng chiến chống Mỹ, có thời gian chị là phóng viên mặt trận của báo Nhân Dân và Đài phát thanh Giải phóng tại chiến trường khu V.
Phạm Hồ Thu viết thơ đã lâu, nhưng xuất hiện muộn và gần như chị không xuất hiện trên báo mạng. Dù vậy bạn bè cầm bút và nhiều bạn đọc biết đến chị như một giọng thơ nữ khá đặc biệt, ám ảnh; đặc biệt là những bài thơ viết về tình yêu và phái đẹp. Nhân ngày mùng 8/3 trannhuong.com xin giới thiệu với bạn đọc chùm thơ của Phạm Hồ Thu viết về thơ chị của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
.
CHIỀU TRƯƠNG CHI
Có một mùa xuân Kinh Bắc
Tôi lạc về chiều sông Tương
Nào biết Trương Chi có đợi
Sao tôi lại thành Mỵ Nương?
Dòng sông – vẫn một dòng sông
Người bảo : Đấy – dòng – nước – mắt
Vấp vào mùi hương thanh khiết
Người bảo : bạch đàn tỏa hương…
Mải theo hương ấy đi tìm
Vấp tiếng sáo ai réo rắt
Khi bóng chàng Trương đã khuất
Còn ai khóc ai – còn ai?
Ra sông tôi gọi : ơi đò!
Đò không . Và người chẳng thấy
(Giá được một lần gặp lại)
Tôi gào trong gió : Trương ơi!
Sao tôi lại thành Mỵ Nương.
Khi bóng chàng Trương đã khuất?
Tự tình yêu là nước mắt
Tự tình yêu là khúc ca…
2004
THƠ CHO NGƯỜI NGÃ NGỰA
Thôi đứng dậy trở về với em - người tình!
Cuộc đua không phân thắng bại
Chú ngựa chiến theo anh mọi nẻo.
Cũng đã chạy xa không thấy bóng hình...
Thôi đứng dậy trở về với em - người tình!
Chàng kỵ binh kiêu hùng thuở trước
Về nghe lại tiếng ru
Em đã từng ru theo vó ngựa
Ru cả gót chân A-sin không biết nẻo về...
Trở về với em - người tình!
Nguyên vẹn trong em
Ảnh hình chàng kỵ binh kiêu hãnh
Riêng em biết sẽ có ngày anh trở lại
Trên gót A-sin đã bị bắn què
Và chú ngựa chiến ngày nào đã chạy rất xa...
1989
BÌNH YÊN KHAO KHÁT
Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi thơ tôi những triền cát trắng
Vết chân trần chạy trên bờ sông buổi sớm
Bếp lửa mùa đông bà ngoại nhóm lên rồi
Cháy trong tiếng gà gọi bình minh
Làm sao tìm lại bình yên
Mỗi buổi sáng vườn quê chim hót
Lời tỏ tình nghe như mật rót
Như mơ hồ những cánh chim bay
Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi hai mươi khoác ba lô ra trận
Âu yếm hôn dấu chân anh để lại
Khóc trên những dấu chân trần
người chiến sĩ đi qua
Làm sao tìm lại bình yên
Lòng tin lắm những chân trời có thật
Vượt qua hết những lòng người phản trắc
Người ta yêu vẫn đợi ta về...
Làm sao tìm lại bình yên
Mẹ ngồi hát ru con không rơi nước mắt
Thương những cánh cò trong ca dao lận đận
Những con đò lỡ nhịp tình yêu
Em đã đi qua những năm tháng không yên
Em đã đi qua những ngày chiến trận…
Bỗng se thắt một bình yên khao khát
Thấy chăng nào
– trong đôi mắt buồn Anh.
1982
XEM TRANH DƯƠNG BÍCH LIÊN
VẼ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀ NỘI
Tôi biết ông thật muộn
Khi ông đã đi xa
Những người mẫu ngày xưa
đã đi lấy chồng…
Tôi gặp những người đàn bà trong tranh
có đôi mắt buồn
Những dáng dấp tận cùng Hà Nội
“Mùa thu vàng”
“Mùa xuân thiếu nữ”
“Thiếu nữ và hoa cúc”…
Vẻ đẹp vĩnh cửu và xưa cũ
của những người đàn bà
Vẻ đẹp vĩnh cửu và xưa cũ
của một thời Hà Nội hào hoa…
Hà Nội của tôi và của ông
Ngày xưa
mơ mộng và trong trẻo nhường kia
Cổ kính và lịch lãm nhường kia
Dịu dàng và kiêu hãnh nhường kia
Với những tà áo dài, cây đàn ghi ta,
sắc lá vàng thu
Và những ánh mắt buồn…
Tôi bỗng muốn biết thật nhiều về ông,
Về Hà Nội ngày xưa đã khuất
Ông đã sống thế nào giữa ồn ào phố xá
Để tìm ra sự mơ mộng,lịch lãm
và kiêu hãnh nhường kia…
1984
TRƯỚC CỎ
I
Tôi đã cúi đến hết mình - sát cỏ
Để gần hơn thế giới con người
Tôi đã bay đến những vì sao xa nhất
Để xa hơn thế giới con người...
II
Anh đã đến cùng tôi giản dị
Chia hạt cơm thơm, chia củ sắn bùi
Chia đêm chung hương, chia chiều
ly biệt
Và chia nhau kiếp sống làm người
III
Không thể sống cho nhau
như nguyện ước
Không thể giã biệt nhau như
những kẻ vô hồn
Lại một lần
tôi cùng anh cúi thấp hơn trước cỏ
Và lắng nghe tiếng gọi phía sao trời...
Đêm chuyển thiên niên kỷ ... 1/1/2000
KHU VƯỜN YÊN TĨNH
Chỉ còn lại hoa thơm và cây trái - trong
khu vườn yên tĩnh của ta. Chỉ còn lại những
vì sao khuya khoắt. Và hoa lá lặng im đón
ánh trăng ngà...
Chỉ còn lại... Tưởng chẳng còn có thể - hàng
cây nào, loài hoa nào, tiếng hót nào làm xôn
xao náo động khu vườn - khu vườn ta yên tĩnh...
Một ngày bỗng thật buồn - một ngày bỗng
xôn xao cây lá - Anh đến miền ta in một
giấc mơ...
2004
CÓ NHỮNG NGÀY...
Có những ngày tôi lặng im như lá
Sợ tiếng gió bay, sợ tiếng con người
Ngại nghe cả tiếng chuông reo điện thoại
Sau tiếng chuông kia sợ gặp kẻ vô hồn...
Có những ngày tôi buồn như gái goá
Vừa tiễn đưa xong người yêu dấu cuối cùng
Quần áo màu tang, phấn son trễ nải
Tôi là người vô cảm của đông vui...
Có những ngày tôi tự tôi tù ngục
Tự giam tôi trong trái tim mình
Và sợ hãi trong khát khao chờ đợi
Tiếng gõ cửa bất ngờ
dìu tôi khỏi Nỗi - Tôi...
2003
LẼ THƯỜNG
“ Thế giới đã nát tan và để lại vết nứt trên mình thi sĩ”
( Thơ Heinrich Heine )
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng –
chúng ta yêu nhau và xa nhau.
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng –
em có anh và không anh.
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng : lời
nói cay nghiệt vô nghĩa nào, sự ngu ngốc nào chia lìa
hai ta...
*
Anh hãy đi – lẽ thường , giống những người đàn ông
khác – rất giầu vô cảm. Những đám người đi qua
chúng ta đâu còn ánh lửa. Ta thắp lên ngọn nến
mong manh ái tình...
Không có nhau – mặt trời vẫn mọc , trăng trên đầu
hai ta không thôi vằng vặc, biển không thôi thì thầm
nỗi buồn muôn thuở - lẽ thường !
Lẽ thường – với những người đàn bà khác em, anh
vẫn có thể ái ân, có thể tặng lại họ những câu thơ
vì em anh đã viết. Nhưng còn em đâu mà có người
hờn giận. Ái ân hay thi ca, nếu chẳng thuộc về
nhau, nào ý nghĩa gì?
*
Nhưng em không tin anh và anh không em – lẽ thường
này chỉ những vì tinh tú kia không chấp nhận, bởi vì
Người đã nhìn thấy tình yêu của hai ta sinh ra từ nước mắt,
từ trắng trong số phận. Lúc ấy, anh đi tìm mà dấu chân em
không rắc theo một chiếc lông ngỗng Mỵ Châu.
2007
NGƯỜI ĐÀN BA MẶT
Khi tôi đứng trước tượng Dương Vân Nga – người đàn bà làm vợ của hai đời vua, người coi đền bảo tôi : “ hãy nhìn mà xem bức tượng này ba mặt ba vẻ mặt khác nhau của một người đàn bà”
P.H.T
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Sao lại đứng góc chùa này mà khóc?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà tỏa sáng
cái ánh sáng dịu dàng thiên thần ngày làm mẹ?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà chờ đợi
trong hân hoan nụ tình yêu?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Thôi hãy nén đau thương bời bời ngày mất vị
Quân Vương thứ nhất
Chén ngọc Người dâng ta đã từng uống cạn
trong cỏ cây, hoa lá, khóc cười
Nén nước mắt vào trái tim người đàn bà kiêu hãnh
biết vui buồn cùng xứ sở...
Thôi hãy thêm một lần tỏa nụ cười dịu dàng thần
tiên muôn thuở phủ lên gương mặt con thơ
Thêm một lần chờ đợi, hân hoan dâng áo bào cho
người chiến binh mang gương mặt tình nhân...
Ngày mai chàng ra trận. Rồi chàng sẽ trở về dâng
tặng ta lễ vật là bình yên xứ sở...
Thêm một lần làm người đàn bà biết sống thật với
mình, không bịa tạc, không giả trá – tình yêu nhân
danh sự sống – một giấc mơ nở Đóa – Con Người
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Cảm ơn sự tưởng tượng phi thường của người nghệ sĩ
đã tạc bức tượng nàng thành người đàn bà ba mặt
Một mang đau thương vô biên, một dịu dàng
muôn thuở, một ánh cười kiêu hãnh ngày dâng tặng
áo bào giục người tình ra trận
Còn sự hoàn hảo nào hơn để nói về người đàn bà này?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga...
2007 - 2010
NGUYỄN THỤY KHA VIẾT VỀ
“ CHIỀU TRƯƠNG CHI”CỦA PHẠM HỒ THU
Những năm còn ở trại cải tạo, ông Nguyễn Hữu Đang chỉ cầu giời khấn phật cho sống đến mãn hạn để được gặp nhạc sĩ Văn Cao – bạn cũ , để được nói với tác giả trường ca “ Trương Chi” một câu rằng : Ai xui ông mà ông có thể viết được một câu ca hay đến tuyệt diệu là vậy – “ Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ / Trầm trầm không gian mới rung thành tơ...”. Quả là giời phật đã cảm kích lòng thành của ông Đang – người đã từng tổ chức toàn bộ khánh tiết lễ tân cho ngày Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 – ông đã được mãn hạn khi còn rất khỏe ở tuổi lục tuần. Và ông đã gặp Văn Cao để hỏi câu hỏi trên cho thỏa lòng mong ước. Nghe câu hỏi, Văn Cao chỉ cười vang, rồi nâng chén rượu ngang cụng với ông Đang.
Tôi nhớ lại câu chuyện này khi đọc “ Chiều Trương Chi” của Phạm Hồ Thu. Nếu tôi có như ông Đang , lại hỏi Phạm Hồ Thu rằng ai xui mà có thể làm ra một tập thơ hay là vậy; chắc như Văn Cao, Phạm Hồ Thu cũng chỉ cười – nụ cười của một Mị Nương – nàng Mị Nương còn sót lại sau khi rất nhiều Trương Chi đã tan ra đất trời, thành khói, thành mây.
Tôi biết và đọc thơ Phạm Hồ Thu có lẽ đã hơn hai chục năm nay. Vậy mà từ tập thơ đầu “ Quà tặng” đến tập “ Chiều Trương Chi” này, tôi thực sự ngạc nhiên bởi bước tiến quá xa mà Phạm Hồ Thu đã đạt được trong độc hành thi ca lặng lẽ của chị. Ở “ Chiều Trương Chi”, Phạm Hồ Thu đã vào cuộc với tư thế của một người thơ đầy tự tin, đã từng trải để có thể phát triển tới cùng cái tâm thức của một nàng “ Mị Nương đời mới” – một Mị Nương không phân vân tình yêu dành cho chàng đánh cá Trương Chi “ Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay”, mà lại chủ động đến với vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nghệ thuật đích thực, muôn thuở bằng một tình yêu vô bờ bến. Nàng Mị Nương ấy yêu tới cùng để nhận ra rằng : “ Tình yêu là một ngôi sao ở phía xa kia”, rằng con người dù có yêu đến cạn kiệt thì cũng chẳng bao giờ chạm tới sự vĩnh cửu ấy. Đó là một vỡ lẽ qua bao đắng cay, chua xót chân thành; một mỉm cười nghèn nghẹn sau khi đã thấm thía bao lần trắc nghiệm. Cái vỡ lẽ này không mới nhưng với người đang yêu thì vẫn như là rất mới, mới đến kinh ngạc, bởi vì trong thâm tâm thao thiết yêu của chị, chị vẫn hướng về một tình yêu tuyệt đối:
Đã nghe tim lặng trong lời
Mái đầu người bạc, tiếng cười người trong
Lời yêu cháy một niềm mong
Tìm về cái thuở người không phụ người...
Trong tưởng tượng không đổi thay của mình từ thời thiếu nữ, Phạm Hồ Thu đã tạo nên trước mình một hình ảnh người tình thật lý tưởng. Đó là “ Người đàn ông lịch lãm và dũng cảm”. Đó là người đàn ông của ‘ Cái phút giây đầu tiên nguyên thủy/ Hai ta nhìn nhau, hôn nhau và không nói câu gì’. Đó là người tình khiến nàng phải thốt lên: “ Em bám vào tình yêu như rễ cây bám đất/ Bám chặt đến nỗi trái tim em bật khóc... Anh đâu rồi – Tình nhân! “. Nhưng giá như đó chỉ là một người tình Phạm Hồ Thu tưởng tượng ra mà không bao giờ gặp thì điều ấy sẽ trọn vẹn biết bao. Song sự đời đã không cho người nữ sĩ này cứ mộng mị mãi trong khao khát ấy. Bài “ Gửi người tình hai lần phản bội” đã đưa tâm tưởng của nàng “Mị Nương đời mới” này tới mức phải biết chấp nhận và tha thứ cả sự bạc tình thì mới thực sự là biết yêu ở thời đại này: “ Thật ra em chẳng trách anh nhiều/ Nỗi buồn mới là nỗi buồn xưa đã cũ/ Vết thương ấy người tình xưa đã chém/ Thật ra em chẳng trách ai nhiều...”
Và khi đã chấp nhận thì lại đắm say, lại mụ mị hồn nhiên như thuở nào: “ Khi anh đến trái tim nguyên vẹn lại/ Rồi ngỡ ngàng những nhịp đập đầu tiên/ Em quên hết đớn đau, lại dại khờ, mềm yếu/ Cùng anh về tìm lại tuổi đôi mươi”. Phạm Hồ Thu cứ vật vã đi tìm và chấp nhận cái tình yêu đích thực mà mong manh ấy để chợt nhận ra nếu không có tình yêu thì con người đâu còn biết tựa vào đâu mà tồn tại, thì làm sao con người có thể thổi hồn vào những hòn đá vô tri kia đểt thành tác phẩm nghệ thuật: “ Nghệ nhân nào đã tạc nên vẻ đẹp của đôi tình nhân/ Tôi tin đó là người đàn ông biết yêu và biết trọng vẻ đẹp đích thực của tình yêu/ Có thể anh đã yêu người đàn bà nào đó/ Có thể một lần vì sự xổng lồng mà anh làm mất/ Tình nhân anh đi mãi mãi chẳng quay về/ Có thể nước mắt anh đã chảy/ Tràn vào nét chạm này, tràn trên đá vô tri...”
Chính vì thế mà góc nhìn tình yêu ở Phạm Hồ Thu đã thật khám phá, thật mới mẻ. Trong bài “ Nước mắt đàn bà” chị đã viết: “ Tôi là người đàn bà đã được chồng nàng yêu/ đã nghe đủ lời nồng say, thề thốt/... Nàng có biết đâu tôi cũng giấu đi một sự thật phũ phàng/ Người đàn ông yêu tôi lại đi yêu một người đàn bà khác...” Và góc nhìn chênh vênh ấy đã khiến cho người thiếu phụ trong thơ Phạm Hồ Thu vẫn kiêu hãnh mà vẫn đủ dịu dàng chấp nhận cái tình yêu thực tại chẳng có gì là tuyệt đối ấy. Và chị khắc họa thành công cái bí ẩn của những tâm hồn đàn bà: “ Thiếu phụ nghiêng trước tôi nụ cười thật xinh/ Tôi nghiêng về nàng những lời dịu dàng có thật/ Trong câu chuyện của chúng tôi có những người đàn ông thật tuyệt/ Những người đàn ông chỉ yêu một người đàn bà duy nhất trong đời. ( Nước mắt đàn bà ).
Với sự rộng lượng nhân hậu ấy, Phạm Hồ Thu đã trắc ẩn biết bao với sự tha thứ thật dịu dàng . Chị viết cho “ Người đàn ông ngã ngựa” : “ Thôi đứng dậy trở về với em – người tình / Cuộc đua không phân thắng bại/ Trở về với em người tình/ Nguyên vẹn trong em ảnh hình người kị binh kiêu hãnh...”
Chính vì sự dám sống vượt trên những sự thật phũ phàng ấy, tình yêu trong thơ Phạm Hồ Thu vụt lớn sừng sững một tầm cao, dù rằng chị đã từng muốn “ Cúi rạp mình trước cỏ/ Để gần hơn thế giới con người”. Bằng tình yêu vô biên của mình, chị lại khát khao trong “ Những ngày buồn như gái quá”, trong “ khu vườn yên tĩnh” để “ học cách im lặng của lá xanh” và tin rằng mình vẫn nghe được “ tiếng con người”
Khi nhận ra tình yêu vĩnh cửu “ Chỉ là cổ tích”, người đàn bà trong thơ Phạm Hồ Thu vì thế mà thêm tự tin mà biết “ chia sẻ” với sự phản bội của tình yêu – bởi vì dù sao ở đấy vẫn là chuyện tình yêu, nơi còn đáng cho ta tin và sống hơn trước một nhân loại đang tao loạn và đâu đó vẫn đầy rẫy tiếng bom rơi đạn nổ. Chị tin vì tình yêu những đứa con được sinh ra và trở thành nơi nương tựa ngàn đời cho các thế hệ người lớn, trong đó có thế hệ của chị - một thế hệ chỉ biết dâng hiến, hi sinh, dám sống và biết sống – một thế hệ không cho phép chết già bởi chiến tranh và mọi di chứng hậu chiến tranh.
Đọc thơ Phạm Hồ Thu ta thấy nàng “ Mị Nương đời mới” nhờ những ý tưởng khác lạ về tình yêu và con người mà có một niềm tin về một người đồng hành vô hình đang cùng mình đi tìm tới đích của sự hoàn mĩ. Nhờ ý tưởng ấy, Phạm Hồ Thu đã đạt đến nghệ thuật thơ tưởng chừng rất khó khăn bằng lòng thành thực vô biên và tình yêu trong sáng của mình. Chị đã đạt tới những câu thơ xuất thần của riêng chị:
Thôi đành nhìn mây mà gửi mùa thu
Nhìn hoa nở mà gọi mùa xuân đến
Hay:
Xuân thắm mùa đi lăng lắc
Đã thu năm tháng hai ta
Hay:
Tình yêu biết trốn vào đâu
Đành đem ra ngả thương – đau mà chờ...
Văn Cao đã cười để trả lời Nguyễn Hữu Đang vì sao ông viết “ Trương Chi”. Phạm Hồ Thu cũng có thể cười để mọi người nhập vào “ Chiều Trương Chi” của chị với thời gian phập phồng mùi hương thanh khiết mà nhận về “ Tự tình yêu là nước mắt – tự tình yêu là khúc ca “
Nhà thơ – Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA