Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỦA ĐỘC?

Quốc Trung
Thứ ba ngày 8 tháng 3 năm 2011 3:06 PM
TNc: Có ý kiến đề nghị công nhận Lục bát là quốc thơ. Lại có ý kiến bàn luận xem sao. TNc xin đưa bài của Quốc Trung như một ý kiến phản biện để cùng ngẫm ngợi.
 
Bấy lâu nay, vốn tự biết mình chẳng gì thì cũng thuộc hệ “con nhà” (hệ được mang chữ “quốc” ở trên đầu, cho dù là thuộc đẳng cấp phía dưới), nên khi vừa thấy xuất hiện một “sĩ” mới toanh “quốc thơ”  là Quốc… Trung đây vội tìm cách tiếp cận để tìm cho ra ngọn nguồn.

Nhận xét 1: “Sĩ” này cực hot vì trong cả một loạt có dễ đến gần năm chục “sĩ” thuộc hệ “quốc” được thống kê trong “Từ điển tiếng Việt” (như: quốc ca, quốc kì, quốc huy, quốc hiệu, quốc khánh… hay quốc hồn quốc túy, quốc sách, quốc học, quốc trái…) đều có một đặc điểm chung là cả 2 yếu tố, ví dụ như quốc+ca, quốc + giáo, đều được đọc theo âm Hán Việt.
Nói một cách chính xác thì đều được mượn nguyên si từ cách dùng trong tiếng Hán, chưa có “sĩ” nào lại được đặc cách ghép từ 1 yếu tố Hán Việt : QUỐC với 1 yếu tố thuần Việt: THƠ như thi sĩ họ Vương đề xuất.
Có lẽ đây phải được xem như một sự “bùng nổ” về phép cấu tạo từ.
Nếu theo đúng luật của hệ nhà “Quốc”, thì “Thơ” ở đây phải được chuyển thành âm Hán Việt là “THI” mới đúng, và lúc này nó phải được gọi là “quốc thi”.

Tuy nhiên, để góp phần chỉnh sửa lại luôn cái điểm không ổn ấy mà vẫn không làm mất đi cái tên khai sinh “quốc thơ”, tôi xin vẫn được tạm dùng là “quốc thơ (thi)” trong phạm vi bài viết này.

Nhận xét 2: “Thơ” được định nghĩa là: “Hình thức nghệ thuật dùng ngôn từ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc, ví dụ như bài thơ lục bát; ngâm thơ; vở kịch thơ…
Đây là khái niệm “thơ” được hiểu theo nghĩa khái quát nhất, và “thơ” trong “quốc thơ (thi)” cũng phải được hiểu theo nghĩa khái quát này.

Cũng giống như một số nước, trong tiếng Việt khái niệm “thơ” (tiếng Anh: poetry; tiếng Pháp: poésie; tiếng Hán: thi ca 诗歌) được phân biệt tách bạch với khái niệm “bài thơ” (tiếng Anh: poem; tiếng Pháp: poème; tiếng Hán: thi thiên 诗篇) và khái niệm “thể thơ” (tiếng Anh: type of poem; tiếng Hán: thi loại 诗类)

Còn khái niệm “thơ” trong “quốc thơ” lại bị đánh đồng với khái niệm “thể thơ”, hơn nữa lại là một thể thơ cụ thể là thơ lục bát. Như vậy theo Đặng Vương Hưng: Thơ = Thể thơ (thơ lục bát).

Nhận xét 3:

Đặng Vương Hưng viết: “Thơ lục bát không chỉ đơn thuần có giá trị ở góc độ thi ca. Nói không quá lời, lục bát là cội nguồn, là hồn vía của văn hóa Việt. Thể thơ này tồn tại cả ngàn năm và phát triển thông qua lời ăn tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, các vấn đề nặng tính xã hội như tôn giáo, chính trị… cũng đều sử dụng loại thơ này để tiếp cận từng cá nhân.“

Nói như thế có nghĩa thơ lục bát có nguồn gốc Việt một trăm phần trăm?

Ấy vậy mà tôi gặp không ít những băn khoăn khi đọc nhiều bài nghiên cứu về nguồn gốc của thơ Lục bát, như:

- Lục bát có nguồn gốc Tàu?

- Tôi vẫn hay thắc mắc về thể thơ Lục bát độc đáo rất Việt mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du không biết xuất hiện từ bao giờ ? Bài thơ Lục bát và tác giả xưa nhất ? Hình như có đọc đâu đó có người cho rằng thơ Lục bát chịu ảnh hưởng thơ Chàm sau khi Nam tiến ?

- Hình như xuất phát từ Kinh Thi thì phải. Theo các nhà ngữ học Nam Á thì tiếng Việt Nam từ xưa không có dấu. Đọc ngang cung như tiếng dân tộc ít người. Khi tiếp cận với văn hóa Chung Nguyên bèn bỏ thêm dấu cho được thánh thót ngân nga (???). Nhưng hình như trong Kinh Thi cũng có một thể như Lục Bát. Cho nên, từ đó trở đi nhuần qua nhuyễn lại mới có thể lục bát thông dụng có đủ yêu vận và cước vận hẳn hoi và theo nhịp bằng trắc bằng – bằng trắc bằng bằng làm đỉnh cao. Ngoài thể này ra còn các biến thể khác nhưng ít ai thèm làm.

- Vài hàng research về thơ lục bát. Cũng theo thứ tự sáng tạo này mà Việt Nam còn chế ra thể song thất lục bát cũng không kém phần ngân nga của nó. Và cũng từ đó còn có thể thơ 8 ngôn rất dễ trữ tình sinh thực. Thể 6 ngôn như bài “Quê Hương Là Chùm Khế Ngọt” cũng là một thể trong thơ Tàu chứ không phải thuần Việt hay tự do gì đâu.

- Thơ lục bát là của người Chăm

v.v… và v.v…
 
Đặng Vương Hưng viết: “Thông thường, mỗi nền văn hóa, văn học hay thi ca đều có những thể loại mang tính biểu tượng riêng. Lục bát là thể thơ truyền thống, có thể coi là biểu tượng của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ sonnet, người Nhật có thơ haiku, người Trung Quốc có tứ tuyệt… thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì thơ lục bát. Vừa qua, chúng ta đang cùng thảo luận để tìm một quốc hoa cho Việt Nam. Bởi vậy, tôi nghĩ việc đặt ra vấn đề “quốc thơ” là hợp lý.“

Xin hỏi: Biểu tượng của thi ca Việt Nam là gì? Vì sao thơ lục bát mới chỉ được nhà thơ nêu “là thể thơ truyền thống” mà đã được phong làm biểu tượng?

Tôi rất tán đồng với nhận xét của Đặng Vương Hưng là “Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ sonnet, người Nhật có thơ haiku, người Trung Quốc có tứ tuyệt… thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì thơ lục bát”.
Vì nói như vậy là vừa phải, là đúng độ: Thơ lục bát chỉ nên được xem là “niềm tự hào”, chứ không nên xem là “biểu tượng” của nền thi ca Việt Nam.

Thử tìm hiểu qua một số nước về khái niệm “quốc thơ (thi)” thì thấy:

Ở Trung Quốc có dùng “quốc thi” nhưng đó lại là dạng nói tắt của “Trung Quốc thi ca”: “Trung Quốc thi ca (quốc thi) là nền thi ca đặc sắc nhất, đẹp đẽ nhất, âm luật của nó được bắt nguồn từ hoàn luật âm nhạc cổ xưa, cộng thêm với sự tinh tế của nền văn hóa tinh thâm uyên bác hơn 5000 năm, đã có lịch sử truyền xướng hơn 3000 năm”. Ngoài ra, “quốc thi” còn được dùng làm danh hiệu cho bài thơ được bình chọn trong các cuộc thi thơ quốc gia hàng năm hoặc nhân một dịp nào đó. Có thể hiểu “quốc thi” ở đây có nghĩa là “đoạt giải quốc gia” chứ không phải là “thơ biểu tượng của quốc gia”

Ở Mĩ có khái niệm “State Poem” (tạm dịch: Bài thơ của bang).
Một số bang đã có “state poem” của riêng mình như:

State State poem Citation/Year
Indiana “Indiana”
by Arthur Franklin Mapes [1]
Kentucky “My Old Kentucky Home”
by Stephen C. Foster [2]
Louisiana “America, We The People”
by Sylvia Davidson Lott Buckley
(State judicial poem) 1995[3]
“Leadership”
by Jean McGivney Boese
(State Senate poem) 1999[4]
Massachusetts “Blue Hills of Massachusetts“
by Katherine E. Mullen 1981 [5][6]
New Mexico “A Nuevo Mexico“
by Luis Tafoya

North Carolina “The Tar Heel Toast”
by Leonora Martin and Mary Burke Kerr
(official toast) 1957[7]
Oklahoma “Howdy Folks: The Official Will Rogers Poem”
by David Randolph Milsten [8]
Tennessee “Oh Tennessee, My Tennessee”
by Admiral William Lawrence [9]
 

Ở Ôxtrâylia có dùng khái niệm “Country Poem” (tạm dịch: Thơ đoạt giải quốc gia), cũng là được dùng làm danh hiệu cho bài thơ được bình chọn trong các cuộc thi thơ quốc gia hàng năm.

Như thế, biết đâu nếu nước mình trình “quốc thơ” lên cho UNESCO xét duyệt là chuyện xảy ra thực thì chắc sẽ là CỦA ĐỘC cũng nên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Sau Quốc hoa, nên tính đến Quốc thơ!
Lục bát có nguồn gốc Tàu?
Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam – Phần I
Thơ lục bát Việt Nam có từ bao giờ ?
Thơ lục bát là của người Chăm
国诗论坛 http://q.163.com/guoshiluntan/
List_of_U.S._state_poems
Australian Country Poems

NGUỒN: Tác giả gửi cho TNc