Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN DU KHÔNG NHƯ THẾ

Vương Trọng
Thứ sáu ngày 27 tháng 10 năm 2023 9:05 AM
Hiện nay, với một bạn đọc bình thường cũng có thể kể tên đầy đủ các thi phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du để lại. Với chữ Hán, đó là ba tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Với chữ Nôm, đó là Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Thác lời trai phường nón và Văn tế sống hai o gái Trường Lưu. Không dám nhận mình là người nghiên cứu Nguyễn Du, lại càng không phải là nhà Nguyễn Du học, mà chỉ là một độc giả mê mẩn tác phẩm của Đại thi hào, phục tâm, phục tài của Cụ, và coi những tác phẩm của Cụ là vật bất ly thân như Cụ từng coi tác phẩm của Đỗ Phủ. Về thơ chữ Hán, tôi đã nhập tâm toàn bộ 250 bài của ba tập thơ kể trên, đã bỏ ra một thời gian đáng kể để dịch lại, chủ yếu là dịch thơ (vì dịch nghĩa các bài thơ này nói chung những người đi trước đã làm và đã được nghiệm thu từ lâu), với tham vọng chuyển tới bạn đọc những bản thơ dịch mới, có hồn của tác giả. Về tác phẩm chữ Nôm của Cụ, không biết tự khi nào tôi đã thuộc lòng Truyện kiều, Văn tế thập loại chúng sinh và Thác lời trai phường nón. Tôi thuộc lòng thơ Cụ không phải do ý thức cố học cho thuộc, mà do mê rồi thuộc lúc nào không hay. Đó là đối với ba tác phẩm thơ chữ Nôm tôi vừa kể tên, chứ còn đối với Văn tế sống hai o gái Trường Lưu thì tình hình ngược hẳn. Lần đầu tiên được tiếp xúc với bài văn tế này, tôi vui mừng, hăm hở và tin rằng trong bộ nhớ của mình về văn tế, ngoài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và Văn tế Phan Chu Trinh của Phan Bội Châu..., sắp được nhập thêm bài văn tế của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng khi đọc đến đâu thì tôi ngạc nhiên và thất vọng đến đấy và đọc lại nhiều lần thì nỗi thất vọng càng tăng lên với câu hỏi được lặp đi lặp lại trong đầu: " Nguyễn Du mà thế này a?". Có lẽ điều này không chỉ đối với riêng tôi mà chung cho nhiều người khác. Trong hàng triệu bạn đọc yêu mến tác phẩm của Đại thi hào, thật khó có thể tìm được một người thuộc bài văn tế này. Và tôi tin rằng, số người có thể đọc hết một trăm cặp biền ngẫu của bài này cũng không phải là nhiều. Vì sao vậy? Vì bài này không hay, chính xác hơn là vào loại dở. Về tính văn học và nghệ thuật ngôn từ, Văn tế sống hai o gái Trường Lưu được coi là của Nguyễn Du kém xa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, kém xa hơn Lục Vân Tiên so với Truyện Kiều! Nhan nhản những cặp biền ngẫu lỏng lẻo từ thường tình đến xoàng xĩnh:
- Tiếng tăm chi đó mặc ai
Ngày tháng còn dài đó đã.
- Ở sao mà quên ta được cho đành
Nói thế mà lấy chồng thực ru tá!
- Thế thời mách chúng ta vậy ru
ừ thôi, kính hai ả cho rồi cả.
- Đã làm chi thế vội vàng
Thôi chẳng lo gì thong thả.
- Dẫu có ai trẻ mỏ lớn lên
Là những chốn xưa nay chẳng bạ
...
Phải chăng Nguyễn Du là người có tài làm thơ nhưng lại bất tài khi làm văn tế? Tôi không tin như thế. Mặc dù nhà thơ lớn không phải viết ra tác phẩm nào cũng hay, nhưng ngay trong những tác phẩm không thật thành công của họ, vẫn có những câu, những từ mang dấu ấn của tác giả, khi tác phẩm đó càng dài thì dấu ấn càng đậm. Đằng này, suốt hai trăm câu của bài văn tế, không hề có hơi hướng của cụ Nguyễn Du, thậm chí còn ngược lại những điều cơ bản nhất của Đại thi hào.
1 - Văn tế sống hai o gái Trường Lưu xa lạ với lòng nhân ái và văn phong của Nguyễn Du.
Ngay cái việc yêu nhau, vì lý do nào đó không lấy được nhau rồi mượn văn chương để trả thù bằng cách viết văn tế sống cô gái mình từng yêu đã không phải việc làm của người có lòng nhân ái, chính xác hơn, đó là việc làm của kẻ tiểu nhân. Việc làm này còn tệ hại hơn khi một nhà văn X nào đó đem tên tuổi, đặc điểm của người mình ghét mà đặt tên cho những nhân vật xấu xa trong tác phẩm của mình để có thời cơ mà mắng nhiếc, một việc làm mà bạn đọc và văn giới luôn luôn lên án. Với một người bình thường, khi yêu nhau, không lấy được nhau, người yêu của mình phải đi lấy người khác thì họ vẫn mong muốn cho cô ta hạnh phúc và tỏ lòng thương nếu người mình từng yêu gặp trắc trở, khó khăn trong bước đường đời. Nguyễn Du là người có trái tim lớn, sống với quan niệm " tương liên bất tại đồng", người có hoàn cảnh khác nhau vẫn thương nhau, tình thương bao trùm lên bao số phận. Trong thơ chữ Nôm, Cụ thương nàng Kiều, thương Đạm Tiên, thương Vương Ông, thương Kim Trọng, thương chàng trai phường nón, thương thập loại chúng sinh...Trong thơ chữ Hán Cụ trải rộng tình thương từ cô ca kỹ Long Thành, La Thành, đến ông già hát rong và bốn mẹ con người ăn xin ở Trung Quốc. Có khi tình thương của Cụ dành cho những con vật như con chó săn mất hút trong rừng hay con ngựa già yếu bị người ta bỏ rơi dưới chân thành. Đó chỉ là một vài đơn cử, chứ không ai có thể thống kê hết những người, những vật mà tình thương Cụ trang trải. Thi phẩm cuả Nguyễn Du nói chung là một gam buồn, khiến người đọc chạnh thương và lòng nhân ái được thức tỉnh. Con người Nguyễn Du là thế, Cụ quan niệm chữ tâm bằng ba chữ tài, và nếu chỉ dùng một chữ để chỉ Cụ thì theo tôi, đó là chữ THƯƠNG. Còn chàng trai tác giả bài Văn tế sống hai o gái Trường Lưu thì sao? Đó là một con người ích kỷ, nhỏ nhen, hãnh tiến... tỏ ra sung sướng, chiến thắng khi người yêu của mình lấy phải người chồng không danh giá. Ta hãy nghe tác giả nói về hai người chồng của o Uy và o Sạ:
Một đứa thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì
Một đứa thì cắt cỏ ngựa đến tận giờ, tùng tùng dạ há
ở làm chi một năm thêm một tuổi càng cao
Khéo gớm cho hai ả được hai chồng cũng khá!
Dắt mũi trâu và cắt cỏ ngựa là cách nói miệt thị để chỉ người làm nghề nông và phục vụ trong quân đội ngày xưa.Cái giọng đầy vẻ hả dạ, với cái ý ngầm cho rằng hai người ấy danh giá kém xa mình. Cái lối nói mát, nói lẩy đầy tính châm chọc trong câu " Khéo gớm cho hai ả lấy hai chồng cũng khá" cũng đủ nói lên sự nhỏ nhen của tác giả. Bản tính coi thường người khác đã ngược hẳn với tính khiêm nhường của Nguyễn Du. Trong cuộc đời, Nguyễn Du là người ít nói, sống nặng về nội tâm, tôn trọng người khác và thường trách mình là kẻ bất lực.Văn chương là nơi Cụ dùng để thể hiện tình thương chứ không bao giờ dùng làm phương tiện để trách móc, chê bai và trả thù người khác. Chỉ riêng điều này thôi, tác giả bài văn tế này không những xa lạ mà ngược hẳn tính cách của Đại thi hào.
Con người như Nguyễn Du nếu đã yêu ai đó, mà không lấy được nhau, khi nhắc lại kỷ niệm, bao giờ cũng là những kỷ niệm xúc động, nên thơ. Ngay cô Cầm trong Long Thành cầm giả ca, tác giả chỉ gặp, chính xác hơn là thấy một lần hai mươi năm trước, thế mà khi gặp lại, lời thơ đã làm bao người rơi nước mắt. Thế mà tác giả trong bài Văn tế hai o gái Trường Lưu thì nhắc cảnh hát phường vải và kỷ niệm của mình với người yêu như thế nào? Thì đây:
Trước chái nhà thì tàng hình thuỷ phủ, đứng lăm lăm ai biết mô mồ
Trong nhà thì thiết phục long vương, nằm trập trập hình như đống mả.
...
Yếm nhuộm điều che trước ngực, đỏ lòm lòm
Câu huê tình đọc bên tai, nghe xa xả
...
Phụt ngọn đèn trước mắt, đếch sự đời, chẳng phải đứa tiểu tâm
Đùng tiếng lói sau nhà, đéo mẹ kiếp, bỗng có thằng đại phá.
...
Miễn bình luận gì thêm bạn đọc cũng thấy những câu như thế này xa lạ với tính cách và văn phong của Nguyễn Du.
2 - Cách dùng tiếng địa phương xa lạ với Nguyễn Du.
Chúng ta đều biết rằng, Nguyễn Du tuy quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhưng sinh ra ở phường Bích Câu, Thăng Long, tuổi thơ sống và học nhiều năm ở trên đất bắc. Bà cụ thân sinh của Đại thi hào là một người bắc, quê ở Bắc Ninh. Người vợ đầu tiên quê ở Thái Bình và Cụ từng sống mười năm trời ở đó. Tuổi trẻ Cụ có về thăm quê những lần ngắn, và khoảng thời gian sống liên tục lâu nhất ở quê là sáu năm, từ 1796 đến 1802. Từ đó trở về sau, tuy nhà vẫn ở Tiên Điền nhưng Cụ đi làm quan nhiều nơi, thỉnh thoảng mới về thăm quê. Điểm lại như vậy để thấy rằng, Nguyễn Du tuy có biết tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, nhưng sử dụng theo cách của người hàng ngày vốn dùng tiếng phổ thông và chỉ điểm xuyết thêm một vài tiếng địa phương khi thật cần thiết. Điều này thể hiện trong tác phẩm của Cụ. Truyện Kiều dài 3254 câu mà tiếng địa phương Nghệ Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Văn tế thập loại chúng sinh dài 184 câu, hầu như không có tiếng địa phương nào. Bài Thác lời trai phường nón là Nguyễn Du mượn lời trai phường nón ở Tiên Điền tỏ tình với các cô gái Trường Lưu nên Cụ có ý thức sử dụng tiếng địa phương, thế mà chỉ có ba, bốn từ. Còn Văn tế sống hai o gái Trường Lưu thì sao? Tiếng địa phương dùng nhan nhản, thiếu chọn lọc. Bản thân tôi là người quê Nghệ Tĩnh nhưng vẫn thấy khó chịu với cách dùng tiếng địa phương tràn lan,tuỳ tiện, nói chi độc giả những vùng quê khác. Những câu như: " Thương chắc nỏ lấy được chắc, làng nước hục hặc, lấy nỏ được chắc, chúng bạn ta như nghé sổ ràn...", thừa tiếng Nghệ mà thiếu chất văn, xuất hiện khắp nơi trong bài văn tế này. Nguyễn Du luôn luôn ý thức được mình là nhà thơ của cả nước, thậm chí của cả nhân loại nên không bao giờ dùng từ ngữ như thế để kéo mình từ một trong năm nhà thơ lớn nhất nước lúc bấy giờ ( An Nam ngũ tuyệt) về với trình độ câu lạc bộ thơ phường xã như thế. Đây không thể là văn của Đại thi hào, một người bậc thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ của bài văn tế này chứng tỏ tác giả của nó là người khí sáng tác bài này chưa đi khỏi vùng quê Nghệ Tĩnh.
3 - Thời gian ra đời của bài văn tế này.
Dựa vào niên phổ Nguyễn Du và quan hệ của Nguyễn Du với Nguyễn Huy Quýnh, giáo sư Nguyễn Thạch Giang đã xác định thời điểm Nguyễn Du viết Thác lời trai phường nón là vào khoảng 1780 - 1783. Và bằng phép chứng minh loại trừ, giáo sư Nguyễn Thạch Giang cũng chỉ ra rằng, Nguyễn Du chỉ có thể viết Văn tế sống hai o gái Trường Lưu trong sáu năm ở quê từ 1796 đến 1802. Bây giờ chúng ta xét xem điều đó có thể xẩy ra hay không? Muốn thế nên điểm lại hoàn cảnh của Nguyễn Du thời gian đó.
Theo niên phổ Nguyễn Du, năm 1786, hai người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản và Nguyễn Điều cùng mất, Nguyễn Huệ lần đầu vào Thăng Long, Nguyễn Du không còn chỗ dựa đành về quê vợ và sống mười năm gió bụi ở Thái Bình. Năm 1795 bà vợ họ Đoàn mất, đầu năm 1796 Nguyễn Du đưa người con trai là Nguyễn Tứ khi đó mới một vài tuổi trở về Tiên Điền. Ta nhớ rằng, Nguyễn Tứ là người con thứ tư, và ba người trước đều chết yểu. Thời gian đầu đưa con về sống giữa quê hương, khi mà " Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán", Nguyễn Du luôn thương nhớ người vợ chết trẻ trên đất bắc và đêm đêm mơ thấy nàng vượt đường xa vào thăm mình, để khi chợt tỉnh cả căn phòng ớn lạnh. Muốn thoát khỏi hoàn cảnh quẫn bách, mùa đông năm 1786, Nguyễn Du định vào Gia Định giúp Nguyễn ánh, nhưng việc bại lộ bị bặt giam mấy tháng. Sau đó Nguyễn Du đã sống một cuộc sống cùng cực, đói khổ, bếp suốt ngày không đỏ lửa, "hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên", chí khí và kế sinh hai cả hai đều mịt mờ. Con người đa bệnh, đa sầu này luôn thấy mình bất lực, thể hiện đầy đủ trong Thanh Hiên thi tập, không thể có thái độ kênh kiệu, coi thường người khác như tác giả bài Văn tế sống hai o gái Trường Lưu.
Cũng theo giáo sư Nguyễn Thạch Giang, hai năm Nguyễn Du qua lại, quen thân với o Uy, o Sạ mà trong bài văn tế nhắc đến là trong khoảng thời gian 1780 - 1783. Trong văn tế có câu:" Nào ngờ tháng sáu này, tệ bạc sao, bỗng tống táng một tuần hai ả". Như vậy cả o Uy và o Sạ đều lấy chồng một tuần vào tháng sáu, vào cái năm tác giả viết bài văn tế này. Điều đó thật là vô lý nếu tác giả là Nguyễn Du, bởi đến những năm 1796 - 1802, nhà thơ đã quen thân hai o đã ít nhất là 13 năm về trước, sau thời gian quen biết đó, Nguyễn Du đã mười năm sống với vợ, vợ đã sinh đẻ 4 lần, bây giờ mang con về quê thì không có cái cớ gì để trách o Uy và o Sạ: "Bỗng bạc tình là thói o Uy. Chẳng nhân nghĩa ai bằng ả Sạ" được. Và trong bài văn tế còn có hai câu:
Ả sang đó bồng con cho sớm, mẹ nằm võng, cha năm giường
Ta về đây kiếm chút kẻo già, bà ăn nem, ông ăn chả.
Câu thứ hai chứng tỏ khi o Uy và o Sạ đi lấy chồng thì tác giả bài văn tế chưa có vợ. Điều này mâu thuẫn với Nguyễn Du đã lấy vợ trên mười năm trời!
Tóm lại, Nguyễn Du không thể viết bài văn tế này vào những năm 1796 - 1802 và cộng với lập luận của giáo sư Nguyễn Thạch Giang chứng minh Nguyễn Du không thể viết vào thời gian khác, ta đi đến kết luận: Nguyễn Du không bao giờ viết bài văn tế này. Hay nói cách khác, Nguyễn Du không phải là tác giả bài Văn tế sống hai o gái Trường Lưu!
Lời kết.
Chúng ta biết rằng, Nguyễn Du mất ở Huế năm 1820 và năm 1824, con cháu mới đưa hài cốt về quê hương. Mãi đến năm 1924, giáo sư Lê Thước sau một chuyến đi thực tế ở Tiên Điền mới phát hiện ra bài Văn tế sống hai o gái Trường Lưu. Sự thật ngày đó cụ Lê Thước cũng không kết luận Nguyễn Du là tác giả của bài này, và cũng không ai coi Nguyễn Du là tác giả, cụ thể trên tờ báo Nam Phong số 16 khi lân đầu công bố bài văn tế này, người ta còn ghi tác giả là "khuyế danh"!. Như vậy, khi Nguyễn Du còn sống cũng như hơn 100 năm sau khi Cụ mất, không một ai nói về chuyện này cả, nghĩa không một ai coi Nguyễn Du là tác giả của bài văn tế sống này. Một chỗ dựa để người ta coi bài văn tế này là của Nguyễn Du là có nhắc tới một số địa danh như bến Giang Đình, sông Cài, chùa Giằng, Cửa Trẹm...ở Tiên Điền hoặc nằm trên đường từ Tiên Điền sang Trường Lưu. Theo tôi bằng chứng này không vững chắc, vì thời đó o Uy và o Sạ là hai cô gái nhan sắc, hát hay nổi tiếng ở Trường Lưu, và vùng Tiên Điền, Trường Lưu ngoài Nguyễn Du ra còn có biết bao chàng trai học trò sinh ra và lớn lên ở đó, hay làm thơ, để mắt đến hai cô gái trên. Đọc bài văn tế này tôi thấy tác giả của nó là một người tâm mọn, tài hèn, ngược hẳn những gì Nguyễn Du có được.
Một thực tế cần lưu tâm là hơn 80 năm nay, mặc dù bài văn tế này được coi là của Nguyễn Du, nhưng chỉ có những nhà soạn sách Nguyễn Du viết lời dẫn giải trước khi cho in tác phẩm, chứ trên thi đàn, báo chí, ngoài việc kể tên tác phẩm, khó tìm thấy một ai phân tích, mổ xẻ tác phẩm này, vì khen thì quá dở không thể khen được, chê thì không đành bởi nghĩ rằng nó là của Đại thi hào!
Tôi không biết ai là người đầu tiên coi tác phẩm này của Nguyễn Du và người ấy đã dựa vào những cứ liệu nào, là văn bản từ trước để lại hay từ lời kể của bà con họ Nguyễn Tiên Điền để đi đến kết luận mà hơn 80 mươi năm qua bạn đọc phải chấp nhận. Tôi mong muốn các nhà Nguyễn Du học cùng các nhà thi pháp dành thời gian nghiên cứu, trao đổi để tìm ra chân lý, tôi có thể nhận ra sai lầm nếu như bằng chứng là thuyết phục. Và nếu kết quả ngược lại, công việc này sẽ giúp bạn đọc rũ bỏ được điều vô lý phải mang hơn tám chục năm trời và giải oan cho Đại thi hào để Cụ khỏi phải đứng tên một tác phẩm thiếu chất nhân văn, xoàng xĩnh không phải của mình.
Cóp FB Vương Trọng