Trang chủ » Truyện

CHƯƠNG 25 (tiểu thuyêt kim kổ kỳ kuặc ký)

Trần Nhương
Thứ hai ngày 17 tháng 1 năm 2022 9:41 AM




Mao Dâm Đàm bị bắt giam kì lạ
Vương thuốc bắc trở lại Anh Kỳ


Xin bạn đọc theo dõi nhân vật Mao Dâm Đàm. Vốn tên là Mao Tôn Úc nhưng đã được Vương thuốc bắc thay tên vì mấy tháng trước Mao Tôn Úc đã chết đuối tại hồ Dâm Đàm. Diện mạo Mao Tôn Úc cũng được săm thêm một vòng đỏ nơi ấn đường để không ai còn nhận ra Mao Tôn Úc ngày xưa, không còn ai nghĩ là nhà phẩm bình văn chương ngày nào bôn tẩu sự săn đuổi của Trưởng thưng văn hào.

Đêm trước khi Vương thuốc bắc giao nhiệm vụ lên đường lang bạt thu thập chuyện làng chuyện phố của Đại Việt, Mao Dâm Đàm lẻn đến Trúc Lâm viện. Hôm cùng Vương thuốc bắc qua đây, Mao Dâm Đàm đã gặp các phi tần mắc tội bị quản thúc nơi này, đã kịp ôm hôn mấy nàng xinh như mộng. Lâu ngày thèm khát giao hoan cũng là lẽ thường tình của đàn ông, hơn nữa thời gian vừa rồi được Vương thuốc bắc tẩm bổ nên ấm cật muốn giậm giật mọi nơi. Các nàng đang xuân thì bị giam hãm lâu ngày chẳng khác nào người khát nước. Vừa đến tiền sảnh đang lớ ngớ Mao Dâm Đàm gặp ngay cô nàng hôm mà Mao đọc bài Ô dạ đề đã khóc và chạy đến ôm lấy Mao. Trời cho rồi, nhân duyên sắp đặt, mỡ đến miệng mèo sao lại không chén ! Mao Dâm Đàm kéo tuốt nàng ra khu vườn dâu. Đến một bãi cỏ hai người ngồi xuống ôm nhau. Nàng lo lắng nếu bọn lính canh biết thì treo cổ là cái chắc. Nàng cung phi năn nỉ hẹn khi khác sẽ gặp sau. Mao Dâm Đàm lắng tai nghe ngóng thấy im ắng, các cung phi bị thải hồi chắc đang thu dọn đồ nghề canh cửi. Mao không còn chịu được nữa, đè sấn cô ta xuống bãi cỏ. Xiêm y lằng nhằng khiến Mao Dâm Đàm mất công tháo cởi. Trong ánh sáng lờ mờ, một thân hình nõn nà thơm phức hiện ra. Mao như người lên cơn sốt, gục mặt la liếm khắp da thịt người đẹp. Nàng ôm ghì lấy Mao vít xuống, nàng thủ thỉ thiếp chưa được một lần vua vời. Lời nói ấy khiến Mao bị kích động mạnh. Nàng con trinh ư ? Ô sao số mình lại may thế cơ chứ, ngày nào Đàm Linh cũng dâng mình cái trinh nguyên. Như bị giật dây cương, con ngựa đã phóng nước đại, Mao ngấu nghiến, băm bổ khám phá cái linh diệu của giống loài. Nàng cung phi khẽ kêu đau rồi sao đó quặn người, gồng lên, giật nảy cơ bụng đón nhận sự ân ái đầu tiên. Nàng rên lên khe khẽ, hai chân quặt lấy tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của Mao Dâm Đàm. Thỏa thuê đến tuyệt đỉnh, nàng cung phi vẫn vít cổ Mao Dâm Đàm vào bộ ngực căng đầy của mình. Sực nhớ ra sự nguy hiểm, nàng mặc xiêm y trong sự lâng lâng của thỏa mãn tình dục. Mao Dâm Đàm níu nàng định làm nhát nữa nhưng nàng đã vùng chạy. Lề luật của chốn quản thúc này không thể xem thường. Nàng bẻ mấy cảnh dâu cầm về vờ như xem xét lá dâu đến kì hái cho tằm chưa. Mao tìm cách chuồn khỏi Trúc Lâm viện êm nhẹ như con chồn trên đất Hoành Sơn hồi nào Mao đã sống...

Vương thuốc bắc chuẩn bị cho Mao đồ ăn thức dùng khá chi tiết kể cả kim ngân chi tiêu dọc đường. Vương mua một con ngựa màu nâu đẹp mã và khỏe sức để cho Mao Dâm Đàm có phương tiện đi lại. Nhớ khi trước chạy trốn sự truy lùng của Trưởng thượng văn hào, Nhương Tác Nghiệp cho Mao con ngựa gày dơ xương. Vậy mà lão lý trưởng làng Bùng đã cướp mất. So với lần chạy trốn thì lần này Mao Dâm Đàm với tư cách oách xà lách. Danh chính là một trang nam tử đi du ngoạn, thu thập ca dao tục ngữ, chuyện cổ. Lần này đi Mao bạc đầy bọc, ngựa nghẽo rất phong độ...

Sáng sớm Vương tiễn Mao Dâm Đàm lên đường, dặn dò thêm công việc phải làm. Hai người bái biệt nhau, chắp tay xá một lễ rõ ra tầng lớp nho sỹ đất kinh kỳ...

Tiễn Mao rồi, Vương thuốc bắc thu dọn hành lý cũng trở lại thị trấn Anh Kỳ, nơi ngài có cửa hàng thuốc bắc nổi tiếng khắp vùng...

Mao Dâm Đàm cứ nhằm hướng tây mà đi, ngày đi đêm nghỉ thong dong như lữ khách. Thế quái nào Mao Dâm Đàm lại qua lối chùa Đồng phủ Diễn. Nhìn thấy tam quan ghi ba đại tự “Đồng Cổ tự” lòng Mao quặn nhớ chính nơi này Mao đã gặp Đàm Linh và tình yêu sét đánh đã đoàng một phát sinh ra được bé Bí Ngô đang trong nhà Kim Thánh Phán. Mao thúc ngựa nhanh hơn vượt qua chùa Đồng, ngại rằng hòa thượng Thích Vân Thành và các ni cô trông thấy.

“Lại đi, lại đi trời xanh thêm” câu thơ của ai đó rất đúng hoàn cảnh của Mao lúc này. Một ngày kia Mao đến vùng huyện Đức Nghĩa thấy rất đông lính lệ và lính bộ hình đang tiến về xã Tâm Thành. Thấy lạ, Mao theo chân đi luôn. Mao nghễu nghện con ngựa nên mọi người nghĩ Mao là thày cai thày đội. Khi đến xã Tâm Thành tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và rầm rĩ vang động cả một vùng bán sơn địa. Tiếng loa tay nhắc nhở dân làng kiên cường giữ lấy đất ông cha, quyết không cho bọn cai thầu, bọn lính vào làng bắt bớ, đánh đập. Thấy tình hình căng thẳng, nóng bỏng Mao Dâm Đàm định chuồn nhưng không kịp. Dân làng từ nhiều mũi như gọng kìm bao vây, người cầm gậy, người cầm dao dựa, cuốc xẻng đằng đằng phẫn nộ. Một toán thanh niên xông đến giật dây cương, kéo Mao tụt xuống từ yên ngựa.

- Thằng chỉ huy đây rồi, chắc nó là thày cai thày đội. Gô cổ nó mang về công quán.

Có đến hơn 10 tên lính lệ bị bắt cùng Mao Dâm Đàm. Các trai đinh dẫn lính và Mao Dâm Đàm về trong làng. Khắp các con đường làng chỗ nào cũng gạch ngói, cây gỗ chắn đường như một căn cứ, đồn lính. Mao sợ mất con ngựa nên nói với một trai đinh xin giúp đỡ cho ngựa ăn uống kẻo nó ốm. Trai đinh bảo ông yên tâm chúng tôi lo bắt các ông để làm con tin với bọn tri huyện cướp đất chứ không tơ hào tài sản của ai. Ngựa của ông chúng tôi chăm bẵm, nuôi dưỡng chu đáo...

Khi đẩy hơn chục người vào nhà hội đồng của làng, mấy trai đinh lăm lăm mã tấu đứng gác ngoài cửa. Một cụ ông râu tóc bạc phơ bước vào, cụ cất tiếng:

- Chào các anh em ! Cực chẳng đã dân làng chúng tôi mới thất lễ với các vị thế này. Tôi là già làng xin thay mặt bà con xin lỗi các vị. Có dăm câu để các vị hiểu dân làng chúng tôi từ bao đời đã khai thiên phá thạch vùng đất này. Bỗng tri huyện sức cho bản xã cướp toàn bộ cánh đồng Si làm công xưởng gì đó. Không đền bù hoa lợi cho dân, không cắm mốc giới, họ thích bao nhiêu thì cứ cắm. Mất ruộng là đói, người cày phải có ruộng đó là lẽ Trời. Theo điều tra của dân làng, tri huyện đã thông đồng với bọn cai thầu bán sang tay cho nhà giầu giá gấp năm bảy lần. Cách của họ là mua sào bán thước, mua một bán trăm. Sau đó họ tung ra chiêu sẽ làm đường cái quan, sẽ thành lập thị tứ. Đất cứ thế giá lên vùn vụt. Trong khi đó dân làng chúng tôi ruộng không có, đói, con cháu thì ra phố thị làm thuê hoặc ăn cắp ăn trộm. Con giun dẵm mãi phải oằn nên phải vùng lên thôi. Chúng tôi không làm phản nhưng buộc bắt giam các vị để tri huyện dừng tay trả lại miếng ăn cho dân lành.

Cụ già làng để mắt tới Mao Dâm Đàm, ô ông này không ra dáng lính tráng. Cụ hỏi:

- Chẳng hay ông cũng là lính lệ ?

- Bẩm cụ, tôi là kẻ lữ hành. Tôi dại không biết câu “Đám ăn tìm đến, đám đòn tìm đi”, thấy đông lính tráng nên tôi đi theo. Nào ngờ...

- Tình hình này cũng khó phân biệt gian ngay, ông cứ tạm thời cùng các chú lính đây nghỉ ngơi vài bữa...Chúng tôi sẽ nuôi ăn tử tế. Nói cho cùng thì các vị chỉ là tay sai.

Mấy cô thôn nữ áo nâu sồng vui vẻ mang chiếu, gối rải ra nền nhà lấy chỗ nằm cho các lính tráng bị bắt giam. Mao Dâm Đàm chọn một góc khuất hơi xa đám lính. Ngả lưng xuống chiếu, Mao nghĩ ngợi lung tung. Trong đầu vang lên mấy câu tự trào:

Thiên quang xích mã hành tây hướng
Bất đắc tù nhân hề tai ương
Thế cuộc nhân tình như lôi vũ
Tâm can nhật nguyệt tư cố hương

(tạm dịch: Trời quang mây tạnh, cưỡi con ngựa hồng đi về hướng Tây/ Bất ngờ thành tù nhân, bất ngờ tai ương/ Thế thái thời cuộc như mưa sấm/ Trong lòng ngày tháng nhớ về quê hương...)

Hàng ngày hết nằm lại ngồi trong nhà hội đồng, Mao Dâm Đàm vẫn để tai nghe ngóng chuyện dân làng. Tình hình vẫn rất căng thẳng. Lính triều đình đổ về càng nhiều. Đêm đêm bọn giang hồ mượn gió bẻ măng lẻn vào làng cướp phá. Tiếng tù và tiếng mõ giật thột trong đêm yên tĩnh nghe rụng rời chân tay. Nhờ sự tinh tường can đảm của các trai đinh nên đã ngăn cản đẩy lui bọn ăn cướp. Nghe loa truyền của lý trưởng thông báo cho bà con, sau 5 ngày làng Tâm Thành giam hơn mười tên lính, tri huyện bằng lòng về làng để gặp bà con Nghe vậy bọn lính đều vui mừng sắp được thả về. Riêng Mao Dâm Đàm không biết là vui hay buồn, mình đâu phải linh tráng chỉ sợ khi thả ra tri huyện tiếp nhận thì mình nghiễm nhiên thành lính.

Một hôm lúc các cô thôn nữ mang cơm đến, Mao lân la làm quen với một cô da bánh mật, mắt đen, khuôn mặt trái xoan, người óng ả eo thon như đồng hồ cát. Mao nhờ cô chuyển lời tới già làng ông không phải là lính, là nhà nghiên cứu phong hóa đi lạc về đây nên bị bắt cùng toán lính. Mao nhờ cô chuyển giấy tờ tùy thân để già làng xem xét. Cô thôn nữ nhận lời vì nhìn tướng mạo Mao ra dáng văn nhân. Mao quen thói đút lót nên giúi vào tay cô nén bạc nói gọi là chút quà của kẻ cơ nhỡ. Cô gái nghiêm sắc mặt nói dân quê chúng tôi không có lề thói đút lót như các quan, các thư lại. Tôi đâu có làm thuê cho ông. Nói rồi cô gái vứt lại mấy tờ giấy tùy thân của Mao. Mao chấp tay vái mấy lễ xin cô tha lỗi, kẻ cơ nhỡ này ngu muội không biết lề luật. Thấy Mao Dâm Đàm ra vẻ người có học lại biết lỗi, cô gái nhận lời nói giúp già làng.

Vài ngày sau đó cô thôn nữ có cảm tình với Mao, thi thoảng nhân lúc mang cơm cô vạch cạp váy ra cái bánh khúc giúi cho Mao Dâm Đàm. Mao nhận tấm bánh còn ấm hơi người mà rưng rưng cảm động. Ôi cái thứ bánh làm bằng cây rau dại sao lại ngon đến thế.

Mao Dâm Đàm được già làng trả lại tự do vì biết ngài không phải lính tráng. Già làng thay mặt dân xin lỗi vì việc nhầm lẫn này. Mao cảm động lắm, cúi rạp xá mấy lễ. Già làng gọi một trai đinh dắt con ngựa của Mao trả lại cho chủ. Mao nhìn con ngựa của mình vẫn béo tốt lấy làm mừng lắm.

Mao nhanh chóng dời làng Tâm Thành, khi ngài ra đến cổng làng thì gặp cô thôn nữ đã từng cho bánh khúc. Hình như cô có ý chờ. Mao xuống ngựa xin bái biệt. Cô thôn nữ đưa cho Mao một bọc bánh khúc, nói rằng người quê chỉ có quà quê. Cô gái đỏ mặt e thẹn vội quay gót không để Mao nói lời cảm tạ. Mao bị đánh thức lòng nhân của kẻ sỹ. Trời ơi nơi thôn ổ này tấm lòng của dân chúng nhân hậu, bao dung biết bao !

Mao đi độ ba dặm thì dừng ngựa đi tiểu tiện. Khi ấy ngài mới phát hiện ra cái tay nải hình như nhẹ hơn trước. Chả nhẽ bị giam mấy ngày nó cũng gày tọp đi ? Mao lục tìm gói kim ngân thì không thấy đâu nữa. Mao lo và tiếc đến nỗi tịt luôn cả đi tiểu. Ngồi bệt xuống vệ cỏ thở dài ngán ngẩm. Rồi đây dặm trường biết ăn bằng gì, biết sng bằng gì. Hay quay về đất Đại La, mà lão Vương thuốc bắc cũng về Anh Kỳ không thể cầu cứu ai được nữa. Thôi rồi lượm ơi, kì này chắc phải thành tên hành khất nước Nam. Một nhà phẩm bình văn chương Trung Nguyên mà biến thành tên ăn mày thì là trời đày rồi.

Từ rất xa có một người đang chạy về phía Mao. Một lúc trai đinh dừng trước mặt Mao Dâm Đàm. Chàng trai vừa thở vừa nói:

- Có phải ngài vừa bị dân Tâm Thành chúng tôi bắt giam không ?

- Thì vưỡn.

- Già làng chúng tôi sai đuổi theo trả lại ngài bọc này.

- Thật vậy ư ? Tôi vừa mới biết mình mất bọc kim ngân làm lộ phí.

- Vậy xin ông cho biết trong bọc có bao nhiêu lượng.

- Có 30 lượng.

- Thế thì đúng của ngài. Già làng dặn trước khi trả lại phải kiểm tra xem có đúng của người mất không – nói xong chàng trai đưa gói bạc cho Mao Dâm Đàm.

Mao ngạc nhiên hỏi:

- Chẳng hay tôi đánh rơi ở đâu ?

- Mấy cô phục vụ nhà cộng đồng khi dọn chỗ ông nằm thì thấy bọc này, họ nộp cho già làng.

Mao lấy mấy nén bạc đưa cho chàng trai để cảm ơn. Anh ta từ chối và nói dân làng tôi không ai dám nhận lại quả. Anh ta chào Mao vội quay về làng.

Mao đứng lặng hồi lâu, lòng bỗng dưng như sóng biển. Trời đất ơi, những người áo rách chân lấm tay bùn mà cốt cách như kẻ trượng phu. Sự tử tế ta tưởng chỉ như cổ tích mà nay đã thấy nơi đồng đất thôn ổ này. Những người cai trị và lũ nhà giầu lớn tiếng lên án nông dân làm loạn gây mất trật tự an toàn xã, có khi còn chụp cho cái mũ nghe theo bọn phản động. Mao Dâm Đàm không tin những người chân lấm tay bùn như Tâm Thành này làm điều ác. Họ vùng lên vì cuộc sống của họ, vì ruộng đất của họ bị cướp để làm giầu cho bọn cai trị. Trong những mánh khóe làm giầu thì địa tức là một loại làm giầu nhanh nhất. Thì ra bên cố quốc và An Nam này giống nhau như hai giọt nước. Người xưa dạy “tấc đất tấc vàng” chẳng có sai tí nào.

Phóng tầm mắt nhìn cánh đồng xanh ngắt trong nắng, những bờ tre, những mái dạ yên bình kia mà thấy như có hàng ngàn núi lửa đang giấu trong lòng nó...

Mao thúc con ngựa gõ móng trên con đường cái quan, tự dưng ngâm lên:

Bôn ba hành lộ thiên lý dặm

Kim nhật kim thì dạ cố hương

(Tạm dịch: Trên con đường vạn dặm/ Ngày nào cũng nhớ về quê nhà)

Trong khi Mao đang dong duổi theo hướng tây thì Vương thuốc bắc theo phía Nam về lại Anh Kỳ. Không hiểu vai trò của Vương thuốc bắc thế nào mà khiến Mao Dâm Đàm tuân lệnh.

Hãy xem hồi sau khắc rõ.

Tranh: Thành Hoàng làng của TN