Trang chủ » Truyện

SỐ PHẬN NGẶT NGHÈO (kỳ 1)

Thế Đức
Thứ bẩy ngày 1 tháng 7 năm 2023 2:34 PM


Truyện vừa

1- NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ TÂM THẦN

Bà Khả nói:

- Câu chuyện không còn đơn giản khi công luận bắt đầu vào cuộc. Bài báo gây xôn xao dư luận, càng tập trung sự chú ý của hội đồng xử án” Bà Khả chép miệng: “Tôi già rồi. Người già thường muốn được thanh thản. Làm cái nghề luật sư như tôi, ít khi được hưởng cái cảm giác ấy lắm. Bảo vệ lẽ phải cho thân chủ của mình là việc làm thiện, nhưng thật chẳng dễ. Anh biết đấy, áp lực tâm lý ghê gớm quá, khiến tôi thực sự bối rối!

Rồi bà gấp quyển sổ ghi chép lại, tháo chiếc kính lão đặt lên tấm bìa cứng màu mận chín. Nom nét mặt từng trải của bà, có vẻ rất đăm chiêu.

- Vâng! Cháu hiểu. Nếu là người ngoài cuộc, hẳn cháu cũng nghĩ như thế. Hay cháu đưa cô đến đó, chắc cô sẽ rõ mọi việc.

- Nếu được vậy thì tốt, tôi cũng thấy yên lòng!

Tôi luôn gọi bà Khả bằng cô, vừa để tỏ lòng thân thiện và cũng là để tỏ thái độ hết sức kính trọng bà. Ngày ấy, việc đi lại khó khăn lắm. Tôi chuẩn bị tiền mua vé, ăn uống, và mọi chi phí sinh hoạt khác, rồi đưa bà Khả lên đường.

Chuyến tàu hoả ngược về hướng Tây Bắc, ì ạch lăn bánh. Trời nóng như rang muối. Người đông, chèn ép nhau chật cứng. Theo đúng lịch trình, chỉ mười một giờ thì tới. Thế mà đã gần năm giờ chiều, con tàu mới mệt mỏi bò vào sân ga. Bà Khả nhuội nhoại, lách mãi mới ra được cửa để xuống tàu. Kế hoạch làm việc, tất cả gói ghém chỉ vẻn vẹn trong ngày mai. Tôi lo quá. Liệu cô Khả có chịu đựng nổi không? Công việc quan trọng thế, nhỡ cô lăn ra ốm thì khốn mất!

Cơm nước xong, tôi thuê một phòng trọ, để bà Khả ở lại nghỉ ngơi cho yên tĩnh. Còn tôi thì quanh quẩn đâu đó, cũng có ý muốn tìm lại vài kỷ niệm quen. Thú thực, tôi chả có đầu óc nào mà thư với thú nữa, nhưng thà như thế còn hơn, chứ cứ ngồi một chỗ, nghĩ ngợi vớ vẩn, chắc còn khổ hơn nhiều.

Tôi hướng về phía ngoại ô thành phố, nơi có con sông Lô viền quanh. Cây cầu quen thuộc nối thành phố với bên kia là huyện lỵ, tất cả xem ra vẫn thế. Có chỗ còn tồi tệ hơn rất nhiều. Bên kia sông, lùi xa một chút là cơ quan Như làm việc ngày xưa. Chiều muộn, gió như lưỡi xẻng, cào xới, làm bụi đường bay mù mịt, che khuất cả tầm nhìn. Thứ bụi đỏ cố hữu của miền Trung du gợi nhớ cho tôi rất nhiều chuyện. Cũng mười năm rồi…và sáng mai, tôi sẽ đưa cô Khả tới đó!

*

Dạo ấy, Như được cơ quan phân cho gian nhà ở đầu hồi. Bước ra cửa là dãy hiên chung, có bức tường lửng xây bằng thứ gạch hoa thị, chạy dọc. Rẽ trái vài bước là lối đi tắt ra xưởng nhưng đã bị cây hoang dại mọc kín. Cái kiểu thiết kế căn hộ thời bao cấp rất đơn giản, vẻn vẹn chỉ mười sáu mét vuông. Hai nhà liền kề, có thể nghe cả tiếng khịt mũi từ nhà bên kia. Phía sau cửa sổ của bức tường hậu là vườn chuối. Tôi nhìn, thấy chạnh lòng, không nhiều lắm nhưng cũng đủ để nhớ lại khối chuyện...

Bà Khả ngồi tâm sự với chị Kim khá lâu. Chị Kim là hàng xóm sát vách của Như, nên biết rất rành rọt câu chuyện. Nghe chị Kim kể lại thì những điều tôi biết chưa đáng là bao. Tôi quay sang hỏi chuyện với bọn trẻ để khỏi phải nghe thêm nữa. Chúng đã lớn bằng ngần ấy rồi. Chị Kim nhìn tôi, bảo:

- Dạo cô Như về nhận công tác, chúng nó mới chập chững tập đi, suốt ngày sang chơi với cu tí bên ấy. Rồi chị chép miệng - Cô ấy dại dột quá. Tôi cứ tiếng tiếc cho cô chú thế nào ấy!

Bà Khả lắng nghe. Cái mà bà cần nhất là lý do vì sao gia đình tôi tan vỡ?

Đến lúc chị Kim kể về buổi tối định mệnh ấy. Tôi bỗng thấy như có mảnh sành cào cứa trong ruột. Tôi quay chiếc ghế đóng bằng gỗ mộc, ngồi nhìn ra cửa. Hoá ra, lúc hắn trèo qua bức tường lửng kia, lẻn vào nhà, chị Kim đã nhìn thấy rồi. Tới khuya, lúc tắt đèn, chị Kim biết là hắn chưa về. Chuyện vẫn thường xuyên thế ấy mà. Đã vậy, hắn lại là con ông cháu cha trong nhà máy, ai hơi đâu dây vào, không chừng chuốc vạ vào thân thì khổ. Nghĩ vậy, chị Kim cũng mặc!

Bỗng chị Kim nghe tiếng tôi gọi cửa thì chị giật mình. Cũng chẳng hiểu vì sao, hôm ấy, tôi lại bất ngờ về thăm Như? Sau này, lúc bình tâm trở lại, tôi nghĩ, có lẽ là do cái số. Khi ông Trời đã định, ai mà tránh được. Chị Kim nói tiếp:

- Nghe tiếng chú, tôi cứ thót cả tim. Tôi đứng nép bên cửa nhà mình để theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra…

Nghe chị Kim kể đến đây, cảm xúc của tôi cứ thế lội ngược dòng về quá khứ, bắt đầu từ lúc nghe tiếng Như thưa, rồi tôi giục mở cửa, bảo Như bật đèn lên. Như ấp úng nói với tôi lý do vẫn không thể bật đèn, và nàng còn đang tìm chìa khóa. Đúng là có tiếng lục cục bên trong thật. Tôi tin, nên kiên nhẫn đứng chờ. Một phút, hai phút… năm phút! Bỗng tôi thấy thương thương, phận đàn bà vắng chồng, những lúc như thế thật khó. Tôi đặt chiếc túi du lịch có ít quà cho Như và con trai lên bờ lan can bức tường hoa thị, rồi tiện thể tựa lưng cho đỡ mỏi. Đêm hôm khuya khoắt, mông lung. Chuyến tàu tôi vừa xuống đã ăn than xong, hằn học rít còi để rời sân ga. Tôi thấy mệt, đưa tay che miệng định ngáp một cái. Bỗng cửa bật mở, rất mạnh. Một bóng người lao vụt ra, chạy về phía đầu hồi, đâm quáng quàng, rồi biến mất trong bóng tối…

Vì quá bất ngờ, nên tôi không kịp phản ứng gì. Sau giây lát định thần, tôi xách túi, bước vào nhà, tiện tay bật công tắc điện. Cái dây tóc đỏ lòm, hắt ánh sáng yếu ớt xuống khuôn mặt xinh đẹp của Như. Tôi nhận thấy đôi môi nàng run run.

“Sao lại có chuyện thế này?” Tôi thẫn thờ tự hỏi, rồi gieo mình xuống chiếc ghế đẩu mạnh đến nỗi tưởng gãy cả ghế.

Một lát sau, bản năng hất tôi bật tung dậy. Tôi xông tới, nắm ngực áo Như, rít lên:

- Đứa nào? Muốn sống nói ngay! Tôi lao tới chiếc chạn bát ở góc nhà, rút con dao phay - Có nói không?

Như sợ, mặt tái nhợt, miệng lắp bắp:

- Anh…anh Các!

Tôi quăng con dao, đêm khuya thanh vắng vọng lên tiếng kêu đánh “choang” một cái, nghe mà thấy rờn rợn. Thật lòng thì tôi có biết cái thằng Các là đứa nào đâu? Tôi buông Như, bước vội sang nhà chị Kim mượn chiếc bút và xin tờ giấy. Tôi ra lệnh cho Như viết giấy thú nhận!

Như chần chừ, nhưng vì sợ quá nên cũng chịu cầm bút viết, hôm nay, ngày… tháng… năm… Tôi xin thú nhận với chồng tôi là…

Chị Kim nhìn tôi, nói:

- Có lần Như tâm sự, cô ấy rất hối hận vì đã viết tờ thú nhận ấy. Giấy trắng mực đen mà! Cũng may, chú không báo cáo với cơ quan, nếu không thì…

Bà Khả lấy trong cặp tài liệu tờ giấy photocopy đưa chị Kim xem, rồi nói:

- Tờ thú nhận ấy đây. Bản chính tờ thú nhận ấy, tôi đã nộp cho đại diện Viện kiểm sát tham gia tố tụng rồi. Vậy mà họ hùa nhau, lật ngược bản chất vụ án sang hướng khác đấy! Bà chép miệng - Thật không còn trời đất nào nữa!

Bà Khả cám ơn chị Kim rồi giục tôi sang toà án, nơi đã xử vụ án ly hôn giữa tôi và Như khi xưa. Tôi lấy túi bánh Hải Châu, đưa chị Kim:

- Em cho các cháu!

Rồi hai cô cháu đi ngược ra phía thành phố trong cái nắng chang chang giữa mùa hạ.

*

Lại tiếp chuyện cũ:

Như viết giấy thú nhận xong. Tôi cầm, gấp làm tư rồi nhét túi áo ngực. Sự việc xảy ra bất ngờ quá, khiến tôi tím lặng cả người. Tôi không muốn nhìn mặt Như thêm một giây nào nữa. Tôi xách túi, bế con, định ra chuyến tàu xuôi vào lúc hai giờ sáng. Con tôi bấy giờ còn rất nhỏ, nào đã biết gì đâu. Tôi không muốn hằng ngày nó phải sống trong sự lừa dối của chính người mẹ đẻ ra nó. Rồi gã đàn ông kia nữa, hắn sẽ ru ngủ con tôi bằng chiếc kẹo, hoặc một thứ gì đó, để vui thú, hưởng lạc với mẹ nó, chẳng hạn như đêm nay đấy thôi. Tự nhiên, tôi thấy như có cái gì trào lên cổ, nghèn nghẹn, tức thở. Tôi quyết định sẽ cho con tôi về Hà Nội, và sẽ nuôi nó!

Thằng bé vẫn đang ngủ ngon, không hề ọ oẹ. Thật tội nghiệp! Tôi nghe tiếng thở dài đánh thượt một cái trên vai mà thấy lòng nao nao.

Bỗng Như quỳ xuống:

“Em xin anh cho con ở lại đây nốt đêm nay thôi. Đêm khuya quá rồi…”

Tôi nhìn nàng, nhếch mép, cũng chả ra cười mà cũng chả ra mếu. Tôi nghĩ đến chuyện tàu xe mà thấy rùng mình. Bố con đèo ríu nhau, đêm hôm khuya khoắt thế này. Tôi thì chả nói làm gì, nhưng còn thằng bé, cũng chả nên thật. Thôi cũng đành! Tôi đặt con trai lên giường, đứng nhìn một lúc rồi quay đi tìm manh chiếu trải xuống đất. Tôi với chiếc túi du lịch làm gối, thao thức, trăn trở, đợi trời sáng.

Từ sau hôm đó, tôi bắt đầu sống cảnh gà trống nuôi con. Tôi là một anh chàng nhà quê, học xong thì được điều động về công tác ở Hà Nội. Nhà cửa không có, phải ở tập thể. Gọi là nhà tập thể, nhưng thực ra chỉ là gian chái được vẩy thêm từ bức tường hậu của hội trường. Bây giờ, nuôi con mọn thì ở thế sao được. Tôi xin cơ quan cho nghỉ phép năm, rồi bế con về gửi bố mẹ ở quê tạm ít bữa. Sau đó, tôi tức tốc quay ra Hà Nội, vay mượn mỗi người một ít mua được “căn nhà” vẻn vẹn chỉ mấy mét vuông, kê chiếc giường, còn lại non một mét chiều rộng làm lối đi lại. Tôi sắm thêm vài cái bát, vài đôi đũa. Chiếc bếp dầu cũ, xoong nồi cũ đang dùng ở nhà tập thể được chuyển về. Lại cả một con dao tự chế từ lưỡi cưa máy gãy. Quan trọng nhất là đôi thùng để quẩy nước ăn, một trong những đồ dùng không thể thiếu trong cuộc sống lúc bấy giờ.

Mọi việc đã ổn. Tài sản của tôi cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Tối hôm ấy, tôi nằm dài trên giường, nhìn trân trân lên mái nhà lợp giấy dầu dốc ngược, bé tẹo. Bất giác, tôi buồn cười, nhưng rồi tắt lịm ngay. Mấy ngày vất vả, căng thẳng, bấy giờ tôi mới có chút thời giờ để nghỉ ngơi. Thật khổ, thời gian rỗi lại chính là sự manh nha của rất nhiều vấn đề phức tạp. Đầu tôi ong ong, suy nghĩ đủ thứ. Thoạt tiên là toàn cảnh cuộc gặp tay ba bất đắc dĩ như tôi đã kể. Rồi đến những suy diễn, triết lý vớ vẩn về cuộc đời. Đúng là một xâu chuỗi đầy rẫy những sự kiện, đi, đến, thật chóng vánh. Tôi thấy hụt hẫng như một cú ngã ngửa từ trên lưng ngựa, rồi bị kéo lê cùng đường. Cảm giác của tôi lúc ấy, vừa đau đớn, lại vừa ê chề như bị chan tương đổ mẻ lên mặt. Tôi vùng dậy…

Hôm sau thì tôi ngược tàu, đi thẳng tới toà án thành phố để nộp đơn xin ly hôn. Cũng vì vậy, đơn không có chữ ký của Như. Nhưng lý do tôi nêu thì rất chính đáng với luật hôn nhân gia đình. Bởi thế, cán bộ toà án phải tiến hành xác minh theo đúng trình tự của luật tố tụng dân sự. Sau hai lần hoà giải không thành. Như cũng không phản đối gì cuộc ly hôn ấy. Một chiều mưa. Tôi nhớ hôm ấy, mưa phùn, gió bấc lạnh lắm. Trong căn phòng trống hoác của toà án thành phố X., tôi và Như đứng nghiêm trước vị thẩm phán để nghe đọc quyết định thuận tình ly hôn giữa hai chúng tôi. Như đồng ý việc tôi xin nuôi con. Tài sản chung, chẳng có gì ngoài chiếc quạt con cóc giá ba mươi sáu đồng bạc, nên cũng không cần phải chia chác…

Lúc ra về, tôi thấy Như khóc. Tôi không nghĩ đó là nước mắt “cá sấu”. Mà tôi tin, có lẽ đó là những giọt nước mắt bất chợt từ cảm xúc của một cuộc chia lìa. Ra khỏi bức tường rào của toà án, tôi rẽ phải để ra ga, đợi tàu về Hà Nội. Như rẽ trái. Nàng đi xe đạp. Tôi quay lại nhìn. Chiếc xe theo đà lao dốc, đường lại trơn làm Như loạng choạng, suýt ngã. Tôi nhìn theo mãi, bóng Như đã đi xa, rồi khuất hẳn sau quãng đường cong. Bụi mưa trắng xoá, giăng giăng, khiến lòng tôi nao nao. Tôi chợt nhớ về quá khứ… Tôi và Như đã từng học chung một trường trung học chuyên nghiệp. Ngày tựu trường, chúng tôi đã gặp nhau, và rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ, dịu êm cũng bắt đầu từ đó…

*

Hai bố con tôi sống trong túp lều lý tưởng. Ngày ấy, mọi người đều khó khăn cả, nhưng bố con tôi còn vượt xa cả sự khó khăn thông thường, tới mức nghèo khổ. Còn nghèo khổ hơn tất cả những người nghèo khổ. Chuyện ăn no, mặc đủ, còn là một ước mơ xa vời. Tài sản đắt giá nhất của bố con tôi, ngoài căn nhà là chiếc bếp dầu cũ. Hằng ngày, tôi đi làm, con trai đi nhà trẻ. Cái khó nhất trong việc đi lại là chiếc xe đạp tôi đã bán để lấy tiền mua nhà. Thế là sáng sáng, tôi lại tay xách, nách mang, bế bế, bồng bồng con trai ra xe buýt. Được cái, tôi gửi con trai ở nhà trẻ cơ quan, nên cũng tiện đường.

Tuy vất vả thế, nhưng bù lại là tình yêu giữa tôi và con trai đã dành cho nhau. Thế mới biết, tình yêu con của đàn ông cũng có sức mạnh ghê gớm thật, nó giúp tôi vượt qua tất cả, hơn bất cứ tác động nào…

Rồi, hình như tôi được ông Trời mở lòng. Chuyện lạ, mà có thật một trăm phần trăm. Số là, một buổi sáng chủ nhật, tôi mang chiếc khóa hỏng ra thợ sửa. Run rủi thế nào, tôi gặp anh thợ khoá rất mau miệng. Anh ta hỏi han tôi đủ thứ, nào là có vợ chưa, có mấy con, làm gì, ở đâu?... Tôi trả lời qua quýt cho xong chuyện. Ai rỗi hơi mà hầu những câu chuyện vớ vẩn như thế. Rồi bỗng anh ta gạ đổi nhà. Thoạt nghe, tôi tưởng anh ta nói đùa. Thế mà hóa thật! Sửa xong chiếc khoá cho tôi, hắn thu dọn đồ, rồi bảo:

- Ông về chuẩn bị đi, một tiếng nữa, tôi đến làm giấy tờ, dọn luôn!

Tôi cười, đi về. Chắc hắn bị thần kinh nên tôi cũng chẳng thèm để ý làm gì cho mệt. Khi tôi đang chuẩn bị bữa cơm trưa thì một chiếc xích lô chở giường chiếu và rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh đỗ trước cửa nhà. Tôi sững người. Đã biết nhà cửa anh ta ở đâu, thế nào? Tôi cũng nói thế với anh ta. Nhưng hắn bảo:

- Chuyện vặt! Rồi hắn móc túi lấy tờ giấy như vừa bới được trong thùng rác, đưa tôi - Ông đọc đi!

Hoá ra, giấy mua bán nhà Trời ạ! Rồi hắn quẳng hết đồ đạc trên xích lô xuống, bảo tôi:

- Lên xe, tôi đưa ông đi xem nhà!

Sau này, tôi mới biết, cái anh thợ khoá ấy cũng mới dọn về ở đó được gần hai năm, đã không biết lề thói, lại còn “tinh tướng”, nên bị tay hàng xóm “tinh tướng” hơn, chèn ép đủ kiểu. Chịu không thấu, hắn rao bán nhà. Nhưng hễ có khách thì lại bị gièm pha, dọa dẫm. Khách sợ, nên chẳng làm sao bán được. Thế là cái không may của hắn lại hóa cái may cho tôi…

Căn nhà rộng tới mười sáu mét vuông. Bố con tôi như cá sống trong chậu, bây giờ được thả về ao, kể không xiết được nỗi sung sướng. Tay hàng xóm cũng không bắt nạt tôi như đã từng bắt nạt chủ cũ nữa. Đã vậy, hắn lại tỏ ra rất thân thiện. Chuyện đời, lắm khi cũng lạ, chả biết nói thế nào? Hắn có củ lạc, chén rượu, cũng gọi tôi sang, cùng nhâm nhi trò chuyện, có vẻ “chén tạc chén thù” ghê lắm.

Đúng là tôi được ông Trời rủ lòng thương thật. Vận may đến ào ào. Một buổi, tôi đang làm việc thì được ông trưởng phòng tổ chức gọi, cho biết quyết định của giám đốc cử đi tu nghiệp ở nước ngoài. Tôi được nghỉ để chuẩn bị. Việc đầu tiên của tôi là tính chuyện cho con về quê gửi ông bà nội. Thời gian chỉ còn nửa tháng nữa sẽ lên đường…

*

Tôi được đi nước ngoài là bước ngoặt lớn của đời tôi. Được cũng nhiều, mà mất thì cũng lắm.

Tối hôm ấy, bố con tôi đang chuẩn bị dùng bữa. Cũng là bữa cơm cuối cùng bố con tôi ăn cùng nhau ở căn nhà ấy trước khi ra đi, để sáng hôm sau thì tôi cho con về quê sớm. Bỗng Như xuất hiện trước cửa. Tôi giật bắn mình như bị đuôi rắn quất vào mặt. Gần ba năm rồi, Như cũng hơi khác một chút, nhưng vẫn xinh đẹp và có vẻ hơi buồn. Đôi mắt Như vốn vẫn thế. Nhưng bây giờ thì tôi nhận thấy đúng là Như buồn thật.

Nàng dừng lại trên bậc cửa ra vào. Tôi hơi lúng túng. Con trai còn chưa kịp nhận ra mẹ, phần vì lâu không gặp, phần cũng do trời nhá nhem tối. Con trai tôi hỏi:

- Ai thế hở bố?

Tôi bỗng thấy nghẹt thở:

- Ờ …ờ, mẹ…mẹ đấy!

Thằng bé reo toáng lên:

- Mẹ! Mẹ về!

Tôi bảo Như:

- Vào nhà đi!

Bữa cơm ấy, chỉ có con trai tôi là vui nhất. Nó không hề biết gì, bởi tôi vẫn giấu kín chuyện người lớn. Tôi gắp thức ăn mời Như. Nàng ngượng, nên cũng không được tự nhiên, có lúc chỉ ngồi cắm đũa. Cơm nước xong, tôi sang ông bạn hàng xóm ngồi uống nước chè, tếu táo chuyện cho vui. Như ở nhà với con trai. Lúc tôi về, con đã ngủ. Chúng tôi ngồi nói chuyện khá lâu. Như cho biết, nàng bị giảm biên chế, tiện đường về quê nên rẽ vào thăm con (tôi không hiểu sao nàng biết địa chỉ của tôi mà tìm đến) Tôi cũng nói với Như về chuyến công tác sắp tới. Nàng ngỏ ý xin được đưa con trai về quê theo nàng. Tôi bảo:

- Anh đi vắng, nếu muốn nuôi con thì Như cứ ở đây. Sang năm con đi học rồi!

Như mừng ra mặt, nhưng còn lo lắng về cuộc sống. Cũng phải thôi, lạ nước, lạ cái, lại ở nơi đô thành đầy dẫy phức tạp thế này, không băn khoăn sao được. Tôi bày cho Như cách chạy chợ. Đàn bà, buôn bán gì cũng dễ, nếu chịu khó thì cũng chả đến nỗi.

Đêm ấy, tôi nhường cho Như ngủ trên giường với con trai, còn tôi trải chiếu nằm dưới sàn nhà. Tôi thao thức mãi. Chuyện cũ đã qua lâu rồi. Cái tình đời, tình người, lại thêm niềm hân hoan vì chuyến đi sắp tới khiến tôi sinh lòng trắc ẩn. Không biết lúc ấy, tôi đã vô tình, hay vì không ngờ, không hiểu biết đến để lường trước sự đời, dẫn đến những sai phạm lỡ lầm, để rồi ít năm sau, tôi đã phải trả giá rất đắt…

Hôm tôi đi, Như và con trai cũng có mặt trong buổi tiễn. Cơ quan cho xe chở chúng tôi ra tận sân bay. Trước khi bước lên xe, tôi hôn con trai tới tấp, rồi ngập ngừng bắt tay Như:

- Tạm biệt!

Như im lặng. Tôi thấy mắt nàng đỏ hoe:

- Tha lỗi cho em nhé!

Tôi cũng im lặng. Xe nổ máy. Tiếng chào hỏi, tiễn biệt, chúc tụng nhau rộn lên. Có cả những tiếng cười, và cũng có cả những tiếng khóc đầy tâm trạng. Trước mắt tôi giăng giăng một màn sương, làm nhoè tất cả. Tôi nghe tiếng con trai gọi với: “bố ơi, bố ơi…”, rồi cửa xe từ từ khép lại.

Mấy năm xa xứ là cơ hội hiếm có để tôi làm nên cuộc đổi đời, biến thành hiện thực những điều tưởng chỉ trong mơ ước. Bởi thế, ngoài việc học hành, tôi lại quăng thân vào chốn thương trường, lo chuyện kiếm tiền. Áp lực công việc đã lùa khỏi đầu tôi tất cả những chuyện vớ vẩn, tựa như cây sào, gạt phăng đi lớp váng còn lùng nhùng trên mặt nước…

*

Thấm thoắt, thời gian trôi nhanh như quả bóng lăn trên sân cỏ. Đã đến ngày trở về. Tôi không hẹn trước, nên không ai ra đón. Mấy năm, nhiều thứ đã đổi thay. Tôi đổi thay, giống chú ếch cốm trước giàn mướp đầy những bông hoa vàng tươi. Như đổi thay, sự đổi thay cũng khác, theo hoàn cảnh sống của người đầy từng trải… Riêng con trai thì vẫn thế, chẳng đổi thay, cũng chẳng lớn hơn là mấy.

Như mặc rất mốt. Mái tóc dài được hớt đi một phần, uốn xoăn, bồng lên theo thời trang lúc bấy giờ. Cặp mắt rơi đâu mất cái nét thoang thoảng trời cho, thay vì bằng một đường viền xanh lét. Tôi thấy Như xa lạ quá, không mảy may còn lại những nét của Như ngày mới tựu trường. Bỗng dưng, tôi thấy buồn buồn, tiêng tiếc một điều gì rất khó tả.

Ít ngày sau đó, tôi mua được căn nhà hai tầng. Như cũng giúp tôi dọn nhà, chuyển đồ. Trong căn nhà mới, bày biện đầy đủ tiện nghi: Tủ lạnh Hitachi đời mới, tivi Sanyo màu, máy khâu Năm Con Bướm của Trung Quốc…

Tôi được xếp vào hạng có đẳng cấp ở cái ngõ khá đông dân cư ấy. Tôi cưỡi Simson màu ớt, chở con đi chơi, thăm thú gia đình, bạn bè. Niềm vui khôn tả lúc này thuộc về con trai. Chỉ nhìn nét mặt, cũng đủ thấy nó kiêu hãnh đến chừng nào.

Nhưng cũng từ đó, cái ranh giới vô hình giữa tôi và Như ngày càng vỡ rộng thêm ra. Lý giải điều này cũng thật đơn giản. Đã đến lúc, tôi thấy cần tái xếp dứt điểm việc gia đình trước khi tiếp tục công việc ở cơ quan. Tôi mời Như nói chuyện, thẳng thắn, nghiêm túc, và đưa ra một phương án giải quyết, theo tôi là thấu tình đạt lý. Thật bất ngờ, Như phản ứng dữ dội. Lời nói của nàng cứ như xỉa từng cùi chỏ vào mặt tôi:

- Tưởng đuổi tôi mà dễ thế à, ai nuôi con cho anh từng ấy năm để anh đi Tây? Như doạ - Đừng có mà trở mặt, rồi không xong với con này đâu!

Tôi rờn rợn, nhìn cái vành môi đỏ chót của Như cứ chèo chẹo, xả ra toàn những từ lóng mà Như nhặt nhạnh được ngoài chợ. Tôi lặng người, không tranh cãi với Như. Phải đến thế, tôi mới nhận ra sự lầm lỡ của mình. Tất cả, như máu, như hận, vỡ oà trước mắt. Sau này, có lúc tôi nghĩ, giá khi tôi trở về, nàng vẫn là người đàn bà thuần hậu như hồi chúng tôi mới trở thành vợ chồng. Giá nàng cũng quỳ xuống, van xin tôi, như khi tôi bắt gặp nàng phạm tội với tên Các, thì chưa chắc đã đến nỗi căng thẳng như thế. Có lẽ chúng tôi sẽ có rất nhiều cơ hội đoàn tụ. Tôi đành nói:

- Cô đã kể công nuôi con, nói đi! Bao nhiêu? Tôi sẽ bồi thường thích đáng!

- Chia đôi! Mặt Như ráo hoảnh.

Tôi không chịu. Bữa ấy, chúng tôi cãi nhau to. Như bỏ đi. Và từ đó, không thấy nàng trở lại căn nhà ấy nữa.

Tôi cũng không ngờ, chỉ mấy tháng sau, tôi nhận được giấy báo của toà án. Như kiện tôi. Nội dung là do trước đây, tôi đã dựng lên vụ ly hôn giả, cố tình chiếm đoạt con trai từ tay Như. Dựa vào lý lẽ đó, Như đòi chia tài sản. Theo Như, giữa chúng tôi vẫn là quan hệ vợ chồng. Tôi choáng váng. Cũng từ đó, tôi trở thành bị đơn của một vụ kiện dân sự rất hy hữu.

Bảo vệ cho Như là luật sư Nguyễn Hữu Trí. Ông Trí trạc tuổi sáu mươi, người gầy nhom, giọng nói the thé như đàn bà. Đã hàng chục lần, toà án triệu tập tôi tới làm việc. Rồi bốn lần xử, lại hoãn tuyên. Hai lần thay đổi thẩm phán, vẫn không sao ra được quyết định. Tôi, kéo theo cả con trai nữa, lúc ấy đang vào cuối năm học lớp bốn rơi vào một hoàn cảnh sống vô cùng khốn quẫn.

*

Bà Khả đã rõ ràng mọi chuyện, nên quyết làm cho ra sự thật. Bà bảo, theo luật, những chứng cứ cô có trong tay thì cũng đủ để vô hiệu hoá tất cả yêu cầu của Như rồi. Bà chép miệng, thở dài: “Nhưng cũng chẳng biết thế nào? Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Nếu không thế, đã chẳng kéo dài vụ án đến tận bây giờ.”

Tôi lại nhận được giấy báo xét xử lần thứ năm. Đến dự phiên tòa lần này có rất đông những người trong gia đình của Như. Họ ngồi la liệt trên sân toà án để chờ. Tôi thấy em gái Như, cô Hân, che chiếc nón thì thầm với Như điều gì. Như gật gật đầu. Rồi Như đứng dậy. Bỗng tôi nghe tiếng kêu khóc, la hét của Như rất giống người bị bệnh tâm thần. Rồi đến lượt Hân, cô ta cũng lu loa, bêu xấu tôi đủ kiểu. Biết không thể dây được với bọn họ, tôi bước thẳng vào phòng xử. Hân vẫn như con choi choi đuổi theo tôi, xỉa xói:

- Nhìn cái mặt kìa, thằng đểu! Nhà này không thiếu gì tiền, sẽ chơi đến cùng. Hãy đợi đấy!

Quả thật, họ không thiếu tiền. Anh trai của Như là Việt kiều từ Mỹ, cung cấp đủ “đạn dược” để họ tha hồ “bắn phá”.

Cũng phải đến lúc ấy, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, bài báo có nhan đề: “Tiếng kêu của người đàn bà điên” nói về Như, một người đàn bà hiền thục, bị chồng ngược đãi, hoá điên, đăng trên số báo mấy tháng trước thực chất chỉ là màn kịch được họ dàn dựng thành một vở diễn rất tinh vi để đánh gục tôi, và cũng là để tranh thủ sự ủng hộ từ mọi phía. Thế mà khi nhận được tin Như bị tâm thần, tôi cũng hoang mang đến cực độ.

Tôi ngồi trên chiếc ghế băng, mệt mỏi, kéo sụp chiếc mũ xuống mặt, tựa lưng vào bức tường như người đang ngủ. Còn gần nửa tiếng nữa mới đến giờ xử án. Tôi nghĩ đến số phận mình. Nếu hôm nay, vị thẩm phán tuyên theo những yêu cầu của Như, thì ngày mai, cái tờ báo kia lại được thể, tha hồ mà rêu rao bằng những cái tít thật giật gân giống như lần trước. Rồi tôi sẽ phải trao con cho Như nuôi. Việc trao con cho Như nuôi là điều tôi sợ nhất. Bởi như thế, con tôi sẽ khó có thể trở thành người được. Rồi tôi sẽ mất nhà, mất tất cả. Chắc lúc đó, tôi sẽ hết cả không khí để thở.

Phiên toà khai mạc. Thư ký phiên toà đọc lại đơn khởi kiện. Trong đơn, có bổ sung nhiều tình tiết mới về nguyên nhân Như mắc bệnh. Đến phần tranh luận của các luật sư, ông Trí đổ lỗi cho tôi tất cả. Tôi nghe mà thấy người lạnh toát. Cảm giác cứ như bị ông ta lấy cật nứa khía ngang lưng tôi vậy.

Bà Khả đợi ông Trí nói xong, mới xin phép được bày tỏ quan điểm:

- Thưa hội đồng xét xử, vụ án đã kéo dài gần ba năm nay mà không thể đưa ra được quyết định cuối cùng, phần là do sự quan liêu, thuộc về người có trách nhiệm cao nhất của phiên toà. Để bảo vệ thân chủ tôi mang tính khách quan, vừa qua, tôi đã đích thân tới điều tra sự việc nơi cô Như từng công tác, và tại toà án nhân dân thành phố X., nơi xét xử vụ ly hôn giữa thân chủ tôi và cô Như mười năm trước đó…

Bà Khả vừa nói thế, đã thấy ông Trí biến sắc mặt. Ông thừa hiểu những điều bà Khả nói, có tác động đến nhường nào cho cả hai phía. Mồ hôi ông túa đầy trên trán. Ông nhìn bà Khả, rồi nhìn vị thẩm phán. Mới đây, sau vụ đưa tin của bài báo, ông đã đến tận nhà bà Khả thuyết phục người đồng nghiệp rút khỏi vụ án. Tôi nhìn Như, thấy nàng run bắn người…

Bà Khả nói tiếp:

- Trước hết, tôi yêu cầu hội đồng xử án xem xét tư cách của luật sư Nguyễn Hữu Trí. Ông Trí đã đích thân tới điều tra tại những cơ quan có liên đới của vụ án. Ông được cung cấp toàn bộ hồ sơ như tôi đã có, nhưng ông ta đã biển thủ tất cả, cố tình làm sai lệch nội dung của vụ án theo hướng tiêu cực.

Bà Khả đưa ra một tờ giấy có đóng dấu đỏ chót:

- Đây là bản sao biên bản làm việc giữa ông Trí và toà án thành phố X.. Sở dĩ từ lâu, vì chưa hiểu hết sự thật của vấn đề, nên tôi cũng rất thận trọng trong việc bảo vệ thân chủ của tôi.

Thưa hội đồng xử án! Thân chủ tôi không phải là người “đập trứng phá tổ”. Chính anh mới là người cần được bảo vệ. Một người đàn ông đã bắt quả tang vợ mình ngoại tình tại nhà riêng. Thế nhưng, anh ta đã không cư xử tàn nhẫn. Mà ngược lại, thân chủ tôi đã mở lòng vị tha, cho cô Như ở chính ngôi nhà của mình trong lúc cơ nhỡ, như thế thì thật hiếm có. Việc xét xử ly hôn giữa thân chủ tôi với cô Như của toà thành phố X. là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Hiện tôi đã có trong tay những dữ liệu đó. Tôi sẽ nộp cho hội đồng xử án để nghiên cứu…

Tuy cùng là phụ nữ, nhưng tôi không thể thông cảm với sự áp đặt của cô Như với thân chủ tôi. Trên tinh thần dân chủ, mọi công dân đều phải được bình đẳng trước pháp luật. Tôi yêu cầu Hội đồng xét xử bác đơn kiện của nguyên đơn. Chỉ toà án nhân dân tỉnh V. mới đủ tư cách phúc thẩm bản án của toà thành phố X. trực thuộc. Nếu cần giám đốc thẩm, thì đó là việc của tòa tối cao. Thân chủ tôi, nếu có đánh đập cô Như dã man, gây thương tích như cô Như từng tố cáo, thì trách nhiệm ấy thuộc về tòa hình sự. Chúng ta không được phép đi quá giới hạn của pháp luật…

Bà Khả vừa dứt lời, trong phòng xử án bỗng ồ lên. Những biểu lộ tâm trạng cũng rất khác nhau. Người chưng hửng, lúc ấy mới vỡ ra những điều không ngờ. Người thất vọng, bởi sự việc bị đảo lộn quá nhanh chóng. Riêng ông Trí, bấy lâu được coi là người đứng về phía đạo lý, là kẻ biện minh sáng suốt để mang lại sự công bằng cho một người đàn bà đáng thương, ông đang có cảm giác bị hạ gục. Bà thẩm phán tuyên bố, hội đồng xét xử đi vào phần nghị án.

Kết luận cuối cùng, vẫn không hơn gì mấy lần trước. Vậy là chúng tôi lại tiếp tục phải chờ đợi phiên tòa xét xử lần thứ sáu. Những tình tiết có liên quan đến trách nhiệm hình sự, được hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của bà Khả, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục làm rõ…

Còn Như, chẳng biết có bị tâm thần thật không? Nhưng lần gặp nàng ở tòa án, tôi nhận thấy, nàng vẫn không giấu được những biểu hiện của người rất tỉnh táo. Nếu phải chăng, chỉ là một vở kịch do ông Trí dàn dựng thì thật tội nghiệp cho nàng. Bởi nàng nhập tâm vai diễn quá lâu, để rồi nó vận vào thân, dần dần hóa thành cái nghiệp chướng mà nàng đã phải gánh chịu…