Cuộc vượt biển đưa đẩy tôi với người đàn bà thứ hai tới cùng một số phận. Chúng tôi sống với nhau, không cưới hỏi. Mà cũng chỉ ở với nhau được một thời gian rất ngắn, rồi lại chia lìa...
Nàng không xinh, cặp mắt hơi xếch. Lúc yêu, tôi buột miệng khen cái mũi đẹp thế…
Nàng ngượng, tưởng tôi trêu nàng. Thế mà khi nàng cười, cái duyên cứ như hút hồn làm tôi lập tức bị xiêu lòng. Lần đầu, đặt nụ hôn lên môi nàng, tôi cảm giác như có mùi hoa lạ, thơm ngát.
Tôi quen nàng được hơn một tháng thì kể hết hoàn cảnh cho nàng nghe. Tình yêu sét đánh, khiến nàng coi chuyện cũ của tôi chả có vấn đề gì nghiêm trọng.
Đúng vào dịp này, vụ Như kiện tôi bắt đầu vào hồi đấu tranh căng thẳng. Tôi với bà thẩm phán thường có những cuộc tranh luận nảy lửa. Mà ý kiến của tôi có lý lẽ, có logic pháp lý hẳn hoi. Nhưng tôi thật ngớ ngẩn, làm gì có lý lẽ, logic pháp lý nào ở cái thời buổi mà người ta coi sức mạnh của đồng tiền “là Tiên là Phật” cơ chứ! Tôi càng bị trù úm ra mặt.
Nàng lo lắm, bảo tôi:
- Hay anh “lo” bà thẩm phán tý vậy cho nó dứt điểm, cứ kéo dài mãi, phiền phức lắm!
Tôi bảo:
- Việc gì phải “chạy”, mình đường đường chính chính, làm thế, hoá mình sai à!
Bà Khả là người liêm khiết. Tôi biếu gì cũng không chịu nhận. Bà bảo cứ cho việc xong cái đã. Tôi cả nghĩ, đâm lo, chỉ sợ bà không nhiệt tình giúp.
- Hay mình đi chùa, làm cái lễ giải hạn, cầu các ngài phù hộ cho anh ạ! Nàng bảo thế.
Nghe nói đi lễ chùa, tôi đồng ý ngay.
Dạo ấy, đang mùa lễ hội chùa Hương. Trong đoàn người leo dốc đông như kiến cỏ, tôi dắt tay nàng, co kéo mỗi khi lên xuống dốc. Ở đoạn đường thoai thoải, tôi quàng eo nàng như người đi du lịch ngoài bãi biển. Đêm ấy, chúng tôi ngủ chung ở một nhà trọ trên núi. Hạnh phúc tột cùng, làm tôi quên bẵng cả vụ kiện nặng như đeo đá trên cổ.
Sáng hôm sau, khi chuẩn bị rời nhà trọ, chúng tôi tình cờ gặp người bà con của nàng cũng đi lễ hội. Thật đen đủi đến thế là cùng. Đến chiều tối hôm ấy, tôi đưa nàng về đến gần nhà thì nhìn thấy ông bố đợi sẵn ở cửa. Nàng hoảng hốt giục tôi:
- Anh về đi, nhanh lên, kẻo rắc rối bây giờ!
Ông bố vừa nhìn thấy nàng, mặt đã hầm hầm:
- Con kia, vào nhà tao bảo!
Nàng chột dạ, nhưng cố tảng lờ như không hề biết gì.
Ông bố nàng vốn là người nóng tính, chuyện lớn nhỏ gì trong gia đình, cũng chẳng cần nghe ai bày tỏ bao giờ, huống hồ ông vừa được nghe kể rành rọt về chuyện chúng tôi ngủ đêm ở nhà trọ. Cái giọng ông rin rít như gió lùa. Ông gằn ra từng tiếng:
- Bố con gì? Đồ mất dạy! Ông vớ ngay cái roi thửa sẵn, vụt nàng tới tấp - Mày đã biết tội của mày chưa? Ông gào lên!
Biết không giấu được, nàng bảo:
- Con xin bố! Con lớn rồi, con làm con chịu!
Rồi nàng cứ đứng nguyên để thi gan với roi vọt. Ông bố nàng trút giận lên thân thể nàng một hồi, rồi có vẻ cũng thấy chờn tay. Ông ngồi phịch xuống ghế, thở hổn hển như người đã bị cạn kiệt hết sinh lực. Đến khuya, ông trấn tĩnh lại, biết làm thế cũng chẳng ích gì! Ông thừa biết tính con gái, nên đành xuống giọng:
- Con đã trót dại, cứ nói cho bố biết nó là đứa nào, rồi đưa đến nhà, bố cho phép nó đi lại mà tìm hiểu nhau đàng hoàng!
Hôm sau, nàng gặp tôi, khoe những vết lươn, chạch, bầm tím, đan nhằng nhịt trên khắp thân thể. Có vết vẫn còn rớm máu, sưng vù. Tôi hết sức kinh hãi, thốt lên:
- Trời ơi! Đến nông nỗi này ư?
Rồi tôi bỗng thấy lòng quặn đau. Tôi bảo nàng đưa về nhà để xin lỗi ông bố vì đã gây hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Vừa đến đầu phố, tôi gặp luôn người hàng xóm của nàng. Người này cùng làm việc với tôi ở cơ quan. Thật khốn nạn! Có lẽ vì chúng tôi phạm tội tày đình nơi cửa Phật nên đã bị trừng phạt thế cũng nên. Không lâu sau, chuyện tôi có một đời vợ bị vỡ lở. Cuộc tình giữa tôi và nàng bắt đầu bung ra rất nhiều vấn đề rắc rối.
*
Ông bố nàng làm căng lắm. Chung quy lại, là ông quyết ngăn cản nàng quan hệ với tôi. Không khí trong nhà nàng rất ngột ngạt. Những tần số ngược chiều phát ra từ những bộ não không có chung hệ số cứ chà xiết nhau như thuỷ tinh vỡ, gây cảm giác nhức nhối vô cùng. Bữa cơm hôm ấy, nhân lúc có đầy đủ mọi thành viên trong gia đình, bà mẹ nàng năn nỉ:
- Tôi xin ông, con nó đã trót dại, cứ để khuyên bảo từ từ rồi nó sẽ nghe ra....
Vừa nghe bà mẹ nàng nói thế, ông bố đã hầm hầm, cầm ngay cái bát cơm vừa được đơm đầy, giang thẳng tay, đập xuống nền nhà đánh “chát” một cái. Cái bát vỡ vụn, cơm bắn tung toé. Ông chỉ mặt con gái:
- Có trời làm chứng, tao thề, nếu mày có nó thì sẽ không có tao! Đời thuở nhà ai, con gái hơ hớ thế kia lại đi quan hệ với cái thằng đã có một đời vợ. Mày không biết như thế là bôi tro trát trấu vào mặt tao à? Rồi ông gầm lên -Thật nhục!
Thế là, như thể bữa cơm đưa đám. Bà mẹ khóc. Các em nàng khóc. Nàng quỳ trước mặt ông bố, tức tưởi:
- Con xin bố! Bố thương chúng con với! Con khổ lắm! Anh ấy…
Nàng quỳ sụp xuống, chắp tay lễ sống ông bố. Nhưng nàng không biết, chính nàng lại vừa khía vào cái mụn nhọt đang mưng mủ trong tim ông. Vừa nghe nàng nhắc đến “anh ấy” thì dòng máu đang chảy sôi sục trong người ông bỗng như bị chặn đứng lại. Mặt ông tím tái. Ông đứng phắt dậy, đá tung cả nồi cơm lăn lóc trên nền nhà rồi bỏ đi. Dường như sự bất lực của ông đã biến thành nỗi căm hờn để ông trút xuống đầu nàng, trút lên mọi người trong gia đình, lên tất cả những gì mà ông có thể trút được.
Từ sau bữa cơm ấy, nàng bị quản thúc rất chặt. Mỗi khi muốn gặp tôi, nàng phải viện lý do, rồi xin phép cán bộ phụ trách về sớm. Ông bố nàng đã thuê một người làm thám tử, cứ hết giờ là đến tận cổng cơ quan để kèm nàng về tận nhà. Chúng tôi tìm mọi cách đối phó lại. Nàng bảo:
- Hay mình trốn đi nước ngoài, có thế mới yên được anh ạ!
Tôi bảo:
- Ra nước ngoài, ăn đợ ở nhờ người ta cả đời, cũng chẳng sướng gì. Hay anh đưa em đi Sài Gòn…
Thời điểm ấy, đang là cuối thời bao cấp. Tôi và nàng bàn đi tính lại, thấy cũng không ổn. Vào Sài Gòn thì ở đâu, lấy gì mà sống? Lại còn chuyện học hành của con trai tôi nữa chứ! Cùng một lúc, tôi vừa phải lo đối phó với vụ kiện của Như, vừa lo đối phó với ông bố nàng. Đầu óc tôi cứ rối bời bời, mất hết cả phương hướng. Tôi tuyệt vọng:
- Hay anh giải phóng cho em vậy nhé! Em khổ vì anh nhiều quá rồi. Anh không nỡ…
Vừa nghe tôi nói vậy, nàng bật khóc nức nở:
- Em yêu anh! Có chết em cũng không bỏ anh được!
Tôi ôm nàng, ghì chặt trong lòng. Và mỗi lần gặp gỡ hiếm hoi như thế, chúng tôi lại được dịp đền bù cho nhau tất cả những thiệt thòi. Hạnh phúc cũng vì thế mà thăng hoa đến tột đỉnh. Tình yêu giữa chúng tôi ngày càng trở nên sâu sắc, cứ như có chất kết gắn vĩnh cửu, không gì phá vỡ nổi.
Nhưng khổ một nỗi, bài báo mà tôi đã nói ở trên vừa phát hành đã gây xôn xao giới độc giả. Cái thứ búa rìu dư luận ghê gớm thật, còn tàn nhẫn hơn cả dùng vồ mà đập thẳng vào đầu. Tôi bị cô lập trong sự khinh miệt từ xung quanh hàng xóm, cơ quan, thậm chí cả bạn bè thân thích cũng dần xa lánh. Ngay đến cô Khả, nếu không có chuyến đi điều tra tận cơ sở thì cũng không còn đủ bản lĩnh để tin vào thân chủ của mình nữa.
Tôi phẫn nộ, bật tung như chiếc lò xo không có điểm chốt. Âu cũng là bản năng tự nhiên của con người mà thôi! Tôi đập bàn với viên chánh án, bởi tôi biết, tất cả mọi rắc rối đều do sự chỉ đạo của ông ta mà ra. Rồi tôi làm đơn gửi khắp mọi nơi, kể cả lãnh đạo cấp cao của nhà nước để kêu oan. Chưa hết, tôi lại đến toà soạn của tờ báo đã đăng tải cái tin kia gặp tổng biên tập, tố cáo họ đã bôi nhọ danh dự của tôi một cách vô căn cứ. Tôi mang tất cả giấy tờ đã sao chép tại tòa án nhân dân thành phố X. để chứng minh. Sau đó, đòi họ phải nêu được dẫn chứng mang tính pháp lý để phản biện. Bà tổng biên tập đuối lý, đành bảo:
- Chúng tôi thành thật xin lỗi anh vì đã sơ ý. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc tự kiểm điểm sau vậy!
Tôi không đồng ý, đòi phải xin lỗi bằng văn bản, và chính tờ báo ấy phải đăng tải công khai lời xin lỗi để dư luận được rõ.
Bà tổng biên tập cười xòa, mỉa mai:
- Anh là người ở đâu thế nhỉ? Đây là tờ báo do nhà nước phát hành, không thể xin lỗi cá nhân anh được! Anh hiểu chứ, uy tín Xã hội chủ nghĩa là quan trọng lắm. Thôi, anh thông cảm vậy nhé, về đi cho chúng tôi còn làm việc!
Tôi vẫn không chịu:
- Thưa, bà đã nói vậy, tôi xin hỏi bà Xã hội chủ nghĩa là cái gì mà coi sinh mệnh chính trị của con người lại rẻ mạt đến thế? Bà…
Tôi vừa nói vậy, bà Tổng biên tập đã nổi khùng:
- Á à, anh… anh định… bôi nhọ Xã Hội Chủ Nghĩa đấy à? Anh về đi, nếu không tôi sẽ gọi Công an đến gô cổ anh lại bây giờ!
Biết không thể làm gì được, tôi đành hậm hực ra về, chờ đợi sự hồi âm của các cơ quan chức năng mà tôi đã gửi đơn khiếu nại. Một tuần… hai tuần. Một tháng… hai tháng… Trời cao xanh vẫn lặng lẽ vô tình. Có lẽ cái số phận của tôi đã được định đoạt rồi. Đến nước này, tôi đành phải tìm cách mà tự cứu lấy mình thôi! Tôi nghĩ thế. Trong đầu tôi chợt nhớ tới lời khẩn cầu của nàng vừa đề xuất hôm nọ: Vượt biển!
Ý nghĩ “vượt biển” vừa chợt loé lên thì cả chuỗi ngày sống kiếp tha hương lại hiện ra trước mắt… Lần trước, khi vừa nghe nàng nói tới chuyện ấy, tôi đã lập tức gạt phăng ngay. Tôi nói với nàng, không có nơi nào tha thiết hơn nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng rồi bộ mặt của viên chánh án, của bà thẩm phán trực tiếp xét xử lại hiện ra. Ông ta, và bà thẩm phán thừa biết việc làm của mình. Tôi cũng thừa biết vì sao họ lại kiên quyết hạ gục tôi bằng được!!! Việc liên kết với tờ báo kia chính là cú đòn quyết định với kẻ cứng đầu này. Rốt cuộc, trận đấu không cân sức ấy, họ đã thắng. Họ thắng tôi là lẽ đương nhiên. Mà họ đã thắng, thì kẻ bại trận không còn đất để sống nữa. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đó là con đường chạy trốn...
Và thế là tôi lại phải thừa nhận một sự thật trái với ý muốn.
Vào thời điểm ấy, làn sóng người vượt biển bằng thuyền đang rộ lên. Mỗi xuất đi phải nộp một cây vàng cho chủ thuyền. Chúng tôi gồm: tôi, con trai và nàng. Ba xuất, vị chi ba cây vàng. Số tiền thật lớn. Thế là tôi tức tốc bán đồ đạc. Tất cả tài sản tôi đã mua sắm được khi ở nước ngoài về, đành mang ra đấu giá tại chợ Trời. Thời gian gấp quá, tôi phải bán đổ bán tháo, biết rẻ mất non nửa nhưng cũng đành nhắm mắt chịu vậy.
Vừa chuẩn bị xong thì có lệnh tập trung khẩn cấp. Tôi vội tới cơ quan nàng để báo tin. Nhưng chị cán bộ phụ trách cho biết, ông bố của nàng đã xin cho nàng nghỉ không lương vô thời hạn từ ba ngày nay rồi. Hồi đó, các cơ quan hầu như thất nghiệp, nên việc xin nghỉ cũng dễ dàng. Cái tin nàng nghỉ ở nhà đột ngột quá, khiến tôi phát hoảng. Vậy là, “con đường giao liên” duy nhất của chúng tôi, ông ấy đã rào nốt. Tôi lồng lên vì bất lực. Phải tìm mọi cách để gặp được nàng, nếu không thì mọi chuyện sẽ hỏng bét!
Chập tối, khi nhá nhem mặt người, tôi gửi con cho một người quen cùng đi trong đoàn, rồi đóng giả một gã cao bồi với chiếc quần “Ga”, áo “Tô Châu”, chân đi đôi dép “lốp” và chiếc mũ cối đội sụp xuống tận mặt, che lấp cả chiếc kính râm đổi màu to tướng. Đã thế, tôi còn tỉa bộ ria rất ngầu. Từ một chàng thanh niên lịch lãm, tôi đã nhanh chóng hóa thành tên du đãng thuộc dân anh chị, đến nàng có giáp mặt cũng chịu. Tôi yên trí, gọi chiếc xích lô rồi dặn bác tài xế:
- Tôi chỉ đâu, bác cứ thế mà đánh tay lái nhé!
Nhà nàng nằm ở góc một đường phố nhỏ, giao nhau với cái ngõ xóm tạo thành ngôi nhà có hai mặt thoáng. Cửa chính hướng ra phố. Phía bên kia chỉ có một ô cửa sổ nhỏ của chiếc gác xép nhìn ra ngõ. Chiếc xích lô chỉ còn chừng năm chục mét nữa là tới. Tôi ngước nhìn lên ô cửa sổ ấy. Ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn ngủ tôi mua tặng nàng, đủ cho tôi nhận thấy một dáng quen quen đang nằm dài thườn thượt như người bị ốm. Đúng nàng rồi! Từ ngày gặp nàng, đây là lần đầu tiên tôi được gặp may như thế.
- Dừng lại, bác tài!
Tôi xuống xe, dặn bác tài đón ở gần ngay chỗ ấy. Tôi hồi hộp quá, tim đập như đánh trống. Nhưng làm sao mà báo tin cho nàng được? Tôi lấy lại bình tĩnh, đi lướt qua cửa chính. Ông bố nàng kê chiếc ghế đẩu, ngồi ngay trước cửa như có ý canh chừng con gái. Tôi vờ cúi xuống làm vài động tác giả để che mắt, rồi kín đáo liếc nhìn xem phản ứng của ông. Không có vấn đề gì! Hình như ông đang ngủ gật thì phải. Tôi yên trí, rẽ vào lối ngõ. Chỉ mươi bước là tới ô cửa sổ, nhưng ô cửa cao quá tầm với của tôi. “Làm thế nào bây giờ?”. Tôi không dám lên tiếng gọi, vì nếu ông bố nàng nghe thấy, sẽ bại lộ ngay. Tôi còn đang băn khoăn chưa biết tính sao? May quá, cạnh đấy có một hòn đá khá to. Tôi cố hết sức, bê tảng đá đặt xuống phía dưới ô cửa. Tim tôi lại đổ dồn. Tôi kiễng chân, tay với với đập nhẹ lên tường làm hiệu, rồi cất tiếng thì thào:
- Em ơi! Anh đây!... Anh đây mà!
Như có linh cảm, nàng nhận ra tôi ngay. Nàng bật dậy. Bàn tay nhỏ nhắn đưa qua song cửa, nắm chặt lấy bàn tay tôi. Hai bàn tay nóng hầm hập, run rẩy, xiết chặt lấy nhau. Nhưng chỉ sau giây lát, tôi chợt nhận ra sự khẩn cấp lúc này quan trọng đến mức nào. Tôi vội nói:
- Em tìm cách thoát ra ngoài, có xích lô đón sẵn ở cuối phố rồi. Đêm nay mình sẽ vượt biển đi Hồng Kông. Gấp lắm rồi, thật nhanh lên em nhé!
Tôi buông tay nàng. Vẫn dáng vẻ một tên du đãng, tôi đi lướt qua cửa chính rồi vội vàng bước tới chỗ chiếc xích lô đang chờ. Mọi việc diễn ra êm ru. Tôi dặn dò bác tài thật kỹ, rồi đặt vào tay bác tờ giấy bạc đỏ chót. Chiếc xích lô chậm rãi bò đi. Tôi châm điếu thuốc lá, rít từng hơi thật dài, chờ đợi…
*
Nàng bỗng vụt lóe ra cái mẹo chẳng ai ngờ được. Nàng vùng dậy, lấy cớ đi giặt, rồi bưng chậu quần áo đi ra phía cái máy nước. Ông bố vẫn ngồi nguyên chỗ cũ như pho tượng đá, bấy giờ mới mở miệng:
- Con còn mệt thì cứ nghỉ đi! Để tao bảo em mày nó làm đỡ cho!
Nàng bỗng run lên, nhưng vờ im lặng để không bật ra lời nào có thể dẫn đến sơ hở. Hồi ấy, cả tổ dân phố chỉ có một cái máy nước đặt cách nhà nàng khoảng chừng trăm mét. Đúng là ông bố nàng không thể ngờ được thật! Khi nàng đang vờ giặt giũ thì nhìn thấy chiếc xích lô đến gần. Nàng lại run lên, trống ngực đánh loạn xạ. Nàng cẩn thận, quay lại quan sát xem có ai theo dõi? Cũng may, chỗ ấy là quãng đường cong, khuất tầm nhìn về phía nhà nàng nên không ai để ý. Nàng bước vội về phía chiếc xích lô. Bác “tài” nhận ra ngay vị khách đặc biệt. Bác nhanh chóng vòng tay lái, dừng xe cho nàng bước lên rồi lấy hết sức guồng thật nhanh. Tôi nhìn thấy chiếc xích lô có bóng nàng ngồi trên, vội lao tới, nhảy phắt lên, giục:
- Nhanh lên bác! Có đường nào đi tắt đến đầu cầu Chương Dương không ạ?
- Cô cậu yên trí, dân xích lô chúng tôi có ngõ ngách nào mà không biết!
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã tới điểm hẹn. Chiếc ô tô đợi sẵn, nổ máy, rồi phóng lên cầu. Tôi thở phào. Nàng ngồi xuống ghế, ôm chặt con trai tôi trong lòng. Nhìn nét mặt nàng lúc ấy vẫn rất căng thẳng và chứa đầy nỗi ưu tư, rất khó tả…
Tới khuya, chúng tôi được đưa tới một bãi biển vắng. Trời tối, nên cũng không rõ địa danh cụ thể. Tất cả được lùa lên một chiếc thuyền khá lớn. Trên thuyền đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết cho việc đi biển. Chủ thuyền gồm một nhóm ba người. Họ thông báo sẽ xuất phát vào lúc một, hoặc hai giờ sáng. Theo chủ thuyền, vào thời điểm đó, sự kiểm soát của các lực lượng tuần tra đỡ gắt gao hơn.
Biển đen ngòm, oằn mình, rên xiết. Chuyến vượt biển thật rủi. Vừa ra khỏi bờ chừng vài ba hải lý thì chúng tôi bị phát hiện và đương nhiên bị bắt. Rất may, số vàng mang theo để thanh toán cho chủ thuyền tại phao số 0 theo như thỏa thuận, tôi đã dát mỏng, ép kỹ dưới đế giày của con trai nên thoát được.
Sau khi cơ quan chức năng hoàn thành hồ sơ, chúng tôi được trả tự do. Nhưng về đến cơ quan, cả tôi và nàng đều bị đuổi việc. Nàng không dám về nhà nữa. Thế là từ đó, chúng tôi bỗng trở thành “vợ chồng” trong một hoàn cảnh thật khốn cùng, và cũng thật bất đắc dĩ.
Tôi như con thú bị dính đạn, lại bị dồn tới đường cùng. Tôi nói với nàng:
- Dù chết cũng phải tiếp tục vượt biển, không còn cách nào khác đâu em ạ!
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong tiếng khóc nức nở của nàng, làm tôi nghẹn cả lòng…
*
Tôi tìm mối vượt biển lần thứ hai, cũng không khó lắm, nhưng tâm lý thì bị ám ảnh vô cùng vì lo sợ bị bắt như lần trước. Người dẫn mối hiểu ý, nói:
- Anh đừng lo, đường dây này chắc chắn lắm. Chủ thuyền đã “làm việc” với “chúng nó” xong tất cả rồi, chọn được ngày lành là nhổ neo luôn. Khi đi sẽ bật đèn đàng hoàng như thuyền đánh cá ra khơi chứ không phải lén lút như những chủ thuyền khác. Giá cả thì có đắt hơn, mỗi xuất thêm hai ‘chỉ” nữa” Anh ta giải thích, hai chỉ này là để “mua” lấy cái sự an toàn.
Tôi nghe nói, mừng quá, bảo:
- Đắt rẻ tý chút, đáng gì, miễn sao an toàn là tốt rồi!
Quả như vậy, đêm ấy, trăng sáng lắm. Chiếc thuyền bình thản lướt trên mặt biển. Khi chủ thuyền báo tới phao số 0 thì đã sang ngày hôm sau. Những người trên thuyền hết sức vui mừng, hò reo vang cả một khoảng trời giữa biển khơi. Một cuộc liên hoan nhẹ diễn ra tự phát. Nàng ngả đầu trên vai tôi, hơi thở vẫn còn đầy tâm trạng. Con trai say sóng, ngủ vùi. Tôi nhìn nàng, nhìn con trai, buột miệng:
- Thế là thoát!
Bỗng mắt nàng rớm lệ. Tôi nắm chặt tay nàng, hỏi:
- Em nhớ nhà?
- Vâng, em thương bố mẹ quá! Em chưa từng nghĩ số phận lại ngặt nghèo đến thế!
Tôi nhìn về đất liền, chỉ thấy biển xanh thẫm một màu. Lòng tôi rưng rưng như có lửa bay. Tất cả quá khứ, nhọc nhằn, tủi nhục, cay đắng được trút lại ở nơi ấy. Chỉ vài ngày nữa, chúng tôi sẽ cập bến vào một nơi nào đó thật xa lạ trên đất Hương Cảng. Tôi bỗng trở thành kẻ “phản bội Tổ quốc,” mặc dù không bao giờ tôi muốn như thế!
Và cũng từ bây giờ, từ cái phao số 0 này, tôi đã thoát được cuộc xét xử lần thứ sáu, đối với tôi cứ như một món nợ của cuộc đời, thật là một nỗi ám ảnh hết sức kinh hoàng.
Bỗng tôi mím chặt vành môi khi khuôn mặt bà thẩm phán lại chợt hiện ra. Bà thẩm phán sẽ nghĩ gì khi biết tôi đã ra đi nhỉ? Tôi không biết! Nhưng chắc chắn bà sẽ rất chưng hửng vì chưa thể hạ gục được tôi. Nhưng bây giờ thì mặc, cũng chẳng còn là gì nữa! Chỉ biết rằng, kể từ nay, vụ án giữa tôi và Như sẽ được xếp lại vĩnh viễn, và tất nhiên sẽ trở thành một vụ án rất hy hữu bị chết.
Tôi im lặng nghĩ về bà ta và tự đặt ra những giả định như vậy.
Tôi cũng nghĩ tới bà Khả với một sự biết ơn vô cùng. Tuy vụ án chưa kết thúc, nhưng nếu không có bà thì vụ án oan sai kia sẽ sớm kết thúc và sẽ vùi dập cuộc đời tôi tới tận bùn đen vạn kiếp…
Con thuyền đang quay mũi hướng về phương trời Bắc lướt tới. Biển lặng sóng. Nàng ngồi bên cạnh con trai tôi, đưa tay gạt mồ hôi vã trên trán thằng bé, rồi nói:
- Trời oi quá!
Quả nhiên, khi mọi người đang hết sức vui vẻ thì chủ thuyền hốt hoảng báo tin có bão. Tất cả bỗng nháo nhào, chụm đầu quanh chiếc radio để theo dõi. Vì xa đất liền, sóng radio quá yếu, chúng tôi chỉ nghe được bập bõm, không biết chính xác bao giờ thì xảy ra, ở vùng nào, cấp độ bao nhiêu?
Vừa nghe hết bản tin, tất cả nháo nhào cả lên như ong bị vỡ tổ. Người chủ thuyền vội vỗ vỗ tay ra hiệu trật tự, rồi nói:
- Bà con cứ bình tĩnh, đừng quá lo lắng! Theo kinh nghiệm, thời tiết này mới chỉ là dấu hiệu thôi. Tôi sẽ mở hết tốc độ để chạy, có thể vẫn kịp đến nơi.
Trưa hôm ấy, con thuyền đang chạy hết mã lực, bỗng nhiên bị hỏng máy. Loay hoay mãi, đến gần tối mới sửa xong. Vì đã ở ngoài khơi quá xa, nên chúng tôi không còn nhận được bất kỳ một thông tin nào từ đất liền nữa.
Một ngày căng thẳng, lo sợ đã qua. Sáng hôm sau, trời nổi cơn giông đen kịt. Những tia chớp loằng ngoằng như xé rách cả bầu trời. Sấm nổ ầm ầm và bắt đầu mưa. Mọi người vô cùng hoảng loạn. Mỗi khi xuất hiện một chiếc tàu đi qua. Chẳng cần biết đó là tầu của quốc gia nào, tất cả hò nhau lấy hết sức gào thét, cởi cả áo, vẫy lấy vẫy để.
Mưa mỗi lúc một to, gió mỗi lúc một lớn. Mặt biển bắt đầu chao đảo. Bầu trời tối tăm mù mịt. Những chiếc phao đi biển được phân phát cho từng nhóm. Theo chủ thuyền, mỗi chiếc phao ấy có sức nâng tải cho bốn, năm con người. Tôi, con trai và nàng được phát một chiếc. Tôi tháo chiếc dây lưng bằng vải dù, cột chặt con trai vào lòng chiếc phao ấy, rồi ghé tai nàng, gào lên:
- Bám thật chặt vào phao, nếu có vấn đề gì, thế nào cũng có tàu cứu hộ quốc tế đến cứu!
Biển trời trắng loạn, gào thét dữ dội. Từng đợt sóng nâng bổng mũi con thuyền lên, rồi lại lao xuống, dốc ngược như tới tận đáy biển. Có lúc tưởng thuyền lật úp. Số phận của mỗi chúng tôi đều như đã nằm trên lưỡi hái của tử thần. Sự chết chóc chỉ tính bằng mỗi khoảnh khắc. Tất cả mọi người bấu víu chặt vào nhau, bấu víu chặt vào bất cứ thứ gì cố định trên thuyền, liên kết thành một khối, quyết giành lại sự sống. Ba chúng tôi đứng lọt trong lòng chiếc phao, chân ghì néo vào thanh ngang giữa hai mạn thuyền. Tôi lại ôm chặt chiếc cột buồm để khỏi bị hắt xuống biển. Con trai tôi sợ quá, cứ thét lên từng chập. Tôi gào vào tai con trai trấn an:
- Đừng sợ! Bố cột chặt vào phao rồi, có đắm thuyền cũng không làm sao cả đâu!
Giữa cái sống và cái chết, sức mạnh của con người bỗng trở thành vô địch. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn, chống lại cơn cuồng nộ của biển, chúng tôi mệt tã tời. Nhưng cũng vừa lúc gió có vẻ yếu dần. Thời điểm nguy kịch nhất đã bị đẩy lùi. Mọi người hò nhau:
- Cố lên! Chúng ta sắp chiến thắng rồi! Cố lên!
Khi những tia hy vọng về sự sống đang ngời lên trên nét mặt mọi người, thì bỗng một con sóng vét to như quả núi ập tới, mang theo một vật gì rất lớn. Sau này, tôi đoán chắc là một con thuyền nào đó đã bị bão đánh đắm, chồm lên mũi thuyền của chúng tôi, đập vỡ nát một mảng. Con thuyền của chúng tôi chúi xuống, và ngay lập tức bị chôn vùi trong lòng biển. Thoáng một giây cuối cùng, tôi vẫn kịp nghe tiếng thét kinh hoàng của hai con người máu thịt, rồi tắt lịm!
*
Tôi tỉnh dậy trên một chiếc tàu nước ngoài. Người ngồi cạnh tôi lúc này là con trai. Thấy tôi mở mắt, con trai cuống cuồng gọi: “Bố ơi! Bố ơi!” rồi khóc nấc lên. Tôi thấy lòng mình như bị cắt ra từng khúc, nhưng vì còn yếu quá, tôi chưa thể ngồi dậy được. Tôi kéo con trai xuống, ôm chặt vào ngực. Xung quanh tôi, cũng có vài người được cứu vớt còn đang nằm bất động. Tôi không nhìn thấy nàng đâu, nước mắt bỗng trào ra. Nàng chết rồi ư? Tôi bật khóc nức nở...
Những người bác sĩ, y tá chăm sóc chúng tôi rất cẩn thận. Chúng tôi được sống trên tàu và được đối xử tử tế. Sau mấy tuần, tất cả được đưa đến một trại tỵ nạn ở miền Nam Canada. Tôi bị suy sụp tinh thần, phải nằm bệnh viện điều trị gần nửa năm mới bình phục. Khi trở về, tôi ngạc nhiên quá, con trai đã cao vống lên, lại nói tiếng địa phương khá tốt. Chúng tôi được đi định cư ở một làng nhỏ, bắt đầu cuộc sống mới trên đất khách quê người.
Hơn hai mươi năm sau, con trai tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Do điều kiện công việc, chúng tôi rời đến sinh sống tại làng Canxinit, ngoại ô thành phố Otawa. Nỗi nhớ nhung và thương xót nàng luôn dày vò tâm trí tôi, không một giây phút nào nguôi…
Một buổi chiều mùa đông, tuyết đầu mùa đang rơi trắng xóa trên đường. Tôi hờ hững đi trên một phố vắng, trong đầu cứ vẩn vơ nghĩ đến chuyện ngày xưa thì bỗng gặp một thanh niên Á châu, rất đẹp trai. Chúng tôi làm quen nhau rồi biết cùng là người Việt. Cậu chàng nói tiếng mẹ đẻ chưa được sõi, nhưng cứ tha thiết mời tôi về nhà. Tôi nhận lời. Chủ nhật ấy, tôi thấy trong lòng cứ sôi sục nhớ tới chàng thanh niên người Việt đẹp trai nọ. Tôi bảo con trai lái xe ô tô rồi theo địa chỉ trong tấm “card” mà tìm đến.
Ngôi nhà của cậu chàng không xa chỗ chúng tôi ở là mấy. Bên trong, cũng bài trí giống như phong tục người Việt. Chàng thanh niên nọ đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Nhìn cảnh quạnh hiu, tôi buột miệng hỏi:
- Cháu ở một mình?
- Không ạ, còn mẹ nữa! Mẹ cháu đi siêu thị mua đồ ăn, chắc cũng sắp về! Mời bác và anh ở lại dùng bữa với chúng cháu!
Tôi nhìn trên bức tường gian giữa của phòng khách có một bàn thờ giống hệt như ở Việt Nam. Chiếc bát nhang cắm tầng tầng lớp lớp chân hương, lại có cả đĩa quả, lọ hoa tươi rất chu đáo.
Thấy tôi có vẻ chăm chú, cậu chàng nói bằng tiếng Việt, rất chậm:
- Đó là bàn thờ của Ba cháu và anh trai cháu đấy ạ!
Vừa lúc ấy, một người đàn bà xuất hiện, có vẻ như bà mẹ của chàng thanh niên vừa đi chợ về. Cậu chàng giới thiệu bằng tiếng địa phương:
- Đây là mẹ cháu!
Tôi nhìn người đàn bà đã luống tuổi, đôi mắt hơi xếch, nhưng đầy vẻ quyến rũ. Sau ít phút ngờ ngợ, chúng tôi nhận ra nhau. Nàng thốt lên:
- Trời ơi! Có phải…?
Rồi như nàng quá xúc động nên bị choáng, không đứng vững được nữa. Tôi cũng vậy, nhưng kịp trấn tĩnh lại. Tôi vội đỡ nàng…
Khi tỉnh dậy, nàng nói cho chúng tôi hay, cậu con trai kia chính là con trai tôi. Những ngày sống ở Việt Nam, nàng đã kịp mang thai với tôi nhưng vì còn sớm quá nên chưa thể biết được để thông báo tin vui ấy với tôi…
Thế là, định mệnh đã đưa gia đình tôi trở về đoàn tụ, và cái giá phải trả là hơn hai mươi năm trời ly biệt đầy nước mắt, và có cả…máu!
Mùa thu - 2008