Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHỆ THUÂT THƯ PHÁP TRUNG HOA

Nhà văn: Đắc Trung
Thứ ba ngày 9 tháng 2 năm 2021 9:05 AM


Kết quả hình ảnh cho thư pháp trung hoa


Muốn hiểu nghệ thuật thư pháp Trung Hoa trước hết cần phải biết đôi điều về chữ Hán, loại văn tự cổ nhất và chính thống của quốc gia này. Hơn một trăm năm trước người ta đào được ở tỉnh Hà Nam những miếng xương hoá thạch trên đó có khắc chữ, niên đại khoảng 1500 năm trCN, tương ứng triều Thương Ân. Đó là chữ Hán, đến lúc ấy đã tương đối có hệ thống. Từ đó đến nay chữ Hán phát triển rất rực rỡ cả "hình", "âm" và "nghĩa".
Việc thể hiện diện mạo (hình) chữ Hán rất phong phú, đa dạng, song cơ bản có ba thể :
"Thể chính": đây là thể tiêu chuẩn có những đặc trưng như ngay ngắn, rõ ràng đủ nét, đoan chính quy phạm, cân đối nghiêm túc thường dùng trong các văn thư, cáo thị, khắc trên đồ đồng, bia đá hoặc ấn tỷ của vua chúa toát lên uy thế của đế vương hay trường tồn của văn chương, tên tuổi của danh sĩ…
"Thể thảo": trên nền tảng "Thể chính", "Thể thảo" viết nhanh, tháu, các nét phụ có khi bỏ bớt hoặc nối liền nhưng vẫn nhận biết đó là chữ gì. "Thể thảo" đáp ứng nhu cầu phải ghi chép nhanh tức thời cho kịp, thường sử dụng trong giao lưu thư tín và cuộc sống thường nhật. So với "Thể chính" phạm vi công năng và đối tượng sử dụng "Thể thảo" rộng hơn nhiều.
"Thể hoa": còn gọi chữ hoa. Chủ yếu cũng từ “hình” cơ bản của chữ Hán nhưng cải biến biểu đạt mang tính nghệ thuật nhằm thổi hồn vào chữ, ngoài chức năng văn tự còn là tác phẩm hội họa mang dấu ấn đặc trưng phong cách người viết.
Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa gắn liền với hội họa. Một bức tranh không có thư pháp đẹp không gọi là tranh. Trái lại một bức thư pháp đẹp tự nó là bức tranh cao cấp. Trong nhà các vương công quyền quý vật trang trí không phải là tranh mà là thư pháp. Một bức thư pháp của danh bút là vô giá. Hội họa các nước phương Tây thường thể hiện qua đường nét, đa màu sắc. Tranh Trung Quốc, nhất là thủy mặc chỉ dùng mực tầu màu đen vận dụng sắc thái đậm nhạt mà thể hiện.
Cả ba thể của chữ Hán cùng tồn tại, phát triển, bổ sung hỗ trợ nhau tạo nên cơ cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh.
"Thư pháp" là nghệ thuật thể hiện diện mạo (hình) chữ Hán qua đó biểu đạt tâm hồn sâu sắc, tinh thần thẩm mỹ và phong cách của tác giả với kỹ pháp ngày càng tinh diệu, nét bút điêu luyện. Đó là môn nghệ thuật độc đáo vượt lên khỏi ý nghĩa thực dụng đơn thuần của chữ Hán, nhưng không ảnh hưởng tới nghĩa của chữ.
Ý thức mỹ thuật hoá chữ Hán biểu hiện rõ bắt đầu từ thời Chiến Quốc (403 trCN - 221 trCN). Tuy nhiên phải đến nhà Tần mới xuất hiện các thư pháp gia như Lý Tư, Triệu Cao, Hồ Mẫn Kính, Trình Mạc… với tám kiểu chữ tiêu biểu gọi là “Tần thư bát thể” để khắc trên ấn tỷ, cờ xí, phù hiệu, binh khí. Đặc biệt họ có công lớn là chỉnh lý quy phạm giản dị chữ "Đại triện" thành "Tiểu triện"; rồi lại đơn giản hoá chữ "Tiểu triện" biến nét cong, tròn thành vạch thẳng hình thành thể "chữ Lệ".
Đến đời Hán "chữ Lệ" là chủ lực sử dụng phổ biến và đó cũng là thể chữ đặc trưng của thư pháp triều Hán. Tuy nhiên nét của nó có quá nhiều thành phần nên đến khoảng giữa Hán - Ngụy xuất hiện kiểu "chữ Khải", rồi "chữ Kim", "chữ Thảo", "chữ Hành". Có thể nói nhà Hán có vai trò mấu chốt của nghệ thư pháp với sự đóng góp lớn của các thư pháp gia tiêu biểu như Trương Chi, Thái Ung, Đỗ Độ…
Bước sang thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều, hơn ba trăm năm lịch sử đầy sóng gió, nhưng thư pháp vẫn phát triển ở tất cả các thể chữ "Khải"," Lệ", "Hành", "Kim", "Thảo" với nhiều thư pháp gia kiệt suất như Vương Hy Chi (người đời gọi ông là “Thánh Thư”), Chung Dao (chữ của ông được Lương Võ đế đánh giá “như mây hạc lượn trên trời, như bầy chim hồng đùa với biển”), Vi Đản tiếng tăm vang dội (hầu hết biển ngạch, hoành phi trong cung quán nước Ngụy đều do ông viết), Vệ Hằng (không chỉ tài họa thư ông còn viết bộ sách lý luận thư pháp “Tứ thể thứ thế” được các thư pháp gia rất ngưỡng mộ), ngoài ra còn nhiều tên tuổi lớn khác như Hàm Đan Thuần, Hồ Chiêu, Ngu Tùng, Hoàng Tượng, Tô Kiến, Vệ Hoán, Vệ Thước (nữ), Vương Hiến Chi (con Vương Hy Chi), Vương Đạo, Vương Tuân, Vương Dị, Dương Hân, Khổng Lâm, Tiêu Tư Thoại, Phạm Việp, Linh Vân, Tiêu Tử Vân. Đặc biệt Vương Trí Vĩnh, cháu bẩy đời thánh thư Vương Hy Chi, đại biểu kiệt suất cho toàn bộ thư pháp Nam Bắc triều, có ảnh hưởng rất lớn trong giới thư pháp, là người số một được Hoàng đế giao cho viết chữ khắc trên bia đá của quốc gia.
Tiếp đến các triều Tuỳ - Đường vẫn kế thừa phát triiển nền nghệ thuật thư pháp các triều trước nhưng đặc biệt nhà Đường các Hoàng đế đều mê thư pháp, nhất là Đường Thái tông Lý Thế Dân, Đường Huyền tông Lý Long Cơ. Họ đưa thư pháp vào giáo dục để đào tạo nhân tài càng làm cho thư pháp hưng thịnh đạt đỉnh cao, lịch sử gọi là “Thịnh thế khai nguyên”. Đây là triều đại xuất hiện nhiều thi nhân văn tài lớn như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Tống Chi Vấn và cũng là những thư pháp gia đồng thời với các tên tuổi xuất chúng khác như Tôn Quá Đình, Nhan Châu Khanh, Hoài Tố, Lý Ung, Từ Hạo, Lý Tông Nguyên, Liễu Công Quyền, Lý Dương Băng, Trương Húc,Thẩm Truyền Sư, Lư Hoàng Uyên… Nếu các triều đại trước Đường luôn nỗ lực tìm tòi để định hình các thể chữ Hán thì đến nhà Đường những nỗ lực ấy đã thành hiện thực và đạt kết quả toàn diện tạo nền móng vững chắc cho nghệ thuật thư pháp.
Bởi thế bước sang triều Tống nghệ thuật thư pháp được nâng cao, khám phá, tìm tòi, thể hiện sâu sắc, phong phú, tinh tế mối quan hệ giữa thư pháp với đời sống tinh thần con người. Bằng cách phối hợp các yếu tố của thi văn và thư họa cùng với việc tổng kết hình thành phong cách mang đặc trưng của triều Tống. Họ sưu tập toàn bộ thư pháp của các tên tuổi lớn như Trương Chi,Vương Hy Chi, Chung Dao, Vương Hiến Chi, Dữu Lượng, Đường Thái tông, Đường Huyền tông, Liễu Công Quyền, Âu Dương Tuân, Hoài Tố… đồng thời sưu tập các bản dập bia đá, hoành phi lưu giữ. Chính nhờ việc sưu tập, phân tích, chỉnh lý, tổng kết có hệ thống mà nghệ thuật thư pháp nhà Tống tự tìm được con đường phát triển của mình mà đặc trưng là coi trọng đời sống tinh thần con người trong thư pháp. Nhiều nhà thư pháp tài năng xuất hiện như Từ Huyền, Quách Trung Thứ, Lý Kiến Trung, Phùng Cát, Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phế, Thái Tương, Triệu Cát, Thái Kinh, Thái Biện, Văn Đồng, Tần Quan, Lục Du, Thạch Mãn Khanh…
Sang triều Nguyên là thời kỳ các dân tộc thiểu số thống trị Trung Hoa, nhưng nền văn hoá Hán và chữ Hán vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhờ vậy thư pháp vẫn không ngừng phát triển tuy sự sáng tạo và trình độ không lớn. Một số thư pháp gia tiêu biểu giai đoạn này gồm Đảng Hoài Anh, Vương Đình Quân, Ma Cửu Trù, Nguyên Hiếu Vấn, Triệu Mạnh Phủ, Tiên Vu Khu, Khang Lý Quỳ, Dương Duy Trinh, Phùng Tử Chấn, Ngô Khâu Diễn, Nghê Toản…
Đến triều Minh thư pháp phát triển theo hướng đa nguyên, không hạn chế trong bia tập, công văn, thư tín, hoành phi mà còn mở rộng ra các tác phẩm nghệ thuật trong văn phú, thi từ, họa phẩm. Đặc biệt sự ra đời nhiều dạng thức mới rất phong phú để viết các bài tán, tựa, bạt, ký… Nghĩa là cùng với lối viết chính thể nghiêm chỉnh, công phu, cân đối tuy thiếu sinh khí nhưng lại được coi là tiêu chuẩn trong khoa cử, là lối viết tài hoa bay bướm đầy tâm hồn sống động tự do. Tiêu biểu cho lối viết chính thể là Tống Khắc, Chúc Doãn Minh, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương và tiêu biểu cho lối viết tự do “nổi loạn” là Từ Vị, Trương Thụy Đồ, Vương Đạt, Phó Sơn, Giải Tấn, Trương Bật, Trương Tuấn, Trần Hiến Chương, Lý Đông Dương, Thẩm Chu, Vương Sủng.
Đến nhà Thanh, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa tuy do dân tộc Mãn ở phương Bắc thống trị nhưng cũng lấy văn hoá Hán và chữ Hán làm nền tảng nên nghệ thuật thư pháp vẫn được kế thừa phát triển. Về cơ bản chịu ảnh hưởng thư pháp triều Minh, nhưng vào các đời Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong triều đình rất chú ý đề cao thư pháp khiến những người viết chữ đẹp được trọng dụng. Nhiều nhân tài xuất hiện như Đặng Thạch Như, Y Bỉnh Thu, Lưu Dung, Lương Đồng Thư, Vương Văn Trị, Ông Phương Cương, Tiền Huý, Bao Thế Thần, Hà Thiệu Cơ đã làm rạng rỡ nền thư pháp triều Thanh và tạo ra được diện mạo riêng. Người ta đề xướng các môn học chuyên nghiên cứu thư pháp như “Bi học” hoặc sách lý luận thư pháp như “Nghệ chu song tiếp” của Bao Thế Thần, “Nam Bắc thư phái luận” của Nguyễn Nguyên tạo ảnh hưởng lớn cho đời sau. Đặc biệt Khang Hữu Vi. Ông tinh thông cả kinh học, thi văn, thư pháp, về chính trị còn là thủ lĩnh cuộc chính biến năm Mậu Tuất. Với tư cách nhà thư pháp ông rất quan trọng, cố cống hiến lớn lao cả về lý luận và thực tiễn, sáng tạo thể chữ Hành Thảo với phong cách độc lập. Tác phẩm “Quảng nghệ chu song tiếp” của ông đã đưa lý luận thư pháp Trung Hoa lên đỉnh cao, không chỉ ảnh hưởng tích cực trong đương thời mà cả hậu thế.

 

Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa kéo dài hơn hai nghìn năm trăm năm ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hóa các nước lân bang trong đó có Việt Nam. Đây là đề tài lớn đòi hỏi nghiên cứu rất công phu. Bài viết này chỉ nhằm tóm lược những nét chính để sơ bộ hình thành khái niệm tổng thể về dòng nghệ thuật độc đáo ấy.