Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN KHUYẾN ĐI XEM HỘI TÂY

Nguyễn Dư
Chủ nhật ngày 1 tháng 11 năm 2020 7:57 AM



T
rong kho tàng thi ca Việt Nam chỉ thấy độc nhất một bài tả Hội Tây thời Pháp thuộc. Đó là bài Hội Tây của Nguyễn Khuyến.
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo,
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo,
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu !
Hội Tây là ngày kỷ niệm cách mạng tư sản Pháp thắng lợi. Hồi Pháp thuộc, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 7 (kỷ niệm ngày nhân dân Pháp phá ngục Bát-ti năm 1789) chính phủ thực dân tổ chức ngày hội rất linh đình khắp các tỉnh lỵ, nhất là ở Hà Nội thì tổ chức lại rầm rộ hơn. Quanh hồ Hoàn Kiếm, chúng tổ chức các trò chơi rất đê tiện như liếm chảo, chọc thùng, leo cột mỡ v.v... để làm trò mua vui cho mọi người [1].
Hội Tây của Nguyễn Khuyến rất linh đình, vui vẻ. Có pháo reo, cờ kéo, đèn treo. Có bơi trải, hát chèo. Có cả đánh đu, leo cột mỡ. Linh đình, tưng bừng đến độ làm cho nhiều người phải phân vân, tự hỏi không biết Nguyễn Khuyến đi xem Hội Tây ở đâu, năm nào?
- Câu hỏi hơi thừa. Chỉ cần lật sách báo, tranh ảnh ra xem thì sẽ biết. Ai cũng kể chuyện Hội Tây của Hà Nội. Còn năm nào thì... năm nào chả có!
- Trả lời vơ đũa cả nắm như vậy không được!
Đâm lao phải theo lao. Lỡ dại đặt câu hỏi thì phải đi tìm câu trả lời. Chỉ cần... lật sách ra xem.

***

Tại Huế...
- Năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), tháng 5, vua ngự lầu Ngọ Môn xem duyệt binh nhân ngày lễ kỉ niệm chính phủ cộng hoà của Quí quốc (Pháp). Vua bận quân phục lên lầu xem, sau đó lại cưỡi ngựa ngự duyệt. Ban thưởng cho quan binh Quí quốc các mức khác nhau. Lệ vua duyệt binh bắt đầu có từ năm đó [2].
Tại Hà Nội...
- Năm 1883, cao uỷ Harmand khai trương việc bơi thuyền trên Hồ Gươm bằng một chiếc thuyền độc mộc mười người chèo có chỗ ngồi thoải mái che bằng mái nhẹ (...). Mỗi năm vào ngày 14 tháng 7, người ta tổ chức thi thuyền độc mộc và thuyền thúng cho dân bản xứ, mỗi đội có màu áo riêng. Điểm xuất phát là đảo Ngọc Sơn. Mỗi thuyền, ngoài các tay chèo và người bẻ lái còn có một người đánh trống [3].
- Mỗi năm, ngày 14 tháng 7 nó (chỉ chính quyền thực dân Pháp) mở hội "chính trung" để vui chơi, bày ra những trò nhục nhã. Nào đào nhiều hố trong một khoảng đất, thả dê vào, rồi bịt mắt người ta cho vào đuổi, đó là trò "bịt mắt bắt dê". Trò "liếm chảo" nó để đồng hào vào lòng chảo đầy nhọ nồi, ai liếm được hào thì lấy. Trò "leo cột mỡ", trò "chọc nồi" [4].
- Ngày 14 tháng 7 là ngày kỷ niệm cách mạng Pháp thành công năm 1789. Ta gọi là Tết chính trung, hoặc Tết Tây. Ngày này các quan ta góp tiền, mua đồ, để đến tết quan Sứ.
Chúng mở hội cho công chúng dự. Nhiều trò thật đểu, như liếm chảo (dán đồng xu và hào vào lòng chảo, ai liếm được thì lấy). Lấy được tiền thì mặt nhọ nhem. Trò đập nồi, chạy ếch... Công chúng cười mà không biết xấu hổ.
Toàn những trò chơi hạ cấp như vậy [5].
- Cứ đến thứ hai đầu tháng thì xem lính tây rước đèn... Sau đám rước là bọn vợ tây, ngồi trên xe cao su nhà hoặc xe cao su thuê, đi bước một. Trẻ con cũng đi theo [6].
- Quốc khánh nước cộng hoà Pháp hàng năm vào ngày 14 tháng 7 ở làng tôi quen gọi là ngày hội Tây (...). Người ta chỉ kéo đi các nơi xem mọi trò vè lạ mắt, hội làng không có.
Rồi lại kéo lên chợ xem leo cột mỡ, liếm chảo, đập nồi, bịt mắt bắt dê, toàn trò chơi buồn cười. Ngoài phố, các chợ, các ngã tư, đâu cũng có những trò vui như thế. Trước cửa nhà Đốc lý có điểm binh. Buổi tối nhà binh rước đèn từ trong thành ra đi vòng Bờ Hồ.
Trong quyển Xứ Bắc kỳ ngày trước của Cờ-lốt Bua-ranh [7] có tả quang cảnh một ngày hội Tây kỳ quái như sau:
"Ngày 14 tháng 7 năm 1890 được đánh dấu bằng một cuộc diễu binh có quân kỵ mã tham gia. Các đoàn quân hùng dũng đi. Cuối cùng tới một đám quan trọng nhất.
"Đội nhạc binh kèn đồng bóng nhoáng long trọng dàn đều đằng trước đại đội lính ngự lâm oai vệ. Áo choàng đỏ. Ủng cao ngang đầu gối. Gươm dài chấm khoeo. Đoàn quân bước vuông như bàn cờ. Đến những cỗ xe bốn ngựa kéo. Trong xe có quan năm, quan sáu võ, có cả ông bảy toàn quyền Đông Dương. Các quan ngồi, mắt nhìn thẳng. Những cánh tay và cầu vai lon vàng lon đỏ rực rỡ.
"Chặp tối, có đoàn người cầm đèn cầm đuốc trong thành rước ra. Bây giờ mới tới chỗ vui hơn cả.
"Vui nhất khi một tiểu đoàn trá hình diễu qua. Đây là mấy trăm người lính tập An nam mặc giả thành người phụ nữ da đen nước Đa-hô-mây bên châu Phi (...)" [8].
Bên cạnh các bài viết của sách báo, tranh dân gian cũng để ý đến Hội Tây:
- Maurice Durand sưu tầm được một tấm tranh của hiệu Vĩnh Lợi (Hà Nội). Durand đặt tên tranh là Rước đèn ngày Hội Tây (Retraite aux flambeaux du 14 Juillet) [9]. Hội Tây trong tranh có đầy đủ cờ tam tài xanh trắng đỏ, đội nhạc binh kèn đồng, đoàn quân kỵ mã, đám rước đèn (đèn trung thu!). Trong đám người đi xem có hai cặp chồng tây vợ Việt choàng vai, khoác tay nhau, có bà ngồi xe cao su.
- Tranh Oger không có Hội Tây. Nhưng lại có nhiều tấm vẽ trò chơi của Hội Tây như leo cột, liếm chảo, đập nồi, đua thuyền v.v...
Nói tóm lại, sách báo, tranh vẽ ngày xưa đều kể chuyện Hội Tây tại Hà Nội. Hội Tây là dịp chính quyền thực dân Pháp phô trương sức mạnh quân sự. Đồng thời cũng là dịp để ve vãn dân bản xứ bằng cách tổ chức nhiều trò chơi. Có người thấy vui, nhiều người thấy đểu. Nguyễn Khuyến thấy nhục.
Nhưng, có một điều đáng ngạc nhiên là tất cả mọi người, khen cũng như chê Hội Tây, không thấy ai đả động đến chuyện đường phố Hà Nội được treo cờ, treo đèn, đốt pháo, có hát chèo, nhún đu, như Nguyễn Khuyến mô tả trong bài thơ.
Nguyễn Khuyến giàu tưởng tượng hay Hội Tây của Nguyễn Khuyến được diễn ra ở một tỉnh nào khác, không phải ở Hà Nội? Câu hỏi hơi chướng tai à? Mặc kệ, cứ đưa ra để bàn chơi. Muốn có được câu trả lời thoả đáng chỉ còn nước đi tìm cho ra một "hướng dẫn du lịch", không chuyên nghiệp cũng được, dắt đi la cà thăm viếng một tỉnh nào đó.
May quá! Bác sĩ Hocquard tình nguyện đưa chúng ta đi xem Hội Tây tại Nam Định:

Hội Tây Nam Định (Hocquard)
" Hôm nay là ngày quốc khánh 14 tháng 7 (năm 1884), thành phố Nam Định có một vẻ đẹp huyền ảo. Tất cả các phố đều treo đèn màu xanh, trắng, đỏ. Trước mỗi nhà chôn một cây tre, trên ngọn cắm cờ Pháp. (Được như vậy là nhờ) trước đó quan công sứ đã yêu cầu quan tổng đốc ra lệnh cho mỗi nhà phải treo trước cửa một lá cờ Pháp. Không ai được quên. Cũng đừng nghĩ rằng dân Nam Định bỗng chốc trở thành thân Pháp và thích chế độ cộng hoà như thế đâu. Sở dĩ mọi người vội vã đi trang hoàng đường phố chắc chắn chỉ vì tổng đốc doạ phạt 50 quan tiền kẻ nào không tuân lệnh.
Thành phố được trang hoàng từ hôm qua. Sáng nay nắng sớm, màu cờ trông thật vui tươi đẹp mắt. Dọc hai bên con đường dài thẳng tắp bốn cây số (!?) của khu phố Tàu là hai dãy cờ chen nhau bay phấp phới.
Ngoài bến, tất cả thuyền bè cũng được treo cờ.
Bảy giờ sáng, trong thành bắn hai mươi mốt phát súng đại bác báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Trời nóng, chúng tôi đi từng đoàn. Đi đến đâu cũng có pháo nổ tứ phía như chào mừng. Những quả pháo nhỏ, kết thành chùm như xâu thịt, lúc nổ nghe như tiếng xé lụa, khói bốc dày đặc.
Đường phố đầy người, đi lại khó khăn. Người An Nam nào cũng hớn hở, diện quần áo đẹp. Màu xanh, màu đỏ, màu tím. Chùa chiền cũng được treo cờ bằng lụa thêu. Trước cửa nhà tổng đốc có một lá cờ An Nam bay giữa hai lá cờ tam tài.
Cạnh bờ sông dựng một sàn tre, có mái che, dành cho sĩ quan quân đội và quan lại An Nam ngồi xem các trò chơi dân gian do tổng đốc tổ chức. Trước mặt khán đài này là một bãi đất bằng phẳng, trong đó có trồng nhiều cột leo, dựng nhiều cây đu và sân khấu lộ thiên. Mấy cái cột leo được mài nhẵn, đánh bóng bằng dầu dừa, trên đỉnh treo tiền thưởng. Người An Nam leo cột rất nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Họ sử dụng bàn chân như một dụng cụ để ôm, cầm. Khéo léo không thua gì loài khỉ. Đang leo cột, ai mệt có thể ngừng lưng chừng để nghỉ. Nhưng phải dùng mấy ngón chân và lòng bàn chân mà ôm giữ lấy cột.
Trong góc bãi có múa rối. Múa rối được sắp xếp đại khái cũng giống múa rối Guignol tại vườn Lục Xâm Bảo bên Pháp (...).
Bên cạnh có phường chèo. Đằng trước sàn tre là sân khấu của phường nhà trò...

Hội Tây Nam Định (hát chèo)

Các trò bắt đầu từ mười giờ sáng, kéo dài suốt ngày cho đến lúc trời bắt đầu tối. Chúng tôi rời chỗ ngồi, đi ra bờ sông xem đua thuyền. Nhưng ban tổ chức chưa sẵn sàng. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đi xem các trò chơi chọi gà, chọi trâu, chọi cá, bắt lợn, bắt dê.
Trò bắt dê rất độc đáo.
Sân chơi là một bãi đất tròn đường kính độ bảy, tám mét, được rào xung quanh. Người ta thả một con dê vào sân rồi cho một người đàn ông bị bịt mắt vào bắt con dê. Giải thưởng là bốn quan tiền được treo trên cây tre dựng giữa sân. Muốn thắng giải người chơi không được đụng đến khăn bịt mắt, phải lần mò nắm được sừng dê. Trong sân cắm nhiều cọc, đào nhiều hố nước, đắp nhiều mô đất. Lúc chơi người thì dò dẫm, dê thì cứ nhởn nhơ qua lại. Lúc người tóm được mớ lông dê, đang lần mò tìm cặp sừng thì dê bỗng nhảy chồm sang một bên làm cho người vấp ngã lăn kềnh. Người xem la hét khoái chí.
Trong số những người Âu được mời xem hội có anh nhân viên sở bưu chính và cô vợ trẻ. Cô này mới tới Nam Định. Lần đầu dân Nam Định được thấy một bà đầm. Các bà bản xứ xúm lại quan sát, chỉ trỏ, bình luận từng chi tiết của bộ váy của bà đầm. Cũng may là người đồng hương của chúng tôi không hiểu tiếng địa phương. Người ta đang chê đôi mắt xanh eo ơi là xấu của bà. Họ chế nhạo cái váy độn cồng kềnh bị nghi là để che dấu những chỗ dị dạng bẩm sinh của bà. Ồn ào nhất là lúc bà khoác tay chồng trước mặt mọi người. Trong đám đông nổi lên những tiếng la kìa (tia), ấy (ia) của những người bị sốc (shocking).
(Hocquard tiếp tục mô tả các trò chơi bắt lợn, bơi trải, bầu cua, xóc đĩa).


Hội Tây Nam Định (ăn tiệc)

Nhân dịp quốc khánh quan công sứ Nam Định tổ chức dạ tiệc khoản đãi quan tổng đốc và các chức sắc địa phương. Tôi cũng được mời. Tiệc được tổ chức tại ngôi chùa to đẹp nhất Nam Định.
Phòng ăn kê hai bàn dài dọc hai bên. Các quan lại An Nam ngồi ghế gỗ dài, chỗ ngồi được sắp theo ngôi thứ. Các sĩ quan quân đội và công chức người Âu được ngồi bàn danh dự của công sứ và tổng đốc (...).
Sau bữa ăn, ông thông ngôn của toà sứ đọc bản dịch bài diễn văn của công sứ gửi các quan lại. Quan tổng đốc đáp lời bằng tiếng An Nam. Sau đó mọi người cùng kéo ra sân chùa xem múa..." [10].
(Tranh Oger gọi điệu múa này là Hát bài bông, mỗi vũ nữ đeo sau lưng một giá gỗ hình chữ T, hai đầu thanh ngang gắn hai cái đèn)


Hội Tây Nam Định (Múa đèn)

Hội Tây năm 1884 tại Nam Định được Hocquard chụp nhiều ảnh và tường thuật rất đầy đủ.
Hội Tây Nam Định không có diễn binh. Bù lại có 21 phát súng đại bác, có đường phố treo đèn, treo cờ, có pháo nổ tưng bừng. Các trò vui thì có bơi trải, hát chèo, diễn tuồng, nhún đu, leo cột mỡ và nhiều trò chơi khác. Đặc biệt Hội Tây này có một bà đầm thu hút sự chú ý của mọi người.
Rõ ràng Hội Tây Nam Định có đủ hết những điều được Nguyễn Khuyến kể trong bài thơ. Hay ngược lại, có thể nói là Nguyễn Khuyến đã tóm tắt bài tường thuật của Hocquard bằng mấy câu thơ.
Bài phóng sự và bài thơ cho phép kết luận rằng Hội Tây của Nguyễn Khuyến chính là Hội Tây năm 1884 tại Nam Định.
Ngẫu nhiên, Nguyễn Khuyến trở thành một nhân chứng của Hội Tây đầu tiên tại nước ta.
Cũng có thể nói rằng Hocquard là tác giả của tấm ảnh được in trong nhiều sách báo, chụp cụ Nguyễn Khuyến tay cầm chén rượu tại bữa tiệc của Hội Tây này.

***

Xin bàn thêm.
Công sứ nào đã ra lệnh cho tổng đốc nào đứng ra tổ chức Hội Tây Nam Định hoành tráng như vậy?
Xin nhắc lại vài sự kiện lịch sử:
Ngày 27/3/1883 Pháp chiếm thành Nam Định. Tháng 4/1883, Tổng đốc Nam Định Vũ Trọng Bình bị gọi về Kinh. Tôn Thất Trường lên làm hộ lí Tổng đốc Định-Yên. Tháng 7/1883, Phan Đình Bình thay Tôn Thất Trường.
Ngày 23/7/1883, Cao uỷ Jules Harmand đến Bắc kì để tổ chức cuộc bảo hộ.
Ngày 25/8/1883, triều đình Tự Đức phải kí hoà ước Harmand.
Hoà ước Harmand, tiền thân của hoà ước Patenôtre (kí ngày 6/6/1884), chính thức công nhận cuộc bảo hộ của Pháp.
(Điều 5: Nam triều (Chính quyền An Nam) phải ra lệnh cho các quan chức Bắc kì trở lại chức vụ cũ, phải tuyển người vào chức vụ còn trống, và phải phê chuẩn, sau khi được phía Pháp đồng ý, các chức vụ do Pháp bổ nhiệm.
Điều 14: Các quan công sứ không tham dự vào các chi tiết của việc quản lí tại địa phương. Các quan bản xứ mọi cấp tiếp tục cai trị và kiểm soát hành chính, nhưng họ có thể bị sa thải nếu không chịu phục tùng quan công sứ.
Điều 17: Các quan công sứ kiểm soát cảnh sát của các thành phố và quyền kiểm soát các nhân viên bản xứ này sẽ được gia tăng theo đà phát triển của thành phố).
Kể từ ngày 25/8/1883, Pháp nắm quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm quan lại các cấp tại Bắc kì. Thời kì Pháp đô hộ bắt đầu.
Ngày 19/6/1884, Auguste Gouin (trước đây là sĩ quan tuỳ tùng của Cao uỷ Harmand) được bổ làm công sứ Nam Định.
Công sứ Gouin chọn ai làm tổng đốc Nam Định? Người được chọn đương nhiên phải biết cúi đầu phục tùng quan công sứ và phải nắm rõ tình hình địa phương để giúp Pháp bình định.
Người hội đủ điều kiện như vậy có lẽ chỉ có Vũ Văn Báo.
"Vũ Văn Báo, người xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội, là con tiến sĩ Vũ Văn Lý (thầy học của Nguyễn Khuyến), anh cử nhân Vũ Văn Nghị, đỗ tiến sĩ khoa 1868. Làm quan trải các chức: tổng đốc Định-An ; tổng đốc Tam Tuyên ; phó sứ sang Pháp. Sau về quê bị hại" [11].

Vũ Văn Báo cộng tác đắc lực với Pháp. Thành tích của Báo là giúp Pháp bắt bạn mình.
Ngày 27/3/1883 Pháp chiếm thành Nam Định.
"Vũ Hữu Lợi (người Nam Định, đỗ tiến sĩ khoa 1875) đương giữ chức đốc học, bỏ quan về (người Pháp mới đến lấy nước Việt, đánh một thành, hạ một phủ huyện, có kẻ nào đầu hàng cứ cho giữ y hàm quan cũ mà làm nô lệ). Cùng với bạn là Đỗ Huy Liệu ngầm mưu tính thu phục, nhưng chưa kịp khởi sự thì vừa lúc được chiếu cần vương ban xuống, dẫn quân đánh Pháp, giặc đánh mãi không được. Bấy giờ có một tên chó lợn Việt Nam mà đội mũ tiến sĩ là Vũ Văn Báo. Quân Pháp đem quan to dụ lót tên Báo, Báo đứng ra làm gián điệp, Báo là bạn đồng niên của Lợi, Lợi tin, Báo dẫn quân Pháp vào đồn, Lợi bèn bị bắt. Bấy giờ Bắc kỳ chưa định yên, Pháp muốn đưa Lợi làm quan để thu nhân tâm, ông trước sau không chịu khuất, giặc bèn đem chém bêu đầu ở chợ thành Nam đúng hôm trừ tịch cuối năm" [12].
Pháp đem quan to dụ lót Báo năm nào? Các sách không nói rõ. Nhưng có thể dựa vào vài nguồn tin để phỏng định:
1) Auguste Gouin được bổ làm công sứ Nam Định ngày 19 tháng 6 năm 1884. Hoà ước Harmand cho phép công sứ bổ nhiệm tổng đốc. Có thể là Gouin đã bổ nhiệm Vũ Văn Báo làm tổng đốc Nam Định trong khoảng từ ngày 19 đến cuối tháng 6 năm 1884.
Hai quan lớn mới nhậm chức, hăm hở cùng nhau quyết tâm tổ chức Hội Tây Nam Định (14 tháng 7 năm 1884) cho thật đình đám.
2) Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến vốn là học trò của ông nghè Vũ Văn Lý, cha của Vũ Văn Báo. Nguyễn Khuyến nhận Vũ Văn Báo là thế huynh.
"Ngày 17/12/1883, Pháp chiếm thành Sơn Tây. Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Đình Nhuận bỏ chạy lên Hưng Hoá cùng Nguyễn Quang Bích tổ chức kháng chiến. Do thực dân Pháp thúc ép phải cử người thay thế, kinh lược Bắc kì hồi bấy giờ là Nguyễn Hữu Độ, nhân danh triều đình cử Trực học sĩ Nguyễn Khuyến bấy giờ đương dưỡng bệnh ở quê nhà làm quyền tổng đốc Sơn Tây nhưng ông từ chối không đi nhậm chức đó. Phần đau buồn vì vận nước, phần không muốn cộng tác với giặc Pháp, Nguyễn Khuyến viện cớ đau mắt kiên quyết từ quan. Chính Nguyễn Khuyến đã tự thân hành vào Kinh vận động xin từ chức. Lúc đó ông mới 50 tuổi" [13].
(Ta đến năm mươi tuổi là cáo quan về nghỉ (Tự thuật). Nguyễn Khuyến sinh năm 1835. Tính theo tuổi ta, ông cáo quan về nghỉ năm 1884. Cuối tháng 12/1883 ông vào Kinh xin nghỉ và được chấp thuận vào khoảng đầu năm 1884).
Theo ý quan thầy Pháp, Vũ Văn Báo, tổng đốc Nam Định, con thầy học cũ của Nguyễn Khuyến, khuyên cụ trở ra làm quan [13].
Cụ thể là Vũ Văn Báo, mới được bổ nhiệm làm tổng đốc Nam Định, đã mời Nguyễn Khuyến đi xem Hội Tây năm 1884 do mình đứng ra tổ chức, mời cụ dự tiệc do công sứ Gouin thết đãi, hi vọng sẽ dụ dỗ khuyên được cụ ra hợp tác với Pháp!
Bị thế huynh thúc ép như vậy mà Nguyễn Khuyến vẫn không chịu ra hợp tác với Pháp. Đáng phục thay.
Năm 1886, Gouin tiếp tục làm công sứ Nam Định thêm một thời gian rồi được bổ làm công sứ Sơn Tây. Đại uý Ernest Brière thay Gouin, làm công sứ Nam Định.
(Có sách chép sai là Brière được bổ làm công sứ Nam Định năm 1887. Bằng chứng là Công sứ Brière, Thống sứ Munier, Toàn quyền Paul Bert, Kinh lược Bắc kì Nguyễn Trọng Hợp có mặt tại lễ xướng danh khoa thi hương năm 1886 tại Nam Định. Khoa thi này có 7000 thí sinh, lấy đỗ 72 cử nhân, 218 tú tài. Chu Mạnh Trinh đỗ giải nguyên. Con tổng đốc, con quan Kinh lược bị đánh hỏng) [14].
Gouin đến làm công sứ Sơn Tây thì chẳng bao lâu sau Vũ Văn Báo cũng được bổ làm tổng đốc Sơn Tây (hay Tam Tuyên như sách Khoa bảng lục của Cao Xuân Dục chép).
Tại Sơn Tây, tháng 7/1887, linh mục Léon Girod đến gặp Tổng đốc Vũ Văn Báo để yêu cầu thả một giáo dân bị bắt oan.
Girod biết Vũ Văn Báo từ ngày còn làm tổng đốc Nam Định.
(Girod đến Bắc kì năm 1883. Sau Hội Tây 1884, Hocquard có đến thăm ông tại nhà thờ Nam Định. Năm 1885, ông làm tuyên úy tại bệnh viện quân y Nam Định, rồi Hà Nội. Tháng 8/1886 ông ra nhập hội truyền giáo của giám mục Puginier. Ngày 6/8/1886 linh mục Girod được gửi đi Xứ Đoài (Tam Tuyên: Sơn Tây-Hưng Hoá-Tuyên Quang).
Bộ ba Gouin, Girod, Vũ Văn Báo biết nhau tại Nam Định, lại gặp nhau ở Sơn Tây.
Girod kể lại buổi gặp Vũ Văn Báo hồi tháng 7/1887 tại Sơn Tây:
"Tổng đốc bước vào phòng. Nụ cười trên môi, trông rất dễ thương, ông tỏ vẻ không thắc mắc gì, chìa tay bắt tay tôi. Vũ Văn Báo là một nhà chính trị khôn ngoan, không muốn có chuyện rắc rối và chỉ muốn giữ một bề ngoài trung lập đối với các nhà truyền giáo và giáo dân. Con người khéo léo này ít lâu sau được làm thượng thư bộ Lễ và được đi sứ sang Pháp dự Đấu xảo năm 1889.
Lúc trở về nước, Vũ Văn Báo gặp sự cố đáng tiếc. Lúc ông đang ở trang trại tại quê nhà thì bị giặc cướp giả dạng dân quân bắt cóc. Ông năn nỉ xin mang hết gia tài ra chuộc mạng, nhưng giặc cướp quyết trả thù, trói ông mang sang Bãi Sậy hành hạ, rồi giết ông. Tôi mong rằng Vũ Văn Báo, cũng như nhiều sĩ phu Bắc kì khác, là người hiểu đạo nhưng không có can đảm theo đạo, trong giờ phút khủng khiếp này, sẽ được hưởng phúc lành, xưng tội và xin được rửa tội" [15].
Girod nói rằng sau ngày gặp nhau (tháng 7/1887), Vũ Văn Báo được làm thượng thư bộ Lễ. Thông tin này đúng.
Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chép:
- Năm Kỷ sửu (1889) mùa hạ, tháng tư sai sứ thông hiếu với Đại Pháp. Lấy Quỳnh quốc công Miên Triệu (hay Miên Triện?) sung Chánh sứ, gia Thượng thư bộ Lễ Vũ Văn Báo làm phó sứ, Thị lang bộ Lễ Nguyễn Trừng làm Bội sứ cùng Tham tá Nguyễn Thoại, thông dịch Nguyễn Hữu Mẫn và tuỳ hành là bọn Hồng Dánh, Đoàn Phương mười người đem theo quốc thư (...) giao cho sứ bộ theo đó mà làm.
- Năm Canh dần (1890) tháng 11. Nha Kinh lược Bắc Kỳ báo tin giặc cướp ở Hà Nam, đảng giặc khoảng 40 tên mặc quần áo lính tập, có súng ống, đi thuyền xông vào nhà nguyên sung Như Tây phó sứ Vũ Văn Báo ở xã Vĩnh Trụ bắt Văn Báo (kế Báo bị giặc giết chết), cử nhân Vũ Văn Nghĩa (hay Nghị?) và gia quyến 5 người nam nữ, gia đinh 1 người đều bị bắn chết [16].
Sách Thái Bình tỉnh thông chí chép Vũ Văn Báo bị Đốc Nhưỡng (Đinh Khắc Nhưỡng, học trò của ông nghè Giao Cù Vũ Hữu Lợi) cùng một số nghĩa quân mặc giả quần áo lính tập bắt tại Nam Xương (nay thuộc Hà Nam Ninh), bị giết trong một buổi lễ tế cờ khởi sự của nghĩa quân tại làng Khả Lậu (nay thuộc xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà) [17].
Vũ Văn Báo được Gouin (?) bổ làm tổng đốc Tam Tuyên vào khoảng giữa năm 1886. Đầu năm 1888 Girod còn liên lạc với Vũ Văn Báo ở Sơn Tây. Có thể phỏng đoán là Vũ Văn Báo được gia Thượng thư bộ Lễ khoảng giữa hay cuối năm 1888, trước khi được cử đi sứ sang Pháp (mùa hạ năm 1889).

***

Đi xem Hội Tây của Nguyễn Khuyến không ngờ lại là dịp để tìm hiểu cuộc đời lên voi xuống chó của Vũ Văn Báo, một nhân vật tích cực hợp tác với Pháp trong giai đoạn Pháp mới đặt nền bảo hộ nước ta.

Nguyễn Dư
(Lyon, 4/2020)
[1] - Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 118.

[2] - Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Thời Đại, 2010, tr. 166.

[3] - André Masson, Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Lưu Đình Tuân biên dịch, Hải Phòng, 2003, tr. 139.

[4] - Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 83.

[5] - Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi về Hà Nội, Trẻ, 2004, tr. 18-19.

[6] - Nguyễn Công Hoan, sđd, tr. 10.

[7] - Claude Bourrin, Le vieux Tonkin 1890-1894, IDEO, 1941. Sách có tranh vẽ cuộc diễn binh ngày 14 tháng 7 năm 1892 tại Hà Nội.

[8] - Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, nxb Hà Nội, 1986, tr. 177.

[9] - Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 2011, tr. 257.

[10] - Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 290-305.

[11] - Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Văn Học 2001.

[12] - Phan Bội Châu, Việt Nam vong quốc sử, Văn Sử Địa, bản in lại tại Pháp, 1972, tr. 35.

[13] - Thơ văn Nguyễn Khuyến, sđd, tr. 12, 28.

[14] - Paulin Vial, Nos premières années au Tonkin, 1889, tr. 364.

[15] - Léon Girod, Dix ans de Haut-Tonkin, Alfred Mame, 1904, tr. 77.

[16] - Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ Phụ biên, Văn Hoá Văn Nghệ, 2012, tr. 85, 131.

[17] - Văn học dân gian Thái Bình, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1981, tr. 330.