Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN XUÂN DIỆN VÀ VĂN HÓA VIỆT QUA “VÀNG SON TRÊN GIẤY GẤM”

Đặng Văn Sinh
Thứ sáu ngày 6 tháng 11 năm 2020 9:35 AM


TỄU - BLOG: MỘT CUỐN SÁCH THÚ VỊ VÀ ĐÁNG ĐỌC

“Vàng son trên giấy gấm” là cuốn sách có hàm lượng văn hóa đậm đặc đến mức tôi phải giật mình bởi kiến văn đáng nể của anh bạn vong niên sẵn máu giang hồ. Người ấy là Nguyễn Xuân Diện, một ông nghè Xứ Đoài với những công trình biên khảo nghiêm túc có giá trị học thuật như “Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù”, “Kiều Oánh Mậu - Cuộc đời và tác phẩm”, “Ca trù - Phía sau đàn phách”, “Tản Viên sơn thánh”, “Đường thi Quốc âm cổ bản”...

Khác với những cuốn sách vừa dẫn, hoàn toàn mang phong cách hàn lâm, “Vàng son trên giấy gấm” là công trình du khảo và nghiên cứu nên ngòi bút tác giả khá phóng túng, linh hoạt và không hiếm trường hợp còn được điểm xuyết yếu tố hài hước như một hình thức thư giãn với bạn đọc. Lật giở từng trang, vừa đọc vừa suy ngẫm, cuối cùng tôi ngộ ra, cuốn sách không chỉ là một thực thể hữu hình, mà nó còn lẩn khuất đâu đây hồn vía tổ tiên lắng đọng giữa những dòng chữ. Thế mới biết, văn hóa chính là thứ làm nên cốt cách dân tộc.

Văn hóa được coi là khái niệm trừu tượng nhưng thực ra lại rất cụ thể nếu có cái nhìn các hiện tượng xã hội bằng con mắt biện chứng. Bởi lẽ, khi đã có phương pháp luận chính xác, thì lúc ấy, ta có nhãn quan thấu thị, dù là câu chuyện về anh mõ làng hay bức chạm trên lan can đá chùa Bút Tháp cách nay nhiều thế kỷ vẫn là những giá trị sống trường tồn của cộng đồng Việt tộc.

Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa, “Vàng son trên giấy gấm” là cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những hiện tượng cụ thể của nền văn hóa Việt như là những giá trị cốt lõi, trong đó có yếu tố tâm linh...

Với tiêu chí “du khảo và nghiên cứu”, người đọc không mấy khó khăn nhận ra, sự phiếm chỉ của tác giả về sự xê dịch trong quá trình trước tác. Du ký là một thể loại văn chương phóng túng, cởi mở. Và chính sự phóng túng, cởi mở đó đã hơn một lần làm nên sự hấp dẫn, khiến cho bất cứ ai, đã cầm cuốn sách là phải cắm mặt đọc đến tận cùng chẳng khác gì bị ma ám. Bởi lẽ, đó là chàng “Tễu” thời hiện đại, hát ca trù khá mùi mẫn, nhất là những lúc hứng chí, gã mặc quốc phục, thửa từ mấy bác thợ may sành nghề phố Lương Văn Can, giọng ngâm thơ theo lối cổ...

Thực ra, du ký với Nguyễn Xuân Diện có lẽ chỉ là phương tiện, như động thái truy tìm các giá trị sống đã thuộc về lịch sử còn ẩn tàng trong dân gian thông qua những chuyến điền dã. Cho nên chuyện chén món thịt chó nổi tiếng Vân Đình, thưởng thức đặc sản dơi mặt ngựa ở Sài Sơn hay “giải mã vài bức chạm trên lan can đã chùa Bút Tháp” đều là những biểu hiện cụ thể nằm trong cái tổng hòa của phạm trù văn hóa đã làm nên bản sắc cộng đồng người Việt từ mấy ngàn năm trước. Sự phân chia thành đề mục chỉ mang tính tương đối. Tất cả các bài viết trong tập sách, không ít thì nhiều đều liên quan đến việc đi và khảo cứu.

Cuốn sách được xem như tập đại thành về nền văn hóa Việt lịch đại qua cách nhìn của một nhà nghiên cứu có kiến văn sâu rộng và giầu bản lĩnh. Cách viết của Nguyễn Xuân Diện khá đa dạng. Nói cách khác, mỗi thể loại tương thích với một ngôn ngữ diễn đạt. Chẳng hạn, “khảo cứu” tác giả sử dụng ngôn ngữ hàn lâm với một hệ thống chú thích tuy dài dằng dặc nhưng lại rất cần thiết để bạn đọc truy xuất rõ nguồn gốc tư liệu. Nhưng với “du ký” thì khác hẳn. Đó là loại văn bản mang âm hưởng tạp bút, tản văn mà cấu trúc ngữ đoạn được cấu thành từ lớp từ thông tục chẳng những giầu sắc thái biểu cảm mà còn thấp thoáng đâu đó tinh thần phúng dụ, hài hước. “Đi Vân Đình chén thịt chó” và “Như Thanh nhật ký” thể hiện rất rõ bút pháp này.

Về mặt tổng quát, mỗi bài trong “Vàng son trên giấy gấm” đều mang tinh thần văn hóa bởi nó được hình thành qua sự chắt lọc từ truyền thống mà phần kết tủa chính là những nét tinh túy nhất từng được sàng lọc qua nhiều thế hệ. Tính đa dạng về thể loại, đa phong cách về ngôn ngữ diễn đạt và không khí hào hứng của mỗi cuộc hành trình đã làm nên một diện mạo rất riêng tạo nên sự hấp của cuốn sách. Chẳng hạn, ở “Trảy hội chùa Hương ghé thăm Vân Đình”, Nguyễn Xuân Diện đã cho chúng ta thấy ngay một nét đặc trưng của Xứ Đoài: “Cảnh đẹp là thế, Hương Sơn thanh tú phía xa, Hát Giang uốn lượn cận kề, con người nền nã, khéo léo là thế, lại là đất văn học, nên nơi đây cũng chính là xứ sở, là nguồn cảm hứng vô tận của những bài ca trù mượt mà, đằm thắm”. Và rồi, cũng với tâm trang bâng khuâng như thế, tác giả hạ bút: “Tất cả những mối quan hệ ấy làm nên một phong khí văn vật thịnh vượng và sự đồng cảm, tương thân, tương kính là nét đẹp nổi bật độc đáo, rất đáng ngưỡng mộ của vùng quê này”.

Bố cục các bài viết ở phần “du ký” của Nguyễn Xuân Diện xem ra rất tùy hứng. Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đan xen nhau. Các địa chỉ được đề cập đến cũng chẳng theo một trình tự không gian nào. Nhưng có lẽ chính bởi sự “lộn xộn” như thế mà tạo nên sự khác biệt hẳn so với hàng loạt cuốn sách bàn về văn hóa đầy rẫy những lời đao to búa lớn nhưng nội làm rỗng tuếch chăng? Nói về văn hóa ẩm thực, ngoài món thịt chó Vân Đình đồn xa đến cả Kinh thành, ta còn sững sờ bởi, chỉ riêng Xứ Đoài mới có đặc sản “tứ quý” mà thứ đứng đầu lại là con dơi mặt ngựa chỉ ăn hoa quả đã từng được ghi danh trong “Đại Nam nhất thống chí”, thịt thơm ngon có thể chữa được bách bênh. Rồi con cua Khánh Hiệp to bằng bát ăn cơm trên gò Ma Khống, hàng năm chỉ xuất hiện một lần, dân làng bắt được để tiến vua...

Nếu như “có một tượng đài người phụ nữ Hà Nội trên đỉnh Đèo Ngang” lấy cảm hứng từ bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan đầy cảm khái thì “ Như Thanh nhật ký” lại là những nét phác thảo về một vùng đất cổ bằng phong cách chính văn pha chút trào lộng của kẻ lữ hành đi tìm những di sản văn vật. Câu chuyện đôi lúc thấp thoáng không khí liêu trai khi mà có một chàng trẻ tuổi bỏ mọi công việc, tự nguyện làm lái xe phục vụ đoàn công tác. Và đây là ngôn ngữ tác giả viết về gia chủ: “Công tử nhà là một tay thiếu niên, tuổi còn trẻ, mặc dù giang hồ đã nhiều nhưng sức học vẫn còn non nớt mà cũng chưa dày dặn trải nghiệm bao nhiêu, muốn nhân dịp này, gửi thằng con trai để chúng tôi dạy dỗ thêm. Trời đất! Ông cụ nói thế thì mình chối thế nào. Chẳng dám dạy dỗ gì đâu, nhưng đi với nhau cùng một nòi bút mực, cùng một giống đa tình mà lại đi chơi nơi sơn kỳ thủy tú thì chẳng còn gì thú hơn”. Lại càng hài hước hơn nữa khi mà tác giả gọi ông chủ tịch huyện là “ngài tri huyện” và tường thuật cảnh xuất trình giấy tờ bằng mấy câu ngắn gọn đầy ấn tượng: “Tôi mở hành lý, trình lên ngài bức điệp đóng ấn son của Hàn Lâm viện. Ngài vui vẻ tiếp lấy, sai mấy ông tùy viên pha trà mời chúng tôi. Trà thì Chuyết Chuyết không uống. Nhưng đó là thứ trà túi lọc mà ở Kinh tôi vẫn gọi là “trà lòng thòng”.

Giải thích một cách thuyết phục kết hợp với những con số thống kê qua từng thời kỳ lịch sử, Nguyễn Xuân Diện đem đến cho người đọc nhận thức mới về thuật ngữ “Tứ Bất tử” trong hệ thồng thần điện người Việt mà trước đây không ít người nhầm lẫn. Tác giả phân tích sự chuyển dịch trong danh sách “Tứ Bất tử” trên cơ sở những cứ liệu còn lại trong thư tịch cổ mà “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi là một trong số đó. Cũng từ sự phân tích rất có sức thuyết phục này mà ta còn được biết thêm “Tản Viên Sơn Thánh là tín ngưỡng thần núi (Sơn Tinh, Sơn Thần) nằm trong hệ thống tín ngưỡng các hiện tượng tự nhiên, vì vậy nói Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh là nói tới ba anh em thần núi. Như vậy, đương nhiên cả ba vị thần đó đều thuộc ‘Tứ Bất tử’).

Thú vị hơn nữa là hiện tượng Liễu Hạnh, người phụ nữ duy nhất gia nhập “Tứ Bất tử” sau khi bà thay vai trò Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không được tác giả lý giải trên cơ sở bối cảnh xã hội và tâm lý dân tộc có những biến động dữ dội: “Khi Liễu Hạnh ‘giáng sinh’ vào khoảng thế kỷ XVI cũng chính là lúc ý thức hệ Nho giáo ở nước ta đi vào con đường suy thoái. Thực trạng xã hội loạn lạc, chiến tranh giết chóc, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ, nên người ta khao khát cháy bóng về một cõi tâm linh an lạc, siêu thoát”. Trong hoàn cảnh đó “Liễu Hạnh ‘giáng thế’ đáp ứng nhu cầu thỏa mãn tâm linh của mọi giai tầng trong xã hội, phù hợp với tâm thức dân gian Việt Nam. Nếu so với Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không thì sự phụng thờ Liễu Hạnh bắt nguồn sâu xa từ trong tín ngưỡng thuần Việt của tâm thức dân gian, rồi lại xâm thực và hòa đồng vào tín ngưỡng Tứ phủ, nên tín ngưỡng này mang nhiều hơi hướng thời đại, cập nhật và phù hợp với thực tại. Ra đời trong thời kỳ đó, và với vai trò như vậy, việc tín ngưỡng Liễu Hạnh trở thành trung tâm của tín ngưỡng Tứ phủ và hội nhập với ‘Tứ bất tử’, trở thành biểu tượng của sự trường tồn là một điều dễ hiểu”.

Trong sáu đề mục của “Vàng son trên giấy gấm” thì “Tìm lại những áng thơ Nôm” cần phải đầu tư thời gian, trí tuệ và công sức mới viết thành những tiểu luận có bề dày và tầm vóc văn hóa. Chỉ riêng việc giải mã bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” và “Năm bản Nhạc chường đời Lê”, người đọc cũng đã phải ngả mũ cúi chào kiến văn đáng nể của vị tiến sĩ xứ Đoài. “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” đích thực là một công trình khoa học, đã được in trong “Thông báo Hán Nôm học” từ năm 1998, ngoài việc giới thiệu về thân thế sự nghiệp của tiến sĩ Lê Đức Mao, tác giả còn khảo cứu kỹ nội dung văn bản cùng với 129 chú thích, trong đó có nhiều điển cố Hán học và những chữ Nôm cổ cần phải tham chiếu từ nhiều nguồn tư liệu. Tuy nhiên, ở phần kết luận, Nguyễn Xuân Diện viết một cách khiêm nhường: “Bài ‘Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn’ là một bài thơ Nôm mang nhiều giá trị thông tin về nhiều khía cạnh giúp cho việc nghiên cứu về Ca trù, Hát Cửa đình, đình làng, cơ cấu xã hội cổ truyền, thể thức nghi lễ sinh hoạt trong nông thôn thời Lê ở danh hương Đông Ngạc. Việc nghiên cứu sâu hơn về bài thơ này, do vậy thật cần thiết, bài viết này của chúng tôi mới chỉ nhằm cung cấp tư liệu và những tìm hiểu ban đầu”.

Đối với bạn đọc bình dân, có lẽ “Tứ bình làng Việt” và “Phong tục” là hai tiểu mục được đón nhận một cách hào hứng nhất, bởi lẽ nó vừa là văn hóa vật thể vừa là văn hóa phi vật thể, là thiết chế đặc trưng của cộng đồng tồn tại cả ngàn năm mà không bị mai một bởi các cuộc biến động nhân gian. “Làng cổ Mông Phụ ở Đường Lâm”, “Cổ Đô” - Làng thơ, làng họa sĩ”, “Đông Ngạc- Làng văn hiến ven đô” và “Làng Then - Cả làng chơi vĩ cầm” chính là bốn gương mặt điển hình của làng cổ Đồng bằng, trung du Bắc Bộ còn bảo tồn được đến ngày nay qua ngòi bút tài hoa của chàng lãng tử Lâm Khang sau những chuyến lang thang tìm về cội nguổn dân tộc. Những ai chưa từng đặt chân đến xứ Đoài, sau khi đọc thiên du ký này, tôi dám chắc thăm làng cổ Đường Lâm sẽ là niềm ao ước cháy bỏng, bởi lẽ: “Xa xa là núi Tản mờ xanh đỉnh quyện khói mây mà những đồi xa đồi gần như đàn rùa khổng lồ chầu non thiêng của Đức Tản Viên. Văn Miếu tỉnh Sơn, làng cũ của Ngô Vương và Phùng Bố cái quanh quất kề bên, mà đền Và thờ thánh Tản Viên, miếu Mèn thờ mẹ Hai Bà Trưng chỉ là láng giềng gần”. Về một mặt nào đó, có thể xem Mông Phụ Đường Lâm còn là di sản của một nền “văn hóa Đá Ong” nơi sinh ra thám hoa Giang Văn Minh, bậc nhân kiệt đã hy sinh vì danh dự dân tộc trong công vụ sứ thần tuế cống nhà Minh năm 1638. Là một làng đồi, một điểm quần cư rất sớm, Mông Phụ có những nét đặc trưng được tác giả miêu tả khá sinh động: “Ở đây nhà cửa san sát, lối ngõ đan cài. Nhà xây chủ yếu bằng vật liệu đá ong - một loại “đặc sản” của miền trung du nắng cháy, một vật liệu “đắc dụng” trong kiến trúc xưa. Có những nhà xây hẳn tòa cổng lớn bằng đá ong để trần không trát vữa; đá lại được đẽo gọt trang trí công phu rất ưa nhìn. Qua tháng qua năm, qua nắng hạ mưa đông tắm sương gội nắng, cái cổng đá ấy thêm chắc thêm bền. Cái cổng đá ong đẹp một vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ mà đủ vẻ thanh kỳ quyến chân du khách. Đá cũng trở nên có hồn”.

Làng là đơn vị hành chính cơ bản gắn liền với sinh hoạt công đồng, trải qua hàng ngàn năm đã hình thành những tập quán, phong tục được xem là nét “văn hóa” riêng trong đó có giếng làng, tiếng làng, mõ làng và nhất là các lễ hội hàng năm để khu biệt với phong tục tập quán của làng khác. Những thứ “khác” ấy, có thể kể đến “Tục đánh cá thờ ở Xứ Đoài”, “Trảy hội Đình So” và nhất là “Lên đồng” được tác giả kể lại một cách hào hứng như chính mình là người trong cuộc. Lâm Khang luận về sự tiện lợi và vẻ đẹp dung dị của giếng làng miền trung du một thời làm tâm hồn ta bỗng nhiên xao động: “Giếng làng đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng người dân quê Việt Nam. Nếu đình làng là nơi tụ họp và chuyện trò về những việc, những chuyện nghiêm trang hệ trọng của làng nước (gọi là việc làng), và cũng là nơi tụ tập của riêng cánh đàn ông trong làng, thì giếng làng là nơi nói chuyện đời thường, giếng làng lại là xứ sở các các đám đàn bà, con gái. Bên giếng làng, chị em kháo nhau những chuyện muôn thuở của làng quê: chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện chồng con, chuyện về một cô gái khôn ba năm dại một giờ”. Đến “Tiếng làng”, Nguyễn Xuân Diên cho đó một hiện tượng kỳ lạ, là “tinh hoa chung đúc lại từ tục lệ, cách sống, nếp nghĩ của dân làng” nhưng chính tác giả cũng không hiểu được, cho dù địa bàn cư trú ở rất gần nhau nhưng tiếng nói lại hoàn toàn khác nhau: “Vùng tôi có bốn làng cùng nằm trên một gò đất rộng, chung cả thủy thổ, ấy vậy mà cách phát âm của mỗi làng vẫn cứ khác nhau. Mỗi làng vẫn có tiếng làng riêng của mình. Mà lạ lắm, trên cái gò đất ấy, hai nhà (ở hai làng khác nhau) cùng nằm trên một dải đất, cùng chung một mạch nước ngầm, chỉ ‘cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn’, thế mà từ tập quán sinh hoạt cho đến chất giọng, cách nói hai nhà vẫn cứ khác nhau...”. Nhân vật mõ làng cũng rất đáng chú ý. Nó là sản phẩm của nền văn hóa làng xã ngày xưa được định danh như một nghề cha truyền con nối rất độc đáo ở vùng trung châu. Tác giả xếp mõ thuộc loại hình lao động dịch vụ và đứng ngoài tất cả những tranh chấp giữa các phe, giáp. Và điều thú vị là, “Lý trưởng họ này đổ, lý trưởng họ khác sẽ thay thế, nhưng vẫn cần đến mõ và không hề vì thế mà thay cả mõ. Do ‘gần gũi’ các chức dịch, mõ biết nội tình các cuộc tranh giành giữa các cá nhân hay dòng họ, nhưng mõ không ủng hộ một cá nhân hay phe cánh nào...”.

Có thể nói, “Lên đồng - Hội tụ nét đẹp văn hóa Việt” là công trình khảo cứu nghiêm túc, chứng tỏ chàng tiến sĩ Xứ Đoài rất am hiểu về tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Tác giả cho rằng, lên đồng là sự hòa trộn tín ngưỡng, đồng thời cũng là sự hòa nhập các yếu tố văn hóa bao hàm cả thi ca, âm nhạc, vũ đạo và hội họa. Lên đồng bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu được tác giả viện dẫn từ tục lệ thờ Nữ Thần - Mẫu Thần - Tam Tòa tứ Phủ: “Căn tính Mẫu trong văn hóa Việt Nam là sự đan xen giữa huyền thoại và lịch sử, hay nói cách khác là huyền thoại hóa lịch sử...”.

Nếu như “Tứ bình làng Việt” và “Phong tục” mới là những nét chấm phá về làng Việt cổ, thì “Di tích và di văn” giống như những công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, kiến trúc, cùng với các làng nghề từ Xứ Đoài chuyển dịch về kinh thành Thăng Long bắt đầu từ thế kỷ XVIII với những nét đặc thù của xã hội phong kiến đang ở giai đoạn suy tàn.

“Giếng sữa kỳ lạ ở Đường Lâm” là hiện tượng không thể giải thích nhưng hoàn toàn có thật. Chuyện lạ ấy đã được Nguyễn Xuân Diện thuật lại với tâm trạng hoàn toàn hứng khởi: “Giếng sữa trong lành ấy đã làm tuôn chảy không biết bao nhiêu dòng sữa mát, làm căng tròn bao nhiêu bầu vú thiếu phụ và từ đó làm căng trong bao nhiêu đôi má trẻ thơ no sữa mẹ. Tôi sống ở Hà Nội, nhân lúc trà dư tửu hậu cũng thường kể câu chuyện đó với các bà các chị. Cũng đã nhiều lần tôi phải đưa các chị các bà vượt đường xa về thăm tòa miếu cổ và dâng lễ vật cùng lời cầu nguyện bên tòa miếu cổ”.

Không chỉ quanh quẩn Xứ Đoài, sẵn máu phiêu lưu, chàng lãng tử nghiện Ca trù còn chu du đến tận phố cổ Hội An “Thăm miếu Quan Công đọc thơ của thân phụ thi hào Nguyễn Du”. Mở đầu, tác giả viết: “Trên một biển gỗ sơn đỏ hiện treo tại bái đường của Miếu Quan Công Hội An, chúng tôi phát hiện một chùm 3 bài thơ chữ Hán. Thật bất ngờ đó lại là cuộc xướng họa thơ 3 thế kỷ trước của Tả tướng quân Nguyễn Nghiễm (thân phụ đại thi hào Nguyễn Du) và các tiến sĩ Uông Sĩ Điển và Nguyễn Lệnh Tần. Phía sau bài thơ này là một dấu ấn lịch sử quan trọng của Hội An”. Bài thơ của Nguyễn Nghiễm có nhan đề “Sư để Hội An phố đề Quan Phu tử miếu” (Đưa quân đến Hội an đề miếu Quan Phu tử). Cùng với bài họa “Phụng bình Nam Giới vụ kinh Hội An phố đề Quan Phu tử miếu thi” (Vâng lệnh đáng dẹp biên giới phương Nam, qua phố Hội An đề thơ miếu Quan Phu tử), Nguyễn Xuân Diện đã ghi chép, phiên âm và dịch nghĩa sát với văn bản giới thiệu cùng bạn đọc. Cũng ở “Di tích di văn”, tác giả còn có những bài viết rất đáng đọc như “Người ca nữ tài danh trong phủ Chúa”, “Vẻ đẹp độc đáo kiến trúc chùa Tây Phương”, “Những lời vàng trên đá”, “Thương nòi giống thần tiên giáng bút”..., trong đó có bài được lấy làm tựa đề cuốn sách “Vàng son trên giấy gấm”.

Cách đây mấy tuần, nhân dịp về phố Pháo Đài Láng thăm vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải - Nguyễn Thị Hồng, tôi lại gặp Nguyễn Xuân Diện. Lần này tiến sĩ Hán Nôm tăng tôi cuốn “Giấu tay” (HIDDEN HAND Exposing How The Chinese Communist Party Is Reshaping The World) thuộc tủ sách SOS do tiến sĩ Nguyễn Quang A chuyển ngữ, nhà xuất bản “Dân khí” in. Cuốn sách là tập hợp những bài viết của hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohberg với nội dung “Vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Quốc đang định hình lại thế giới”. Sau đó Lâm Khang còn mang một cuốn “Vàng son trên giấy gấm” mà bìa bằng giấy gấm thật cho mọi người xem. Thật ra, đấy chỉ là động tác “khoe” cho oai, loại giấy này giá cao ngất ngưởng, chắc “Tễu” chỉ dám chơi đến chục cuốn là cùng.

Quy trình làm giấy gấm cực kỳ phức tạp và lắm công đoạn. Giấy gấm là loại chuyên để viết sắc phong của triều đình phong kiến do dòng họ Lại ở Nghĩa Đô sản xuất. Đây là một nghề đặc biệt bắt đầu từ cụ tổ Lại Thế Giáp, con rể Thanh Đô Vương Trịnh Tráng lưu truyền cho đến ngày nay, và bí quyết công nghệ chỉ còn một người nắm được là cụ Lại Phú Bàn. Theo sự tìm hiểu của tác giả, “giấy sắc là loại giấy quý. Quý trước hết là nguyên liệu để vẽ lên mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, còn mãi đến ngày hôm nay”. Và, “làm một tờ giấy sắc phải có 5 người thợ làm cùng một lúc mới có thể xeo nổi một tờ giấy (...). Bí quyết của việc làm một tờ giấy sắc theo đúng yêu cầu là ở kỹ thuật ‘đánh vàng’, ‘đánh bạc’ cho tờ giấy (...). Để giữ bí quyết, các công việc này được tiến hành ở nơi kín đáo nhất trong nhà...”.

Thế nhưng, ngày nay, mô hình xã hội đã thay đổi, nghề làm giấy sắc không còn chỗ đứng trước sự phát triển ồ ạt của công nghệ hiện đại, nên những rồng mây vàng son trên nền giấy gấm thuở xưa có thể sẽ mãi mài dừng lại ở thế kỷ XX. Và nghyề xưa có nguy cơ chỉ còn trong dĩ vãng. Thật đáng tiếc thay!”.

“Vàng son trên giấy gấm” là cuốn sách viết về nền văn hóa Việt với tâm thức của một người yêu quê hương đất nước đã làm sống lại những nét đẹp thuần phác của cha ông qua ngàn năm thăng trầm lịch sử. Cuốn sách đồng thời cũng là sự nhắn nhủ cho các thế hệ tương lai, hãy sống lương thiện, tu dưỡng đạo đức và biết trân trọng những giá trị bền vững thiêng liêng của dân tộc.

Quý thu, năm Canh Tý