1. Thưa bạn đọc
Tôi muốn đặt từ "Cảm nhận" lên đầu bài viết, bởi lẽ, tôi thấy mình chưa thể hiểu được nhiều nội dung và nghệ thuật cuốn tiểu thuyết "Trầm tĩnh những nẻo đường" của nhà văn, nhà giáo Quang Bách.
Với 426 trang in (NXB Hội nhà văn - 2019), chưa phải là số trang làm quá sức bạn đọc. Nhưng dung lượng tư tưởng tác phẩm chắc chắn là một thông điệp mạnh đối với vấn đề đại sự, có tầm chiến lược, ấy là khai trí vùng cao, ấy là nhen nhóm “hiền tài”, để có thể làm nên “nguyên khí quốc gia” những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Ở góc độ Văn học - Nghệ thuật, điều này càng làm nóng bỏng một cách lặng lẽ, âm thầm mà chỉ những người trong cuộc mới có thể nhận diện ra nó một cách đúng nhất. Cụ Phan Huy Chú mấy trăm năm trước đã luận: “Sức ngoài bút quét sạch vạn quân” là vì vậy.
Tiểu thuyết về đề tài giáo dục vùng cao không chỉ hiếm hoi ở Yên Bái mà còn hiếm ở tất cả các tỉnh miền núi Việt Nam. Vì sao? Chưa một hội thảo khoa học nào góp phần giải đáp. Và như vậy, văn nghệ sĩ ta sáng tạo tác phẩm về đề tài giáo dục đào tạo nói chung, vùng cao nói riêng, gần như chỉ là sự tự nguyện với lòng tâm huyết trân trọng một nghề nghiệp mà cả xã hội cho là “Cao quý trong các nghề cao quý” (Lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Trần Tĩnh những nẻo đường -tiểu thuyết dày dặn của Quang Bách thuộc diện nói trên.
2. Lê Quang Tân, nhân vật hồn cốt trong Trầmtĩnh những nẻo đường.
Hãy đặt sang một bên Lê Quang Tân là hiện thân của người viết hay nguyên mẫu ở một ai đó. Chỉ biết, đây là nhân vật dưới ngòi bút của tác giả.
Tuổi thơ, Lê Quang Tân đã được bồi đắp vốn sống phong phú và tình cảm sâu nặng của một vùng quê miền Trung du, sự đắp bồi góp nhặt thông qua công việc cụ thể thường ngày đã tạo cho Tân những hiểu biết và tích lũy nó thành kinh nghiệm để thích ứng với nhu cầu cuộc sống: Đi câu, chọn lưỡi câu, dây câu, kỹ thuật câu cá trê, cách móc mồi… và cả chuyện kiêng kỵ, nếu đi câu mà gặp đàn bà...! Đi học cấp 1, chấp nhận sự khai dối độ tuổi để được vào trường công lập, mong muốn thoát khỏi sự dạy học bằng cách đánh lên mu bàn tay học trò của ông thầy lớp tư thục.
Tuổi thiếu niên Tân có sự hiểu biết, sôi nổi mà bồng bột. Cố ý cho bạn gái ngồi cùng bàn xem lời giải bài toán đố! Cảm xúc khi bạn gái ngồi kề bên đặt bàn chân nồng ấm lên bàn chân mình (Trang 59). Tân vô tư giúp bạn gái Ất, để rồi “tình thân thiết giữa hai người có lẽ bắt đầu từ đấy” (Trang 61). Hồn nhiên, và đẹp. Nhưng tình bạn khác giới ở độ tuổi học trò không được nuôi dưỡng, phát triển, mà bị đứt ngang bởi sự tính toán của cha mẹ còn mang đầu óc phong kiến xoay quanh anh quan niệm về số phận, tuổi sinh, hình thể, sức vóc lao động…! Tân, tuổi 16, thành vợ chồng chưa kết hôn với Lụa, cô gái làng hơn anh năm tuổi. Tân miễn cưỡng bỏ qua sự trách cứ âm thầm đến kịch điểm của Ất người bạn gái lớp 4 ngày ngày vẫn ngồi chung bàn học trong lớp. Lụa đảm đang như bổn phận phụ nữ nông thôn ngay sau lễ ăn hỏi chúc phúc của hai họ. Tân biết thương vợ, nuôi chí học hành và chăm lo công việc nặng trong gia đình như trọng trách của người đàn ông. Nhưng sự hụt hẫng không bên nào mong muốn, ập đến. Lời lẽ gia đình, dư luận làng xóm khiến Lụa phải rời khỏi nhà Tân vì sự ngoại tình với Trầm, bạn trai trong đội văn nghệ, một người hình thể phong độ, chững chạc về tuổi tác, lại êm ái trong giọng điệu nói năng. Tân học lên cấp 2 trường Bình Quyên xem như đây là bước ngoặt đầu đời, ý chí phấn đấu hy vọng bù đắp cho tình cảm riêng bị đổ vỡ. Anh được vào Đoàn, rồi trở thành cán bộ đoàn TNLĐ Việt Nam. Câu lạc bộ bóng đá do anh lập ra, phụ trách, và là cầu thủ, ngẫu nhiên kết bạn với Văn, rồi với Xạ, chồng ghép của Lụa, đều là những chân đá chính của đội. Tân tự ép mình ra khỏi sự mặc cảm trong mối quan hệ Tân - Lụa - Xạ, để vượt lên lo cho công việc chung một cách vô tư. Éo le khép lại thì oái oăm khác lại đến, ấy là lần cùng Văn đến thăm Tiệp, bạn cùng học. Tân như bị mê hoặc trước Tiệp “người con gái đẹp người đẹp nết” đến mức Tân từ bỏ tiêu chuẩn đặc cách học lên cấp ba, mà rẽ ngang vào Trung cấp Sư phạm tỉnh chỉ vì để được cùng học với Tiệp. Mối quan hệ thân tình ấy ngày càng sâu sắc hơn bởi Tân nhận ra ở Tiệp sự đảm đang…. Tân cảm thấy xao xuyến, rung động, nhưng đã kìm giữ được. Cử chỉ thật lòng muốn tạo khoảng cách nhất định của Tân vô tình làm cho Tiệp chạm lòng tự ái, cho rằng Tân sống cao đạo hơn mình, coi thường những tình cảm đầu đời mà mình tự nguyện dâng hiến (Trang 151). Tình bạn luôn rung cảm của Tân và Tiệp rạn nứt rồi đổ vỡ từ đây. Để rồi, thời gian bẵng đi, Tiệp tỏ ra ân hận về sự chân thành và lòng vị tha của Tân trước mối tình mà mình cố ý theo đuổi một cách đơn phương. Có lẽ vì thế mà Tiệp trân trọng, xem Tân là người anh quý mến, và là niềm vui lớn khi cả hai đều tốt nghiệp, đều có quyết định trở về trường xưa - trường Bình Quyên với tư cách giáo viên trẻ.
Có việc làm danh giá nơi quê nhà, lại nhận lương nhà nước, tăm tiếng “thầy giáo Tân” lan truyền khắp xã, mấy bậc cha mẹ đánh động gả con gái cho “giáo Tân”.Có đến ba cô gái trong đó có Huệ, tìm mọi cách tiếp cận “anh Tân giáo viên nhà trường …” Nhờ có Tân mà phong trào Văn - Thể ở trường Bình Quyên được đẩy lên, trở thành điển hình của Ty giáo dục. Mùa hè năm ấy Tân được kết nạp vào Đảng thì cũng là lúc Bộ giáo dục có chủ trương vận động giáo viên vùng thấp xung phong lên miền núi dạy học. Cuộc tranh luận nên đi hay không nên đi làm sôi động lớp bồi dưỡng giáo viên.Không băn khoăn, Lê Quang Tân nộp đơn tình nguyện lên Ty giáo dục chỉ với một suy tâm, mình là giáo viên trẻ, là đảng viên trẻ, mà không nghĩ ngợi việc làm khách quan của mình đã phá băng tâm lý sợ hãi nơi rừng thiêng nước độc của nhiều giáo viên trẻ thuộc Ty giáo dục. Trường cấp 1 Phìn Ngan nơi Tân đến, vô vàn khó khăn. Là Đảng viên duy nhất, Tân ngẫu nhiên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Một loạt nội dung, kế hoạch hoạt động do đích thân anh xây dựng và cùng đồng nghiệp “xắn tay áo” vào việc. Tân nghiệm ra có phong trào, sẽ có học sinh giỏi, và cũng sẽ đủ độ tin cậy của dân bản. Mùa Thị Lay, khuôn mặt tròn xinh, tố chất thông minh và hiếu học: “Mắt Mùa Thị Lay sáng lên, lộ rõ niềm vui không tả xiết. Em quay về phía Tân, giọng hồn nhiên trong trẻo: - Em sẽ làm cô giáo, đem thật nhiều chữ về cho mọi người trong bản” (Trang 261- 262). Thầy Tân nghĩ rộng hơn, xa hơn,anh giải thích giúp Lay có thể mường tượng: “- Xây dựng quê hương, có nhiều nghề, nhiều ngành lắm. Ví dụ: Bác sĩ thuộc ngành y, giáo viên thuộc ngành giáo dục, trồng rừng thuộc ngành lâm nghiệp… Mùa Thị Lay có thể chọn một trong những ngành nghề ấy” (Trang 261 - 262). Lê Quang Tân tâm sự với cô học trò 13 tuổi mà như muốn dành tất cả tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo với sự nghiệp giáo dục miền núi. Hơn thế nữa, đó là sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.
Thầy giáo trẻ Lê Quang Tân không tin vào số phận, nhưng vẫn có cảm giác chính mình bị thứ gì đó đeo bám. Những sóng men nhen nhóm tình cảm khác giới, ban đầu, thật đẹp; mà rồi đều chững lại và nhạt dần. Nơi khó khăn một mình lăn lộn gây dựng, khi có thành quả, cấp trên lại điều đến chỗ khó khăn hơn. Rời Phìn Ngan, điểm sáng của giáo dục vùng cao huyện Mường Kham, Tân về làm Hiệu trưởng cấp 1 thị trấn, một trường đang khủng hoảng về tổ chức. Khoảng thời gian trôi, Tân đến với Thúy, nữ đồng nghiệp hơn anh 5 tuổi đang bi quan cuộc sống gia đình trước họa vô đơn chí: Chồng chết vì tai nạn, đứa con duy nhất chết vì bệnh hiểm nghèo, thân góa phụ đau yếu ….! Tình thương tự khắc trào dâng, và như một nam châm vô hình họ đến với nhau, “để lại phía sau tất cả lời khen chê của bạn bè, đồng nghiệp” (Trang 333), mà rồi Tân cũng tự cảm thấy “Tình yêu dành cho Thúy, là tình yêu không hề có chút dối lòng”, với Thúy, “Thúy một người con gái dũng cảm dám vượt qua mọi lễ giáo thường tình để đến với tình yêu do con tim mình mách bảo” (Trang 348).
Giáo dục vùng cao Mường Kham và cuộc sống gia đình đang ổn định sau mười mấy năm chắt chiu gây dựng thì sự kiện “người Hoa” bùng lên, rồi chiến tranh biên giới bất ngờ, làm xáo trộn tất cả. Hiệu trưởng Lê Quang Tân trở thành Tiểu đội trưởng tự vệ bất đắc dĩ trực tiếp chiến đấu. Chiến tranh thật ác độc. Nhà báo Vũ Nguyên Liên đang hoàn thiện bài phóng sự gương “người tốt việc tốt” về nhà giáo Lê Quang Tân thì ngã xuống dưới làn đạn quân “bành trướng”. Trần Minh Hiển, em vợ, một giáo viên trẻ xung phong lên vùng cao, bị thương nặng trong trận đánh trả quân địch. Rồi Bùi Quốc Thư, chiến sĩ trẻ, con trai của Lụa người vợ chưa đăng ký kết hôn gần 20 năm trước, anh dũng hy sinh ngay trên chiến hào cùng Tân. Nỗi đau trào lên, trào lên ép vào lòng người Hiệu trưởng, xóa nhòa những năm tháng vất vả mà thanh bình. Lê Quang Tân hiểu rằng: Hạnh phúc nào có được, cũng không êm đềm, thậm trí phải đổi cả nước mắt và máu.
Chiến tranh biên giới qua đi. Mường Kham dần trở lại ổn định. Tân được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội. Con trai Lê Quang Sơn được Ty giáo dục điều về làm giáo viên cấp 3 Mường Kham. Cô giáo Thúy, vợ Tân tham gia ban thư ký Công đoàn. Thu, con gái út, chuẩn bị vào đại học. Một kết thúc có hậu với Lê Quang Tân - cuốn phim cuộc đời có đủ hồn nhiên, mơ mộng;buồn và vui, xót xa mà bản lĩnh, nghị lực; cũng có sự ly kỳ đến khó lý giải. Tuy đoạn đường tạm khép lại, nhưng sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao vẫn đang chờ ở phía trước. Sự nghiệp ấy, chắc chắn sẽ có sự kế thừa từ hai nhân vật: cha –con, Lê Quang Tân và Lê Quang Sơn.
3. Đọc Trầm tĩnh những nẻo đường, tôi cảm nhận:
Nhân vật Lê Quang Tân phảng phất bộ mặt phát triển giáo dục vùng cao ở Tây Bắc. Nhớ lại: Năm 1959, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, một lớp thanh niên sư phạm từ các tỉnh miền xuôi, tình nguyện lên miền núi. Họ tỏa về các làng bản- những nơi còn mù mờ dân trí, để hôm nay, đất nước có một nền giáo dục đào tạo vùng cao bình đẳng, song hành cùng cả nước. Thành quả, ai cũng dễ nhìn, nhưng đường đi dằng dặc, gian nan, không mấy ai biết nổi?
Trầm tĩnh những nẻo đường như một thông điệp, lại như sự tâm tình của thế hệ nhà giáo khai trí vùng cao với lớp trẻ hôm nay. Đó là tính tư tưởng, có trong nội dung và bút pháp của tiểu thuyết.
Tác giả Quang Bách chọn lối hành văn tự sự. Hình như cá tính ông ảnh hưởng đến cá tính nhân vật. Không ồn ào, không dữ dội, thậm chí có phần lặng lẽ, lặng lẽ hành động, lặng lẽ xử lý tình huống cuộc sống. Phải chăng cá tính trầm tĩnh của người viết làm nên chất “trầm tĩnh” của tiểu thuyết ? Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều nhà giáo lên miền núi dạy học đầu những năm 60 của thế kỷ trước, và nghe họ tâm sự. Có thể nói, những nẻo đường giáo dục vùng cao thời ấy, đã buộc họ phải thích ứng với môi trường, với đồng bào dân tộc, học trò dân tộc. Muốn hoàn thành trọng trách và có sự thành công, phải đơn phương chấp nhận. Biết làm sao được?
Tiểu thuyết Trầm tĩnh những nẻo đường, dồi dào nguồn tư liệu sống. Nhưng đọc hơi mệt. Có lẽ do tác giả nặng về lời kể, và hơi ham sự việc diễn ra trong đường đời nhân vật. Nếu người viết chỉ chọn một số sự việc mang tính sự kiện, đẩy nó lên thành kịch tính, chi tiết đến từng câu chữ trong diễn biến, trong đối thoại, trong hình ảnh… Nói cách khác, sự kiện và nhân vật phải được gia công hư cấu, thoát khỏi cái bóng hiện thân người kể chuyện, chắc rằng tiểu thuyết sẽ cô đọng và sinh động. Sức thông điệp cũng sẽ mạnh hơn, ám ảnh người đọc hơn. Giúp cho tiểu thuyết có giá trị nhiều mặt, nhất là giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.
Trầm tĩnh những nẻo đường, tiểu thuyết không chỉ về nhà giáo, mà còn là về một sự nghiệp - sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng cao, đang rất cần được ngành giáo dục và toàn xã hội biết đến.
Tháng 11 năm 2020
HLK
([*]) Tham luận tại Hội thảo: “Quang Bách - tác giả Văn xuôi” do Chi hội Văn xuôi, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái tổ chức, tháng 12 năm 2020.