Trên bìa cuốn sách của Triệu Xuân có phụ đề: “Mafia”, còn thật ra, theo ý tác giả, “Lẽ ra cuốn sách có tên là VN. Mafia”. Những lời đồn đại, hình dung về nạn tham nhũng, tội ác ở xã hội Việt Nam, đến lượt văn chương đã dựng đích danh, không ngần ngại né tránh! Tôi không làm việc thường nhật của các bài giới thiệu sách là kể lể cốt truyện Sóng lừng. Việc ấy, với một tác phẩm bao quát hiện thực khá rộng rãi về thế giới đen tối, quái ác trong lòng xã hội, sẽ phản lại tiểu thuyết bởi cách đơn giản hóa bằng sự kiện. Giữa biển khơi, bỗng dưng gió thổi mạnh, từng đợt sóng lớn nổi lên, đầu tròn hình thoai thoải. Đó là loại Sóng lừng. Xã hội thời nào chẳng có tham nhũng và tội ác. Nhưng khi chúng hoành hành ngang nhiên, bất chấp luật pháp và thao túng mọi nơi, mọi lúc, thì quả là Mafia lộ nguyên hình, không còn ẩn nấp bên dãy đá ngầm dưới biển sâu, mà vươn vòi bạch tuộc đến những nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường, hất cả những số phận nhỏ nhoi tội nghiệp ra chốn biển cả trần gian.
Bắt đầu từ những vụ làm ăn, kinh tế, tiểu thuyết của Triệu Xuân phơi ra trước mặt mọi người thế lực Mafia trên khắp địa bàn: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa… câu chuyện tưởng chẳng bao giờ dừng lại được, vụ nọ dính liền, kéo theo vụ kia, nơi này liên quan nơi khác; có lúc trải dài suốt chiều dài đất nước, vượt qua khỏi phạm vi quốc gia. Vậy mà, chủ nhân cuộc chơi vỏn vẹn đôi ba người sống trên địa bàn một đô thị, và một ông “Vua không ngai” ở xa tít tắp, thường xuyên hộ mệnh cho bọn quỷ Satan lúc lâm trận. Đó là bọn người hãnh tiến, “tư sản đỏ”, lý lịch cuộc đời có thể gói gọn những từ: ngu đần, nhưng ma mãnh, thô tục, dâm dục và tàn ác. Chúng lại quá thừa điều người lương thiện quá thiếu: Quyền lực! Kề vai sát cánh là những kẻ “đục nước béo cò”, thậm chí là những kẻ có tội với nhân dân, với dân tộc. Lớp giữa là những người bị lợi dụng, lơ ngơ và dốt nát. Đối lại là tầng lớp số phận con cò cái kiến – tình yêu, nỗi đau và trách nhiệm của những người dũng cảm, khôn ngoan nhưng không kém phần đơn độc: “Một mình chống Mafia”.
Bạn đọc có thể đượm buồn khi đọc Sóng lừng, bởi một lần nữa lại chứng kiến cuộc sống nhầy nhụa, bẩn thỉu đầy mưu ma chước quỷ của những con thú mang bộ mặt người một cách trần trụi, đậm đặc hơn chúng ta thường biết hàng ngày. Điều đó có nên không? Sự thật, dù tồi tệ được phơi ra ánh sáng vẫn có ích hơn nhiều so với lớp sơn hào nhoáng che đậy, cất dấu chúng; bởi “Hoạt động của bọn tham nhũng, bọn mafia đang diễn ra ngày càng tinh vi và ác liệt. Cũng như số phận của nhân vật chính trong tiểu thuyết này, vấn đề chống Mafia không thể dễ dàng kết thúc êm đẹp. Cuộc sống là như vậy”. (Lời bạt của Triệu Xuân). Hơn thế nữa, giữa thế giới mà có kẻ tự xưng “tao là luật pháp. Tao nắm tất cả!”, chẳng phải ai cũng chịu yên, để mặc cho sự nổi trôi của số phận và đồng loại. Tiểu thuyết của Triệu Xuân không hề là khúc khải hoàn của cái thiện thắng cái ác. Đó là hành trình gian nan, cay đắng, đẫm đầy nước mắt và cả máu để đến với sự trong sạch, yên lành và tốt đẹp. Giá như không có đau thương vẫn tốt hơn! Nhưng biết làm sao được, bới hoa hồng từ ngàn xưa đã mọc lên từ máu của đôi chân người dũng sỹ. Hành trình ấy, mất mát và đau thương cũng là tất yếu!
Ở Sóng lừng, Triệu Xuân đã xây dựng được một số tính cách nhân vật rõ nét: Tám Đôn, Thức, Ngô Hữu Tiền, Thiên Kim... Đó là bản danh sách tử thần của những người lương thiện, những kẻ “cầm quân” trong cuộc chơi tàn nhẫn. Ngược lại, anh thiếu hẳn những bộ mặt sinh động của những “người chống mafia”, cho dù trong tác phẩm sự hiện diện của họ như: Thiếu tướng Ba, Thiếu tá Dung gần suốt lộ trình. Cuộc đời của họ cũng lắm nỗi truân chuyên nhưng bút lực nhà văn không lột tả được những phức điệu về tâm hồn, tính cách, so với những gì họ đã làm. Dường như mọi cố gắng của Triệu Xuân là phơi trần thật sâu đậm những lớp sóng lừng Mafia, nên tiểu thuyết của anh là cuộc chạy đuổi theo sự kiện và thực tế. Bởi vậy nhiều trang tiểu thuyết đã ít chất văn, nhiều chỗ nhà văn kể lặp lại, thậm chí dùng từ Nam Bộ chưa nhuyễn trong khi anh viết về mảnh đất sôi động này.
Chỉ ra được Mafia trong xã hội là điều khó. Chúng như một thế giới ngầm - từ trong tiểu thuyết - giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng vì đâu tồn tại thế giới ấy? Không phải không có, song Sóng lừng chưa phân tích được hết cội nguồn, gốc rễ của chúng một cách cặn kẽ. Đòi hỏi như thế có quá chăng, trong khi chính nhà văn đã nhắn nhủ với bạn đọc rằng sau Sóng lừng sẽ là một loạt tiểu thuyết về vấn đề Mafia? Tôi tin đó cũng là đòi hỏi của bản thân nhà văn.
Một mai, khi sóng cả gió to không còn nữa, người dân lương thiện Việt Nam ngồi trước đèn yên tâm chỉ có mỗi một bóng đen sau lưng mình là của anh ta thì Sóng lừng là dấu vết của một thời đã qua. Còn bây gờ? Hết thảy vẫn là thời sự.