Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỚI NHÂN VẬT LICH SỬ VÕ NGUYÊN GIÁP

Nguyễn Khắc Phê
Thứ bẩy ngày 21 tháng 12 năm 2019 6:52 AM




 

(Đọc tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long” của Nguyễn Thế Quang – NXB Tổng hợp TPHCM, 2019)


Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp (VNG), “thiên hạ” thường nghĩ đến người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy trao quyền chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại rừng Việt Bắc 75 năm trước và “đêm trắng” của ông khi phải hạ lệnh cho “kéo pháo ra” - một quyết định có tính lịch sử, từ đó mới có “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Những điều này mọi người đã biết. Và không chỉ có vậy. Qua cà “rừng” sách báo viết về VNG, “thiên hạ” đã biết rõ cuộc đời vị danh tướng không chỉ được nhân dân Việt Nam tôn vinh, từ tuổi ấu thơ bên dòng Kiến Giang đến cuộc đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng trên mũi Đảo Yến tuyệt đẹp ở Quảng Bình vào một ngày cuối thu sáu năm trước.

Vậy nên khi được biết Nguyễn Thế Quang (NTQ) chuẩn bị bắt tay viết tiểu thuyết về VNG, mặc dù đã biết anh từng có kinh nghiệm qua 3 tiểu thuyết lịch sử viết về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Hoàng Thị Loan, tôi vừa tò mò, vừa hồi hộp nói:

- Chưa biết bạn sẽ chọn phương sách nào để có thể tiểu thuyết hóa cuộc đời một vĩ nhân đã có quá nhiều sách báo nói đến? Tôi nghĩ bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn 3 cuốn trước đó vì “ba cụ” dù sao cũng “xa cách” chúng ta quá lâu rồi, nhà văn dễ hư cấu và tưởng tượng; còn Võ đại tướng, bao nhiêu nhân chứng sống và chiến đấu cùng ông còn đó…

Câu trả lời của NTQ phải sau… 4 năm tôi mới nhận được. Phải! Chỉ qua tác phẩm đã hoàn thành, chúng ta mới biết “mẹo” (nói theo thuật ngữ văn học của G.S. Phan Ngọc) và cả chính kiến của nhà văn. Bây giờ thì “Đường về Thăng Long” (ĐVTL) dày gần 600 trang khổ lớn đã chính thức ra mắt bạn đọc khắp cả nước. Từ tên tác phẩm, chúng ta đã thấy phần nào cách tiếp cận đề tài của NTQ là không chỉ miêu tả một danh tướng VNG mà mở rộng diện phản ánh một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước với nhiều nhân vật trí thức tên tuổi khác nữa.

Ngay từ đoạn mở đầu tiểu thuyết, khi xe đưa VNG và Chánh Văn phòng Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) từ Hải Phòng về, qua cầu Long Biên một chiều cuối đông năm Ất Dậu (đầu 1946)… - nếu như làm phim sẽ là một cảnh rất “đắt”; có thể nói như vậy, vì VNG chợt thấy qua cửa xe một nhân vật cũng rất nổi tiếng, “một người đàn ông khoác chiếc áo da phi công, chân đi giày da đang đứng bên lan can cầu, nhìn xuôi theo dòng nước…Ai thế nhỉ? Trông quen quá!... Một gương mặt sáng sủa, vầng trán cao, đôi mắt hơi sâu…” Đó là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, lúc này là đảng trưởng Đại Việt! “Cảnh phim” báo hiệu một cuộc “đối đầu” không hề đơn giản, dù không có tiếng súng nổ!

Và chỉ trong cảnh đó, VNG đã nhớ lại, cùng lúc quân Tàu (Tưởng) tràn vào miền Bắc, Nguyễn Tường Tam cũng từ “Tàu” về nước và tối 19/9/1945 đã tới Bắc Bộ phủ đòi gặp Hồ Chủ tịch để tranh quyền lãnh đạo Chính phủ. VNG là người tiếp ông ta đầu tiên và cũng chính VNG, ngày 31/81945, đã đánh điện sang Trùng Khánh mời Nguyễn Tường Tam về nước cộng tác với Chính phủ lâm thời. Vậy nhưng vừa gặp VNG, Nguyễn Tường Tam đã gay gắt “phản pháo”: - “…Nhưng tôi lại muốn mời anh cộng tác cùng chúng tôi!”

Cuộc đối thoại tiếp theo vắn tắt, đầy kịch tính mà thú vị, nhưng để dành cho bạn đọc khi mở sách. Cũng là điều thú vị, chính vào giờ phút VNG qua cầu Long Biên, ông bồi hồi nhớ lại chuyến trở về Thăng Long hồi tháng 8/1945, sau khi sang Trung Quốc tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, bên niềm vui trước thắng lợi của cách mạng là nỗi buồn riêng khôn nguôi: Quang Thái - người vợ yêu quý của ông đã qua đời trong nhà tù Hỏa Lò từ năm 1944!

Chính sự, thế cuộc và tình riêng đan xen như thế trong rất nhiều chương của ĐVTL là một yếu tố làm nên sức cuốn hút của tác phẩm. Về nghệ thuật, ĐVTL vẫn theo cách viết truyền thống, nhưng tác giả đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong bút pháp, kết cấu hiện đại hơn so với các tiểu thuyết trước đây của mình . Điều nổi bật nhất là chất đối thoại, phản biện bao trùm toàn tác phẩm, xuyên suốt trong từng nhân vật, giữa các nhân vật, cuốn người đọc vào những cuộc đối thoại không ngừng. Nói cho công bằng, do tác phẩm “động chạm” đến rất nhiều nhân vật hiện đại có tầm cỡ lớn trong giai đoạn biến động phức tạp của lịch sử nhưng, với dung lượng có hạn, tác giả lại không dễ “hư cấu”, phóng trí tưởng tượng vượt ra ngoài quan niệm, đạo lý đang được xã hội công nhận, nên một số nhân vật còn sơ lược. Đó là điều không thể tránh khỏi. Bạn đọc cũng có thể còn đòi hỏi tác giả trau chuốt văn chương hơn nữa, ngôn ngữ đối thoại cần “cá tính hóa” hơn nữa…

Tuy vậy, bằng thủ pháp “hồi cố” gần như xuyên suốt tác phẩm, mặc dù NTQ chỉ chọn miêu tả trực tiếp những hoạt động của VNG trong năm 1946, mở đầu là chuyến đi của ông vào các tỉnh phía Nam theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, để chuẩn bị đối phó với mưu đồ tái chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, tác giả đã mở rộng không-thời gian tiểu thuyết, giúp bạn đọc “tiếp cận” với nhân vật lịch sử VNG và không ít tên tuổi khác từ các góc độ mà “chính sử” không thể hiện được. Ví như cảnh gặp gỡ rất cảm động, khi VNG trên đường vào các tỉnh phía Nam, ghé Quảng Bình được gặp lại song thân đang nuôi dạy bé Hồng Anh và nhớ lại tuổi thơ ở quê hương, được ông ngoại từng là “chiến binh” dũng cảm thời Cần Vương kể cho nghe truyền thống đẹp đẽ của vùng đất có núi non tượng hình ông Văn ông Võ đứng cạnh nhau, rồi khuyên bảo cháu: “Con người Văn Võ song toàn mới làm được nhiều ích lợi cho giang sơn.”

Ba chương sách miêu tả VNG ghé Huế và Vinh trong chuyến đi đầu năm 1946 ấy cũng đem lại cho bạn đọc những cảm xúc và hiểu biết phong phú.

“Xe của Bộ trưởng VNG vào Huế khi chiều đông đã xế…Anh nói với các cộng sự mà cũng như nói với chính mình:

- Hai mươi mốt năm trước, mình đã học ở đây, rồi ở lại hoạt động hơn bảy năm trời.”

Tác giả đã miêu tả giờ phút đầu tiên VNG trở lại Huế vào một ngày tháng 1/1946 như thế. Chiếc xe đã dừng lại trước cổng trường Quốc học, lúc đó quân Tàu Tưởng đang tạm trú, nhưng bao kỷ niệm cũ ào ạt sống lại trong tâm trí VNG. “…Gương mặt Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Thúc Hào… thầy Võ Liêm Sơn, thầy Lê Thước, các thầy người Pháp … vẫn như hiển hiện trước mắt anh. Lần đầu tiên ở đó, anh được biết đến ba chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái…”

Cũng chính ở đây, lần đầu tiên VNG trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ danh dự Tổ quốc mình khi cùng các bạn học bãi khóa quyết liệt để phản đối viên giám thị vu cáo anh Nguyễn Chí Diễu cóp-pi và dám miệt thị “Đồ An Nam bẩn thỉu”… Lần này, về lại “chốn xưa”, anh Nguyễn Chí Diễu đã mất, nhưng sau buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Huế, VNG nói với Hải Triều Nguyễn Khoa Văn:

“ - Chúng mình đi dạo một lúc được không?

- Được chớ! Chỉ sợ đồng chí Bộ trưởng mệt thôi.

Giáp nhìn vào mắt Hải Triều:

- Đừng gọi mình như thế. Chính phủ giao thì mình phải làm. Với Giáp, Nguyễn Khoa Văn bao giờ cũng là người anh thân thiết, người bạn chí tình - người đưa Giáp đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để Giáp có được ngày nay.

Hải Triều chợt nhớ: Ngày ấy, tháng Ba năm 1927, mình đã gọi Giáp và Diểu đến nhà cho đọc Le Procès de la Calonisation Francaise (Bản án chế độ thực dân Pháp) của Nguyễn Ái Quốc. Cậu ấy vẫn nhớ điều đó.

- Chúng mình đi đâu? Hải Triều hỏi.

- Ra bờ sông. Bao năm rồi mình không được ngắm sông Hương...”

Với Huế, VNG nhớ nhung đâu chỉ vì vẻ đẹp núi Ngự sông Hương mà là nơi tích tụ những dấu ấn lịch sử, những tấm gương bất khuất có khả năng bồi đắp tinh thần yêu nước của bao thế hệ. Cũng trong buổi “đi dạo” cùng Hải Triều đêm ấy, cả hai cùng nhắc nhớ lại lần lên thăm cụ Phan trên dốc Bến Ngự buổi sáng xuân Đinh Mão 1927. Qua ngòi bút nhà tiểu thuyết, bạn đọc hôm nay được “sống lại” không khí gần một thế kỷ trước cùng với các trí thức tên tuổi không chỉ của Huế.

“…Sáng xuân ấy trời se lạnh. Tuy đến sớm nhưng trong nhà đã có bà Đạm Phương, cô Trần Thị Như Mân, chị Bội Lan, chị Thể Chi, cùng mấy cô và Nguyễn Khoa Văn. Thầy Võ Liêm Sơn chắp tay kính cẩn nói:

- Kính thưa cụ. Hôm nay một số thầy trò trường Quốc học đến đây xin bày tỏ sự ngưỡng mộ bậc chí sĩ anh hào, kính chúc cụ vẫn khang cường để bày vẽ cho lớp hậu sinh luôn tấn tới.”

Trong buổi gặp gỡ ấy, VNG lúc đó còn là cậu học Quốc học Huế mang tên Võ Giáp, được nghe cụ Phan đọc bài thơ chúc Tết thanh niên: “Trời đã mới người càng nên đổi mới / Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội / Ghé vai vào xốc vác cựu giang sơn…/ Đúc gan sắt để dời non lấp bể / Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ / Mới thế này là mới hỡi chư quân…”

Chính là với tinh thần ấy, VNG cùng nhiều bạn trẻ thời ấy đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước và đã bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ. Ở đây, VNG đã gặp lại cô nữ sinh Đồng Khánh Quang Thái. Và như thế, với VNG, Huế còn là nơi ươm trồng mối tình đầu đẹp đẽ của anh.

Có lẽ cũng nên trích dẫn thêm một chương tác giả miêu tả cảnh VNG sau khi vào tận mặt trận ác liệt Nam Trung Bộ đầu năm 1946, trên đường trở lại Hà Nội, đã ghé về Vinh. Tôi dùng chữ “về”, vì ở Vinh, VNG đã sống một quãng thời gian rất có ý nghĩa với thầy Đặng Thái Mai và gia đình nho sĩ họ Hồ, bao lần thân thiết trò chuyện với Nguyễn Thị Quang Thái như trong nhà mình.

Nhờ thủ pháp hồi cố”, bạn đọc được biết đầu năm 1932, VNG ra Vinh theo gợi ý của thầy Đặng Thai Mai. VNG được cụ Cử Hồ Phi Huyền cho về ở trong nhà cùng con rể là Đặng Thai Mai; cả hai được cụ Cử rộng lòng cưu mang, dù nhà Nho xứ Nghệ rất thanh bạch. Cụ đậu cử nhân lúc 21 tuổi cùng khóa với Phan Bội Châu, hoạt động cứu nước cùng cụ Đặng Nguyên Cẩn - thân phụ của Đặng Thai Mai. Bị tù. Ra tù. Dạy học, làm thuốc, nghiên cứu triết học. Năm 1933, cụ công bố cuốn “Nhân đạo quyền hành”. Đây là tác phẩm triết học lớn vừa kế thừa tư tưởng Nho giáo vừa gửi gắm những suy nghĩ mới mẻ của riêng mình. Vậy nên, được ở với Cụ, VNG đã thốt lên: "Mình lại gặp được một bậc thầy nữa rồi…" Như thế, đâu chỉ vì cuộc sống cơm áo, những năm tháng ở Vinh, VNG đã học được bao điều bổ ích khi được ở cùng những con người uyên bác như cụ cử Huyền và Đặng Thai Mai. Và cũng chính tại thành Vinh, tình yêu chớm nở giữa VNG và Quang Thái từ Huế mới như một mầm non gặp đất phì nhiêu, đã thành cây xum xuê hoa lá…

“…Đêm hè tháng 7-1933, tại đây anh đọc cho Thái nghe bài thơ của Louil Aragon “Tháng bảy của tuổi xuân”: …Màu tháng bảy là màu Pháp quốc / Tháng cẩm chướng nở hoa / Tháng dân chúng đã ghi / Trên nhà ngục Bastile...”

…Giáp nói với Thái về thơ Huygo, về nỗi đau của những người đi biển trong bài thơ "Đêm đại dương," vẻ đẹp của hình tượng lão nông trong bài "Người gieo hạt". Tiếng Giáp trong, thỉnh thoảng đọc nguyên văn tiếng Pháp, giọng đầy xúc động. Thái nghe, trong mắt như có lửa, như muốn nuốt từng chuỗi âm thanh ấm áp. Tim đập rộn ràng, lòng Thái như say. Cả hai người như say…”

Qua những trang tác giả tái hiện VNG thời trẻ ở Huế và Vinh, bạn đọc hiểu thêm nhân cách, tài năng VNG đã được hình thành như thế nào. Nói cách khác, VNG là con người có khả năng đặc biệt biết hấp thu những tinh hoa của dân tộc và của cả thế giới nữa…

Trong chuyến đi mùa Xuân đầu năm 1946, sau khi vào mặt trận Khánh Hòa-Nha Trang, VNG còn lên kiểm tra tình hình Tây Nguyên rồi mới trở ra Hà Nội cùng với các thành viên chính phủ cụ Hồ, vừa kiên quyết, vừa khôn khéo đối phó với thủ đoạn của thực dân Pháp cùng những âm mưu giành thế lực của các đảng phái khác … NTQ đã dành cả phần 2 ĐVTL tái hiện giai đoạn này. Bạn đọc sẽ có dịp “gặp lại” hầu như toàn bộ các thành viên Chính phủ cụ Hồ cùng những trí thức, nhân sĩ tiêu biểu nhất (trong đó có cả vua Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh…) với những trăn trở suy tư thầm kín của mỗi người trước thế cuộc và tại các cuộc đàm phán gay go…

***

Như đã viết ở trên, “mẹo” của NTQ là tránh viết về những điều mà thiên hạ đã biết về VNG, nên ít nói đến những chiến công. Tuy vậy, chỉ trong chương miêu tả cảnh VNG họp với Bộ chỉ huy mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa khi cuộc chiến không cân sức ở đây đến giờ phút có tính quyết định, đã cho thấy tầm vóc một danh tướng trong tương lai không xa và gợi nghĩ đến quyết định “kéo pháo ra” ở Điện Biên 8 năm sau. Trong khi ai đến cuộc họp “cũng nghĩ sẽ có chỉ thị quyết đánh, quyết giữ Nha Trang, giữ mạch máu liên lạc với Nam Bộ và nhìn về phía Nguyễn Sơn – vị tường lừng danh ở Trung Quốc” thì VNG, sau khi lắng nghe ý kiến mọi người, phân tích tương quan lực lượng đôi bên, đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Vậy cố thủ giữ trận địa có nên không? Có thành công không? Có phải là giải pháp tốt nhất không?” Và sau khi nghe VNG trình bày phương án chủ động rút quân, bảo toàn lực lượng “chia thành từng đơn vị nhỏ bám dân, chia cắt địch mà đánh… tạm thời mất đất như tuyệt đối không để mất dân. Trận địa lớn nhất là lòng dân. Sức mạnh lớn nhất cũng ở nhân dân…” Nguyễn Sơn cùng Nguyễn Minh Vĩ, Chủ tịch Khánh Hòa đã đồng tình. Quả nhiên, khi ta vửa rút lực lượng chính vào chiến khu Đồng Trăng thì Pháp cho 15.000 quân cùng binh đoàn thiết giáp Masu tấn công từ hai hướng… Trần Công Khanh nói với Hà Văn Lâu: “Đồng chí Văn tính việc như thần, tránh cho chúng ta một tổn thất lớn.”

Có thể nói đây là cuộc “tập dượt” đầu tiên của vị Tổng tư lệnh tương lai cũng là của quân đội Việt Nam trước một đối phương có vũ khí vượt trội thể hiện tinh thần quyết chiến đồng thời biết cách bảo tồn lực lượng để giành thắng lợi cuối cùng. Trận đánh tại Hải Phòng cuối tháng 11/1946 và cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội tháng 12/1946 được miêu tả phần cuối tác phẩm chính là thể hiện tinh thần đó.

“Đúng 8 giờ 20 phút đêm 19/12, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu.

“Tổ quốc lâm nguy!

Giờ chiến đấu đã đến!

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung – Nam – Bắc phải nhất tề dứng dậy.

Phải xông ra mặt trận giết giặc cứu nước…”

Cũng chính vào thời khắc lịch sử này, sau khi nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, VNG cùng “Vương Thừa Vũ xuống chiến hào, tơi một góc phố… Một quả đạn cối ụp xuống nổ cách đó không xa, mùi thuốc súng khét lẹt… Thật bất ngờ, từ chân chiến lũy, một tiếng hát trẻ trung vút lên: “Ơi Thăng Long, ơi Thăng Long ngày mai… xây đắp vinh quang bằng chí khi anh hùng…”

Ít ngày sau, VNG nhận được tin quê hương Lệ Thủy cũng đã bị giặc chiếm và thân phụ ông bị bắt. “Bích Hà nghe được, vội bước ra nhìn Giáp, nước mắt ứa ra… Chị nắm chặt tay Giáp. Anh nhìn chị, cặp mắt đầy yêu thương như có lửa. “- Giặc ngoại xâm đến, dân tộc mình có nhà nào không phải chịu đau thương. Em vào chuẩn bị hành lý đi…”

VNG cùng những chiến sĩ tạm rời Hà Nội bước vào cuộc trường chinh gian khổ… “Giáp cảm nhận gánh nặng giang sơn đè nặng lên vai mình. Anh chợt nhớ đến Vĩnh Thụy, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam…họ đang ở phương nào?... Dẫu sao thì ta vẫn phải quyết chiến và tìm con đường ngắn nhất về lại Thăng Long…”

***

Giữ đúng lời hẹn, 8 năm sau, đội quân chiến thắng dưới quyền Tổng tư lệnh VNG đã qua cầu Long Biên về lại Thăng Long và ngày 1/5/1955, lễ duyệt binh mừng bộ đội và chính phủ trở về Thủ đô diễn ra giữa cờ hoa rực rỡ. Trong phần “Vĩ Thanh”, tác giả đã miêu tả cuộc gặp gỡ thật có ý nghĩa sau lễ duyệt binh ấy giữa các nhân sí trí thức tiêu biểu nhất thời đó:

“…- Một cuộc Thăng Long tái ngộ thú vị. Bây giờ các cậu có thể họp Hội đồng Giáo dục Tư thục Thăng Long được rồi.

Đặng Thai Mai nhìn Phan Anh và Võ Nguyên Giáp.

- Tiếc rằng bọn mình còn thiếu một người.

- Người nào?

- Anh Nguyễn Tường Tam.

Cả mấy người chững đi trong giây lát, VNGáp điềm đạm:

- Nghe đâu anh ấy có về nước và nay lại vào Sài Gòn rồi phải không?

Phan Anh trả lời:

- Đúng vậy. Hồi trở về Thăng Long, anh ấy có đến gặp anh Hãn. Anh ấy tuyên bố không làm chính trị nữa. "Làm chính trị khó lắm.. Tôi không đủ kiên định mà cũng không đủ bản lĩnh lại rất ảo tưởng. Mà chính trị là một mớ thực tế rối bong bong.” Anh ấy tuyên bố:”Tôi sẽ làm sống lại Tự lực văn đoàn…”

Một vị tướng khi đứng trên đỉnh cao quyền lực và vinh quang vẫn nghĩ đến những con người vì lẽ này hay cớ khác đã không đi cùng con đường với mình! Không phải ngẫu nhiên VNG có bí danh là
“Văn”! Chợt nghĩ: Có phải nhờ tính nhân văn cao đẹp ấy, lại biết hấp thu những tinh hoa của dân tộc và của cả thế giới - từ cụ Phan Bội Châu đến V.Huygo, từ Trần Hưng Đạo đến Napoléon Bonaparte - một thầy giáo trường tư thục Thăng Long đã trở thành danh tướng VNG?…

N.K.P.