Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh năm 1934 tại thị xã Hà Tĩnh, bút danh Vũ Ngàn Chi. Ông gia nhập vệ quốc đoàn từ rất sớm. Thời Kháng chiến chống Mỹ, ông là diễn viên Đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, diễn viên kịch nói của Tổng cục Chính trị. Ông còn sáng tác, làm thơ, viết văn và cũng làm biên tập viên, phóng viên cho nhiều báo, đài. Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1974, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Phạm Ngọc Cảnh đã xuất bản 15 tập thơ, tiêu biểu như Đêm Quảng Trị (1971), Trăng sau rằm (1985), Miền hương lặng (1993), Khúc rong chơi (2000)... Nhà thơ cũng viết một số bút ký khá nổi tiếng.
Lẽ sống và mạch chính của đời ông ta có thể hiểu thêm qua lời tự thuật: “… Tôi phải vượt qua nhiều khó khăn để đứng được trên sàn diễn hai mươi lăm năm. Diễn viên kịch là một nghề cao quý. […] Nhưng phía sau các vai diễn là lớp son phấn tạo sự hóa thân kỳ diệu… Vẫn muốn có tiếng nói riêng của mình.[…] Rồi bầu trời thơ ca mênh mông, cánh rừng thơ ca thăm thẳm, cuộc tìm kiếm thơ ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc ấy là của tôi. Một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Hai người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi nâng sức tôi bay tiếp” (Tự thuật) .
Cũng như phần lớn những nhà thơ quân đội, Phạm Ngọc Cảnh viết nhiều về người lính. Hình ảnh anh bộ đội trở đi trở lại trong thơ ông với nhiều góc độ khác nhau: trong chiến trận, giữa đời thường, khi dũng cảm chiến đấu hy sinh cũng như những giây phút thanh thản bên người thân, bên đồng đội. Mạch thơ lính hào sảng nổi trội ở sự nghiệp thơ ca ông mà tiêu biểu là bài thơ Sư đoàn sống động một thời. Những người con từ ruộng đồng, núi rừng đứng lên cầm súng vụt lớn nhanh trở thành những sư đoàn làm bạt vía quân thù, họ khái quát con đường xuất hiện và trưởng thành của quân đội nhân dân cách mạng:… Đêm trước nấp trong lùm bắn tỉa/ Sớm sau dàn trận chính quy/ Đến trận bão hiệp đồng cả nước/ Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi. Hay:.. Bất kỳ nơi đâu/ Hành quân/ Trùng điệp những sư đoàn/ Đi lên phía Bắc/ Tràn về hướng Nam/ Những vị tướng lại cầm quân đi đánh giặc.
… Này đây/ Doi cát Cửu Long xanh. Sư đoàn Châu Thổ, Giữa bãi sú, rừng tràm
Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ.
… Đón những sư đoàn/ Mang chiến thắng trở về
Rập bước/ Ca vang!
Để có chiến thắng, bao người lính đã ngã xuống. Phạm Ngọc Cảnh thể hiện rất cảm động sự nối kết, sức mạnh truyền thống tiếp nối của những người lính cách mạng. Người sống có trách nhiệm hơn, có sức mạnh hơn trước hương hồn người đã khuất:.. Những nấm mồ bè bạn dọc rừng xanh/ Lời thề trang nghiêm trước mỗi lần chiến dịch/ Nước mắt là bao đạn thắt quanh mình (Thơ cho một người lính trẻ). Ta chợt nhớ mấy câu thơ của một nhà thơ chiến sĩ thời chống Pháp: Mai môt bên cửa rừng, anh có nghe súng nổ, là chúng tôi đang cố tiêu diệt lẻ thù chung (Hoàng Lộc - Viếng bạn). Sự hy sinh của người đi trước dồn sức mạnh cho kẻ đi sau.
Nhắc đến Phạm Ngọc Cảnh, bên cạnh những Sư đoàn là nhớ đến Lục bát để dành, Trăng lên, Lý ngựa ô ở hai vùng đất… với những câu thơ đau đáu trong tim người. Anh nói về quê hương, về tình cha con, mẹ con thật nồng hậu:
… Đêm nào trời thật tròn trăng/ mẹ đem câu hát này giăng lưới chờ
bắt cho con cả mùa thơ/ mấy năm mẹ hát ầu ơ một mình
… Cha quen dành dụm nỗi buồn/ mẹ đem phơi với khô giòn nắng trưa
bắt con tép mại làm vua /con cáy làm giặc con cua làm hề…
(Lục bát để dành)
Có những câu thơ về mẹ nghe như một lời ca dao thuở nào về sự chở che đùm bọc bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn: mưa dồn bão đến bao vây/ mẹ che khô tạnh hết ngày chờ con… Nghĩ đến mẹ, không tự bằng lòng khi nghĩ mẹ đã vất vả mang nặng đẻ đau để sinh ra mình nuôi khôn lớn với bao khó nhọc mà mình còn chưa làm tròn bổn phận. Anh hối hận về sự bất lực của mình khi nhớ đến kỷ niệm những ngày buồn theo mẹ đi bên con sông quạnh quẻ nơi thị xã nghèo: Mẹ cõng con đi men theo cầu sông Cụt/ Rồi một đời hun hút trông theo/ […] Vô tích sự thằng con trai mẹ/ Găng cổ hát khắp rộng dài sông bể/ Câu dặm buồn năm tháng ai nghe?
Những câu thơ về mẹ gắn quê hương thời nghèo khó, nơi mảnh đất ví giặm khô cằn đọc lại không khỏi chạnh lòng: À ơi... xong lại… ơi à/ nhắc làm chi thuở xót xa con đường/ trắng trôi lạnh cóng thang giường/ đêm dài mong mỏi mẹ thường ru trăng (Lục bát để dành). Người đọc xót xa không thôi với hình ảnh người mẹ đêm đêm trông ngóng trong cô đơn lạnh cóng thang giường… Với những hình ảnh mà ta bắt gặp trong các câu thơ trên đây, phải nói rằng chỉ có những con người trải nghiệm nhiều ở miền đất khổ nghèo này mới cảm nhận hết, dồn nén vào cảm xúc của mình. Chỉ chừng ấy thôi cũng thấy Phạm Ngọc Cảnh gắn bó xiết bao với quê mình, mảnh đất khô nghèo quanh năm đầy gió bão.
Trong di sản thơ của Phạm Ngọc Cảnh không thể không nhắc đến phần thơ Tình yêu. Thơ tình yêu của ông dạt dào nồng thắm với một dáng nét riêng. Nó không sâu lắng xót xa như Lưu Quang Vũ, không đằm thắm hóm hỉnh như Phạm Tiến Duật hoặc trẻ trung mới mẻ như Nguyễn Mỹ. Nó chín chắn và chân thật pha chút lo âu, như cô lại tình yêu ngoài đời của ông vậy… Đó là cảm hứng bồi hồi khi nhà thơ gặp người con gái Huế với Sông Hương trôi êm sau xuân lửa Mậu Thân (1968): Tôi vô tư chẳng vô tình/ ngỡ ngàng một thoáng để nhìn sang em/ nhìn dòng sông Huế trôi êm / nhìn gương soi cả bốn bên rõ ràng (Trước dòng sông đẹp). Đặc biệt, cái vẻ đẹp sâu lắng và lạc quan qua âm hưởng tình yêu của hai vùng đất trong câu hát dân ca Lý ngựa ô, thắm đượm một tình yêu thử thách trong gian khó nhưng cũng tràn đầy đầy hy vọng: Đường đánh giặc chảy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu/... Suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện/ Suốt miền Trung núi choài ra biển/ Nên gập gềnh câu lý ngựa ô qua/ Anh đa tình nên cứ muốn lần theo/ Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm/ Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm/ Vạch lá rừng nhìn xuống quê em (Lý ngựa ô và hai vùng đất). Như ta biết Lý ngựa ô vốn là một bài dân ca miền cực Nam Trung bộ, thời kỳ đầu chống Mỹ, Phạm Ngọc Cảnh đóng quân ở Quảng Trị, làm thơ với bút danh Vũ Ngàn Chi, ở đây anh một lần đã nghe cô ca sĩ đoàn văn công quân đội hát bài này. Cảm xúc trào dâng nhà thơ viết bài thơ, lúc bấy giờ bài thơ rất được nhiều người ưa thích và cái thương hiệu Vũ Ngàn Chi nổi lên từ đó.
Có khi là một chút ưu tư vì hoàn cảnh chinh chiến biệt li đôi ngả: Vượt ngã ba này anh gặp/ Ngực ấm áo trăng em/ Em đứng đó/ chờ anh xiêu bóng/ triều nước dâng sông thức gọi nao lòng/ cuối cung đường ngã ba này giục giã/ dăm bước nữa vẫn chia về hai ngã/ có vậy mà như không… (Ngã ba Môi). Nhưng nhớ nhung, ưu tư một thoáng để rồi sau đó kỷ niệm giúp người lính thêm mạnh mẽ bước chân trên con đường đi tới.
Không thật may mắn trong đời tư. Bao tháng ngày chăm sóc người vợ ốm đau cuối cùng cũng phải li biệt âm dương. Cuối đời anh ơn người vợ xứ Thanh luôn nâng giấc an ủi mình… Một người mắc nợ nghĩa tình, nhà thơ cất lên tiếng lòng của sự chịu ơn: Mình thương nhau/ đất quặn lòng cho cây lá đắng/ bát canh múc đầu mường đầu bản/ cuối sông bát đũa/ rùng mình/… Anh ăn canh đắng nhà mình/ quên hết trần gian canh đắng lạ/ ăn mà tin/ khi thương khi giận khi đuổi khi mời/ khi cơm có thất thường thác đổ/ khi nước mắt đắng vào huyệt mộ/ bát canh nghèo/ em nuôi (Lá đắng nuôi chồng). Những câu thơ tình nghĩa, bình dị mà sâu lắng cất lên từ bao cuộc đời vượt qua gian khó của đời sống trong chiến tranh để hòa vào sự lớn lao của cuộc sống dân tộc mà trưởng thành.
Thơ Phạm Ngọc Cảnh lạ mà quen, là sự gắn kết niềm cảm hứng đậm tính hiện đại với âm hưởng truyền thống: thể tài, ngôn ngữ, hình ảnh mới mẻ nhưng đều khơi gợi nhiều nét xa xưa của làng xóm, ruộng đồng. Phạm Ngọc Cảnh luôn say mê với cái mới, có ý thức tìm tòi và cách tân thơ trên nhiều bình diện nhưng luôn giữ cho thơ cái hương vị chân thật, ấm áp của những câu hò, điệu Lý nơi quê kiểng.
Âm hưởng dân gian đậm đà trong thơ Phạm Ngọc Cảnh. Đó là những hình ảnh của miền quê Kinh Bắc với những hội hè, đình đám tiếng tình bằng vỗ khéo mặt trống cơm, với những tên làng tên đất tình yêu của sông Đuống, sông Cầu/ lúa nếp vùng Lim thơm lừng mặt ruộng (Bài hát về nhịp trống), với các liền anh liền chị mà tâm hồn tinh tế đa mang của nhà thơ luôn gợi nhớ Chén vơi quan họ ngà ngà/ lá răm mắt gió cuốn tha về vườn (Cỏ ngoài sông Đuống)… Đó là những liên tưởng mộc mạc đậm màu sắc dân tộc vùng cao Mèo Vạc/ cái hương nếp ví von cùng giọng hát/ với nồng say quê kiểng quấn quanh người (Uống rượu ở Nếnh), hòa cùng với nhịp điệu dân dã miền Trung nơi núi choài ra biển/ Nên gập gềnh câu lý ngựa ô qua/ (Lý ngựa ô và hai vùng đất), cũng là nơi có cầu Sông Cụt / với câu dặm buồn năm tháng ai nghe!
Về hình thức, bên cạnh thể tự do Phạm Ngọc Cảnh có nhiều đóng góp các thể thơ truyền thống, đặc biệt thơ lục bát. Thơ lục bát ngỡ dễ làm nhưng khó hay bởi sự ràng buộc vần luật, nhưng Phạm Ngọc Cảnh vẫn thoát ra với sự bay lượn nhẹ nhàng mới mẻ về vần điêu, ngôn từ: Người vờ nhấp chén lim dim/ người đàn nuốt nghẹn tiếng ghìm vu vơ (Long Thành đêm cũ). Hay: Tôi se sông Mã bện thừng/ buộc treo khúc tạ ơn từng dấu chân (Đôi mắt Tén Tần). Hoặc Một giọng Huế gọi eng ơi/ thế thôi mà đủ suốt đời đa mang (Người yêu tôi ở Huế)…
Nói về thơ Phạm Ngọc Cảnh không thể không nhắc đến thành công đột xuất của nhà thơ khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài Trăng lên, được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, là một trong số tác phẩm thành công nhất viết về lãnh tụ! Nó vừa thiêng liêng vừa gần gũi, sức sống lan tỏa như môt khúc dân ca đi vào lòng người. Tình cảm nồng đượm sâu lắng, hình tượng thơ bay bổng lung linh huyền ảo, nhạc điệu vừa êm ái, vừa thúc giục. Thể thơ năm chữ tác giả sử dụng khá thành công, tiếp nối cái mạch thơ năm chữ từ Trần Hữu Thung, Minh Huệ mà Phạm Tiến Duật từng chú ý một thời - “dòng thơ ngũ ngôn xứ Nghệ” giàu nội lực.
Trăng lên - kìa trăng lên/ quảng trường dâng biển sáng/ ôi vầng trăng Ba Đình/ mênh mông và thiêng liêng/…Trong lăng Bác chợt nghĩ/ như sau mỗi việc làm/ trăng ơi trăng biết thế/ trăng bước nhẹ nhàng chăng!... Như đầy thuyền trăng ngân/ rằm xưa sông Đáy hát/ Bác luận bàn việc quân/ dưới trăng rừng Việt Bắc
[…] Ôi vầng trăng xứ sở/ trong thơ Bác muôn đời/ xin được cùng gìn giữ/ hạnh phúc này thơ ơi..
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuât, Phạm Ngọc Cảnh sống trọn với tâm niệm của mình: một người lính, một người tình. Cả trong nghiệp diễn, cả trong sáng tác, ông đều trọn vẹn nghĩa tình. Ông viết về người lính với chất thơ khỏe khoắn, viết về tình yêu đậm đà, sâu lắng, viết về lãnh tụ trong sáng, bay bổng. Nhà thơ Vũ Quần Phương có nhận xét khá tinh tế khi cho rằng: Phạm Ngọc Cảnh là đại diện cho lứa nhà thơ khoác áo lính qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, kế thừa truyền thống và sức sống hiện đại, kết hợp giữa tính lãng mạn và hiện thực. /.
Nguồn Văn nghệ số 46/2019