Thật tình, tôi quý trọng ông hơn, sau khi đọc tiểu thuyết “Cẩm chướng đỏ” của ông. Cuốn tiểu thuyết, nói về số phận một trí thức, sinh trưởng và lớn lên tại một làng đồi trung du, trở về thủ đô học hành và quyết chí lập nghiệp. Duyên số thế nào, trở thành con rể một gia đình trí thức, có quyền vị trong xã hội. Hình tượng chàng trai rời xa làng đồi thanh bình, nhập cuộc vào cuộc sống đô thị, bao nỗi niềm, với bao được mất. Được hòa nhập vào gia đình nhà vợ danh giá, chàng trai làng đồi lại như có phần tự ty. Và càng lưu luyến với bao nhiêu kỷ niệm làng đồi. Dẫu là sự may mắn, thuận lợi có mở ra đấy, nhưng ký ức làng đồi nghèo khó càng thêm nặng lòng. Cho dù có được đi công cán sang phương trời châu Âu, thì số phận những người con bình dị, lam lũ của quê nhà càng day dứt, càng gắn bó với chàng tri thức gốc gác làng đồi.
Biết là tiểu thuyết với hư cấu văn học, sao tôi lại cứ mường tượng, ấy là cuốn hồi ký chân thành về cuộc đời ông. Hình tượng chàng tri thức quê làng đồi trong sách, thấp thoáng bóng hình ngoài đời của ông.
Nhà thơ Nguyễn Văn Toại sinh ra, lớn lên ở làng đồi Xuân Lũng (Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Người dân quanh vùng vẫn quen gọi, làng Dòng. Ở văn chỉ làng Dòng, có bia đá khắc bài minh Trùng thuyền bi ký- Bia ghi việc trùng tu Từ vũ (1793), có ghi “Xuân Lũng là nơi núi đồi mạch quý, đất tạo ra anh tài, người giỏi nườm nượp, hiền triết dồi dào, đoạt khoa chiếm bảng...”. Sử sách còn ghi, những người quê gốc làng Dòng, từng đỗ đạt cao, như Bùi Ứng Đẩu, đỗ Thái học sinh, năm Mậu Thìn, đời Trần, 1400. Nguyễn Doãn Cung, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, đời Lê Thánh Tông, 1469. Nguyễn Chính Tuân, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất, đời Lê Tương Dực, 1514... Đặc biệt, có Nguyễn Hãng, đỗ hương cống đời Lê, bỏ mũ áo quan, sống ẩn dật, nhưng tiếng tăm lớn, vua Lê Trung Hưng từng phong tặng “Thảo mao dật sĩ”. Ông là tác giả bài phú Tịnh cư ninh thế phú, Đại Đồng phong cảnh phú, một dấu ấn trong văn học Việt Nam thời trung đại.
Nguyễn Văn Toại rất tự hào với miền quê của mình. Ở đấy, tuổi thơ anh từng đắm mình trong màu xanh bạt ngàn của đồi cọ, đồi sơn. Những con đường đất sỏi chạy quanh quanh sườn đồi. Những ruộng nương vàng rực mùa lúa chín. Những cánh chim trời thơ thới trên tán cọ xòe mặt trời xanh. Những ngôi nhà tường đất trình, mái lợp cọ, sắn khoai nuôi dưỡng bao kiếp người. Tôi đi nhiều nơi, nhưng thấy chả có nơi nào mưa ấn tượng như mưa quê cọ. Những hạt mưa rơi trên tàu cọ, như tiếng trống, khi khoan khi nhặt. Mưa rừng cọ, ấn tượng không thể phai mờ, mà bao câu thơ các nhà thơ viết ra, chưa khỏa nỗi nhớ. Văn chương nết đất. Điều đáng lạ, ở làng Dòng lại nẩy nở, tập trung đến mấy nhà văn. Ấy là nhà thơ Nguyễn Thái Vận, giọng thơ đằm thắm, sống chân tình. Ấy là dịch giả tài danh Nguyễn Trung Đức, người có công lớn trong việc chuyển ngữ văn học Mỹ La tinh sang tiếng Việt. Những tác phẩm xuất sắc của Alejo Carpentier, Marquez, Octavio... qua các bản chuyển ngữ của ông, bạn đọc đánh giá như sự đồng sáng tạo. Tiếc là Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Trung Đức phải ra đi sớm, vì bệnh trọng. Nguyễn Văn Toại bảo rằng, nghiệp văn chương mà ông theo đuổi, âu cũng là bởi lớp tiền nhân của đất làng Dòng khích lệ. Sau ông, còn có Nguyễn Thị Minh Thông, Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Thanh Long, cũng lần lượt là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một làng đồi trung du nghèo khó, có sáu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, kể cũng khá đặc biệt. Không những thế, còn có nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, chuyên soạn nhạc giao hưởng. Có họa sĩ Đặng Thu Hương, vẽ tranh sơn mài rất đẹp. Ngoài ra, còn có hàng chục giáo sư, tiến sĩ khoa học các ngành.
Năm 1960, Nguyễn Văn Toại thi đỗ khoa văn, Trường đại học Tổng hợp. Khóa học ngày ấy, có nhiều người sớm thành danh trên con đường văn chương, như: Lữ Huy Nguyên, Mã Giang Lân, Diệp Minh Tuyền, Anh Ngọc, Xuân Tùng, Hoàng Lại Giang, Lệ Thu... Tốt nghiệp ra trường, với nhiều hoài bão, Nguyễn Văn Toại hăm hở khoác ba lô lên làm việc tại Đài Phát thanh Khu tự trị Tây Bắc. Bốn năm làm phóng viên, rồi biên tập của đài, là cơ hội cho việc bám sát thực tế các bản làng. Được gặp gỡ, học tập kinh nghiệm các nhà văn từng bám trụ miền Tây Bắc, như Cầm Biêu, Mạc Phi, Vương Trung, Thi Nhị... Năm 1966, Nguyễn Văn Toại có bài thơ “Thảo nguyên” được in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Khi được nghệ sĩ Châu Loan ngâm trên buổi phát thanh Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam, bài thơ càng được lan tỏa trong công chúng. Niềm vui hơn, bài thơ “Thảo nguyên” được chọn in trong tập thơ “Sức mới” của NXB Văn Học. Ngày ấy, tập thơ như định vị năng lực các cây bút trẻ. Những tác giả được in trong tập thơ này, về sau, đều là những tác giả chủ chốt của nền thơ nước nhà.
Sự may mắn mới lại đến với Nguyễn Văn Toại. Năm 1968, anh lại được chuyển về công tác ở báo Người giáo viên nhân dân. Ở đây, miền đất hoạt động được mở rộng, tầm khái quát trong anh được khai mở. Điều thú vị, trong báo có nhiều anh em mê văn chương, có nhiều người đã là tác giả danh tiếng. Từ năm 1972, anh lại chuyển sang Nhà xuất bản Phổ thông. Rồi bốn năm đi làm chuyên gia tiếng Việt của Nhà xuất bản Cầu Vồng (Liên Xô). Đấy là thời gian cho anh trau dồi kiến thức tiếng Nga. Để rồi sau đó, anh trở thành một dịch giả của gần hai mươi đầu sách.
Cuộc đời công chức của Nguyễn Văn Toại, xem ra an nhàn và suôn sẻ. Có người bạn học cùng, nói rằng, chính sự thong dong đường đời của Nguyễn Văn Toại, cũng ảnh hưởng đến giọng điệu thơ Nguyễn Văn Toại.
Nom bên ngoài con người ông, thấy sự chỉnh chu và suôn sẻ. Ấy vậy, có sống gần, mới thấy nội tâm ông cũng đầy giằng xé. Chúng tôi ở gần nhà nhau, một thời, cũng hay lang bang đây đó cùng nhau. Trong những chuyến đi, thì như khi trở về miền đất trung du, ông lại càng thêm hào hứng. Tôi còn nhớ, chuyến đi Phú Thọ, cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Phan Xuân Hạt, mà ông là người dẫn đầu. Thị xã Phú Thọ xinh xắn như một miền đất bỏ quên bên bờ sông Thao. Một đêm trăng sáng, quán nhỏ ven sông, mấy anh em mê văn chương ở thị xã, cùng anh em chúng tôi đàm đạo về thơ ca. Có người bốc lên, đọc một vài bài thơ mới viết, như để giao đãi cùng nhau. Khi ấy, Nguyễn Văn Toại bỗng trở nên hoạt bát, khẩu khí, khác hẳn một nhà thơ Nguyễn Văn Toại vẫn nghênh nghênh, ngơ ngác trước đám đông hội hè. Ông kể lại kỷ niệm thưở cắp sách tới trường cấp ba thị xã. Ngày ấy, thị xã trù phú và bình yên. Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thái Vận cũng từng học ở trường cấp ba thị xã này.
Có lẽ chuyến rồng rắn lên thăm nhà văn Sao Mai, trên đất Thanh Sơn, Phú Thọ, khó quên với anh em chúng tôi. Lại vẫn nhóm cũ. Ấy là nhà thơ Phan Xuân Hạt dẫn đầu, nhà thơ Nguyễn Văn Toại chỉ đường. Câu chuyện trên xe, quanh chuyện nhà văn mà chúng tôi đang đến thăm. Tuy là người cao tuổi, ấy mà ông Hạt kể chuyện rất sôm. Rằng cái ngày mới giải phóng thủ đô, ông Sao Mai có lần đến nhờ ông Hạt, đi bán giúp cái đồng hồ đeo tay, vì túng bấn. Độ ấy, ông Sao Mai có dính vào “nàng tiên nâu”. Phẫn chí nhiều mặt, ông Sao Mai đánh quả liều đưa vợ cả, vợ hai theo bè mảng, ngược sông Hồng, lên trú ngụ miền sơn cước Thanh Sơn. Ngày ấy, Thanh Sơn được xếp vào chốn “rừng thiêng nước độc”. Họ cùng ở với lợn rừng, cọp beo. Họ chung lưng trồng sắn, trồng khoai, chặt nứa bó bè thả sông Hồng về xuôi bán lấy tiền đong gạo. Họ chấp nhận gian khó, miễn được sống bên nhau. Bữa đói, bữa no, có hôm hết gạo, họ nấu cháo cám, cùng ăn qua bữa. Tình nghĩa tao khang, ông Sao Mai cảm kích tấm lòng của hai bà vợ, đã bỏ cả thú “nàng tiên nâu” khi nào không hay. Túp lều tranh chật hẹp, giữa ngút ngàn cỏ tranh của nhà văn Sao Mai lúc nào cũng chất ngất tiếng cười. Hạnh phúc, đôi khi là những nghĩa cử nhỏ bé. Ngày đi chặt nứa, phát cỏ tranh, trồng sắn, trồng khoai. Đêm đêm, mộng chữ nghĩa lại trỗi dậy. Đèn đóm không có. Bên túp lều tranh, hai bà vợ mỗi bà vác một bó nứa đốt đuốc cháy bùng bùng, soi sáng cho ông Sao Mai gò lưng viết văn. Chả biết, tiểu thuyết “Mắt chim le”, nhà văn Sao Mai có phải được viết trong bối cảnh bi tráng như thế?
Ngày nay, cư xá của nhà văn Sao Mai nằm giữa một miền đất trù phú. Đồi sắn, đồi chè xanh mướt. Những thửa ruộng lúa chín vàng dưới chân đồi. Tiếng chim gáy nồng đượm bên cây rơm. Bên cạnh tòa nhà xây sang trọng, vẫn còn túp lều tranh nứa lá thưở nào. Chúng tôi chui vào túp lều tranh nứa, để hình dung ra những ngày tháng gian nan của nhà văn lên đây lập nghiệp. Ai nấy đều kêu lên, rằng nhà văn Sao Mai là người hạnh phúc nhất. Ông xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Vì ông dám xả thân theo đuổi đam mê của mình. Với người khác, thì chả kể, chứ dáng điệu mô phạm tới mức ngơ ngơ của Nguyễn Văn Toại, sự kêu lên bất ngờ kia về quan niệm hạnh phúc, chúng tôi nhận ra phía sau đó, là cả nỗi niềm.
Có một lần, tôi chứng kiến sự bức xúc của ông với một người cùng cơ quan. Lại là người cùng làm văn chương. Tôi thấy sự khó chịu và cách phản kháng rất bản năng, cả quyết. Đúng với tính cách một nhà thơ. Yêu và ghét, đôi khi không dấu được. Và có chút gì đó, chủ quan, cá thể, rất đáng yêu. Rồi ông lại trở về con người thuần hậu của ông. Lại ngơ ngơ như những câu thơ ông từng viết về người mẹ của mình.
Thốt nhiên
Nhà quạnh quẽ
Bâng khuâng mảnh chiều quê.
Giá bây giờ...
còn mẹ
Chạy bộ
Con cũng về! .
Nguyễn Văn Toại là nhà thơ. Ông là tác giả của các tập thơ: Chuyện riêng của đồi, 1991. Thảo nguyên họa mi, 1992. Làng Dòng của tôi, 1997. Gom nhặt tháng ngày, 2003. Dương cầm, 2009.Thơm hương khoảng lặng, 2013. Ghi một ngày đàng, 2017. Thơ ông luôn thấm đẫm lòng yêu quê hương đất nước. Ông còn có hơn chục cuốn tiểu thuyết, tạp văn, tiểu luận. Hai cuốn tiểu thuyết “Cẩm chướng đỏ” và “Lấy dây buộc mình” của ông, được bạn đọc đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn là tác giả gần hai chục cuốn sách dịch. Điều đặc biệt, hình ảnh và con người của làng Dòng quê hương ông, hiện rõ trong nhiều trang sách của ông. Trong sự nghiệp sáng tạo của ông, tập Kẻ Dòng nội truyện, gồm 2 tập, 1994, 2000; tái bản một tập, 2007; xứng đáng là một công trình nghiên cứu văn hóa đáng trân trọng. Kẻ Dòng nội truyện không chỉ đơn thuần là cuốn sách khoa học địa chí thuần túy, khảo cứu kỹ lưỡng, chính xác về địa lý, lịch sử một vùng đất. Kẻ Dòng nội truyên còn là cuốn sách văn học, bởi được tác giả viết ra với chứa chan cảm xúc chân thành. Cuốn sách được trao Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ, Giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian VN, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN. Điều vinh dự lớn hơn, cuốn sách viết về quê hương của ông, được bà con quê hương đón nhận nhiệt liệt.
Đã có lần tôi nói với nhà thơ Nguyễn Văn Toại, xu hướng nghiên cứu xã hội, các nhà khoa học thế giới, thường đi sâu nghiên cứu từng tế bào chòm xóm, để khái quát ra toàn bộ cơ thể về vùng đất, xã hội con người nơi đó. Làng Dòng là một tế bào, trong vùng đất trung du Bắc bộ. Nói rộng ra, làng Dòng là tế bào của đất nước Việt Nam. Tôi thấy, cách viết Kẻ Dòng nội truyện của ông, đã tiếp cận gần phương pháp nghiên cứu đó.
Tháng 4-2019