Nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Thi thể ông nhanh chóng được gia đình đưa về Hà Nội, nơi hàng chục ngàn người sẽ xếp hàng nối đuôi nhau đưa tiễn ông, những chí sĩ yêu nước đương thời như Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng đọc điếu văn khóc ông.
Người nằm xuống là người đầu tiên dịch “Truyện Kiều” từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.
Người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ.
Người đầu tiên dịch “Những kẻ khốn nạn” (Những người khốn khổ), “Miếng da lừa”, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” và nhiều tác phẩm văn học cổ điển khác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp.
Người đầu tiên đứng tên xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Chủ bút của tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc: Đăng Cổ tùng báo.
Chủ bút tờ tuần báo thuần Việt đầu tiên ở Việt Nam: Đông Dương tạp chí.
Chủ bút của tờ nhật báo đầu tiên của báo chí Việt Nam: Trung Bắc tân văn.
Cái tên của ông sẽ mãi gắn liền với trào lưu báo chí khai phóng Việt Nam đầu thế kỷ XX, thứ đã đặt nền tảng cho không chỉ lịch sử báo chí Việt Nam, mà còn là sự thông dụng của chữ viết tiếng Việt ngày nay.
Tên ông là Nguyễn Văn Vĩnh.
Từ đứa trẻ kéo quạt…
Sát bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) ngày nay có một ngôi trường tên là Mạc Đĩnh Chi. Đây là ngôi trường giàu truyền thống. Khu vực ấy trước đây được gọi với cái tên là “vườn đình An Trí” hay “đình làng Yên Phụ”, là nơi được Pháp xây dựng trường Thông ngôn (Collège des Interprètes du Tonkin, năm 1886 do André d’Argence làm hiệu trưởng. Đây còn được gọi là trường Hậu bổ, tức sau khi học xong sẽ được ra làm thông ngôn, tức là làm phiên dịch).
Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 trong một gia đình đông con tại Hà Nội. Lên tám tuổi, ông làm nghề kéo quạt ở ngôi trường này.
Học lỏm và nhiều lần phát biểu với tư cách là đứa trẻ kéo quạt, Nguyễn Văn Vĩnh thường bị trách mắng. Nhưng cũng vì thế ông đã gieo rắc vào thầy hiệu trưởng một nỗi ngạc nhiên vì sự ham học lẫn thông minh của mình. Được thầy hiệu trưởng cho đi thi thử, ông đỗ thứ 12 trên 40 học sinh. Đến khi nhận được học bổng học thì thi đỗ tú tài, làm thông ngôn ở tòa sứ Lào Cai khi mới 14 tuổi.
Sau đó, từ năm 1897 đến năm 1905, ông chuyển về tòa sứ Hải Phòng và Bắc Ninh. Tại đây, ông bắt đầu cộng tác cho tờ Courrier d’ Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương).
Bước ngoặt cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh đến vào năm 1906, khi ông bỏ nghề công chức chuyển hẳn sang làm báo, được mời hợp tác và in ấn tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo(tiếng Hán, 1892-1907), một tờ báo tư nhân do Francoise Henri Schneider – người được nhà báo, học giả Phạm Quỳnh gọi với cái tên thân mến là “Cha Schneider” – thành lập.
…đến một nhà báo dấn thân
Tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo về sau chuyển đổi tên thành Đăng Cổ tùng báo (năm 1907-1909, tiếng Hán và Việt), do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Ông chính thức thành một trong những nhà báo tự do đầu tiên ở Việt Nam khi mới chỉ 24 tuổi, đánh dấu cột mốc cho sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, mất khoảng 42 năm sau khi tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên, Gia Định báo, ra đời ở Sài Gòn năm 1865.
Kể từ đây, người ta bắt đầu biết đến một nhà báo, biên tập viên Nguyễn Văn Vĩnh.
Ra đời giữa phong trào Đông Kinh nghĩa thục sôi động thời đó, Đăng Cổ tùng báo gần như được coi như là diễn đàn cho các trí thức, sĩ phu đương thời luận bàn và thúc đẩy việc canh tân đất nước. Sau khi phong trào bị dập tắt năm 1908, tờ báo cũng đóng cửa vào năm 1909.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh còn được mời vào Sài Gòn làm cố vấn cho tờ Lục tỉnh tân văn. Và năm 1913, ông trở lại Hà Nội làm chủ bút tuần báo thuần chữ Quốc ngữ đầu tiên – Đông Dương tạp chí (do Schneider sáng lập vào ngày 15.3.1913, tồn tại tới năm 1919) – một phụ bản của Lục tỉnh tân văn. Khi Schneider mất năm 1818, ông nhượng lại cho Nguyễn Văn Vĩnh tờ nhật báo đầu tiên của Việt Nam: Trung Bắc tân văn.
Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đều là hai chủ bút của hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam phong tạp chí trong thời báo chí nô dịch.
Người ta không chỉ biết đến họ là một đôi bạn thân trong “Tứ kiệt Hà Thành” – Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn), mà còn biết đến việc họ chính là kỳ phùng địch thủ của nhau. Bởi lẽ, vào đầu thế kỷ XX đã diễn ra một cuộc bút chiến giữa họ trên lập trường chính trị. Nguyễn Văn Vĩnh muốn bãi bỏ chế độ vua quan miền Bắc, miền Trung và đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ Pháp (chế độ trực trị), còn Phạm Quỳnh thì chủ trương chế độ quân chủ lập hiến, theo mô hình của Anh, Nhật.
Với người trí thức nói chung, có hai hướng mà họ thường làm khi bất mãn với thời cuộc, hoặc là vứt áo ra đi, lui về ở ẩn, tìm làm những cái họ thích; hoặc là, đấu tranh cho tới chết. Ta có thể kể đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn, người đến chốn lao xao”, Nguyễn Trãi với “Láng giềng một áng mây bạc, Khách khứa hai ngàn núi xanh” hay Chu Văn An, Nguyễn Khuyến… Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một Phan Châu Trinh, một Tự lực văn đoàn, một Nhân văn Giai Phẩm, một Ký giả đi ăn mày hay như một Nguyễn Văn Vĩnh đã dành cả sự nghiệp của mình để quyết đấu tranh cho quyền tự do của người trí thức.
Nhưng theo hướng nào thì họ đều có một điểm chung, chính là nhân cách độc lập – một yếu tố quan trọng nhất để nhận diện sự ra đời của tầng lớp trí thức – hiện đại. Cần phải nhắc lại, thực dân Pháp nhiều lần mua chuộc Nguyễn Văn Vĩnh, thậm chí muốn trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho ông, nhưng ông đều từ chối.
Khai dân trí
“Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.
Nguyễn Văn Vĩnh đã nói như vậy đầu thế kỷ XX. Vai trò của ông luôn đi đôi với vai trò của một trong những người tiên phong truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ. Đối với ông, khai dân trí là hoài bão lớn nhất của cuộc đời mình.
Năm 1920, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo (Những kẻ khốn nạn, sau đổi thành Những người khốn khổ), Honoré de Balzac (Miếng da lừa), Alexandre Dumas (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ), Molière (Trưởng Giả Học Làm Sang, Người Biển Lận, Giả Đạo Đức, Bệnh Tưởng), La Fontaine… ra tiếng Việt, người đầu tiên đưa kịch nói các tác phẩm của Molière lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.
Năm 1924, ông hợp tác với người Pháp dựng bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam – Kim Vân Kiều.
Năm 1913, ông dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ và tiếng Pháp. Đến năm 1942, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes cho ra đời tập I cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh thì được đánh giá là bản dịch văn xuôi tỉ mỉ và tinh tế nhất.
Với lĩnh vực báo chí nói riêng, Từ triều đình Huế trở về và Một tháng với những người đi tìm vàng của ông được xem là những thiên phóng sự đầu tiên, đầy chuẩn mực.
Quả thật, chúng ta phải thừa nhận rằng, chỉ trong khoảng thời gian 40 năm từ lúc bắt đầu đi làm thông ngôn, Nguyễn Văn Vĩnh đã gây dựng nên một khối lượng tác phẩm đồ sộ và những đóng góp tiên phong to lớn cho nền văn học, văn hóa, báo chí và sự phát triển chữ Quốc ngữ của nước nhà, đến mức Vũ Bằng phải… sợ: “Tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của Nguyễn Văn Vĩnh”.
Cái chết của một nhà báo tiên phong
Trụ sở của báo Nông thôn Ngày nay không phải là một địa chỉ bình thường ở Hà Nội. Không hiểu vì lý do gì, ngôi nhà này lại có duyên với báo chí đến vậy, bởi số 13 Thuỵ Khuê từng là nhà riêng của Nguyễn Văn Vĩnh trong những năm 1920 cho tới khi ngôi nhà bị ngân hàng tịch thu năm 1935.
Chuyện là năm 1926, Nguyễn Văn Vĩnh vay tiền từ nhà băng Đông Dương để thành lập trung tâm Âu Tây tư tưởng, với thời hạn trả nợ là 20 năm.
Nhưng vì những động thái sau đó, nhất là việc thành lập tờ báo tiếng Pháp “L’Annam nouveau” (Nước Nam mới) – tờ báo định mệnh gián tiếp dẫn đến cái chết của ông nên chính quyền cai trị đã lật ngửa thế cờ. Họ tịch thu nhà để xiết nợ, o ép về tài chính để buộc Nguyễn Văn Vĩnh phải dừng ngay các hoạt động đả kích của ông trên báo chí.
L’Annam nouveau là tờ báo cuối cùng mà Nguyễn Văn Vĩnh lập ra và điều hành. Ra đời năm 1931 và hoàn toàn bằng tiếng Pháp, nó được ông dùng để cổ xuý cho học thuyết chính trị trực trị như đã nói ở trên, đối chọi với Phạm Quỳnh, vốn cổ xuý cho một chính thể quân chủ lập hiến. Những khuyết tật của nền chính trị Việt Nam, những bất công xã hội bị Nguyễn Văn Vĩnh vạch trần không ngại ngần trên tờ báo mới này. Nó nhanh chóng giành được “Giải thưởng Lớn” tại Hội chợ quốc tế về báo chí thuộc địa tại Paris năm 1932. Và đó không phải là điều nhà cầm quyền Pháp mong muốn.
Cuối cùng, vào năm 1935, họ cho ông ba lựa chọn: đi tù, làm quan cho triều Nguyễn, hoặc sang Lào đào vàng.
Nguyễn Văn Vĩnh đã nói với gia đình của mình rằng: “Nhục nhã nhất là đi tù và nếu phải chết thầy cũng không bao giờ làm quan cho triều Nguyễn. Bởi vậy, thầy sẽ đi đào vàng. Sang đó thầy vẫn tiếp tục viết. Chúng có thể o ép về kinh tế nhưng không thể o ép ý chí của thầy…”.
Vậy là ông sang Lào đi đào vàng đầu năm 1936. Sự tình sau đó ra sao, chắc bạn đọc đã rõ.
Hệ thống tuyên giáo hiện nay ở nước ta không dành cho Nguyễn Văn Vĩnh một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử. Nền báo chí cách mạng, vốn bắt đầu vào năm 1925, hẳn không có nhiều lý do để nói nhiều đến một nhà báo tiên phong và dấn thân đã nổi danh suốt gần hai thập kỷ trước đó. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh có một thông điệp trên trang nhất số báo đầu tiên của tờ “Nước Nam mới”, ngày 21/1/1931, thứ còn nguyên giá trị cho nước Nam ngày nay:
“Báo L’ANNAM NOUVEAU tôn trọng chính quyền đã được lập nên, trọng con người của nó, nhưng không sợ ai và không nịnh ai”.
“Không sợ ai và không nịnh ai”.
——————-