Lời ngỏ gửi nhà thơ Trần Nhương:
Thưa nhà thơ Trần Nhương!
Ngày em học Cao học ở Khoa Văn Trường đại học sư phạm I Hà Nội (1986-1989), may mắn được tham gia cùng các bạn sinh viên lên biên giới Lạng Sơn giao lưu với những người lính đang trấn giữ biên cương Tổ Quốc. Vì yêu thương và cảm phục người lính, em có viết bài bút ký Gặp gỡ người lính Khánh Khê, muốn anh đưa lên trannhuong.com nhân tháng Hai lịch sử oanh liệt chống giặc ngoại xâm của người lính anh hùng Việt Nam!
Thay mặt các bạn sinh viên năm ấy, hiện đang công tác ở khắp miền đất nước, cảm ơn nhà thơ Trần Nhương rất nhiều!
Bút ký của Hoàng Thế Sinh
Xe chúng tôi dừng trước Sư đoàn bộ Sư đoàn Khánh Khê lúc 16 giờ 30. Vừa bước xuống, tôi sững người khi phát hiện những bông hoa mận trắng xoá. Giữa một vùng gió gió tơi bời, giữa một vùng núi núi chìm trong sương mù mờ mịt chợt hiện ra một vườn hoa mận trắng- hoa mận nở sớm lạ lùng- cứ như là trong một câu chuyện thần thoại nào vậy.
- Anh yêu hoa mận hơn hay yêu hoa đào hơn? - Phương Lan đến bên tôi hỏi nhỏ.
- Tất nhiên mỗi loài hoa có sự hấp dẫn riêng! - Tôi vẫn chăm chăm ngắm nhìn những bông hoa mận trắng - Nhưng cái sắc trắng của hoa mận bao giờ cũng làm tôi nao lòng.
Phương Lan im lặng. Có lẽ cô cũng đồng tình với sự cảm nhận của tôi. Hoa mận trắng, "bức thông điệp" của Mùa xuân gửi tới cho con người! Còn chúng tôi thì mang "thông điệp tình yêu" của hàng nghìn sinh viên trường Đại học Sư phạm I Hà Nội tới những người lính Sư đoàn Khánh Khê. Mới đến, chưa kịp làm quen với các người lính, chưa kịp ăn trưa và nghỉ ngơi, các bạn sinh viên đã đàn hát, đàn hát ngay bên vườn hoa mận trắng, hát không có khán giả. Những người lính ở Sư đoàn bộ cũng chưa kịp làm quen, còn ngấp nghé đằng xa kia. Màu áo cỏ cứ đậm dần, đậm dần trước hiên nhà của người lính. Khi thầy giáo trưởng đoàn Phạm Đăng Dư từ phòng khách của Sư đoàn bộ bước ra, các bạn sinh viên túm lại hỏi:
- Thưa thầy, bao giờ chúng em được lên điểm tựa ạ?
- Thưa thầy, cho chúng em xuống các đơn vị ngay bây giờ để hát cho các anh bộ đội nghe ạ!
Tuổi trẻ sôi nổi, háo nức là thế nhưng chiếc ô tô đưa chúng tôi đi quả là một thứ máy móc hạng tồi, chẳng hề biết "xúc động" trước niềm vui tuổi trẻ, chẳng chịu "nổ máy chạy theo chương trình" gì cả (!!). Thế nên chúng tôi phải dí dị ở nhà khách Sư đoàn cho đến tận 15 giờ 40 mới tới được cầu Khánh Khê. Trên xe, các bạn hát cùng đường, nhưng không hiểu sao khi đến đây tự dưng dứt hẳn tiếng đàn, tiếng hát. Đồng chí Phạm Ngọc Lân, cán bộ Phòng chính trị Sư đoàn, đứng trên cầu Khánh Khê đưa tay chỉ vào Bia Chiến Thắng dựng ngang ngọn thác Khánh Khê, rồi chỉ lên các điểm cao 595, 689, núi Pa Pách, đồi Không Tên và kể cho chúng tôi nghe những trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở đây như thế nào. Đồng chí Lân nói rằng, nhờ chiến tích anh hùng tại cầu Khánh Khê này mà Sư đoàn 337 được mang tên là Sư đoàn Khánh Khê. Tôi đến cạnh thầy Dư, hỏi:
- Chính thầy đã tổ chức đoàn sinh viên đầu tiên đến đây?
- Đúng thế! Ngày đó chúng mình đến được chỗ này thật không đơn giản chút nào. Hồi ấy các bạn sinh viên phải viết đơn tình nguyện rồi gắp thăm, có trúng mới được đi. Rối rít thế nào mà vẫn còn 36 người trong khi chiếc xe của trường chỉ vẻn vẹn có 12 chỗ ngồi. Không còn bắt nổi ai ở nhà nữa đành phải để các bạn sinh viên đi tầu lên Thái Nguyên, còn từ Thái Nguyên lên thì xe phải chạy tăng bo, cứ chở tốp này đi một chặng lại quay lại đón tốp kia. Khi đến được đây, bên chiếc cầu này, trên các lườn đá kia, ven núi kia, thì chỉ còn thấy máu loang đỏ sông Kỳ Cùng. Các bạn sinh viên đã ở lại Trung đoàn 197, Trung đoàn 4 tại cầu Khánh Khê suốt 3 tháng chăm sóc thương binh, giặt giũ, khâu vá, nấu ăn và hát cho bộ đội nghe...
- Thế mà chúng em không được đến đây thì uổng quá!
- Uổng, uổng chứ! - Thầy Dư xoè hai bàn tay trước mặt tôi - Phải đến đây để tận mắt thấy vùng núi sông lịch sử này, để thấy một nhịp cầu nhỏ bé thế này đây mà phải đổi bằng biết bao xương máu của người lính, của nhân dân ta.
Tôi biết rằng trong suốt chín năm qua thầy Dư liên tiếp đưa các sinh viên lên với Sư đoàn Khánh Khê kết nghĩa, lên hát cho bộ đội nghe, lên vá áo cho bộ đội, lao động cùng bộ đội. Cho nên tôi hiểu rằng, thầy Dư nói với tôi là nói bằng chính sự rung động sâu xa nhất trong trái tim thầy. Phải, không một ai có thể tính được bao nhiêu máu xương, công sức người lính đã đổ xuống từng tấc đất cha ông, trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh vệ quốc! Đất nước này là máu xương người lính đấy! Một ngọn cỏ còn xanh được là nhờ các anh... Tay tôi ghi lia lịa những lời thầy Dư và đồng chí Lân nói nhưng trong lòng tôi lại cứ rối bời lên bao ý nghĩ. Các bạn đã chụm cả lại để chụp ảnh lưu niệm. Tôi và anh Vân chụp riêng với nhau một kiểu ngay trước Bia Chiến Thắng. Chúng tôi muốn giữ lại một kỉ niệm với những người lính đã ngã xuống nơi biên cương, vì trước đây chúng tôi đã từng là lính Trường Sơn đánh Mỹ, chúng tôi là đồng đội của các anh. Dù bây giờ may mắn trở thành sinh viên của trường đại học, chúng tôi vẫn xin được làm đồng đội của các anh. Anh Vân khoác tay tôi, nói giọng trầm:
- Thế Sinh ạ, bạn viết được văn thì bạn nên viết một cái gì đấy về những người lính chiến đấu hy sinh tại cầu Khánh Khê này để chứng tỏ rằng họ mãi mãi còn sống trong chúng ta, sống cùng đất nước chúng ta, để chứng tỏ rằng máu đồng đội vẫn chảy trong huyết mạch của những người lính chúng ta.
- Ô, sao hôm nay bạn nói năng có vẻ văn chương thế! - Tôi nhún vai.
- Không, không văn chương tí nào cả! - Vân lắc mạnh cánh tay tôi - Người lính vĩ đại ở chỗ bao giờ họ cũng tự biết quên mình. Nhưng nếu người đời bỏ rơi người lính, bỏ quên người lính, và nhất là bỏ quên những người lính đã vĩnh viễn nằm xuống để giữ lấy từng tấc núi sông này thì thật là một tội lớn, rất lớn!
Nghe Vân nói trong lòng tôi cứ nhói lên một câu hỏi: "Có bao giờ người lính bị lãng quên!? Tôi đứng lặng đi trong chiều tím lịm. Mặt trời rơi xuống sông Kỳ Cùng vỡ ra muôn mảnh đỏ rực trôi dạt theo sóng nước. Những "sóng đá" dạt lên hai triền núi. Trên những "sóng đá" ấy là những lát sắn trắng rắc phơi đầy trông như là những vì sao rơi xuống đêm qua vẫn còn cháy sáng. Ven sông, mấy cô gái đang bình thản ngồi giặt giũ. Ngọn thác Khánh Khê vô tư giội xuống ào ào. Non nước thật là thanh bình: Núi vẫn núi, sông vẫn sông, hương hồi thơm ngát rừng Pa Pách, hoa cúc dại vẫn vàng rực ven đường và ngàn lau kia bạc trắng núi non, còn các anh thì ở đâu, hỡi những người lính đã ngã xuống hôm nào! Tôi muốn cào cấu xuống muôn tầng đất đá để đón các anh về lại với cuộc sống thực này, để các anh nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận được một cách đích thực cuộc sống vô cùng cực khổ nhưng bội phần thương yêu này, một cuộc sống trong đó có các anh, có tôi, có chúng ta! Các anh phải được sống! Các anh phải được sống! Các anh không bao giờ chết cả! Những ý nghĩ trong đầu tôi cứ gào thét quay cuồng, gào thét một cách bất lực như vậy. Cho đến lúc chụp ảnh chung với Hà Duyên bên cầu Khánh Khê tôi vẫn còn phiêu bạt trong những cơn ảo giác. Tôi cứ thượt ra, không cười lên được, mặt ngó ra mênh mông, buồn rười rượi. Duyên nhận ra tâm trạng tôi nên cũng không cười, không gợi chuyện. Tôi thầm cảm ơn em, cảm ơn tâm hồn ý nhị của cô gái.
Xe chúng tôi trở ra muộn nên không đi viếng mộ liệt sĩ được khiến lòng tôi day dứt quá. Tôi ngồi một mình thụt mãi cuối xe khóc thầm, khóc vụng. Chiếc xe chạy lật đật mãi 16 giờ 30 mới đến Trung đoàn 4. Tại đây, các bạn sinh viên thực sự tiếp xúc với người lính. Các anh lính trung đoàn còn rất trẻ, trẻ đến nỗi không dám xưng anh với cánh sinh viên, cứ một điều chị, hai điều xưng em. Các cô sinh viên cũng không dám xưng chị, cứ một điều anh, hai điều xưng em. Tuổi trẻ nhạy cảm và dễ quen nhau lắm. Một thoáng thăm dò, ướm hỏi họ đã tíu tít nhận đồng hương cùng làng, cùng huyện hay cùng thành phố. Khi nhận ra nhau họ cùng cười ngượng nghịu, cười xí xoá. Cánh lính trẻ bắt đầu xưng anh ra dáng. Hai bạn sinh viên khoa văn năm thứ Nhất trẻ nhất, hồn nhiên nhất đoàn là Kim Anh và Trúc Anh đứng ngoài sân, hắng giọng:
- Anh nào người Hà Nội ra đây cho chúng em nhận đồng hương!
Tức thì cả dãy nhà lính a lên:
- Đây, đây! Anh Hà Nội đây!
- Anh đây! Anh mới chính tông Hà Nội cơ!
Khi các chàng lính trẻ đã đứng vòng trong, vòng ngoài, Trúc Anh và Kim Anh bỗng trở nên bối rối. Mấy bạn trong đoàn đứng gần đấy liền "cứu nguy":
- Kim Anh và Trúc Anh đọc thơ cho các anh nghe đi!
- Hay đấy! Đọc thơ đi! Hát đi! - Tiếng mấy anh lính đế theo.
Thế là ngay trước hiên nhà, dưới gốc cây đào trụi lá, Trúc Anh và Kim Anh đọc liền mấy bài thơ tặng các anh. Kim Anh còn đọc bài thơ do chính cô sáng tác về người lính cho các anh nghe. Tiếng vỗ tay rôm rốp. Đọc thơ xong, Kim Anh cầm tập thơ "Tình bạn tình yêu" giao hẹn:
- Các anh thì đông mà chúng em chỉ có một tập thơ này thôi. Bây giờ đưa đến tay bất kì ai thì anh ấy nhận nhé!
Kim Anh nhắm mắt quay tròn mấy vòng, dò dò mấy chục bước, quơ tay nắm được tay một anh lính rất trẻ, ấn tập thơ vào tay anh trong tiếng reo hò, vỗ tay rầm rầm của các anh lính. Rồi tất cả kéo nhau lên hội trường. Hầu như không có khoảng cách nào giữa các "diễn viên" sinh viên và những người lính. Họ nghe rất rõ nhịp thở của nhau. Không míc, không hoá trang, không kịp dàn dựng chương trình, các bạn Quỳnh Liên, Hà Duyên, Thanh Trầm, Minh Phương, Thanh Tùng, Đức Sinh, Thanh Hằng say sưa đàn hát, say sưa đến nỗi không ai biết rằng các bạn ấy vừa phải vượt qua hàng trăm cây số đường núi gập ghềnh tới đây, có bạn hiện còn đang trong tình trạng say xe. Hơn hai mươi tiết mục đã thấm mệt, thế mà Quỳnh Liên còn hát thêm hai bài dân ca, Thanh Trầm thêm hai trích đoạn chèo nữa theo yêu cầu của những người lính trẻ. Phải nói, Quỳnh Liên và Thanh Trầm hát rất hay, rất nghề, là bởi các bạn đã từng đoạt giải nhất tiếng hát học sinh, sinh viên từ trước đây cơ... Rồi chúng tôi cũng kết thúc chương trình bằng một bài hát tập thể thì không còn phân biệt được đâu là người biểu diễn, đâu là khán giả nữa. Đến như tôi, anh Phúc, anh Tình không biết hát mà cũng nhảy ào vào hát. Tất cả những người lính cùng hát. Những giọng hát rất khác nhau, giọng cao, giọng trầm, giọng trong, giọng đục, giọng ồm, giọng khê, giọng khàn... hoà quyện với nhau, trộn vào nghe vừa lạ tai vừa rất xúc động. Tôi lọc được một chất giọng chung nhất trong cái giàn đồng ca ấy là chất giọng hồn nhiên, hết sức trẻ trung của tuổi trẻ. Thấy các bạn sinh viên vừa hát vừa nhảy, các anh lính reo hò:
- Nhảy đi! Disco đi! Disco đi!
- Đàn đi! Nhảy đi!
Tất cả những chàng lính trẻ cùng sinh viên vừa hát vừa nhảy. Tôi như chìm ngập trong không khí hội hè. Những người lính trẻ tuổi bây giờ là như vậy đấy! Họ rất khát khao được giao cảm, khát khao tìm bạn gái, khát khao được vui chơi thoả thích sau những ngày giờ lao động, luyện tập vất vả, căng thẳng. Thế nên đừng bao giờ bắt tuổi trẻ phải sống theo lối sống của người già, phải nghĩ theo nếp nghĩ của người già, phải hành động như người già. Tuổi trẻ có những khát vọng, lối cảm, lối nghĩ rất riêng quyết định cho những hành động cao đẹp của mình. Bên cạnh một làn điệu đân ca, họ thích nhạc Rock, thích nhảy những điệu mạnh mẽ như Disco, Sếk... thì có gì là "lai căng", văn hoá văn hoa cả đấy chứ. Cuộc vui làm huyên náo cả một góc núi. Các đồng chí chỉ huy trung đoàn cứ đứng ngẩn ra chia vui với tuổi trẻ.
Đêm về nhà khách Sư đoàn chúng tôi lại đàn hát, nhảy múa. Tất nhiên có làm "xô lệch" đôi chút kỉ luật giờ giấc của doanh trại. Nhưng biết làm sao được khi mà suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày các bạn trẻ này mới có dịp gặp nhau, nói chuyện với nhau, cười với nhau, đàn hát với nhau và thổ lộ tâm tình với nhau. Dù sao thì cuộc vui nào cũng không thể không có giới hạn. Lúc ấy là 23 giờ 30 phút, tiếng đàn tiếng hát dứt hẳn, đến bên Đoàn Thanh Trầm, tôi hỏi:
- Ngày mai các bạn còn đủ sức để hát cho bộ đội nghe nữa không?
- Ngày mai à? - Trầm rướn cặp lông mày dài nhìn tôi - Chúng em có thể hát ngay bây giờ, hát cả ngày mai, ngày kia và tất cả những ngày sau đó nữa. Hát cho các anh bộ đội biên cương nghe, hát cho các anh lính Sư đoàn Khánh Khê nghe thì chúng em chẳng bao giờ biết mệt cả. Rồi mai anh xem.
Đúng thế thật! Hôm sau, chừng 15 giờ 15 phút chúng tôi xuống tới Tiểu đoàn 15, một đơn vị công binh xuất sắc trực thuộc Sư đoàn Khánh Khê, Đoàn Thanh Trầm, người đặc trách dàn dựng chương trình văn nghệ của đoàn đã "bị" các đồng hương Hà Nam Ninh giữ chặt trong doanh trại, không làm sao có thể từ chối "chén rượu lính" nhân ngày vui. Thầy Dư đành vừa đóng vai "nhà ngoại giao" vừa đóng vai "đạo diễn", tự dàn dựng, giới thiệu các tiết mục. Thầy còn khéo mời được cả các anh bộ đội cùng tham gia hát. Và cuối cùng kết thúc bằng một bài hát tập thể: Chiều dài biên giới, dài theo đất nước chúng tôi/ Những đỉnh núi mờ sương, nghe sóng vỗ trùng dương/ Đây tiếng quê hương hát cùng bước chân chúng tôi/... Tất cả những người lính cùng hát, lại nhảy nữa, lại một dàn đồng ca nghe vừa lạ tai, vừa rất xúc động như tối hôm trước. Rồi dùng dằng thế nào mà mãi đến tối mịt đoàn chúng tôi mới chia tay được với Tiểu đoàn 15.
Vừa về đến Sư đoàn bộ lúc 18 giờ 20 phút thì 19 giờ 15 phút chúng tôi lại xây dựng ngay một chương trình biểu diễn mới. Lần này thì thực sự biểu diễn sân khấu của Nhà văn hoá sư đoàn. Sau chương trình biểu diễn ra mắt của Đội văn nghệ xung kích sư đoàn chuẩn bị nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12, chúng tôi nối tiếp bằng một chương trình khá phong phú và hấp dẫn. Lần này thì tất cả các danh ca xuất sắc nhất của đoàn đều lên sân khấu. Những tiết mục của Quỳnh Liên, Thanh Nhàn, Hà Duyên, Đức Sinh, Minh Phương, Thanh Tùng, Hoa Huệ, Kim Thanh, Thanh Hằng, Kim Anh, Trúc Anh, Thanh Trầm, Phương Lan, Hoa Lý... được bộ đội hoan nghênh nhiệt liệt. Cứ gọi là tít mù hát, tít mù vỗ tay reo hò! Lại một đêm thức suốt cùng sao trời, cùng người lính, cùng non nước Kỳ Lừa.
Có một chuyện rất riêng nhưng không thể không nói ra, đó là chuyện hôm sau 27 tháng 7 ngày thương binh, liệt sỹ, Đài tiếng nói Việt Nam phát sóng với bao nhiêu là chuyện về chủ đề thương binh - liệt sỹ. Tôi ngồi thẫn thờ một mình trong góc phòng, buồn rười rượi nghĩ tới các bạn chiến đấu còn nằm lại nơi chiến trận với mãi mãi tuổi đôi mươi! Tôi đã bỏ cả cuộc hẹn hò với Giáng Vân và Trần Hoà Bình giúp đi xin việc ở Báo Phụ nữ Thủ đô, bỏ cả việc hẹn với Nguyễn Anh Tuấn đi đóng phim Thời hiện tại, mặc dù vai mà Thế Sinh đóng đã đến lượt, để lên Khánh Khê, liệu có viết được gì cho người lính anh hùng nơi biên cương này? Đương buồn với những chuyện như thế, thì Quỳnh Liên, Thanh Tùng, Tuyết Mai cùng ào vào, đưa tặng tôi một bó hoa rừng thật đẹp. Tôi vừa sung sướng, cảm động đến phát khóc, vừa ngạc nhiên, không biết các bạn đã thức dậy từ bao giờ để vào rừng hái hoa tặng tôi! Rồi các bạn hát cho tôi nghe, cả Trúc Anh và Kim Anh cũng đọc thơ cho tôi nghe. Chẳng biết cảm ơn các bạn bằng cách nào, thôi thì, tôi lại đọc thơ cho các bạn nghe - chính bài thơ mà tôi vừa mới phác thảo đêm qua còn đương ngổn ngang câu chữ, bài thơ có tựa đề Gió trở về rừng, giọng tôi rưng rưng:
Mặt trời
rơi xuống sông Kỳ Cùng
những sóng đá dạt lên hai triền núi
cầu Khánh Khê
như chìm
như nổi
trong sương mờ hoàng hôn.
Núi vẫn núi
chẳng thể cao hơn
sông vẫn sông
ầm ầm thác dội
các anh ở đâu
lòng tôi thầm gọi
các anh ở đâu?
Nhớ nhung gì mà bạc trắng ngàn lau
thương thấm đá
đá âm thầm lặng lẽ
hoa cúc dại cứ vàng tươi thế kia
mà các anh ở đâu
hỡi những người lính trẻ
các anh ở đâu?
Đất nước mình trải bao khổ đau
núi thì Không tên
sông thì Kỳ Cùng
cực thế
con đường cũng phải vặn mình
nghiêng ngửa
mới hòng qua
trăm núi nghìn đèo.
Nhân dân mình nghèo
nên người lính cũng nghèo
bát cơm vơi
với rau rừng leo trên vách đá
manh áo mỏng
chắn che suốt những mùa đông giá
mà hy sinh giữ đất
anh hùng!
Ngươi sẽ hát điều chi hỡi con sông Kỳ Cùng
khi Bia Chiến Thắng Khánh Khê
dựng ngang ngọn thác
chúng tôi lịm đi
ngát hương hồi Pa Pách
lá cây reo
nghe gió trở về rừng!
Chẳng ai vỗ tay. Tất cả đều lặng đi, xúc động!
Chiều, chúng tôi lại xuống Trung đoàn pháo binh 108 biểu diễn, có cả GS-TS thầy giáo Phạm Quí Tư cùng dự. Gần hết chương trình thì Quỳnh Liên, Thanh Trầm, Thanh Tùng, Tâm Sen bỗng biến mất. Suốt đêm, cả đoàn sinh viên, cả Sư đoàn bộ nháo nhác đi tìm, rồi điện khắp nơi, chẳng thấy mấy người đâu. Mãi hơn 2 giờ sáng, mấy người bỗng trở về. Thì ra, các bạn trốn xuống Đại đội 23 trinh sát, hát cho các anh lính nghe (sau này tôi mới nghe loáng thoáng đâu như Thanh Trầm có người yêu là lính trinh sát ở Đại đội 23 ấy!?). Thầy Dư giận lắm! Nhưng biết làm sao, tuổi trẻ mà...
Rồi cũng đến phút chia tay, tiếng gọi, lời chào ríu rít. Những bàn tay nắm chặt trong tay. Tôi không dám nhìn thẳng vào những đôi mắt đỏ hoe, giọt ngắn giọt dài. Các bạn trẻ đã như những người con một nhà, tình cảm sâu nặng tự bao giờ! Những bàn tay cứ vẫy mãi, những lời chào mời cứ vọng mãi:
- Chào nhé ! Sang năm lại lên nhé!
- Mùa Xuân lại lên nhé!
- Đừng quên những người lính chúng tôi vẫn đang ở nơi biên cương Tổ quốc nhé!
Chiếc xe lao như bay! Tôi thì đăm đắm nhìn ra khung trời Lạng Sơn. Ở đấy, màu áo cỏ đương nhập vào non nước xanh tươi.
H.T.S
Khánh Khê, ngày 26 - 27 - 28 - 29 tháng 7 năm 1988
Làng Vòng - Hà Nội, ngày 9 tháng 8 năm 1988