Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĨNH BIỆT HỌA SĨ TỐNG GIANG MINH

Nhà văn Trần Tâm.
Thứ sáu ngày 7 tháng 6 năm 2019 10:29 AM






Là người con dân tộc Sán Dìu lâu đời ở xã Dương Huy ( TP Cẩm Phả. Quảng Ninh), từ năm 14 tuổi, Tống Giang Minh được ông Lục Văn Hai - một cán bộ lão thành cách mạng - dìu dắt vào làm liên lạc cho Uỷ ban Quân quản. Năm 1955, vùng mỏ giải phóng, chính quyền về tay nhân dân. Hòa trong không khí sôi sục niềm vui ấy, năm sau vừa sang tuổi 16, Tống Giang Minh xin vào làm công nhân mỏ Cẩm Phả, trực tiếp chui lò khao than, vận chuyển ra ngoài bằng xe goòng trên Mông Giăng, trên Đèo Nai. Bấy giờ, việc khai thác than đều nằm trong phạm vi mỏ Cẩm Phả.

Ông thích vẽ và là họa sỹ trưởng thành từ phong trào. Ngày đó, do say mê hội họa, ông hay dùng gạch đá, gậy que vẽ những đường nét trên nền đất, trên tường nhà. Trong lúc nghỉ giải lao giữa ca, ông đang nguệch ngoạc bằng gạch non vẽ căn nhà mái bạt công trường trong giờ nhật lệnh thì lọt vào mắt xanh của một người thày. Đó là thày Đặng Hiền. Thày hỏi han, tìm hiểu hoàn cảnh và ý thích của ông. Thời điểm ấy, thày đi tìm trò, chọn những người có năng khiếu, ham thích hội họa đưa vào học Mỹ thuật. Ông may mắn được Bộ Văn hóa cử đi học trung cấp hệ 3 năm. Năm 1963, tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật, ông về ngành văn hóa rồi làm hoạ sĩ trình bày báo Vùng Mỏ. Vốn là thợ lò ở Đèo Nai, Thống Nhất, ông từng ấp ủ sáng tác một tác phẩm thật hoành tráng về công nhân, nhưng tiếc là cho đến nay, ước mong ấy ngày một rời xa. Ông đã có rất nhiều tranh vẽ về núi rừng, về biển, về các xóm thợ… nhưng bức tranh hoành tráng về người thợ mỏ vẫn chưa thực hiện được.

Người xem tranh vùng mỏ ngày đó rất ấn tượng với bức bích họa chạy dài hai chục mét trên tường đối diện với khu văn phòng Nhà máy cơ khí Cẩm Phả đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước. Bức tranh có tên Xưa và nay do các họa sỹ: Hoàng Công Luận, Lưu Yên, Nguyễn Anh Thường, Lê Yên, Vũ Duy Nghĩa và Bùi Quang Ngọc vẽ. Bức tranh kể lại cuộc sống của người cu li trong những năm lầm than và tương lai tươi sáng mở ra với người công nhân dưới chế độ mới. Sau đó, Họa sỹ Bùi Quang Ngọc và Tống Giang Minh được phân công sửa lại. Người dân ngày ấy gọi là bức tranh hai chế độ và vẫn lưu giữ ấn tượng cho người xem đến tận bây giờ. Nhiều người còn ao ước thấy lại bức tranh đó mà cho tới nay, chúng ta chưa thực hiện được.

Khi còn làm thợ, ông cũng cho ra đời một số bức tranh có tiếng. Bến cảng than Cẩm Phả là bức tranh tiêu biểu trong giai đoạn này được treo tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1994. Mặc dù vậy, ông vẫn thấy chưa thực ưng ý về những bức tranh đã vẽ về công nhân.

Sau vài năm, ông chuyển về làm việc tại Phòng Văn hóa Cẩm Phả cho đến ngày nghỉ hưu qua ba mươi ba năm làm việc. Những năm đó, tranh cổ động thúc đẩy các phong trào trong thị xã phần lớn do ông đảm đương. Ông đóng góp công sức và trí tuệ phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin đến nhân dân thị xã. Ông là người dân tộc Sán Dìu suốt đời gắn bó với mỏ với rừng nên có vẽ về bất cứ đề tài gì, người ta vẫn thấy đậm âm hưởng sắc màu cùng không gian rừng núi trong tranh. Không phải ông cố ý tạo ra và luôn nung nấu ý thức phải sửa nhưng nó vẫn hiện diện cái gì đó khỏe khoắn nhưng trầm mặc, u buồn. Ông thuộc loại họa sỹ được đào tạo bài bản, có khả năng hình họa tốt nhưng tranh của ông thường là bột màu có màu ghi, tối… Không rõ đấy là sở trường hay hạn chế của ông.

Theo ông, vẽ sơn dầu mất nhiều thời gian. Với ông, thời gian kéo dài dễ bị phân tán, làm mất cảm hứng. Mà cảm hứng luôn là linh hồn cho tác phẩm. Vẽ không khéo lại hỏng, phí công sức và tiền của. Trong khi ông là người hành động, luôn chân luôn tay, không thích ngồi không một chỗ.

Bà Nguyễn Thị Phương - người đã gắn bó suốt đời cùng ông. Lấy chồng làm hội họa, hết mình vì hội họa như ông là khổ lắm. Bà chắc đã chứng kiến những khi ông muốn vẽ mà không vẽ ra, không vẽ được. Là người nhạy cảm, làm sao mà yên dạ khi thấy chồng bồn chồn, lo lắng, vật vã. Bà chỉ biết lam lũ, tần tảo nuôi con cho chồng an tâm mà vẽ vời. Những thứ mà chồng muốn dâng hiến cả thành quả lao động mà bà không hiểu hết, không mấy quan tâm.

Những năm chế độ bao cấp, không muốn nhìn vợ con đói khổ, ông còn tranh thủ những giờ nghỉ lên rừng, thu gom lá thông về bán cho những người hun thuyền, cất giữ bóng đèn dầu hỏa. Những bức vẽ về người dân chài thả đọn, thui thuyền lại ra đời cũng góp phần làm vẻ vang ông. Cuộc sống khó khăn do đông con, không có điều kiện để lựa chọn những chất liệu đắt tiền. Bản thân ông cũng nghĩ chất liệu không phải là thứ quyết định và không câu nệ vào nó. Cứ yêu hội hoạ, cứ có cảm xúc thì dù là bột màu, bằng son, bằng phấn màu, bằng bút bi, bút dạ hay thậm chí chỉ vẽ bằng bút bi, đất sét phơi khô… cũng đều tốt cả.

Ông thường vẽ theo cảm hứng, tùy hứng. Bột màu vẽ xong có thể biết ngay kết quả. Thành công thì để, hỏng vứt ngay đi, không nuối tiếc. Điều ông sợ nhất đang vẽ mà hết cảm hứng. Có những bức tranh dở dang hàng năm rồi bỏ vì không thể hoàn chỉnh. Ông vẽ không kể giờ giấc. Nửa đêm có cảm hứng cũng bật dậy lôi hộp màu ra vẽ ngay, vẽ cho xong hoặc hết cảm xúc mới thôi.

Giờ đây, ông đã đi xa. Chúng tôi vẫn nghe tiếng cười khùng khục của ông cả những khi tranh vẽ chưa xong mà cảm hứng đã hết. Tiếng cười lúc ấy, khiến người nghe không quên. Nó như một sự đòi hỏi, khát khao mà chưa với tới, chưa làm được. Ông vẽ nhiều nhưng tự hủy cũng nhiều. Bao nhiêu khó khăn trong những đợt chuyển nhà đã làm thất thoát, hư hỏng nhiều tranh quý giá của ông. Nhiều bức ông vẽ xong, chỉ khoe với một số bạn bầu thân thiết rồi cất giữ sau không thấy. Thời gian đã xóa mất kha khá tư liệu và tác phẩm của ông. Người xem còn vẫn còn nhớ đến: Bến Gio. Bột màu 1967; Gió biển. Bột màu 1989; Bến thuyền. Bột màu 1990; Hạ dốc Đèo Bụt. Bột màu 1990; Chỉ một mẹ thôi, tranh cổ động năm 1991; Hai em bé. Bột màu năm 1990… Ông có tới chục tác phẩm được tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn Quốc và một số giải thưởng Văn nghệ Hạ Long của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trao 5 năm một lần.

Do những thành công trong hội họa, ông được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Ninh năm 1983 và Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam năm 1992.

Ông sống chan hòa, nhân ái với mọi người bằng tấm lòng chân thật, không che giấu. Trong dáng bề ngoài, ông là con người cặm cụi. Gặp ông là thấy ông bận rộn, làm việc luôn chân luôn tay và hay giúp đỡ người.Tôi nhớ dịp cuối năm 2008, Trần Văn Khiên hoàn thành tập thơ đầu tiên. Nhà xuất bản có ý để tác giả chọn người vẽ bìa. Tôi cùng Khiên tìm đến nhà Tống Giang Minh. Nhà ông nhỏ nhưng dăm ba đứa cháu nội ngoại đang chờ ông trông giữ, săn sóc. Biết ý định của chúng tôi, ông nhất trí và hẹn ngày đến lấy. Đúng hẹn, Trần Văn Khiên đến. Ông đã hoàn thành. Khiên gửi tiền trả nhưng ông không nhận. Khiên nói lại với tôi, lúc đó, bìa vẽ quãng 500 ngàn. Tôi nói, chú cứ đến, đưa tiền hoặc quà gửi các cháu khoảng ba trăm coi như trả công ông cho có tình nghĩa. Không rõ Trần Văn Khiên có thực hiện không nhưng khi gặp lại, ông còn trách. Giúp được nhau thì cố mà giúp, kể gì công sức, không phải băn khoăn.

Ông đã sống cuộc đời chân chất, giản dị, xuề xòa như mái tranh mái ngói quê hương, không màu mè son phấn. Gặp ông, người ta rất dễ nhận ra một con người giản dị, hiến lành và tiếng cười khùng khục trong cổ. Do bệnh tật hiểm nghèo và tuổi cao sức yếu, ông qua đời. Gia tài tinh thần để lại là những bức tranh đã gắn bó, đi theo, làm nên nguồn vui và cả nỗi buồn chán của ông. Trong con mắt chúng tôi, ông là một người nghệ sỹ đích thực… nghệ sỹ!

Nhà văn Trần Tâm.