Đã quen đọc Nguyễn Việt Anh những vần thơ lục bát. Đôi khi quên mất rằng anh khá khó khăn khi hạ gieo những con chữ trên máy tính, khó khăn bởi anh không được nhìn thấy ánh sáng như mọi người; mặc dù tôi chắc chắn rằng cuộc đời của Nguyễn Việt Anh, cho đến thời khắc này, là để làm thơ.
Nhưng Người Thơ này không thích đi theo lối của những người gieo vần đúng luật, hay lối của những nhà thơ với những chân trời khoáng đạt và hùng tráng. Nguyễn Việt Anh giống như gã lãng tử, dửng dưng và hàm chứa chất umua. Người Thơ ấy đứng lặng lẽ ở một góc công viên, hay bên lề đường, thấp thoáng trong một quán cà phê nhỏ… Và cứ thế, tỉnh bơ giữa địa cầu.
Phác thảo những chân trời/ Tìm kiếm những phận người/ Có ai thương tượng đứng/ Giữa quảng trường lẻ loi
Dưới chân hoa cứ nở/ Trên đầu mây cứ trôi/ Phải chi thu nhỏ được/ Bỏ tượng vào túi tôi
(Giữa quảng trường)
Định mệnh luôn là đề tài của mỗi người viết. Dường như con đường sáng tạo chữ nghĩa luôn là sự thử thách, thử thách đến nghiệt ngã, đến tận cùng số phận. Nhưng Nguyễn Việt Anh vẫn luôn là người thách thức cái số phận đó:
Kìa số phận đừng bức nhau quá thể/ Rượu mời anh tôi đã rót đầy/ Bao nhiêu lần quật ngã tôi không được/ Phen này tôi tính sổ với anh đây. (Định mệnh)
Tập thơ lần này, lấy tên rất lạ: THANH CHÂU. Nguyễn Việt Anh cho bạn đọc thưởng thức các thể thơ khác nhau, trừ lục bát.
Thơ Nguyễn Việt Anh có vẻ nghiêng về tư duy phân định những sự vật sự việc một cách tinh tế và có chiều hướng phản biện.
Mặt nạ này từ năm nghìn năm trước
Che được không ma quỷ đội lốt người
Cái trống này từ bốn nghìn năm trước
Xua được không, những ám muội truyền đời
(Trong Viện Bảo tàng)
Và rồi anh tiếp tục đối thoại với “hướng dẫn viên bảo tàng”:
Xin lỗi nếu tôi làm cô mất hứng
Cứ xem như tôi vừa nói tầm phào
Hãy chỉ cho tôi thứ tôi muốn nhất
Những hòn đá lửa lưu giữ ở đâu.
(Trong Viện Bảo tàng)
Triết lí cuộc đời không thể có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh gói gọn trong mấy câu thơ sau:
Anh cứ chạy như người không ý thức
Ma lực hút anh về phía chân trời
Để một ngày kia hụt hơi, kiệt sức
Lăn mấy vòng rồi nhào xuống trùng khơi
(Có phải em)
Và ngay cả hình ảnh nhật thực trong bài thơ Không thích, cũng được anh nhìn nhận ở một góc nhân sinh khổ đau của con người, và cũng là câu thơ - trong suốt tập thơ - Nguyễn Việt Anh nói rõ với bạn đọc anh là người khiếm thị. Trong mỗi đôi mắt của con người, dù sáng hay tối, đều luôn là những ánh nhìn yêu thương, dù là yêu thương theo cách nào.
Tôi không thích không phải vì khiếm thị/ Mà vì tôi chứng kiến nhiều rồi/ Diễn ra hàng ngày lúc nào chẳng có/ Người che khuất người ở khắp mọi nơi.
Người che khuất người, đó chính là hình ảnh nhật thực của con người, có lạ lẫm gì đâu mà phải thi nhau chờ đợi một hình ảnh nhật thực trên bầu trời. Và vì vậy, con người đáng thương xiết bao.
Tình yêu trong thơ Nguyễn Việt Anh giống như bông hoa được anh nâng niu. Ngay cả khi tình yêu đã rời bỏ, đã chia xa. Nhưng bông hoa tình yêu ấy vẫn còn mãi trong góc trái tim Người Thơ. Ngay cả cách anh đặt tên tập thơ là Thanh Châu, cũng là để nhớ và thương.
Có phải em tia nắng mong manh ấy/ Quyến rũ anh ở cuối con đường/ Vừa đẹp đẽ, nồng nàn, chung thủy…/ Lại mơ hồ và cám dỗ khôn lường (Có phải em).
Thơ Nguyễn Việt Anh nhiều hình ảnh, da diết và sống động, khiến cho ta nhớ đến hình ảnh Edip trong Thần thoại Hy Lạp, tự chọc mù mắt mình, để đi tìm chân lý với đôi mắt mù lòa mà trí tuệ lại sáng rỡ.
Thế gian hiện lên với màu sắc và âm thanh lay động:
Sao đồi hoang thế nhỉ
Chợt nghe tiếng heo may
Kìa có đôi lá trẻ
Bỏ nhau trên vòm cây.
(Bước chân)
Một giá sách, với con mắt thơ, như một “mối tình đã cũ hơn bụi bặm”. “Những trang gấp góc còn nguyên nếp/ Từng dòng đánh dấu vẫn chưa phai/ Bao giờ giá sách đời ta nhỉ/ Yên vui một cuốn mới trên tay” (Giá sách)
Tôi nhớ mấy năm trước, trong phòng làm việc của Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn, có một chàng trai trẻ đeo đôi kính khiếm thị bước vào, tin cậy giao cho bản thảo một tập thơ. Bận rộn nhiều việc, quá nhiều bài vở của cộng tác viên, tôi đã để quên tập thơ ấy của Nguyễn Việt Anh trong đống tài liệu bản thảo.
Để đến hôm nay, tôi thật sự cảm động khi đọc tập thơ mang cái tên Thanh Châu này. Cho dù còn đôi chút vụng về, còn đôi chút thả lỏng về nghiêm luật. Nhưng như Nguyễn Việt Anh mượn hình ảnh Cây thông để trải lòng mình:
Đã có thời nông nổi
Muốn xuyên thủng trời xanh
Cây thông đâu hay biết
Ngày tháng chẳng yên lành…
Và anh ngộ ra:
Rồi mùa đông ập đến
Lá kia phải lìa cành
Cây thông giờ bạc phếch
Đứng giữa đời là anh.
Quả thật, tôi trân trọng cái sự “bạc phếch” kia.
Nếu không, hẳn đã không thể có một Cây thông, một hồn thơ mang tên Nguyễn Việt Anh.