Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn
"Đường Trường Sơn huyền thoại vừa qua sinh nhật tuổi 60 hôm 19/5/2019, nhưng hằng đêm, bộ phim tài liệu dài tập về tuyến đường này vẫn phát trên VTV1. Từ tối 17/5, " Đường Trường Sơn - Tuyến hậu cần huyền thoại" của người bạn bố tôi tại Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu phát sóng - đạo diễn, NSND Trần Cẩm biên kịch và đạo diễn từ năm 2013, cho tôi thêm hiểu rõ hơn qua những nhân chứng, ký ức bằng hình. Tôi ước ao được đến và viết về Trường Sơn" - Nhà thơ Vi Thuỳ Linh chia sẻ thế, khi chị nói về những tác phẩm văn học đề tài đường Trường Sơn.
Box :
"Yếu tố đánh giá tài năng và bút lực của một nhà văn nhà thơ nói riêng cũng như một nghệ sỹ sáng tác nói chung, được đánh giá bằng: vỉa đề tài, năng lực hư cấu và tưởng tượng. Điều ấy nghĩa là: không nhất thiết phải kinh qua bom đạn, trải nghiệm sống chết ở chiến trường thì mới viết được về chiến tranh. Đối với đường Trường Sơn và cuộc chiến chống Mỹ (đã qua 44 năm) tới nay vẫn chưa thấy tác phẩm tầm vóc của thế hệ sau chiến tranh, thì khả năng có được tác phẩm ấy là cực hiếm và cực khó. Cuộc sống đương đại quá nhiều mối lo, nhiều thứ phải bận tâm, nhiều đề tài về thân phận con người cùng những bất trắc, bất ổn của cá nhân và xã hội vẫn chưa giải quyết được.Hiếm nhà văn nhà thơ nào của thế hệ 8X, 9X đủ độ đắm say và liều lĩnh, nhẫn nại viết về đường Trường Sơn và thời chống Mỹ."
Chị nhận định như thế nào về giá trị của các tác phẩm thơ ca về đề tài đường Trường Sơn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà?
Văn học nghệ thuật của thời đại nào, xã hội nào đều mang dấu ấn thời cuộc và lịch sử đất nước giai đoạn ấy. Ngoài những tác phẩm mang nặng tính tuyên truyền, thậm chí hô hào, thì tác phẩm đã qua sự sàng lọc khắc nghiệt của cỗ máy thời gian chắc chắn đều mang tính nghệ thuật. Trước đây khi còn nhỏ, tôi chưa hiểu rõ ý nghĩa của cái tên đường 559, lúc đầu còn tưởng đó là ký hiệu, mật báo bằng con số để đánh dấu đỉnh đồi, trận tuyến. Sau này, tôi mới biết 559 là thời gian thành lập của tuyến đường (tháng 5 năm 1959). Cá nhân tôi, khi nói đến Trường Sơn, trong trí tưởng sẽ hình dung địa danh này không quy hoạch một vùng địa lý cụ thể, đi qua những tỉnh nào, miền nào mà nó là dải núi dài xuyên qua đất nước Việt Nam và là tuyến huyết mạch vận chuyển bộ đội, khí tài, lương thực vào giải phóng miền Nam. Gần 2 vạn người đã hi sinh trên tuyến đường này. Người ta thường ngợi ca những kì tích Trường Sơn. Danh từ này đã trở thành thiêng liêng với nhiều từ phái sinh là mệnh đề kiêu hãnh. Và tính huyền thoại ấy, không chỉ là ký ức của những lớp người mà còn lưu mãi trong nghệ thuật. Có thể kể các tác phẩm thơ/nhạc như: Bài ca Trường Sơn (thơ Gia Dũng, nhạc Trần Chung), Bước chân trên đỉnh Trường Sơn (thơ Đăng Thục, nhạc Trọng Hối), Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sỹ Phạm Tuyên, Cô gái mở đường (nhạc sĩ Xuân Giao), Đường Trường Sơn xe anh qua của nhạc sỹ Văn Dung, hay tiêu biểu là tình khúc trứ danh: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc và Lá đỏ cũng do Hoàng Hiệp phổ thơ Nguyễn Đình Thi … Nhiều tác phẩm của các loại hình nghệ thuật lột tả sự hào hùng, vĩ đại của đường Trường Sơn; nhưng đã đến lúc, không thể muộn hơn, cần phải đề cập đến những vết thương, nỗi đau, bi kịch Trường Sơn...
Theo chị, yếu tố nào khiến các tác phẩm này đã trải qua được, như chị nói là "sự sàng lọc khắc nghiệt của cỗ máy thời gian", để sống bền trong lòng độc giả, khán giả nhiều thế hệ?
Hay tìm cách kiến giải riêng biệt, nói thẳng là tôi không thích "đồng ca" với cách nói của nhiều người. Ví dụ, người ta thường bày tỏ xúc động với những bài thơ, tác phẩm văn chương âm nhạc trong quá khứ vì yêu nước, tự hào. Câu ấy quá quen và tôi không kiến giải sức sống của tác phẩm ấy chỉ bằng cảm xúc yêu nước xen lẫn tự hào như số đông vẫn nói. Đấy chỉ là một chi lưu thôi, còn dòng xúc cảm bao trùm là một hợp lưu không chỉ bằng diễn ngôn và xưng tụng bằng tính từ mòn, tâm lý đại chúng mà là sự kính phục lớn lao, vì tôi biết: ngày hôm nay, thế hệ chúng tôi - vốn không hề biết giới hạn của sinh tử, của lằn ranh mong manh giữa sống và chết, của hiến dâng và dấn thân - thấy những tác phẩm ấy hấp dẫn còn bởi điều khác - đó là một thời đại không thể tái lặp! Chúng ta yêu bởi vì chúng ta vô cùng nuối tiếc và thèm khát có được sức sống ấy, có được tinh thần dâng hiến vì cộng đồng vì cái ta ấy trong thời buổi đầy thực dụng, toan tính và ích kỷ này. Chúng ta nhớ không chỉ vì một thời hào hùng mà bởi những điều chúng ta không thể làm lại được - những chiến tích mà thế giới không giải thích nổi và ngay cả những người lính đã đi qua cũng thổ lộ: nếu bây giờ cho trải nghiệm, họ cũng khó làm lại lần thứ 2.
Là người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thống nhất, chị cảm nhận gì thế nào nghe, xem, đọc các tác phẩm thơ, bài hát viết về đề tài đường Trường Sơn huyền thoại?
Chúng ta, những người được sống sung sướng hơn trong hòa bình, được hưởng thụ thành quả của hòa bình, của máu xương cha ông, nhìn qua khứ ấy là một thời đại, tôi xin phép mượn tên tác phẩm của nhà phê bình Ngô Thảo là: "dĩ vãng phía trước". Tôi khát khao mình có thể gặp dĩ vãng ấy ở phía trước một lần nữa, hay là nửa lần nữa thôi, bởi vì nói thẳng ra, thế hệ thanh niên hiện nay sẽ không bao giờ so sánh được với các tiền bối - Thế hệ đồng lòng, hiến mình, thế hệ chỉ biết lí tưởng sống: "Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến đánh quân thù" như lời của tướng Lê Mã Lương nói khi ông trai trẻ. Chúng tôi xúc động trước những tác phẩm văn chương, âm nhạc nghệ thuật của thời Trường Sơn, thời đánh Mỹ một phần bởi khát khao tinh thần sống của quá khứ ấy.
Mẹ của tôi kể, hồi chống Mỹ, khi nghe những câu hát: "Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người / Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi", là lập tức bị cuốn hút bởi thiên nhiên đẹp, ý chí quả cảm và lãng mạn. Mẹ tôi đã định đi thanh niên xung phong, nhưng bị ông ngoại tôi ngăn cản. Bà đã "thua" thân phụ, song nhiều bạn của bà đã lên đường vì nghe những bài ca ấy. Trên thế giới có 3 công việc không dành cho phụ nữ: Phi hành gia, thợ mỏ và lính chiến. Còn Việt Nam có bao nhiêu nữ dân công, thanh niên xung phong, đâu chỉ ở Trường Sơn, mà còn các cuộc vệ quốc tầm vóc đi vào lịch sử thế giới. Tôi chưa hề vào Trường Sơn, vẫn hằng mong có dịp đến. Trường Sơn với tôi không xa. Trường Sơn hiện hữu qua người bà họ (bố tôi gọi là mợ) từng là nữ lái xe chiến trường. Bà là Đại úy chuyên nghiệp Vũ Thị Kim Dung sinh năm 1948. Khi 20 tuổi, bà Dung đã lái xe Gaz 63, Gaz 51 ở Trường Sơn, trên cung đường 12, 15, đường 20 Quyết Thắng. Bà bị thương ở phần mềm và hiện vẫn đang hưởng tiêu chuẩn thương binh hạng 4/4. Sinh sau 6 năm nhưng hiện cũng hưởng chế độ như bà Dung, chỉ khác là vẫn đang làm việc cường độ cao ở tuổi 65, là người Anh hùng lao động tôi rất ngưỡng mộ. Đó là Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, một doanh nhân nổi tiếng với tài kinh doanh và thơ ca. Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến nay giành giải Doanh nhân thế giới (The Bizz) tại Hồng Kông cuối năm 2018. Chiến sĩ Nguyễn Đăng Giáp thuộc C20 D781, binh trạm 14 đã lái xe Zin 157 suốt Trường Sơn, qua Lào, Cămpuchia thời chống Mỹ. Từ chiến trường tới thương trường, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp đã lái con thuyền Tổng công ty 36 từ chỗ nợ nần thành doanh nghiệp mạnh hàng đầu Bộ Quốc phòng, gây dấu ấn với nhiều công trình lớn. Việt Nam có những đại đội dân quân gái, nữ pháo binh. Tinh thần "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", là niềm kiêu hãnh từ thời Hai Bà Trưng thế kỷ đầu tiên đến thế kỷ 20; song ở khía cạnh nhân văn, đấy cũng là một dạng bi kịch của giới nữ, vì họ không có cơ hội, điều kiện để được quyền chỉ sống với phái tính, thiên chức của mình. Phụ nữ phải ra trận đếm bom, phá bom, lấp hố bom, lái xe cầm súng thì phía sau oai hùng, dũng cảm, cần biết buồn, thương và thêm trân trọng họ. Như nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã để lại con gái chưa đầy tuổi tại Hà Nội, xung phong làm phóng viên mặt trận và hi sinh tại Duy Xuyên, Quảng Nam đúng 8/3/1969. Tôi đặc biệt xúc động khi gặp nhà báo Bùi Dương Hương Ly, con gái của Dương Thị Xuân Quý từ London trở về nơi chị sinh ra, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam khi Hội kỷ niệm 50 năm ngày mất của mẹ chị cũng là số năm chị mồ côi, chị chịu vắng mẹ trên đời. Bà là một người anh hùng. Tôi không thể có được sự cam đảm ấy. Nhân dịp này, NXB Văn hóa Văn nghệ ra mắt cuốn Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý. Theo tác giả bài thơ Cuộc đời vẫn đẹp sao - Nhà thơ Bùi Minh Quốc chồng của Xuân Quý: "Đọc cuốn này Trường Sơn hiện lên rất rõ. Dương Thị Xuân Quý viết từ ngày rời Hà Nội, hành quân qua Trường Sơn, vào chiến trường khu V, tới ngày đi từ trên núi xuống đồng bằng lần đầu tiên, đến lúc hy sinh".
Rõ ràng, cuộc chiến đã không cho ai được yên, kể cả những người ở hậu phương. Và chính những bài hát/bài thơ thời ấy đã khiến cả nước sôi sục, đã khích lệ, hiệu triệu, cộng hưởng và lôi cuốn vô cùng. 60 năm mốc son chói lọi oanh liệt cũng đủ độ lùi thời gian để thấu: bên cạnh sự vẻ vang thì Trường Sơn vẫn còn lắm vết thương chưa lành - di chứng chiến tranh: trong hiện thực và nội tâm. Những điều ấy, lớp hậu bối cần phải tìm hiểu và thế hệ chúng tôi vẫn còn đang mắc nợ quá khứ hào hùng ấy, mắc nợ ký ức đớn đau và hào sảng ấy. Đó là những góc nhìn cần được thế hệ hậu chiến này giải quyết.
LƯU VÂN THẢO (Thực hiện)