Đã đăng trong Tạp chí văn hóa Nghệ An-Số 388-10/5/2019.
Có một sự thật, rằng không ít những ngành nghề, cá nhân, gia đình, dòng họ...., đã gắng bỏ công sức, để đưa ra những minh chứng, nhằm khẳng định về một truyền thống nào đó, nhất là khi những thực thể này có những cá nhân, hay một vài cá nhân, được coi là thành đạt. Điều này không thể không khiến những người đứng ngoài cuộc đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như, người ta làm thế để làm gì, hay như thế đã đáng được gọi là truyền thống chưa, cũng như những hệ lụy của nó...
Đầu năm 1983, chẳng biết do ai giới thiệu, mà tôi-một anh giáo dạy toán ở tuổi 29, được tiếp hai vị phụ huynh hiếu học, đang "tầm sư học đạo" cho con. Một người đang là một tài xế xe khách và một người đang làm nghề giết mổ lợn, họ không chỉ ngỏ ý xin tôi cho con học, mà còn chia sẻ những bức xúc, vì những người khác đã mỉa mai các ông ấy, rằng con cái họ làm sao mà có thể thi đậu vào đại học, khi mà ngay cả đến những gia đình có truyền thống học hành như ông A, bà B... con cái cũng còn trượt nữa là... Ngược lại, tôi cũng đã từng chứng kiến không ít những trường hợp, người ta tự cho mình là có truyền thống này nọ, đến độ rất khôi hài!
Nếu nghiêm túc nhìn lại, trong suốt chiều dài lịch sử, ở tất cả các lĩnh vực, thử hỏi người Việt chúng ta đã để lại những gì, đã đóng góp những gì cho nhân loại? Trên cái nhìn tổng thể này, người ta không khó để nhận ra, cái mà đâu đó những cá nhân, những gia tộc, những dòng họ, những vùng đất..., nức tiếng thơm, phải chăng đã pha trộn quá nhiều huyền thoại!? Còn nếu nói một cách thận trọng, thì những cái được coi là “nổi trội” truyền thống kia, thực ra mới chỉ mang ý nghĩa “cực trị địa phương”, có nghĩa là chỉ trội khi so với mặt bằng xung quanh-còn quá thấp.
Trở lại câu chuyện mà hai vị phụ huynh chia sẻ với tôi khi xưa, lúc đó tôi không nói gì, mà chỉ tự nhắc nhở mình sẽ gắng để khỏi phụ lòng tin của họ với mình. Và thật may mắn, cả hai em đều rất chăm học, đặc biệt là khả năng tự học rất cao, kết quả năm ấy cả hai đều đậu vào đại học, trong đó một em được đi học nước ngoài. Ngày chia vui, tôi nói với họ rằng, chẳng phải có truyền thống gì đâu các bác ạ, các em ham học và biết tự học, thì tự khắc sẽ đỗ. Tuy vậy cái câu chuyện kỳ thị về truyền thống mà họ phải hứng chịu, vẫn cứ ám ảnh tôi.
Trải nghiệm càng nhiều, tôi càng nhận ra rằng, hình như không ít những cá nhân, gia đình, dòng họ, cơ quan, ngành nghề..., như đã và đang muốn “nặn bệ” cho mình. Truyền thống tốt có được là rất quý, rất đáng trân trọng, nhưng nó cần phải xứng đáng, nhất là cần phải có thật. Nhưng ngay cả đã có một truyền thống được tạm coi là tốt đi nữa, thì cũng chỉ nên coi đó là một “mạch ngầm”, mà mỗi cá nhân cần phải sống xứng đáng với nó, chứ quyết không phải dùng nó như một thứ trang trí, hay bao biện, che lấp cho sự yếu kém của mình. Chưa kể nếu một truyền thống là thực sự tốt, thì tự bản thân nó đã mang những giá trị tinh thần, cũng như những giá trị giáo dục cao, vì thế những thực thể, hay những cá nhân mang truyền thống tốt đẹp này, ắt phải có phẩm chất tương thích với nó.
Sẽ ra sao, khi một cá nhân, một cộng đồng sống "duy tình" không quen với "duy lý", đã thế lại rất thiếu, hay không có "đức tin", chưa kể não bộ như "vẫn ngủ", khi đó rõ ràng chỉ còn lại là những "định kiến", những “truyền thống”. Có lẽ cũng bởi tại chỉ quen sống với định kiến và truyền thống, mà biết bao huyền thoại, ảo ảnh đã ra đời. Thôi thì đủ thứ, từ "huyền nhân" đến "huyền sử", lâu ngày thành quen, thành "lẽ sống" thành "chân lý"... Nghiện rồi chăng!? Mà đã thành nghiện thì chịu chết, chẳng ai có thể chữa được "nghiện"..., cũng như căn bệnh sợ ánh sáng vậy. Và một hiện thực nhỡn tiền, thật không khó để nhận ra:
Đây xứ sở dệt thêu bao huyền thoại
Ngút khói hương bao chốn vô thường
Nơi hoang vu hằng mơ miền cực lạc
Phủ ánh lung linh lên những kiếp điêu tàn.
Quả thật, sống trong định kiến và huyền thoại về truyền thống, cũng không khác gì sống trong ảo ảnh! Và có phải chăng, người ta đang bất lực trước sự tiến bộ nhanh chóng của thế giới bên ngoài, thành ra phải tìm kiếm một liệu pháp "thắng lợi tinh thần", mà hóa ra nông nỗi!? Để rồi thực tại vẫn chỉ là những đói nghèo-lạc hậu, bên những tệ nạn hoành hành, tranh công đổ lỗi, cùng chủ nghĩa thành tích đến mức bệnh hoạn.
Trong xã hội đương đại, nhất là trong bối cảnh-sự tồn tại cần phải gắn chặt với sự phát triển, thì rõ ràng người ta phải nhận thức rõ những vật cản từ truyền thống, cũng như những giá trị truyền thống đã lỗi thời. Hơn thế nữa, cũng cần phải biết chấp nhận một sự thật rằng, không ít những mô hình, những thực thể, những lĩnh vực..., chúng ta phải xây dựng lại, xây dựng mới từ đầu, dựa trên những học hỏi từ nhân loại văn minh. Bởi có sao đâu, dẫu bắt đầu từ “hai bàn tay trắng”, nhưng biết nỗ lực, học hỏi, đoàn kết, biết từ bỏ những rào cản, thì không có lý do gì, cản ngăn sự phát triển. Ngoài ra trong sự phát triển tiến bộ đó, tự khắc những giá trị cao đẹp của những truyền thống nếu có, ắt tự nó cũng sẽ mãi tồn tại và phát triển, mà khỏi cần phải lo gìn giữ và bảo vệ chúng.