Hà Lâm Kỳ
Ngay sau trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Sư đoàn 304B chúng tôi mang phiên hiệu "Đoàn 3005", được lệnh lên đường đi B. Đêm mùa đông, mưa dầm, lạnh buốt. Đoàn xe quân sự chầm chậm chuyển bánh rời Đại Từ, Phổ Yên, qua Đông Anh, theo Quốc lộ 1, hướng về Nam. Các thành phố: Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định còn mùi khói thuốc nổ của đạn pháo cao xạ, của tên lửa Nga; và cả khét lẹt, hăng hăng của B52 rải thảm. Thành phố hoang tàn, tê lạnh, không búp cây xanh, không người dân, không ánh mặt trời. Làn xe, lúc chạy thẳng, lúc tăng bo. Chỉ có màu áo lính với báng súng hồng, và vai áo bạc, tay cuốc tay xẻng của thanh niên xung phong dọc tuyến đường, vẫn như lặng lẽ mà sống động. Miển Bắc chiến tranh hình như đang lùi dần sau 12 ngày đêm cao điểm của đạn bom Mỹ.
Rời trạm tập kết trên đất Bố Trạch Quảng Bình, ai cũng tự hiểu, cuộc "Vượt rừng" bắt đầu rồi đây. Những lá thư Trường Sơn đầu tiên tỳ lên dây võng, viết vội, không cần dán tem, gửi ai đó ngược chiều, ra Bắc. Hôm qua, cấp trên thông báo, Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Pa ri về Việt Nam, cánh lính vui sướng gõ nồi xoong. Đại đội háo hức chia nhau quà của Bác Tôn, mỗi người ba chiếc kẹo Hải Châu, hai điếu thuốc Tam Đảo. Sáng Mồng một Tết (1972 – 1973), thịt hộp, cá khô đã sẵn sàng, Tiểu đội 1, Đại đội 22 đang nấu nồi cơn nếp đón xuân thì bất ngờ có lệnh hành quân khẩn cấp, di chuyển khỏi địa điểm, anh em thay nhau khiêng nồi cơm vừa đi vừa đốt lửa. Ngày còn học cấp ba đã hành quân cắm trại nhưng chưa ai gặp cảnh này nên đám lính trẻ, kẻ khiêng người đốt lửa, tán dóc cười như rang giữa rừng già. Ba giờ chiều, lỡ trạm, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn truyền lệnh được phép ngủ dọc đường. Chính trị viên và Đại đội trưởng đi hội ý, chiến sỹ căng tăng mắc võng, tốp nhanh chóng chuẩn bị cho bữa tươi chiều Mồng hai để kết thúc Tết Nguyên Đán. Tốp khác trèo nhanh cây cổ thụ bóc từng nhánh phong lan thả xuống. Chỉ loáng, đầu võng nào cũng được gài nhẹ nhành hoa lan đủ các màu sắc, đung đưa theo nhịp hát vo. Rừng già Trường Sơn và Đồng đội 3005, "tiễn" xuân, thật lãng mạn.
Đã hơn một tháng vượt rừng dầy. Những người lính 3005 quen thuộc với hàng chục vách núi tai mèo, vách đá thang dây, với "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" mà vạn bàn chân lớp đàn anh đi trước, sáng tạo ra. Ấy là chưa kể chia nhau khiêng cáng đồng đội bong gân, sốt rét, lúc lúc lại rộ lên từng trận cười khi ai đấy to tiếng kể lý "ông Mèo", "Truyện Trạng Quỳnh", đọc "Thơ Bút Tre", hát nhái. Cái cười, cái tếu táo của lính trẻ hóa ra cũng có sức mạnh tinh thần, làm quên đi sự gian nan đường trường, khỏa lấp nỗi nhớ quê, nhớ bạn.
Cấp trên cho phép nghỉ ba ngày để dưỡng sức và nhắc nhở khi hành quân trên đất bạn Lào, Căm Pu Chia. Tôi là y tá Đại đội 22, được Tiểu đoàn trưng tập phục vụ 8 đồng đội và chính trị viên phó sốt rét nặng tạm nằm lại Bệnh xá 18 trên chặng Trạm 64-65 Binh Trạm 47 thuộc tỉnh Na On (?). Sau gần ba ngày lấy sức, đơn vị vượt qua loạt dốc đứng và vách đá, rồi dừng nghỉ ở Trạm 67 thuộc tỉnh A Tô Pơ, thì đã thấy chiến sĩ Đỗ Bá Tỵ và mấy đồng đội nữa, kịp có mặt. Số là trong khi tôi và Hiếu (y tá), tháp tùng Tiểu đoàn phó Trần Ngách đi khóa hậu thu dung, cũng là lúc Tỵ, Sự và Lợi cắt cơn sốt, các anh rủ nhau "chào" Trạm rồi đuổi theo, và đuổi kịp. Ai nấy ngỡ ngàng, liền ngả mấy hộp thịt khao các bệnh nhân.
Ở Trạm 67, tôi đang cùng "Xê bộ" vào bữa cơm chiều thì có một người của Trạm đến tìm, rồi anh tự giới thiệu tên là Cầm Văn Dót, người Thái, quê ở khu I, thị xã Nghĩa Lộ. Thì ra khi làm việc với quân y Tiểu đoàn, y sỹ Nguyễn Ngọc Dư đã thông tin, ở Đoàn 3005 Yên Bái , chỉ có y tá Kỳ là người Văn Chấn. Giữa trùng điệp Trường Sơn, giữa ngàn vạn quân binh vào Nam, gặp được đồng hương, không gì vui sướng bằng. Đại đội cho phép tôi ngủ bên Trạm bộ, đêm đó, anh em tâm sự đến gần sáng. Anh Dót kể rất nhiều chuyện về Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; về những người lính ngoài vào, trong ra; về thanh niên xung phong, thương bệnh binh, các đoàn dân chính. Đặc biệt, những câu chuyện giao liên cảm động, những chuyến xe vận tải kỳ lạ, rồi những trận đánh máy bay AC130, C130, AD6, và đánh cả quân Mỹ đổ bộ chớp nhoáng bằng trực thăng xuống cao nguyên Bô lô ven, tôi có cảm giác chuyện về Trường Sơn của anh Cầm Văn Dót, người có tới 9 năm bám trụ Binh trạm giao liên, là cả một pho tư liệu. Lúc về lại đại đội tiếp tục hành quân, anh Dót đặt vào tay tôi ba quả bánh chưng tròn và túi thịt gà rang, anh bảo: "- Quà các em đi đường". Tôi chào anh mà khó hẹn ngày gặp lại, chỉ dám định bụng gi những chuyện anh kể hồi đêm vào cuốn sổ nhật ký.
Hôm nay, 15 tháng 4 năm 1973, nằm trong đội hình của Trung đoàn 7 công binh rải suốt khu vực ngã ba Đông Dương đến sông Trà Dạt. Đoàn 3005 nhận lệnh thi công mặt đường, chuẩn bị tích cực cho các đoàn xe vận tải từ Bắc vào chiến trường. Chính trị viên Hà Chu lên Trung đoàn bộ họp về, thông tin trong phạm vi cán bộ trung đội, rằng, nhà thơ Tố Hữu vào chiến trường, ông đi thực tế để sáng tác (!), không hiểu rõ chủ trương của Trung ương nhưng cả đoàn quân truyền tai nhau, rất vui, cảm thấy Trường Sơn, Tây Nguyên xa xôi, đã gần lại với Thủ đô Hà Nội. Trời Tây Nguyên đang là mùa khô, nhưng đây đó nhiều đoạn đường dã chiến lâu ngày sạt lở, nhất là những bãi ngầm. Đại đội 22 đang thi công lấp đá hộc thì có hai chiếc xe con đi đến. Đường tắc, phải chờ ít phút. Bỗng một phụ nữ khăn rằn quàng cổ từ trong xe bước ra, sau bà là một ông già người Tây Nguyên. "-Bà Định!" tôi chợt reo lên vì ngày sinh viên tôi đã từng được ngắm ảnh bà Nguyễn Thị Định. Người bảo vệ đi bên giới thiệu, còn đây là Anh hùng Núp. Mừng quá, cả Trung đội công binh ùa lại. Bà Nguyễn Thị Định và Anh hùng Đinh Núp bắt tay, ôm lấy vai mấy lính trẻ rồi lên xe. Đoàn xe chạy qua, chúng tôi ngẩn ngơ bàn luận về cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đất Tà Dạt, Công Tum.
Đoàn 3005 làm việc rất hăng, cũng rất có kỷ luật. Chỉ trong mười ngày đầu đã hoàn thành vượt kế hoạch làm đoạn đường mới, đắp đá, đóng cọc trống chơn, đan phên lồ ô đặt dọc mặt đoạn lầy, mà số quân sốt rét, trúng mìn lá, mìn mo của địch cũng không nhiều, được chỉ huy Trung đoàn thưởng mỗi đại đội một thùng gỗ thịt hộp Trung Quốc. Đại đội phó Trường yêu cầu ăn dè, thế nên mỗi bữa, Tiểu đội chục người được mở hai hộp, xen vào rau sắn và măng rừng. Khan hiếm thực phẩm, chỉ huy Đại đội cho phép mỗi ngày hai người đi bắt cá nơi khe suối nhỏ, hoặc lên rừng bóc nõn cây đao dại, lấy hoa chuối, về nộm với lạc khô. Những món ăn tự chế thật tươm tất. Bốn năm ngày Trung đội hoàn thành đoạn đường, lại "nhảy cóc" di chuyển qua các đơn vị bạn mà nhận lô khác làm tiếp. Hai tháng lăn lộn với mặt đường, nhờ kinh nghiệm được phổ biến, Đoàn 3005 chỉ có tới mười bẩy chiến sỹ trúng mìn lá sát thương nhẹ. Tội nhất là Tâm, Tâm đã phải tháo đốt tay ở Trạm 35, nay lại bị mất thêm ngón trỏ. Ấy vậy mà, việc gì cũng xung phong. Rồi Bắc, Bắc là Tiểu đội phó hỏa lực Đại đội 22, hôm vượt sông Xê Băng hiêng, máy bay địch ào đến, Bắc kéo dạt mấy đồng đội đang giữa dòng sông vào ven, thật may mắn, hai chiếc L19 không phát hiện ra. Giờ, Bắc bị mìn lá nổ xén vào bắp chân. Bắc bảo, không việc gì, đắp lá rừng là khỏi. Bắc là người Tày xã Hồng Ca Trấn Yên, tự lấy thuốc nam đắp vết thương. Hai hôm sau, Bắc lại xuống đường khuân đá lát ngầm. Chỉ tám tháng sau đấy, chiến sỹ Hà văn Bắc hy sinh trong trận đánh giữ đồi Chư dệt.
Ngày 23 tháng 7 năm 1973, Đoàn 3005 bất ngờ được lệnh nghỉ ngơi, học tập chính trị, ổn định tinh thần, và rời khỏi Trung đoàn 7 Công binh, bổ xung về Trung đoàn 66, và Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 10 Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Từ đây, phiên hiệu Đoàn 3005, và địa chỉ "Hòm thư..." trước đó, theo suốt chiến trường Trường Sơn, không còn. Chưa đầy hai tháng sau, những chiến sỹ đầu tiên của Đoàn 3005 lặng lẽ ra phía trước, đối mặt trực tiếp với súng đạn Mỹ tại các cao điểm cánh Bắc Công Tum.
Bốn mươi năm sau!
Tháng 7 năm 2013, tôi mới có dịp thăm chiến trường xưa. Xe ô tô chạy dọc đại lộ Hồ Chí Minh vào Nam. Không gì vui hơn được trở lại trên chính con đường mòn Trường Sơn mình đi ngày trước. Bồi hồi nhớ đồng đội Đoàn 3005, nhớ những triền núi, những cánh rừng bạt ngàn, rung rinh phong lan và đầy ắp thảm thực vật, đầy ắp cả những tiếng cười, tiếng xe và giọng hát "Dừng chân bên suối võng đưa…",() nay chỉ còn trong ký ức. Chiếc xe 15 chỗ lướt ngược dốc, tôi buột miệng: "Trường Sơn vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa…"(). Tôi rút điện thoại gọi cho người bạn – Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Vi Hợi đang ở quê thành phố Vĩnh Yên, kể cho anh về đoạn đường số 7 Cheo Reo, nơi anh và Trung đoàn 64 lập nên chiến tích quyết định trong chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975. Tôi có hân hạnh được các cựu chiến binh Đoàn 3005 ngày nào cử làm Trưởng ban liên lạc với cái tên gợi nhớ: "Ban liên lạc Đoàn 3005 Trường Sơn - Tây Nguyên". Đã 20 năm, Ban liên lạc chỉ tìm được khoảng 100 trong tổng số 600 đồng ngũ, đồng đội vượt Trường Sơn ngày đó. Những cái tên tự hào: Đại tá Trần Ngánh, quê ở xã Xuân Đài, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, vị tiểu đoàn phó luôn xông pha dẫn dắt Đoàn quân; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người từng bỏ dở ca điều trị sốt rét, đuổi theo đơn vị, là Hoàng Văn Lợi xã Yên Bình huyện Yên Bình "Một mình đánh địch giữ chốt"trong trận đồi ADum, là Triệu Tiến Châu dân tộc Dao ở xã Kiên Thành, Trấn Yên, đánh địch trên ba mặt trận: Tây Nguyên, Campuchia, Biên giới Nậm Thi Lào Cai, Lợi và Châu đã nhiều lần được lên mặt bao, đều được làm hồ sơ đề nghị nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng, và nhiều nữa. Nhưng hơn hết, là những đồng đội 3005 của tôi không kịp biết đến ngày toàn thắng, lúc trở về quê mẹ chỉ là chút hài cốt, thậm chí, các anh còn nằm đâu nơi nghĩa trang, chốn đồi núi của đất rừng Tây Nguyên? Của đèo vực Trường Sơn? Xin đồng đội phù hộ cho đất nước, cho quê hương Yên Bái…"
Tôi xuống xe thắp hương trước tượng đài Ngọc Hồi – Công Tum, rồi đi vào huyện Sa Thầy, đến với bờ sông Tà Bộp, Tà Dạt. Tìm đâu dấu tích, địa điểm chúng tôi nằm rừng, chặt cây, đào đá, mở thêm những đoạn đường, làm lán trại tập kết xe pháo súng đạn, lương thực, cấp tập chuẩn bị cho Chiến dịch Mùa xuân. Tất cả, giờ đã là rừng cao su xanh ngút mắt, một màu xanh tưởng bình yên, như bất tận. Với tư cách một người trong cuộc, tôi đã xuất bản cuốn tiểu thuyết sử thi " Vượt rùng" (NXB Hội Nhà Văn - 2007), và nhiều bài viết khác trên các báo. Nhưng đấy chỉ là chấm phá về Đoàn 3005 về Trường Sơn Tây Nguyên trong khoảnh khắc. Những gì còn lại, chắc chắn phải chờ ở người viết thế hệ sau.
Xuân Kỷ Hợi 2019
H.L.K