Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM ĐỘC ĐÁO CUẢM ĐIMHF (ĐỀN) VÀ LỄ HỘI ĐÌNH TRÈM

Đường Văn
Thứ tư ngày 15 tháng 5 năm 2019 3:14 PM


 

(Khảo cứu)

 

ĐƯỜNG VĂN

 

              Để giúp bà con cô bác ba làng Trèm – Hoàng – Mạc và khách thập phương hiểu rõ hơn về Đình (đền) Trèm và Lễ hội đình (đền) Trèm, chúng tôi bước đầu khảo cứu và hệ thống hóa một số điểm khác biệt, độc đáo của Đình Trèm và Lễ hội đình (đền) Trèm trên các bình diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ngôn ngữ, nghi lễ, phong tục... như dưới đây.

 

I.                  Đình (đền) Trèm

 

1.Về tên gọi:

        Từ xưa đến nay đã và đang đồng hành, đồng nhất 2 tên gọi: “đền” và “đình”.

         Từ “đền” có trước, ít nhất từ thời Triệu Xương, Cao Biền dựng, sửa đền Lý Hiệu úy (Lý Ông Trọng) ở làng Trèm – Thụy Hương, huyện Từ Liêm, khoàng thế kỷ thứ 7.

         Từ “đình” có sau, nhưng chưa rõ xuất hiện từ bao giờ? Có lẽ khi ngôi Đình Trong được hoàn thành bên cạnh ao Đình(thuộc TDP Đình ngày nay). Cũng chưa rõ Đình Trong (nằm bên trong đê Hữu Hồng) được xây cất từ bao giờ? Để phân biệt với Đình Trong, dân làng Trèm gọi đền Trèm là “Đình Ngoài” (với nghĩa là ở bên ngoài con đê Hữu Hồng.

          Từ đó, riêng đền Trèm – đền Lý Hiệu úy bắt đầu song hành  cả 2 tên gọi: đình - đền. Đặc biệt là khi Đình Trong bị phá dỡ (khoảng cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước), bài vị thờ Thành Hoàng làng Trèm – Thụy Phương được di dời ra Đình Ngoài thờ chung với Đức Thánh Trèm Lý Ông Trọng thì cách gọi song hành, đồng nhất này có xu hướng ngả sang từ “đình” mà thưa nhạt dần dùng từ “đền”, cho tới nay. Trong khi đó, rất nhiều đình, đền trên đất nước ta chỉ duy nhất 1 cách gọi, không nhập nhòa, lẫn lộn.

          Ví dụ: đình Vẽ, đình Giànđình Kẻ, đình Nhật Tân... đền Hai Bà Trưng, đền Quán Thánh, đền Sóc, đền Kiếp Bạc...

          Bởi thế, cách gọi đình (đền) Trèm quả là một hiện tượng lịch sử - văn hóa – ngôn ngữ độc đáo, thú vị nhưng cũng không kém phần bất tiện, phiền toái, nhất là đối với khách thập phương và các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay.* (Mời đọc tham khảo các bài của Lê Dụ và Đông Chi trong sách này).

2. Vị trí tọa lạc

           Đình Trèm được xây dựng ở vị trí chân đê phía bên ngoài con đê Hữu Hồng. Trong khi hầu hết các ngôi đình, đền, chùa dọc dải sông Hông (2 bờ tả, hữu) đều nằm ở phía bên trong đê:  (đình Hoàng, Mạc, Kẻ, đình Vẽ, đình Nhật Tảo, đình Phú Thượng, Nhật Tân, Yên Phụ...).

3. Hướng:

          Đền Trèm quay mặt về hướng chính Bắc. Trong khi hầu hết các đình, chùa, đền, miếu Việt Nam thường quay về hướng Nam, Đông Nam, Tây Nam, Tây...

 

4. Kiến trúc nhiều lớp theo hướng Bắc – Nammỗi lớp có những công trình mang đặc sắc riêng:

 

4.1. Nghi môn (cửa vào) 2 lớp, 3 kiểu: (ở nhiều đình, chùa khác là: Tam quan (ba cổng, cửa)

4.1.1. Nghi môn ngoại (ngoài): bao gồm Tứ trụ: 4 cột vuông, cao, đắp nổi câu đối, xây trên sân Gảnh đình, cách bờ nước khoảng bờ nước khoảng 4 – 5m.

4.1.2. Nghi môn nội (trong): Gian giữa Tàu Tượng.

4.1.3. Nghi môn phụ: Gồm 2 cổng gạch, nhỏ, thấp, có 2 cánh gỗ, xây áp sát tường 2 hồi đông, tây nhà Tàu Tượng.

4.2. Tàu Tượng: Ngôi nhà 4 mái cong, nền cao 5 bậc (lát đá xanh), 3 gian, 2 dĩ.

4.2.1. Gian bên đông: thờ tượng Bạch Tượng (voi trắng).

4.2.2. Gian giữa: Nghi môn nội (đã nói ở mục 4.1.2)

4.2.3. Gian bên tây: thờ tượng Bạch Mã (ngựa trắng)

4.3. Phương đình (nhà vuông) gồm 3 ngôi, để trống chung quanh, không xây tường bao:

4.3.1. Phương đình giữa: Nối thông với gian giữa, tòa Đại bái (Tiền tế): 2 tầng 8 mái, 8 cột vuông xây bằng gạch Bát Tràng, không trát.

4.3.2. Tiểu Phương đình đông: 4 mái, 4 cột vuông xây gạch Bát Tràng, không trát, bên trong có đặt bia đá. Mặt bia khắc bàiThụy Phương đình bi ký của TS. Nghiêm Xuân Quảng nói về sự kiện Kiệu đình Trèm. Giữa tiểu phương đình xây 1 bệ vuông, mỗi cạnh khoảng hơn 1 m.

4.3.3. Tiểu phương đình tây: Kiến trúc tương tự TPD đông. Bia đá khắc Danh sách những người công đức Kiệu đình.

4.4. Tòa Đại bái – Trung cung: Gồm 2 ngôi nhà 5 gian 2 dĩ; mỗi gian 4 mái, nơi đặt các ban thờ ở gian giữa. 2 ngôi nhà được xây liền kề nói với nhau bằng hệ thống máng hứng nước mưa.

4.5. Hậu cung: Ngôi nhà nối với Trung cung ở gian giữa, nơi tiếp tục đặt các ban thờ, bài vị và quần thể tượng thờ.

4.6. Quần thể tượng thờ đặt trong, ngoài  Hậu cung: (tất cả được tạc bằng gỗ mít, khoảng năm 1887). Riêng tượng ông Quản tượng, Bạch Tượng và Bạch Mã đã bị phá bỏ thời cuối những năm 50 thế kỷ 20, mới được phục tạc trong những năm gần đây.

4.6.1. Tượng Nhị Thánh (Thánh Ông Lý Ông Trọng và Thánh Bà Bạch Tịnh cung). Đặc biệt độc đáo vì: Tượng có chiều kích rất to lớn, ngồi cao chạm nóc đình. Hai vị Thánh ngồi cạnh nhau, vẻ mặt rất nghiêm trang, hiền từ.

4.6.2. Bên chân Nhị Thánh là tượng 2 người hầu trong tư thế quỳ.

4.6.3. Hai bên đông, tây, gần sát tường hồi là tượng Lục Vị vương (6 con trai, gái của Nhị Thánh): tượng tạc tư thế đứng, hình dáng như người bình thường.

4.6.4. Tượng ông Sứ (Nguyễn Văn Chất) làm việc quản mã và săn sóc sức khoẻ Đức Thánh. Tượng tạc ở tư thế đứng. Da mặt ngài đỏ sậm. Mắt quắc, dữ dội. Tượng đặt ở một gian nhỏ phía tây Trung cung.

4.6.5. Tượng ông Quản (quản voi). Tạc ở tư thế ngồi. Da mặt ngài màu trắng. Vẻ hiền. Đặt ở gian nhỏ hồi phía đông, hiên Hậu cung.

4.6.6. Tượng voi, ngựa (bằng gỗ; trước đây tượng voi bằng nan. Những năm gần đây mới được phục dựng), đặt trong nhà Tàu Tượng.

4.7. Hệ thống máng bằng đồng hứng nước mưa nối giữa tòa Tiền tế với tòa Trung cung, là một công trinh cũng đặc biệt và độc đáo về chất liệu và kiến trúc.

4.8. Hai bia đá gắn chìm vào tường hai hồi đông, tây tòa Đại bái, khắc 2 bài phú (chữ Hán): Thụy, Hương của Tiến sĩ Lý Trần Tân (đời Hậu Lê), tụng tán phong cảnh, sản vật, lịch sử và văn hóa làng Trèm và ngợi ca công đức Thánh Trèm là một trong những điểm khác biệt mà không phải đình, đền nào cũng có.

           (Mời xem toàn văn bản dịch văn bia trong sách: Di sản Hán – Nôm đình Chèm. NXB. Thế giới mới, 2016)

 

5. Kiệu đình Trèm.

         Sự kiện lịch sử độc đáo, được tiến hành vào năm 1916. Bằng phương pháp thủ công, dân ba làng tổ chức thi công nâng - kiệu đình Trèm lên độ cao 2, 4m so với nền cũ để chống lũ, lụt, chống nước sông Hồng dâng cao, tràn ngập đình, sau trận lụt, vỡ đê Liên Mạc, năm 1915. Có lẽ đây là sự kiện lịch sử lớn lao, trọng đại, hiếm hoi, độc nhất vô nhị đối với đền Trèm và dân ba làng, từ xưa đến nay.

          (Mời đọc Thụy Phương đình bi ký (1917) của Tiến sỹ Mỗ Phong Nghiêm Xuân Quảng (Người xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) trong sách Di sản Hán - Nôm đình Chèm (sđd)

 

II.               Lễ hội đình (đền) Trèm

 

1. Thứ tự xếp hạng trong dân gian:

         Thứ nhất là hội Cổ Loa/Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Trèm (Ca dao Hà Nội)* (Mời đọc tham khảo bài viết: Viết lại ca dao của Phạm Văn Trường và bài: Bàn về hai cách gọi: “đình Chèm”, “đền Chèm” của Lê Dụ trong sách này.)

2.Thời điểm Lễ hội: Lễ hội đình Trèm được mở hằng năm trong 3 ngày liền, trung tuần tháng 5: 14 (khai hội) -15 (chính hội) -16/5 Âm lịch.

          Trong khi cùng thờ Lý Ông Trọng, nhưng Lễ hội làng Ninh Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại được mở 5 năm 1 lần vào 3 ngày liền đầu mùa xuân: 9 – 10 – 11 tháng giêng Âm lịch. Ngày 10 tháng giêng là Kỵ nhật Đức Thánh Lý Ông Trọng.

          Còn lại, hầu hết các Lễ hội ở Việt nam đều được mở vào mùa xuân, hoặc mùa thu.

3. Nguyên cớ và mục đích mở Lễ hội:

            Kỷ niệm ngày Thánh Trèm khao quân, mừng chiến thắng.

 

4. Nghi lễ, trò Hội:

 

4.1. Tiếng hô đồng thanh của đội phù giá trong lễ tế, rước: “Ù óe!” Nói chệch 2 từ Hán Việt “Uy vũ”: tung hô sức mạnh, oai phong của Lý Thánh Ông và quân sĩ do ngài chỉ huy. Tiếng hô “Ù óe” là do âm tiếng bị nhòe đi, biến âm do bị khăn bịt khẩu và quạt giấy che, chặn vang lên đồng thanh, từng nhịp  theo hiệu lệnh trống của vị Thủ hiệu khiến người nghe, xem cảm thấy ấn tượng không khí linh thiêng, thần bí, oai hùng.

4.2. Đội quân phù giá (hộ giá hầu kiệu Thánh): chọn những thanh niên khỏe, đẹp, chưa vợ. Trang phục khi tế lễ, rước: cởi trần (nay mặc áo may ô trắng). Đầu chít khăn điều (đỏ), miệng bịt khẩu (khẩu trang) điều, tay cầm quạt giấy, mình vận khố điều (nay mặt quần cộc đỏ). Sau mỗi buổi, mỗi ngày Lễ hội, Đội trưởng thường phải khao toàn quân, úy lạo, động viên đội mình.

4.3. Rước Nước và lấy nước.

Rước Nước là nghi lễ chung của nhiều lễ hội trong cả nước Việt Nam (đất nước của biển và sông hồ. Nơi lấy nước tùy theo từng địa phương. Lễ Hội đình Trèm, khác biệt  nhiều lễ hội trong vùng miền; độc đáo ở lộ trình rước, nơi và cách lấy nước:

-         Lộ trình rước Nước: từ Gảnh đình Trèm (trước đây từ Bến Ngự (TDP Hồng Ngự, p.Thụy Phương), cách Gảnh Đình về phía hạ lưu vài trăm mét), ra giữa sông Hồng, ngược lên đoạn sông đầu làng Mạc (p. Liên Mạc), quay về, lấy nước ở giữa sông, vào bờ, lên bờ (trước đây lên Bến Ngự), vào đình, tiến cung dâng lễ Thánh.

-         Rước Nước bằng (xưa) thuyền gỗ; (nay) bằng tàu sắt kèm kéo xà lan có thể chở hàng trăm người.

-         Cách lấy nước: Đến giữa sông Hồng, thuyền (tàu) quay tròn 3 vòng. Ông Chủ tế dùng gáo đồng 3 lần múc nước sông Hồng đỏ đầy 3 chóe sứ cổ trong tiêng nhạc bát âm đàn, sáo, nhị, trống, chiêng hòa tấu khúc Lưu thủy rộn rã, tưng bừng. Mỗi chóe nước cúng sử dụng 2 chàng trai niên thiếu đẹp, khỏe khiêng bằng đòn gỗ sơn son thiếp vàng.

4.4. Rước Văn và đọc Chúc văn.

        Cho đến giữa thế kỷ trước, rước Văn trong Lễ hội đình Trèm được bát đầu từ đình Trèm tới nhà ông Tả văn (người có học vị cao nhất làng, được làng giao nhiệm vụ viết Văn tế) rồi từ nhà ông Tả văn rước về đình Trèm. Trung tâm rước Văn là rước bản Văn tế mới được viết cho Lễ hội năm ấy. Rước về đình thì tổ chức lễ hóa bản văn.

         Từ năm 1990 đến nay, rước Văn trong Lễ hội đình Trèm được chuẩn bị từ đình Trèm tới chùa Trèm (Hàm Long tự), đượcrước chính thức vào khoảng 14h – 16h 30 các buổi chiều 14, 16/5 từ chùa Trèm về lại đình Trèm.

         Các ông Đông (hoặc Tây) tán đọc Chúc văn (Văn tế). Văn tế viết theo mẫu, không hóa mà lưu lại, dùng trong nhiều năm.

4.5. Lễ Mộc dục (Tắm tượng)

- Thời gian hành lễ: giờ Ngọ (trưa, 12h) ngày chính hội (15/2).

- Địa điểm: Tại Tiểu phương đình phía Tây hoặc Đông và tại nhà vuông dựng tạm bằng vải đỏ trên nền bệ xây gạch hình vuông trong sân Gảnh Đình).

- Đối tượng được tắm rửa, lau chùi:

          Bài vị Nhị Thánh, tượng ông Sứ Nguyễn Văn Chất. Đoàn rước rước tượng Ngài từ trong cung ra Tiểu phương đình hoặc nhà quây vải vuông mới dựng.

- Ông Chủ tế trực tiếp làm lễ Mộc dục cùng với một vài người phụ giúp trong tiếng nhạc bát âm tưng bừng.

4.6. Cờ Lễ hội đình Trèm:

          3 lá cờ đại, treo trước Gảnh Đình và trên bờ đê, bên lối vào đình.

Gồm có:

         Cờ Tổ quốc Việt Nam (nền đỏ, sao vàng) treo chính giữa trên đỉnh cột.                       Cột bên phải, treo cờ “Thần” hình vuông, vải màu đỏ, viền răng cưa mùa xanh, giữa thêu 3 chữ Hán màu vàng: Thượng đẳng Thiên vương (tước phong của Đức Thánh Trèm Lý Ông Trọng).

          Cột bên trái (phía Tây, phương Phật) treo cờ phướn, dải vải màu trắng.

          Có 2 điểm khác và độc đáo so với cờ các Lễ hội trong vùng:

Cờ Thần không thêu chữ “Thần” mà thêu chữ “Thượng đẳng Thiên vương”

Cờ phướn (theo Phật tích) treo đầu quạ (bằng vải tết) và dây  phướn vải màu trắng * (Mời đọc tham khảo bài “ Cờ Lễ hội đình Chèm” của Trần Xuân Dung trong sách này).

4.7. Lễ vật trong 3 ngày Lễ hội đình Trèm:

            Hoàn toàn chỉ dùng lễ vật: chay.

            Không sử dụng lễ vật mặn (thịt, cá).

            Lễ vật đặc trưng: chè kho (nấu bằng đậu xanh xay, giã nhuyễn.

4.8. Lễ Phóng điểu (phóng sinh) – Trò hội thi thả chim bồ câu.

           Nét khác biệt và độc đáo của nghi lễ - trò hội này trong Lễ hội đình Trèm là ở chỗ:

+ Mang chức năng kép: vừa là nghi lễ vừa là trò thi vui của hội.

+ Thời gian: được tiến hành đồng thời với lễ Mộc dục.

+ Địa điểm: Sân Gảnh Đình, bên cạnh địa điểm lễ Mộc dục.

4.9. Nghi lễ thi Trâu thờLợn thờ (từ 1990 đến nay, chưa được phục hồi)

          (Trong Lễ hội làng Ninh Sơn (Chúc Sơn) có tổ chức thi Lợn thờ).

 

5. Lễ hội đình Trèm là lễ hội chung 3 dân của 3 làng láng giềng, quần cư dọc dải đê Hữu Hồng, kết nghĩa anh em gắn bó, cùng thờ Đức Thánh Lý Ông Trọng (Trèm (anh cả) – Hoàng (anh hai)  - Mạc (anh ba) thuộc 2 phường Thụy Phương, Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

           Nói chung, phổ biến ở Việt Nam là làng nào có riêng lễ hội của làng ấy. Ví dụ: phường Đông Ngạc có 3 làng: Nhật Tảo, Đông Ngạc (Vẽ) và Liên Ngạc (Bãi Hoa xưa) thì 3 làng ấy mỗi làng đều có Lễ hội thường niên riêng của mình, mở vào những ngày khác nhau, với những nghi lễ không hoàn toàn giống nhau. Các phường Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Phú Thượng... cũng thấy tình hình Lễ hội như thế.

6. Hằng năm, Lễ hội đình Trèm tiến hành trong 3 ngày liên tiếp 14, 15, 16/5 Âm lịch, giữa mùa hạ, nắng nóng. Điều đặc biệt về thời tiết như đã thành quy luật (rất khó giải thích về mặt khoa học mà chỉ có thể giải thích bằng sự linh thiêng của Thánh Trèm lay động đến Trời đất) là trong 3 ngày đêm lễ hội đó nhất định sẽ có ít nhất  1 trận mưa hoặc to, kéo dài, hoặc nhỏ, ngắn, thoáng chốc. Nếu mưa vào đêm 13 hoặc sáng 14, ba dân gọi là mưa rửa đình để đón chào Lễ hội; mưa ngày đêm 15 thì gọi làmưa mừng lễ hội, mừng Nhị Thánh; còn nếu mưa vào ngày 16 thì được gọi là trận mưa Thánh Trèm tiễn Thánh Gióng (sang chơi hội) về quê Phù Đổng (Gia Lâm).

 

KẾT LUẬN SƠ BỘ

 

1.Trở lên mới chỉ là là một số những điểm khác biệt, trong đó có một vài điểm độc đáo của đình Trèm và Lễ hội đình Trèm so với các lế hội khác ở trong ngoài Thủ  đô Hà Nội và các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, theo nhận thức chủ quan của chúng tôi. Nhưng dù mới chỉ bấy nhiêu cũng đã để chúng ta, những con dân làng Trèm, hậu duệ của Đức Thánh Lý Ông Trọnghết sức tự hào về quê hương làng Trèm – phường Thụy Phương, mảnh đất điạ linh nhân kiệt đã sản sinh ra một bậc anh hùng văn hóa kỳ vĩ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam; tự hào về đình Trèm với kiến trúc đẹp đẽ, vững bền, uy nghiêm, thanh nhã, tự hào về Lễ Hội đình Trèm đứng thứ ba trong các lễ hội cả nước với không ít nghi lễ trang trọng, mang bản sắc riêng, với những trò hội kết hợp với nghi lễ vừa trang nghiêm, giàu ý nghĩa lịch sử, văn hóa vừa vui vẻ, nhân văn, sống động, thể hiện bản lĩnh thông minh, tài khéo, đặc biệt là tấm lòng trân trọng, thành kính, luôn biết ơn và noi theo những tấm gương ngời sáng Tổ tiên mình.

2. Đình Trèm và Lễ Hội Đình Trèm thật xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong tặng: Di sản lịch sử - Văn hóa Quốc gia đặc biệt và nhất định sẽ trường tồn với non sông đất nước Việt Nam.

3. Nói đến tinh hoa, giá trị của văn hóa (vật thể và phi vật thể) không thể và không nên so sánh sự hơn kém, thấp cao mà chỉ nênđề cập, đối sánh về sự khác biệt, tìm hiểu những nét riêng độc đáo của mỗi nền văn hóa khi đối chiếu với các nền văn hóa khác mà thôi. Tinh hoa, giá trị của một nền văn hóa của một dân tộc, cộng đồng chính là ở những nét riêng khác biệt, độc đáo ấy đến đâu. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc những tinh hoa, giá trị văn hóa ấy, tìm mọi cách phục hồi, phát huy nó để những tinh hoa văn hóa của làng mình, quê mình, càng ngày càng trở nên sắc nét hơn, góp phần làm cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng vừa hiện đại vừa đậm đà tính dân tộc, làm cho văn hóa thế giới thêm phong phú, đa dạng, sinh sắc. Đó là nhiệm vụ và khát vọng của mỗi chúng ta, trong hiện tại và tương lai. Đó cũng là cơ sở lý luận chung, là nguyên cớ cho bài viết của chúng tôi.

4. Đọc bài khảo cứu  hãy còn sơ lược và chủ quan này, rất mong bà con cô bác và các vị khách thập phương đến viếng thăm đình Trèm, dự Lễ hội đình Trèm đính chính, bổ sung cho những điểm lầm lẫn hoặc thiếu sót của người viết để chúng ta cùng nhận thức được sự khác biệt và độc đáo của Đình Trèm, Đức Thánh Lý Ông Trọng và Lễ hội Đình Trèm một cách chuẩn xác, sâu sắc hơn. Được như thế, thì nhận thức và tình cảm của chúng ta với quê hương đât nước và con người Việt Nam sẽ càng phong phú, thú vị hơn./.

 

Trèm quê, những ngày cuối xuân, 12/5/2019; 

trước Lễ hội Trèm năm Kỷ Hợi

                                                          ĐV