Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỢC NGUỒN CHỮ VIỆT (kì 5-6)

Hoàng Minh Tường
Thứ sáu ngày 18 tháng 1 năm 2019 9:50 AM




V.
XỨ SỞ NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM.

Du khách có tiền nhưng đến được Iran cũng không dễ dàng gì. Đất nước Hồi giáo dòng Shia này có diện tích rộng tới 1,7 triệu km2 với dân số khoảng 85 triệu người, vẫn luôn là một góc thế giới bí ẩn. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chưa thiết lập đường bay đến xứ sở Ba Tư. Đến như hãng du lịch nổi tiếng, Saigontourist, cũng chưa mở tour đến Teheran. Nước Mỹ thù ghét Iran đến mức, nếu viza của du khách có đóng dấu Iran, sẽ không được cấp thị thực vào bất cứ nơi nào của Hoa Kỳ. Riêng điều này đã làm những người sau này muốn đến Mỹ nản lòng. Biết nguyện vọng của nhóm người Việt muốn đến lập bia mộ cha Alexandre de Rhodes, chi nhánh Saigontourist ở Đà Nẵng đã nhanh nhạy hợp tác như một cơ hội mở một hành trình du lịch mới. Tổng công ty ở Sài Gòn cử ngay hướng dẫn viên cừ khôi Nguyễn Trọng Tiến , người từng thông thạo thị trường Trung Đông và có kiến thức sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa vùng lãnh thổ kì bí và khốc liệt này làm hướng dẫn viên trưởng. ( Thật đau xót và thương tiếc, chỉ sau chuyến đi này một tháng tám ngày, ngày 28 tháng 12 năm 2018, Nguyễn Trọng Tiến dẫn đầu đoàn du khách Việt Nam sang Ai Cập, trên đường đến tháp Ghiza, thủ đô Cai Rô, đoàn đã bị bọn khủng bố đánh bom, Tiến và hai người Việt Nam thiệt mạng. Một tổn thất lớn cho Saigontourist, cho những người thân. Tiến còn rất trẻ, chưa lập gia đình, còn nhiều dự định và hứa hẹn ở phía trước). Ba thành viên trẻ tuổi nữa: Nguyễn Mai Phương, Hồ Vũ Hiếu và Trịnh Hoài Nguyên ở Đà Nẵng, ai cũng thành thạo tiếng Anh, từng một mình dẫn khách đi nhiều tour trên thế giới, và đặc biệt nhiệt tình năng động, thậm chí kiêm cửu vạn, shoppinges cho đoàn. Ngay từ mấy tháng trước, khi đoàn hành hương chuẩn bị thành lập, nhóm hướng dẫn viên Saifgontourist đã trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội. Phía Iran giang cả hai tay chào đón. Thì ra đất nước tưởng khép kín vì muốn quay lưng với thế giới, vì những khuôn phép của đạo Hồi, lại hồ hởi mở cửa đón bạn bè Việt Nam. Thay vì cấp thị thực vào hộ chiếu, nhà nước Iran có sáng kiến làm cho mỗi thành viên một tấm viza riêng biệt, chẳng có dấu tích gì khi mai kia anh muốn sang chơi hay làm ăn với ông kễnh phía bên kia Thái Bình Dương luôn kì thị và cấm vận họ.

Hai mươi con dân Việt Nam lập một tour đặc biệt, không cần bầu bán, tự nguyện gọi giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là thầy, tôn ông làm trưởng đoàn, với lá cờ xanh của Saigontourist dẫn đường, khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất 6 giờ chiều 1/11 trên chuyến bay 0168 ( nhất lộc phát) của Turkish Airlines, bay quá giang ra Nội Bài đón thêm khách rồi ngay trong đêm cưỡi mây đạp gió sang Istanbul. Có thể nói đây là tour khai mở. Bởi sau này, không nhất thiết phải mua đường ( không) như thế. Có thể bay Việt Nam - Dubai, rồi tạt sang Teheran, hoặc đến thẳng Isfahan sẽ gần hơn, rút ngắn được vài ngàn cây số. Nhưng nhà tổ chức chuyến đi - phóng viên báo Lao Động thường trú tại Đà Nẵng, Nguyễn Bích Thủy và Saigontourist đã tính hết rồi. Hãng hàng không Turkish là một bạn hàng truyền thống, giá phải chăng và dịch vụ chẳng thể phàn nàn.

Được ngồi cạnh Nguyễn Đình Toán trên khoang máy bay xuất ngoại, tôi mừng quá. Chúng tôi từng công tác với nhau mười năm ở báo Văn Nghệ ( 1987 -1997). Nguyễn Đình Toán là phóng viên hợp đồng, lương 300.000đ một tháng. Ngày lễ, ngày Tết mọi cán bộ chúng tôi được thưởng 500.000đ, hoặc 1.000.000đ, ông vẫn 300.000đ. Để vợ khỏi nghĩ mình bất tài không được trọng dụng, ông lặng lẽ bỏ thêm 200.000đ, 700.000đ vào phong bì để bằng chúng tôi, rồi về đưa tặng vợ… Những nhà văn, nghệ sỹ được ông chụp chân dung, được ông in tráng ảnh và tận tay đem tặng, nhưng không bao giờ ông lấy tiền. Bao nhiêu tiền nhuận ảnh của các báo, ông đều dành để mua phim, mua giấy, trang bị cho phòng tối…, công việc tái đầu tư ấy kết quả là cả một gian nhà phim ảnh chồng chất mấy mươi năm…

- Ông có biết không, đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại đấy - Ngồi yên vị cạnh tôi rồi, Toán mới thì thầm - Mà lại xuất ngoại bằng tiền 50 triệu của một người bạn tài trợ mới oách chứ. Họ chuyển tiền qua tài khoản cho tôi, muốn đích thân tôi đi chuyến này…

Tôi biết, trong chuyến đi này, có hai người được nhận tiền tài trợ. Một nhà doanh nghiệp hảo tâm ở Vũng Tàu, yêu văn hóa, văn chương, mến tài danh những văn nghệ sỹ có tâm với đất nước, đã bỏ ra 75 triệu, 50 triệu tặng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, 25 triệu tặng nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền, người cùng đi trong đoàn.

Tôi quay nhìn ông tròn mắt, tưởng nghe nhầm:

- Sao? Năm nay ông 72 tuổi rồi. Bây giờ mới ra nước ngoài?

- Thế đấy ông ạ. Gần hết cuộc đời mới được nhìn thấy thế giới. Vậy mà cách đây nửa tháng, tưởng không thể đi được, tôi đã hủy vé. Đầu tuần vừa rồi, quyết định đi, bị hãng hàng không phạt, bắt đóng thêm năm triệu.

- Đã có người tài trợ, mà sao cứ phải kéo pháo ra kéo pháo vào?

- Tôi ao ước được đi chuyến này, nên đã nhận lời, làm thủ tục xin viza và đóng tiền mua vé. Nhưng đúng lúc ấy, vợ tôi quyết định phá dỡ nhà cũ, xây lại. Một đại tá bác sỹ quân y cỡ như vợ tôi mà lúc nghỉ hưu rồi mới tích cóp đủ tiền xây nhà đấy ông ơi. Tôi chỉ suốt đời ăn bám vợ. Đúng lúc vợ con cần mình làm công việc thổ mộc, lại vác máy dong chơi, thì nhẫn tâm quá. Nhưng đáng lo nhất là cái kho phim ảnh. Mười bao tải. Đã lâu cất trong kho, bây giờ dở ra, nhiều cuộn phim và các tập ảnh đóng cục lại. Sợ khi mình dong chơi ở Iran thì vợ nó bực mình, vứt đi. Thế là lại không dám đi nữa…

- Nghe nói nhà tài trợ sẵn sàng bỏ mười triệu nữa để ông thuê nhà kho cất phim, ảnh, cho đến khi đi Iran về.

- Vâng. Mấy ông bạn văn chương đến ép mình như ép quân dịch. Họ bảo mình đi lần này như một sứ mệnh lịch sử…

Vui chuyện, Nguyễn Đình Toán kể: Thực ra đời ông đã có một lần ra nước ngoài. Đó là lần được đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sang Lào cách đây gần hai mươi năm. Nhưng lần ấy hai đứa chỉ bước qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Phía bộ đội biên phòng nước bạn mời sang giao lưu văn nghệ một đêm... Rồi mười năm trước, năm 2008, một doanh nhân người Việt làm ăn ở Đức mời sang thủ đô Berlin dự lễ hội bia. Đây, cuốn hộ chiếu này đây. Làm để đi Đức đấy. Ông mở cuốn sổ bìa xanh, vẫn còn như mới. Bức ảnh hộ chiếu trẻ trung, tóc đen ánh chứ không phải ông già tóc bạc bây giờ. Toán cười chua chát: Chuyến đi Đức ấy tôi háo hức lắm. Hộ chiếu, viza có rồi. Đã mua vé rồi, ba ngày nữa là bay. Vậy mà sáng hôm đó, đang đi xe máy đến nơi chụp ảnh, thì một thanh niên từ trong ngõ phóng ra, tông vào xe mình. Chiếc xe bị bẹp, còn mình gãy chân, phải vào viện ba tháng ông ạ… Cũng may mà cái sổ hộ chiếu này chưa hết hạn. Và lần này thì không ai làm mình gãy chân…

Nhiếp ảnh gia nghiêng sang tôi cả cười.

Tiếng cười hồn nhiên và vô tư khiến cô gái Thổ Nhĩ Kỳ ở hàng ghế bên khẽ liếc nhìn ông, như nhìn một chàng trai lần đầu trong đời được bay ra ngoài xứ sở.





















VI. TỪ TEHERAN ĐẾN SHIRAZ.

Qua một đêm ngủ vật vờ trên máy bay, lại transit ở Istanbul năm giờ đồng hồ, rồi lại lên máy bay hãng Turkish bay ngược lại năm giờ nữa, khoảng hai giờ chiều hôm sau thì đến sân bay Imam Khomeini, Teheran.

Không tấp nập như Istanbul, nhưng Khomeini là một sân bay bề thế, to đẹp. San sát máy bay mang sắc cờ ba màu xanh trắng đỏ có chữ tượng hình thánh Allah ở giữa. Khắp tứ bề đại sảnh dẫn vào cửa nhập cảnh là những tấm ảnh khổ lớn vị lãnh tụ Khomeini, bức cười, bức nghiêm nghị, bức kêu gọi tiến lên. Chợt lạnh gáy khi nhớ tới một thời… Ở phía hông sảnh lớn, nơi khách chờ làm thủ tục nhập cảnh có một chiếc xe mui trần giống như xe Zjeep, nhưng mẫu mã đặc biệt. Cả ba nhà nhiếp ảnh trong đoàn : Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Văn Tâm, Huỳnh Văn Truyền đều tháo ống kính máy chuyên dùng, săm săm tiến lại chụp. Lập tức một vệ binh mũ ca nô đỏ tiến lại ra hiệu không được quay chụp, không được lại gần. Chúng tôi đồ rằng chiếc xe này là một hiện vật đặc biệt của vị thống soái trong cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 lật độ chế độ quân chủ Pahlavi lập nên nhà nước Hồi giáo Iran hiện đại, hoặc là chiến lợi phẩm trong cuộc chiến tám năm tàn khốc (1980 - 1988) với chính quyền độc tài Addam Hussein của Iraq. Thì ra chỉ qua khung cửa kiểm tra kia là bước vào một đất nước kỳ bí, chẳng kém gì Bắc Triều Tiên bí ẩn. Tôi chợt nhớ lời dặn và vẻ mặt trang nghiêm của một người bạn khi tôi dời Hà Nội: Sang bên đó phải cẩn thận, một bên là Apganistan, một bên là Iraq, Syria. Bắt cóc, khủng bố là chuyện thường ngày ở huyện. Nghe mà hãi, định bỏ cuộc. Quả thật, nhìn quanh, ai cũng có vẻ trang nghiêm, khép nép. Những người đàn bà áo đen choàng kín chân, khăn đen bịt kín mặt, chỉ hở đôi mắt to hun hút. Không ai nhắc, cả đoàn đều bám sát theo nhau. Lạc nhau giữa thế giới Hồi giáo này chỉ có trời tìm, bởi không thể đọc nổi những dòng chữ như lửa cháy, như khói hương kia, bởi tất cả các máy điện thoại đều thành cục gạch. Ngay cả khi một vài người bỏ ra mười dola mua simcard lắp vào máy, mạng Google, Facebook, Masennger, Zalo… cũng vô tác dụng. Mấy người bạn mách tôi cài WhatsApp trước khi sang đây, cũng chẳng thấy tín hiệu gì.

Đoàn đã vào hết phòng chờ, bỗng thấy anh Nguyễn Văn Tâm hớt hải đi tìm vợ. Chi Hồ Nguyệt Thu, từ lúc xuống sân bay Istanbul đã mệt lả, nhưng vẫn cố bám theo chồng. Nhưng khi vào cửa hải quan, nam đi cửa riêng, nữ khám cửa riêng, thì anh mất hút vợ. Mấy chàng trai trẻ vừa khuân kiện hàng đặc biệt bằng đá hoa cương Quảng Nam ra phòng chờ để chuyển ra ô tô còn đang thở dốc, rồi cả anh chàng cao khều Emad con trai ông Hojat, do ông phái từ Isfahan đến đón đoàn, cùng bủa đi tìm. Thế mới biết chế độ sử dụng điện thoại ở Việt Nam mình khi chưa có luật ANM còn thoải mái hơn khối nước. Bấm một phát biết ngay chị Thu đang ở đâu. Nhưng giờ này, ở xứ này, đành bó tay chấm com. Nhìn gương mặt anh Tâm, thấy đã bắt đầu hoảng loạn. Chỉ còn ít phút nữa, đoàn phải di chuyển ra phi trường nội địa bay tiếp về Shiraz. Không thể để lỡ công việc đã chuẩn bị hàng tháng trời…

Rất may, có ai đó bỗng phát hiện ra chị Thu đang nằm ngủ ở dãy ghế phía bên kia. Hú vía. Thì ra mệt quá, không đi nổi, chị Thu đã ngả xuống chiếc ghế dài khuất sau cột và thiếp đi. Cả đoàn tưng bừng ra xe buýt đã đặt sẵn, di chuyển sang sân bay Mehrabad.

Có hai tiếng đồng hồ quá giang ở thủ đô. Thời gian này chỉ đủ cho đoàn chiêm ngưỡng một công trình văn hóa kiến trúc tiêu biểu của Teheran. Đó là Azadi square, còn gọi là quảng trường Tự Do. Quảng trường rộng vài chục heta, mênh mông cỏ xanh và được bao quanh bởi một bờ hoa hồng trắng tinh khôi miên man nở. Giữa quảng trường là tháp Azadi, được xây bằng 8000 khối đá cẩm thạch trắng , cao 45 mét, vút lên trời xanh. Dưới tòa tháp là cụm kiến trúc ngầm dành cho nhà bảo tàng và khu dịch vụ bán đồ lưu niệm. Đây là công trình kiến trúc vào loại đẹp và độc đáo nhất của Iran hiện đại do kiến trúc sư lừng danh người Iran sáng tạo năm1971 dưới thời vị vua cuối cùng triều Pahlavi (1925 - 1979) để kỷ niệm 2500 năm nền quân chủ Ba Tư, trước khi bị cuộc cách mạng Hồi giáo khai tử. Nếu Paris có Eiffel, New York có Thần Tự do, Matscova có điện Kremlin thì Teheran có Azadi square.

Trời ơi, một chốn bồng lai ! Hiền Phương reo lên, rồi như một thiếu nữ mười bẩy tuổi, mái tóc bạch kim như bay về phía ngọn tháp như một đài lửa đang bò lên từ bốn góc cỏ, thắp sáng từng không. Du khách và dân chúng tràn ngập quảng trường. Ai cũng muốn chụp hình với khách châu Á. Họ tưởng chúng tôi là người Nhật, người Hàn. Khi biết là người Việt Nam, họ đặc biệt thân thiện và yêu mến, ai cũng vẫy tay chào và giơ máy điện thoại xin chụp ảnh.

Lại năm giờ bay đêm. Cho đến 11giờ tối thì chúng tôi về đến ARG hotel, nằm ở trung tâm thành phố Shiraz, cách Teheran chừng hai nghìn cây số. Tại sao lại bay dọc Iran từ cực bắc xuống nam vượt qua Isfahan để đến Shiraz rồi ngày mai lộn vòng trở lại? Cho đến sáng ngày hôm sau, khi từ trung tâm cố đô Shiraz, chúng tôi lên chiếc xe bus mới bóc tem, có máy điều hòa, bốn mươi chỗ ngồi rộng rãi có thể ngả nằm khi đi đường mà cha con ông Hojat thuê riêng suốt thời gian phục vụ đoàn, mọi người mới nhận ra ông Hojat và những người thiết kế chương trình tuyệt vời thế nào. Còn hai ngày nữa mới đến giờ G của ngày 5/11/ 2018, ngày giỗ lần thư 358 cha Alexandre de Rhodes và đặt bia tưởng niệm. Phải có một ngày thư dãn và thăm thú một kỳ quan nào đó của xứ Ba Tư. Thì đây, kỳ quan thứ nhất là Thánh đường Hồng giữa phố cổ Shiraz. Thánh đường xây dựng từ thế kỷ XVII, hầu như còn nguyên vẹn. Bề thế, tinh xảo đến từng mái vòm, ô cửa. Độc đáo nhất là hai dãy nhà cầu nguyện được chọn hướng xây đối diện với hướng mặt trời. Và tất cả các ô cửa kính đều được lắp kính đủ màu sắc và phối màu độc đáo tới mức từ bảy giờ sáng, khi mặt trời lên, ánh nắng xuyên qua ô kính tạo ra muôn ngàn tia màu khúc xạ vào nhà cầu nguyện, đẹp lộng lẫy và lung linh, tưởng như ta đang lọt giữa ống kính vạn hoa bẩy sắc cầu vồng. Đúng lúc ấy, tràn ngập không gian, tiếng chuông từ nóc các thánh đường ngân lên, rồi tiếng loa đặt trên các đỉnh tháp âm vang bầu trời: “Thánh Ahlla là đức Chúa Trời. Mohamet là thiên sứ của Người…”. Năm lần trong ngày, vào những giờ nhất định, khắp thế giới Hồi giáo đều vang lên chỉ một câu như thế, một giai điệu như thế. Lúc ấy, các con dân của thánh Ahlla trong các gia đình, các công sở, trường học đều phủ phục hướng về phía thánh địa Mecca ở Saudi Arabia, còn trong nhà thờ, mọi con chiên cũng quỳ gối hướng về vòm cửa, nơi biểu tượng sự hiển linh của Chúa Trời để nguyện cầu. Trong các nhà thờ đạo Hồi không có bất kỳ hình ảnh nào của Chúa. Mỗi thánh đường khi xây dựng, nhà thiết kế phải định vị la bàn, chọn đặt vị trí cửa điện thờ hướng về thánh địa Mecca.