VII. PERSEPOLIS
Nhưng vĩ đại và choáng ngợp hơn cả là cung điện Persepolis. Chưa đến Shiraz, chưa đến Persepolis, coi như chưa đến Iran. Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, khi đế chế Achamenes thôn tính hầu hết các nước Trung Cận Đông trải từ bờ đông Địa Trung Hải tới vùng Trung Ấn, Shiraz được chọn làm kinh đô. Suốt từ năm 518 TCN, dưới triều Cyrus đại đế , giữa một vùng núi đá granit màu gan gà, sừng sững mọc lên một cung điện nguy nga tráng lệ, mà nếu ai chưa đến đây, sẽ không thể tưởng tượng nổi. Người Việt mình, nhất là những ai quê Thanh Hóa, từng tự hào có một Thành Nhà Hồ ở Tây Đô. Một thành đá được Hồ Quý Ly cho gấp rút xây từ những năm 1396 - 1400, với những tảng đá nguyên khối vuông vức hàng hai, ba mét khối, xếp chồng khít lên nhau, đã thấy cha ông mình quá vĩ đại. Nhưng tường thành Tây Đô chỉ cao chừng hai mét. Tường thành ở đây, cũng như vậy, và nhiều khối đá to hơn, nhưng cao gấp nhiều lần. Và kỳ vĩ hơn là trải rộng một không gian hàng trăm ngàn mét vuông, từ sườn núi lên cao mãi là những bậc lên, những quảng trường, cung điện, những cổng thành với những bệ đá tạc nhân sư, nhân mã như thời Ai Cập cổ đại, cột đá trạm trổ hoa văn tinh vi đường kính chừng hai mét, cao chót vót vài ba chục mét. Bây giờ, giữa ngổn ngang những khối đá bị con người và thời gian phá hủy, người ta đang phục chế lại từng phần, nhưng vẫn còn hầu như nguyên vẹn những mảng tường được điêu khắc chạm trổ hình ảnh sinh hoạt, ngoại giao, văn hóa… thời cổ đại với một nghệ thuật bậc thầy. Tài năng, sức sáng tạo và công sức của con người ba ngàn năm trước mới kì diệu làm sao…
Đế chế Ba Tư phát triển hùng mạnh nhất là thời Darius đại đế, thế kỷ thứ IVTCN. Vào năm 356 TCN, Alexandros ra đời, để rồi hai mươi năm sau trở thành Alexandros đại đế của đế chế Macedonia của người Hy Lạp. Năm 334 TCN, quân Macedonia do Alexandros chỉ huy tiến đánh Ba Tư, làm cỏ một vùng đất từ Địa Trung Hải sang vùng Lưỡng Hà, chiếm Babylon rồi tiến sang Persepolis. Trận vượt sông Granius lừng danh vào năm 330 TCN, đội quân bách chiến của Alexandros tiêu diệt 20.000 bộ binh và 2.500 kỵ binh của Darius đại đế mà chỉ mất 34 người (!) Thành Persepolis nguy nga bị thiêu trụi, lửa cháy hàng tháng trời… Để rồi hai ngàn ba trăm bốn mươi tám (2348) năm sau, chúng tôi đến đây, đặt chân lên những phiến đá còn đẫm mồ hôi và máu người, còn nóng rực hơi lửa chiến tranh, và ngơ ngẩn giữa những thành quách đổ nát, mà trầm trồ thán phục, mà nuối tiếc, mà kinh hãi trước sức sáng tạo vô biên và sự tàn khốc khủng khiếp của con người…
Giã từ Persepolis, chúng tôi đi dọc đường cao tốc qua trùng trùng núi cằn và hoang mạc, lên Isfahan. Bây giờ thì chúng tôi toàn tâm toàn ý cho hai ngày trọng đại sắp tới. Thùng xe biến thành phòng tập hợp xướng. Từ lúc nào “ nhạc trưởng” Nguyễn Trọng Tiến đã in sẵn cho mỗi người một bản lời bài “Tình ca” của nhạc sỹ Phạm Duy.
“ Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi.
Mẹ hiền ru những câu xa vời. À ơi, tiếng ru muôn đời…”
Hai mươi con người, người già nhất 77, người trẻ nhất là con trai nữ bác sĩ Nhữ Phương, chàng sinh viên mới ra trường Trương Hoàng Nhân, 24 tuổi, ai cũng rưng rưng nghĩ về quê mẹ Việt Nam, cùng bật ra từ trái tim những lời thổn thức.
“… Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành…”
“… Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao.
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi.
Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao.
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi…”.
Đi xa, càng thêm nhớ về quê Việt. Lời ca và giai điệu thổn thức lòng người. Cho đến khi đoàn lữ khách ghé vào một trạm nghỉ giữa đường để ăn trưa, thì nỗi nhớ ấy từ trạng thái tình cảm bỗng biến thành sự cồn cào của dạ dày. Ẩm thực của xứ Ba Tư ngày nào cũng giống ngày nào: Cơm hấp khô, bánh mì lát, thịt xay, cá hấp, bắp cải cà rốt trộn xalat,… Thứ gì cũng chua tới mức các nàng thai nghén cũng chào thua, tưởng như họ đổ hàng bát chanh vắt vào mỗi món ăn. Mấy ông quen có vại bia, tí cay mỗi bữa thì sang đây như bị triệt sản. Hầu như không nhà hàng nào bán bia rượu. Có một thứ nước chua có ga có thể thay thế, nhưng thà đừng uống còn hơn. Tối qua tại Shiraz, mấy gã sâu bia gọi mãi, nhà hàng mới xì ra một loại bia cỏ, khi tính tiền mới thấy đắng hơn cả nhân sâm: 10 USD một ly chừng 250 ml (!) Ngồi xuống mâm tiệc Ba Tư là các nàng lại ngẩn ngơ như nhớ một cái gì. Ai cũng nghĩ đến bát phở bò, phở gà nghi ngút khói. Chao ôi, giờ mà được ăn một tô bún riêu, một bát canh cá với rau điên điển trong mùa nước nổi Nam Bộ, được xì xụp chan húp bát canh cua đồng, được nhìn thỏa mắt một đĩa rau muống luộc xanh rờn… Không còn nghi ngờ gì nữa, ẩm thực Việt Nam nhất thế giới.
Ở Isfahan, chúng tôi có một ngày chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại. Đoàn có thêm ông Hojat, bà vợ và hai con trai Emad và Moin. Emad Sadeqzadeh cao kều đang là thạc sỹ công nghệ, mấy ngày qua xin nghỉ việc cơ quan, thay cha dẫn đòan thăm Shiraz. Moin Sadeqzadeh ngược hẳn anh trai, thanh mảnh thư sinh, từng theo học mười năm âm nhạc ở Istanbul, hát hay như nghệ sỹ, sử dụng thành thạo hai mươi nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống truyền thống Iran. Từ đây, những người Iran này đã thực sự hòa nhập cùng đoàn chúng tôi, như một gia đình lớn, chia sẻ và tin cậy.
Phiến đá bia tưởng niệm từ Quảng Nam, kết tinh hồn sông núi, máu xương xứ Việt đã theo đường không, đường bộ chục ngàn cây số, được các chàng trai, được trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng và lần lượt từng thành viên trong đoàn, rồi cả gia đình vợ chồng và hai con trai ông Hojat, cả mấy người quản trang, cùng ghé tay chuyển đến phần mộ, để lắp đặt đúng vị trí như đã trù định. Ngôi mộ đá mấy trăm năm bị lãng quên, tưởng như bỗng có linh hồn, như một thỏi nam châm, có sức hút và sự liên kết tâm linh kỳ lạ. Ai cũng muốn được chạm tay, được có một tấm hình, có người lặng lẽ gói một nắm cát… Người nằm dưới ngôi mộ đá kia dường như chính là tổ tiên, dòng tộc của nhóm người Việt đột ngột xuất hiện ở nghĩa trang này. Ông là một người Việt tha hương, một người mang dòng máu, tâm hồn Việt, từng và đang ký gửi lại cho họ một thứ gì đó, như báu vật, như khế ước, như hương hỏa…
Dường như mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Buổi chiều thần tiên ấy chúng tôi tự thưởng cho mình một chuyến du ngoạn, khám phá con người và văn hóa Iran.
VIII. CỐ ĐÔ ISFAHAN
Isfahan, gần như nằm giữa trung tâm đất nước. Tỉnh Isfahan là một trong 35 đơn vị hành chính của Iran, có dân số khoảng 5 triệu người, thì riêng thành phố Isfahan chiếm 2,5 triệu. Sau thời kỳ bị đế quốc Ôtstoman ( 1027 – 1239), rồi Đế quốc Mông Cổ (1255 – 1500) cai trị, dưới triều vua Abbas I, đã dời kinh đô về Isfahan. Từ năm 1598 đến 1722, Isfahan trở thành tân đô lộng lẫy nguy nga của triều Safavid, tiêu biểu cho thời kỳ nền văn hóa, nghệ thuật, công nghệ Ba Tư phát triển phồn thịnh. Hầu hết những nghệ nhân tài hoa người Arap, người Aryan, người Do Thái, người Armenia… khắp các nơi được tuyển chọn về đây, tạo thành những làng nghề thủ công tinh xảo và độc đáo. Ngày nay, thị phần ( chiếm tới 65%) hàng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, thêu, dệt thảm, đồ gỗ, đồ da, trạm trổ vàng bạc…) của toàn Iran tập trung tại đây. Isfahan được UNESCO công nhận là thành phố truyền thống thủ công mỹ nghệ.
Hết ngạc nhiên này đến thán phục khác, khi cha con ông Hojat dẫn chúng tôi đi từ vườn và cung điện Chehelsotoun đến quảng trường và khu chợ Naqshe Jahan, trái tim của thành phố. Một quảng trường hình chữ nhật, có hai thánh đường mái vòm đối diện, với hồ nước, bãi cỏ, đường xe ngựa… rộng chừng chục hecta, xung quanh được bao bởi bốn “bức tường thành” là liên tiếp những gian hàng cao ba tầng thiết kế giống hệt nhau, bốn phía có nhiều cửa vào chợ, tạo nên mặt tiền khu thương mại. Phía sau bốn dãy mặt tiền là khu chợ liên hoàn phát triển về nhiều phía với cơ man nào là ngóc ngách, với những mái vòm liên tục, mưa nắng không tới, đủ các chủng loại, từ khu rau quả, thực phẩm, các sạp hoa rực rỡ, khu các loại gia vị, khu thảm các chủng loại, khu vải vóc, quần áo may mặc, dày dép, khu gốm sứ tinh xảo, khu chạm trổ đồ đồng, đồ bạc, vàng, đá quý, khu đồ cổ. Miên man, kỳ lạ… Có điều đặc biệt: người bán hàng hầu hết là đàn ông. Từ ông già râu tóc bạc trắng, đến thanh niên trẻ trai, người nào cũng râu quai nón đen rậm rì, mắt sâu hiền từ và hóm hỉnh. Tưởng như gặp lại anh chàng Ali Baba và những chàng lái buôn thành Babylon, những thương gia sắc màu sặc sỡ cưỡi lạc đà rồng rắn băng qua sa mạc thuở nào. Họ chào hàng và dẫn dụ khách điệu nghệ và lịch sự còn hơn gái bán hoa. Họ nói thách đến mây xanh, nhưng sẵn sàng bấm máy tính nhoay nhoáy để giảm cho bạn tới tám mươi phần trăm, khiến khối cô, khối bà nhẹ dạ như bị thôi miên. Có thể mua bằng các loại tiền, Đô la, Euro, Rials ( Iran), Lira ( Thổ Nhĩ Kỳ), … Hầu như không người đàn ông nào uống bia rượu. Đàn ông ở Iran dường như đã thay đổi giới tính, trừ một khả năng có vú và nuôi con…
Rồi chúng tôi lạc nhau lúc nào không biết, bởi mỗi người, mỗi nhóm bị hút theo những dòng hàng, những ngách chợ riêng. Các bà các cô mải tìm khăn lụa, quả chà là, ô lưu, nhụy hoa nghệ tây (saffron), một loại đặc sản dùng làm đẹp da phụ nữ và chữa bách bệnh chỉ xứ Ba Tư mới có, mỗi gram giá tới vài trăm USD. Các quý ông, như nhà thơ Mã Lam, doanh nhân Đỗ Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tâm, bị hút vào vào các món đồ cổ, các cây đèn Aladdin đủ loại. Nhóm trẻ Saigontourist chỉ thích các loại bánh kẹo, trái cây Trung Đông thơm ngon và rẻ đến bất ngờ.
Tôi tháp tùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đi vào phía sau khu chợ, để khám phá chiều sâu của văn hóa thương mại. Thật bất ngờ, ngay sau dãy tạp hóa, nhà hàng café, là khu sản xuất tại chỗ. San sát những xưởng nhuộm thảm, công nghệ bí truyền của những tấm thảm Ba Tư nổi tiếng nghìn năm. Những người thợ Iran đón tiếp chúng tôi quá ân tình, chỉ cho công nghệ in hoa văn và nhuộm màu với đủ các khuôn mẫu, các quy trình công nghệ. Và trên tầng hai của khu in nhuộm, là khu chạm khắc các đồ mỹ nghệ vàng, bạc, hợp kim. Biết chúng tôi là người Việt, họ nhường hẳn những chiếc ghế đang ngồi chế tác, tự tay pha trà mới, gắp đường vào ly mời khách. Và kia, phòng chế tác dành riêng cho phụ nữ. Các nàng còn mến khách hơn cả đấng mày râu. Những cô gái khăn trùm đen trễ nải mở ra cả gương mặt đồng trinh, với đôi mắt vời vợi, hun hút, đẹp và quyến rũ hơn cả những thiếu nữ đi dạo ngoài quảng trường. Từng được đi nhiều nước Đông, Tây, tôi đoan chắc rằng, trên thế giới, không đâu trai gái lại đẹp bằng xứ sở Ba Tư này. Đàn ông ai cũng gợi nhớ Ali Baba, còn phụ nữ, người nào cũng xinh đẹp kiều diễm như nàng Scheherazade. Chỉ nhìn những bàn tay, đã đoán được người. Những bàn tay búp măng trắng muốt nhè nhẹ dùng búa nhỏ và chạm, đục, tạo tác những hoa văn tinh xảo. Nghệ sỹ Nguyễn Đình Toán khi quỳ sát đất, lúc vặn mình, lúc dướn cao, bấm liên tục không dời những thao tác, những góc chân dung mà cả đời không nghĩ rằng lại có những khoảng khắc quí giá này. Tôi định chạy xuống gọi thêm mấy tay máy nghiệp dư trong đoàn, nhưng Toán khua tay ngăn lại. Chợt nhớ câu chuyện về nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Có lần ông phục hàng tuần lễ để chụp một dáng cây làm tiền cảnh Tháp Rùa, Hồ Gươm lúc rạng đông. Chụp xong bức ảnh ưng ý nhất của mình, ông sai người cưa cái nhành cây mà ông đã chụp để không ai có được bức ảnh Tháp Rùa như của ông nữa… Tôi hiểu ý Nguyễn ĐìnhToán. Ông đã có những bức ảnh thiếu nữ Iran đang chạm khắc mĩ nghệ ở Isfahan độc nhất vô nhị mà không nhà nhiếp ảnh tài ba nào trên thế giới chụp được.
Rồi buổi sáng ngày 5 tháng 11 cũng đến. Trời trong và se lạnh. Nhiệt độ ngoài trời 12 độ C, rất hợp với một nghi lễ trọng đại. Trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng vận sắc phục truyền thống, khăn đóng, áo gấm màu vàng ngà. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Tâm quốc phục nhiễu tam giang. Những đàn ông khác đều vận comple như các chú rể trước lễ rước dâu. Rồi tám nàng tiên Việt trong bộ áo dài truyền thống đủ màu sắc đột ngột xuất hiện cùng tám chiếc nón lá xứ Huế mộng mơ, khiến mấy cô gái khăn trùm đen ở phòng lễ tân mắt đã to đen càng mở lớn hơn nữa. Và các chàng trai râu rậm bản xứ thì như bị hút hồn. Ba nàng tên Phương: Hiền Phương, Nhữ Phương, Mai Phương chênh lệch nhau đến bốn mươi tuổi mà nhìn từa tựa chị em. Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Thị Hậu lung linh trong tà áo xanh đi cạnh dịch giả Hiếu Tân, tưởng như vị hôn thê. Rồi đôi bạn Thu Hà, Bích Thủy dìu dặt như Thúy Vân, Thúy Kiều. Riêng cặp đôi Đỗ Anh Tuấn và Phạm Thuy Thủy vừa như qua đêm tân hôn, cứ dính như sam trên từng cung bậc… Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán mọi ngày tuềnh toàng như bác xe ôm, sáng nay cũng súng sính một bộ véc ca-rô màu cháo lòng, nhưng chiếc túi đen nặng trĩu lỉnh kỉnh đồ nghề vẫn không thể khiến đôi vai ông cân được. Không thể bỏ lỡ những khoảng khắc lịch sử, nhà nhiếp ảnh bấm hai máy liên tiếp như bắn liên thanh. Kia rồi, ba cặp tình nhân đích thực: Cặp doanh nhân Đỗ Anh Tuấn và Phạm Thu Thủy, cặp Việt kiều Nguyễn Văn Tâm và Hồ Nguyệt Thu, rồi nàng Hiền Phương với gã nhà văn hay cãi... Cưới tập thể cũng không thể vui hơn thế này. Hãy tưởng tượng: Nếu đoàn người Việt lộng lẫy kia ngồi trên những cỗ xe tam mã và cưỡi trên những con lạc đà được phủ trên mình bằng những tấm thảm Ba Tư nhiều sắc màu, diễu qua đường phố Isfahan và băng qua hoang mạc ngoại ô kia, thì sự thể sẽ ra sao? Một cảnh tượng mà Hollywood có hàng núi tiền cũng không thể tạo ra nổi.
Ảnh: GS Nguyễn Đăng Hưng và đoàn Việt Nam trước mộ Alexandre de Rhodes