Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÀY XUÂN VỀ VỚI TRƯỜNG XƯA

Hà Lâm Kỳ
Thứ ba ngày 29 tháng 1 năm 2019 9:30 AM






Những ngày cuối cùng của tháng Chạp, cây dó trước cửa nhà nở từng chùm. Tục người Tày quê tôi, chiều 30 tết, cắt những cành hoa dó đẹp nhất, cùng hai cây mía đủ lá, đặt bên bàn thờ, mời ông bà Tổ tiên về ăn tết, vui xuân cùng con cháu.

Khác với mọi lần, một sáng trở lại nơi ân tình xưa – Trường phổ thông cấp 1 – 2 Đại Lịch, nay là trường TH&THCS Hoàng Văn Thọ, tôi nâng trên tay chùm hoa dó phớt hồng, hương thơm ngào ngạt, như thể lòng thành tri ân thầy cô, tri ân mái trường đã có công nuôi dạy thế hệ học trò chúng tôi những năm tháng chiến tranh của thế kỷ trước.

Cảm xúc bâng khuâng khi cùng thầy Hiệu trưởng còn rất trẻ, dừng bước trước tấm bia di tích lịch sử đặt trang trọng nơi khuôn viên.

Ngày đó, từ một lán trọ gia sư, rồi tự phát thành lớp tư thục, chính quyền địa phương tường trình, cấp trên chấp nhận, năm 1934 trường dân lập đầu tiên ra đời đặt tại gò Lim làng Bằng Là. Chương trình Việt – Pháp chỉ đến ê lê măng te (lớp 3). May thay, ông đồ Nguyễn Đức Quỳ dạy ở "Trường sơ học yếu lược Đại Lịch" ấy, lại là một người yêu nước. Thầy giảng: Nhà trường dạy tấm gương sử ký/ Đã là người nguyên ủy phải hay/ Bởi đâu có nước non này/ Người Nam phải biết các đời Việt Nam….! Học trò buổi đầu tiên, chỉ đếm trên đầu ngón tay: Đào Tiến Lộc, Hoàng Hữu Linh, Phạm Văn Bằng. Rồi các lớp nối tiếp. Tuy ít, nhưng hiếu học và hừng hực ý chí. Sau này học trò thầy Quỳ, thầy Kính ở trường Đại Lịch những năm 30 đều ra nhập Vệ quốc đoàn, trở thành Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Cách mạng tháng Tám thành công, trường dân lập chuyển thành trường công lập Đại Lịch, một địa chỉ nổi tiếng ở miền núi làm theo lời kêu gọi của Bác Hồ "Thi đua Ái Quốc", "diệt giặc dốt", được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động. Ba cuộc chiến tranh, có tới 75/103 liệt sĩ Đại Lịch, từng là cán bộ, học sinh của trường, hy sinh trên các mặt trận trong nước và quốc tế mà tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ, các liệt sĩ Hoàng Văn Vinh, Hoàng Minh Lưu, Phạm Ngọc Tự, Tạ Xuân Thử. 85 năm, nhiều thế hệ thầy và trò Trường Đại Lịch thành danh, hàng trăm cán bộ chuyên ngành có bằng cấp Cao đẳng, Đại học. Gần 50 người giữ các cương vị lãnh đạo cấp ngành tỉnh, 02 Thứ trưởng, 06 Đại tá công an, Quân đội, trên 20 người là Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ, Phó giáo sư, Thạc sỹ, Nhạc sỹ, Nhà văn Việt Nam, Doanh nhân tiêu biểu thời kỳ đổi mới.

Gò Bằng Thanh Bồng, nơi ngôi trường mái lá chuyển đến, tọa lạc từ năm 1942, chứng kiến bao biến động lịch sử: Ấy là thời khắc kéo cờ đỏ sao vàng sáng ngày 02 tháng 8 năm 1945, Đại Lịch trở thành xã đầu tiên của huyện Văn Chấn tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Ấy là nơi Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc xã Đại Lịch Hoàng Văn Vinh nhóm họp, lập ra Đội thiếu nhi Trung kiên, đội hoạt động tích cực và trở nên nổi tiếng sau hành động "Cướp súng giặc đánh giặc" của người Đội trưởng – Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ, mở đầu phong trào chiến tranh du kích lan nhanh ra toàn tỉnh cuối năm 1947. Và, đây cũng là nơi một nhà trường công lập non trẻ, đã phải ngừng dạy học giữa chừng để phục vụ kháng chiến, địa điểm trường trở thành Trạm cứu chữa và trung chuyển thương binh trong các chiến dịch: Lý Thường Kiệt (1951), Tây Bắc (1952)….

Nghĩ về quá khứ, nhìn tới tương lai. Hôm nay, trường TH&THCS Hoàng Văn Thọ đủ tiêu chuẩn là trường chuẩn Quốc gia. Xã Đại Lịch đã là xã anh hùng lực lượng vũ trang (1998). Nay là xã nông thôn mới. 85 năm tuổi. Ngôi trường xưa vẫn trong vòng tay ấm áp của thế hệ nối tiếp. Chợt nghĩ, mỗi người dân, mỗi cựu học trò, cùng nhau góp một viên gạch tinh thần, giữ cho trường Đại Lịch hôm qua, hôm nay, trở thành truyền thống, trở thành nguồn lực, tiếp sức cho lớp trẻ trên bước đường đổi mới và hội nhập.

Tôi ngước nhìn. Cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay. Làn hương hoa gió đầu xuân hòa quyện, thơm ngát sân trường.

Xuân 2019

HLK