Xin thưa ngay là hoàn toàn không.
Tôi đã đọc và ghi chép lịch sử thời nhà Trần ở vùng Hải Dương và Quảng Ninh có lẽ đã đến 50 - 60 năm, trong đó có 7 năm dạy sử ở trường phổ thông. Chưa bao giờ tôi đọc thấy 1 chữ, nghe nói 1 câu về vấn đề “kì lạ” này, mà gần đây cứ rộ lên ở vùng Cẩm Phả - Vân Đồn, khi Di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nào là Trần Quốc Tảng đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ năm 1288, điều này đã phát trong chương trình truyền hình trực tiếp Lễ hội đền Cửa Ông năm 2017, ai cũng biết đó là chiến công nổi tiếng của Trần Khánh Dư, và gần đây là chuyện con gái Trần Quốc Tảng ra trấn ải ở cửa biển Đông, vùng Vân Đồn ngày nay. Đến nỗi một vị trong Ban tổ chức Lễ hội còn cung cấp tài liệu đó cho các nhà báo. Và cô gái tiểu thư – được cho là con gái Trần Quốc Tảng đó, được thờ ở đền Cặp Tiên, nên gần đây, để nhấn mạnh, còn gọi đền này là Đền Cô bé Cửa Suốt. Đền này gần với đền Cửa Ông, Cẩm Phả, thuộc huyện Vân Đồn mà trước đây gọi là huyện Cẩm Phả, bên cạnh thị xã Cẩm Phả, nên được liên danh là đền Cửa Ông - Cặp Tiên. Hoàn toàn không có bất cứ một cơ sở lịch sử nào về việc cha con Trần Quốc Tảng ra trấn ải ở đây. Đền Cặp Tiên là tên gọi dân gian, còn tên chính thức của đền là “ Đền quan Chánh” thờ một ông chánh nào đó có công với dân ở địa phương.
Hiện tôi vẫn có bản sao bản đồ do người Pháp lập năm 1888, ở vùng này, chỉ có một cái miếu duy nhất, có tên là miếu Cửa Suốt là tên gọi chệch Cửa Xuất, mà trong sử nhà Nguyễn gọi là “Suất ti tuần”. Đây là trạm hải quan của nhà Nguyễn xây khoảng sau năm 1884, để thu thuế của Pháp khi chủ mỏ Pháp xuất những tấn than đầu tiên của mỏ Cẩm Phả xuống tàu vận tải chở than về nước Pháp. Nên nhớ ngày 24/4/1884, triều đình nhà Nguyễn mới bán vùng than Cẩm Phả cho người Pháp, để lấy 10 vạn đồng tiền Đông Dương.
Cũng theo các bia đá hiện còn tại đền Cửa Ông và bộ sách địa chí thời Nguyễn là Đại Nam thực lục, bộ sách khoa học nghiêm túc này biên soạn từ năm 1875, hoàn thành năm 1883, thống kê tất cả mọi chi tiết về đất đai, làng xã, chợ búa, tôm cá, đền chùa…, thì tỉnh Quảng Yên ( Quảng Ninh ngày nay) đến năm 1883, chỉ duy nhất có một cái miếu là “miếu Cửa Suốt” – chữ trong nguyên văn - không có chữ Cửa Ông - sau này mới có - thờ duy nhất một người là Hoàng Cần, người châu Tiên Yên. Đến khoảng năm 1910, miếu ở dưới thấp, mới được vợ quan chủ mỏ Pháp đưa lên vị trí hiện nay, xây lại, từ đó gọi là đền ( trong một triển lãm ngành than nhân 40 năm ngày truyền thống công nhân mỏ 1936 – 1976, ở thị xã Hòn Gai, có trưng bày ảnh ông chủ mỏ bỏ tiền cho vợ xây đền Cửa Ông và ghi ông này là quan ba mật thám Pháp). Năm 1916, đền Cửa Ông mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ vọng, và từ đó, ngày 18/3 năm Khải Định thứ 2 ( 1917) đền Xã Tắc ở Móng Cái mới đưa tiếp Trần Quốc Tảng vào phối thờ vọng. Vậy mà 2 tờ báo rất có uy tín ( tôi không tiện nêu tên) lại viết là Móng Cái lập đền thờ Trần Quốc Tảng từ thời Trần, thế kỉ thứ XIII, mà Trần Quốc Tảng đến thế kỉ thứ XIV ( 1313) mới mất (?). Sợ thật, thỉnh thoảng, sau một đêm ngủ dậy, lại thấy có một di tích thời nhà Trần mọc lên.
Nguồn gốc của sự thờ phụng này, theo tôi nghiên cứu, thì tháng 10 âm lịch năm 1913, ông chủ hội thuyền người Bắc Ninh, tên là Trần Đức Thuật, đã trực tiếp tu sửa cái miếu thờ Đông Hải Đại vương ( tước vua Gia Long phong cho cá Voi, gọi là Cá Ông) xong trong có một ngày ở Bến Đoan Hòn Gai, nay ở trung tâm TP Hạ Long. Vì cá Voi đã cứu Nguyễn Ánh thoát chết trong cuộc tử chiến với thủy quân Tây Sơn tại vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, rồi lập nên triều Nguyễn năm 1802. Hiện trước cửa đền Trần Quốc Nghiễn vẫn có lá cờ rất lớn có 4 chữ Đông Hải Đại vương cũng rất lớn đó thôi, chứng tỏ đền này nguyên là một cái miếu thờ cá Voi, được xây sau năm 1802, theo sắc chỉ của vua Gia Long, để trả ơn cá Voi như đã nói ở trên. Chính ông chủ hội thuyền họ Trần, người Bắc Ninh đã đưa Trần Quốc Nghiễn, con trưởng của Trần Quốc Tuấn, người đóng quân ở Bắc Ninh vào đây thờ, để cầu mong Ngài che chở giông bão trong các chuyến thuyền buôn qua vùng ven biển này. Lúc đó, cái miếu này ở chân núi Bài Thơ và núi Bài Thơ còn ở trên biển, trời nước hoang vu ( bốn chữ này do ông chủ hội thuyền khắc vào bia đá, hiện vẫn còn trước cửa đền Trần Quốc Nghiễn). Nên nhớ, Trần Quốc Nghiễn được phong tước Hưng Vũ vương, sau chiến thắng chống Nguyên tháng 3 năm Mậu Tí ( 1288), đến tháng 4 năm Kỉ Sửu ( 1289), được phong thưởng tước Khai quốc công, chưa bao giờ được phong đại vương, kể cả truy phong. Trần Quốc Nghiễn hoàn toàn không có tước mang tên Đông Hải Đại vương – vốn là tên tước vua Gia Long nhà Nguyễn phong cho các Voi sau năm 1802. Vì Hòn Gai năm 1913 thờ anh, ( Trần Quốc Nghiễn) nên Cẩm Phả 3 năm sau ( 1916) mới đưa em là Trần Quốc Tảng vào thờ, rồi 27 năm sau, năm 1943, ông Quản Mai xây đền và chùa Long Tiên ở Hòn Gai mới đưa Trần Quốc Tuấn, cha của hai anh em vào thờ. Tất cả đều rõ ràng hiển nhiên như vậy, tại sao ta cứ bịa tạc ra là các ông ấy sống ở đây, đóng quân đánh giặc ở đây, chết ở đây và đền thờ lập ra ở đây từ thời Trần để thờ các vị anh hùng này. Xin thưa, theo Đại Việt sử kí toàn thư của thời Lê ( 1497), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng không hề có bất cứ một liên can gì, chưa từng đến vùng đất từ Đông Triều - Uông Bí ra đến vùng Hòn Gai Cẩm Phả hiện nay. Tôi đề nghị tỉnh Quảng Ninh tổ chức một hội thảo cấp tỉnh hay cấp quốc gia về việc này và tôi tin rằng không có một nhà khoa học nào có khả năng tìm thấy, dù chỉ 1 chữ thôi, trong các thư tịch khoa học lịch sử có liên can đến các vấn đề nêu trên. Vậy mà ta cứ bịa tạc ra những điều đó, vô hình chung, đã xúc phạm đến nhân cách và danh dự của các danh thần mà chúng ta không tự biết hay sao?
Trở lại đền Cặp Tiên, với kiến trúc 100% thời Nguyễn - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Hoàn toàn không có chuyện Trần Quốc Tảng ( Hưng Nhượng vương) ra “trấn ải ( cửa biển) Cửa Đông, An Bang”. Vì từ xưa đến nay quân xâm lược phương Bắc không bao giờ đánh vào kinh thành Thăng Long, qua đường bộ Quảng Ninh, vì không có đường, lại có nhiều sông suối chia cắt. Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3 ( 1288) kết thúc các cuộc xâm lăng của nhà Nguyên, 600 năm sau, khoảng năm 1885, người Cẩm Phả ra Móng Cái vẫn phải đi bằng thuyền. Còn đường thủy đã có Trần Khánh Dư ( Nhân Huệ vương) trấn giữ ở Vân Đồn, cạnh đó, từ năm 1282. Năm 1285 quân Nguyên mới xâm lăng lần thứ 2, không qua vùng ven biển Quảng Ninh. Cần nhớ thời Trần theo chế độ phân quyền, đất đã phong cho vương này, vương khác không mang quân đến đóng được. Hơn nữa, con đường bộ này dài hơn gấp đôi đường Lạng Sơn – Thăng Long. Vì thế, càng không có chuyện tiểu thư - con gái của Ngài ra đây, cùng cha trấn ải. Dư địa chí của Nguyễn Trãi ( Nguyễn Trãi mất năm 1442 ) hơn 150 năm sau, ghi rằng: “đất này là đất hiểm ác” và bạn của Nguyễn Trãi là Lí Tử Tấn ghi thêm: vùng đất này nhiều chướng khí, rất độc, chim bay qua còn tự rơi xuống mặt nước mà chết. Đại Việt Sử kí toàn thư, tập II, trang 93, nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1985, có ghi “ còn bọn tên Lệ 6 người, bị đày ra châu Ác Thủ, An Bang ( nay là Cửa Ông ). Người bị đày ra đó không một ai sống sót (trở về) ”. Vậy làm sao cha con Trần Quốc Tảng trước đó khoảng hơn 200 năm lại ra đây, mà sống được, để sau đó về triều nhận phong Đại vương, tước cao nhất của triều đình, vì Ngài là anh ruột vợ Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua đương triều Trần Anh Tông. Ngài mất năm 1313, làm sao lại có thể sống lại ở 571 năm sau để năm 1884, ra đây mà thu thuế của người Pháp (?)…. Trong Lễ hội đền Cửa Ông năm 2017, truyền hình trực tiếp, còn nói con gái Trần Quốc Tảng thấy cha chết uất ức ở đây, đã nhảy xuống giếng này tự tử và nhân dân đã tranh nhau lấy nước giếng này về nhà thờ… Bịa tạc đến thế thì không còn biết sợ trời đất quỉ thần gì nữa.
Các Ngài đã có đủ sự vĩ đại để chúng ta thờ phụng. Những bịa tạc của chúng ta chỉ làm giảm các giá trị cao cả của Ngài, đồng thời làm mất đi vẻ đẹp của sự trung thực lịch sử, như nó vốn có, cũng là cái căn cốt nhất, để dạy cho các thế hệ con cháu, không những chủ nghiã yêu nước chân chính, mà còn là nhân cách cần phải có để làm NGƯỜI.