Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẤT CẢ TRÊN VAI NGƯỜI LÍNH

Ngọc Bái
Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2018 6:08 PM


Những ngày trên mặt trận Vị Xuyên tôi đã viết bài ký, đăng Văn nghệ Quân đội 6/1988, xem lại vẫn thấy điều mình cảnh báo là đúng. Chỉ có điều mức độ “tiêu cực” bây giờ nặng nề hơn. Biển thủ mấy cây gỗ, mấy tấn xi măng, mấy tạ sắt thép thời bấy giờ so với bây giờ chỉ là chuyện vặt. Dẫu sao tôi cũng đã viết đúng sự thật và lương tâm. Bây giờ đọc lại vẫn nguyên giá trị. Những nhân vật trong bài có thể còn sống, có thể không còn, nên tôi viết tắt, âu cũng là chuyện đã qua!.
Kết quả hình ảnh cho Nhà thơ Ngọc Bái


I/ LẠI CỨ PHẢI ĐẶT VẤN ĐÈ.
Tôi “chộp”được cái tít bài viết qua câu nói cửa miệng của một cán bộ trung đoàn tôi thường gặp trong những ngày chiến đấu ở Vị Xuyên. Ở mặt trận này, hầu hết cán bộ đều gọi chiến sĩ là “các em”! Tôi không hiểu xuất xứ của từ này do ai, từ đơn vị nào khởi xướng, nhưng ở đâu cũng nghe nói. Theo diễn đạt của chiến sĩ thì từ này ngọt xớt, ngộ nghĩnh và hiện đại! Êm tai và rất hiệu lực. Mắc màn ư? Để đấy “câc em” làm. Nước tắm, nước rửa mặt ư? Có “các em”. Giặt giũ ư? “Các em” lo. Rồi thậm chí rượu thịt, đến gỗ lạt, nhà cửa, súng đạn... “Các em” tất! “Các em” toàn phần! Tất cả trên vai “các em”! Đơn giản vậy thôi! Có lần tôi tỏ sự băn khoăn, thì được cán bộ nọ giải thích: “Mình cũng đã từng là chiến sĩ rồi, phải rèn! Phải rèn!” Và cũng theo cái đà ấy, các cán bộ từ chức tiểu đội tới tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đua nhau “rèn các em”. Có điều, mục đích tối thượng của sự rèn rũa ấy lại quá sơ đẳng và thấp kém. Nó chỉ góp làm giảm nhân cách của của những người lính.
Có lần, thiếu tướng phó Tư lệnh Quân khu đi kiểm tra các đơn vị, dọc đường thấy bộ đội cởi trần kéo gỗ quá nhếch nhác, đã nói thẳng với chỉ huy sư đoàn rằng: “Vậy mà cán bộ đang tâm lợi dụng sức lính để làm giàu, tiêu xài và ăn nhậu thì thật là đê tiện. Tiếng chuông cảnh tỉnh đã gióng lên khẩn thiết mà con người vẫn chưa tỉnh, hỏi làm sao vậy? Nếu có tòa án để xử những gì đê tiện, tôi nhiệt thành đứng về phía quyền lợi của những người lính. Làm sao lại để sự đê tiện cứ nhởn nhơ? (Bây giờ nhiều chuyện còn đê tiện hơn – TG).
Nhưng viết mới thật khó. Khi sự thật đã được phơi bày lên mặt giấy, tránh sao được sự động chạm? Nào uy tín của cá nhân! Nào uy tín của đơn vị! Dù chưa hẳn uy tín đích thực. Rồi những sợi dây giằng chéo vô hình. Chưa viết còn được quí, viết rồi, đi đến đâu ai cũng cảnh giác và có kẻ nhìn mình như kẻ thù. Nhưng mà lại nghĩ, viết mà còn sợ thì cũng hèn. Và biết đâu, viết rồi, người ta càng quí mình hơn thì sao!
Để có tư liệu chính thức, tôi tìm đến Trung tá Nguyễn Văn Lương, phụ trách ủy ban kiểm tra đảng ủy Quân khu. Anh là nhân vật bằng xương bằng thịt của truyện ký “Cái vuốt” đã in Văn nghệ quân đội hồi sáu chín. Hồi đó anh là trung đội trưởng gan lì cốc đế, đã nhiều phen cùng đồng đội “nắm thắt lưng địch mà đánh”, từng chọi nhau với lính thủy đánh bộ Mĩ ở Đường 9 Khe Sanh. Cũng từng đói cái thời hai- bốn- đói (trung đoàn 246 được lính Đường 9 vẫn gọi). Đói đến nỗi phải ăn cháo môn thục ngứa rát họng để duy trì sự sống, nhiều người chết vì đói. Chính trị viên tiểu đoàn 1 tên là Thùy đã quẫn chí dùng súng ngắn tự sát vì bất lực. Tôi và Lương là bạn “môn thục” từ ngày đó. Anh quê Cao Xá, Lâm Thao, Vĩnh Phú. Sôi nổi và chín chắn như xưa. Anh vừa ở một lữ đoàn công binh “có vấn đề” về. Quân khu đang thực hiện cuộc vận động “làm trong sạch tổ chức Đảng , làm lành mạnh các quan hệ xã hội”. Cán bộ cơ quan chính trị Quân khu tỏa tới khắp các đơn vị. Thay cho lời chúc đầu năm, tôi chúc Lương năm 1988 rất nên “thất nghiệp”!
- Được như vậy thì phúc to! Cán bộ, đảng viên không vi phạm kỉ luật, mừng chứ sao?
- Lý tưởng thì như vậy. Còn sự thật, tôi muốn viết về nó đấy. Ông có ủng hộ không?
- Ủng hộ quá đi chứ! Chỉ có điều ông khai thác tư liệu và viết như thế nào là tùy tài ở ông.
- Tài thì không dám nhận. Nhưng tâm thì thôi thúc.
- Chúng mình đều chui ra từ chiến tranh giải phóng đất nước. Khát vọng của chúng mình là sáng sủa cơ. Vậy mà đời thì lắm chỗ còn tối om om. Đau lắm! Đau.
- Nhưng này, tôi hỏi cho rõ nhé,những vụ đã thành án, hiển nhiên là viết được rồi, nhưng những vụ chưa thành án, mức độ trầm trọng, đã rõ ràng, có nói được không? Các vị quan lớn là hay bắt bẻ “ai chủ trương cho nói”, rắc rối lắm đấy nhé!
- Phải nói chứ. Chính vì trước đây hay ỷ vào phương châm thận trọng, ừ từ nghiên cứu, nên đã phải trả giá quá đắt. Đúng thế, quá đắt! Những người sa ngã tiếp tục sa ngã. Chần chừ là lỡ việc. Ta đã mắc bệnh chần chừ lâu quá rồi.
- Chuyện ở lữ đoàn công binh thế nào?
- Kỷ luật cảnh cáo đại tá Tr..., nguyên lữ trưởng về chuyện quan hệ nam nữ, kiện cáo, đã thanh thiên bạch nhật . Nhưng khốn khổ là bây giờ anh em mới nói ra những điều trước đây không ai dám nói. Tệ thế đấy! Cái tật thật khó sửa, khi ở với nhau thì cậy răng không nói. Nể nhau! Sợ nhau! Nói ra vạ vào thân, người ấy “đổ” hoặc chuyển nơi khác thì không sao, chứ người ấy lại tiếp tục ở lại đơn vị, làm sao tránh được trả đũa. Anh nào vạ miệng sẽ bị “ri” hơn ri rệp. Nói như ngôn ngữ lính, nghĩa là “cho đi điều trị” luôn!
- Nhưng nói đúng?
- Nói đúng đã là gì! Quyền và chức nó lấn át chứ. Không phải mọi quyết định đều xuất phát từ cái đúng đâu. Nguy nhất là người đứng đầu tự trao cho mình cái quyền bất chấp. Khi ấy, người lính bị coi rẻ nhất. Nói cách khác, công sức của người lính bị biến thành của riêng, sở hữu riêng. Sức lao động của người lính hoàn toàn bị lợi dụng. Nói một việc cụ thể, đủ biết sự biến tướng của quyền lực đối với chiến sĩ như tế nào. Đại tá Tr... “quyết” cho đại tá T... 45 khối cát xây nhà, thời giá bấy giờ 1900 đ/1 khối tại bến (thời giá 1988). Cho xe chở về nhà cách 80 cây số. Mười khối đá khai thác cách hơn 200 cây số, cũng chở về tận nhà, vân vân...Là công sức của bộ đội chứ sao! Nếu là của cá nhân, ai dễ dàng móc túi đưa cho không người khác một cách hào hiệp vậy? Người cho không mất gì, và người được cho càng không mất gì. Cả hai đều được và được quá nhiều. Chỉ có chiến sĩ là thua thiệt đủ đường.
- Quan niệm của cán bộ đơn vị có gì đáng quan tâm?
- Cũng còn phong kiến lắm. Có người cho rằng báo chí vừa qua “tả” quá. Đả thế là đả mình chứ đả ai. Đóng cửa bảo nhau có hơn không?!
- Thế, thái độ của anh?
- Quan niệm như thế là không được. Đại tá Nguyễn Tiến Đ... sử dụng 491 công về làm nhà riêng, nhận biếu 10 khối gỗ do đơn vị B16 “tặng”. Mà anh biết không? Mỗi mét khối gỗ xẻ thành khí phải tốn 100 công, chưa nói vận chuyển.
Con số không nhỏ đâu. Luật pháp nào bảo đảm cho một công dân được sử dụng một lúc 10 khối gỗ? Mà của ấy lại là hối lộ. Lại còn sắt thép, xi măng, than củi, xe cộ... cứ như trên trời rơi xuống.
- Nghe nói được “giúp” cơ mà?
- Nếu không phải là chủ nhiệm hậu cần quân khu thì ai “giúp”? Đã tham lam, thực dụng lại còn viện đủ mọi lí lẽ. Trong kiểm điểm thì trương cái biển “công lao mấy chục năm cống hiến” ra. Khi đã bị kỷ luật cách chức đảng ủy viên quân khu, cách chức chủ nhiệm hậu cần, bồi hoàn trên 600 ngàn đồng (1988), thì kêu kỷ luật nặng, bồi hoàn cũng nặng! Kêu thì kêu vậy thôi, thời kỳ 86 còn xử lý nhẹ, chứ bây giờ chỉ có khai trừ đảng!
- Đã tham lam sẽ dẫn tới độc ác.
- Chính con người đã biến chất. Đối xử dã man, thiếu tình người. Anh lạ gì, câu chuyện đại úy S... quyền tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn B06 đấy. Lệnh của Tư lệnh quân khu về việc cấm khai thác gỗ vừa ban ra xong, S... vẫn cho cán bộ đại đội sử dụng 3 chiến sĩ đi khai thác gỗ tư túi. Cán bộ đại đội lại “sáng tạo” , dùng 6 “em”. Nếu không có việc gỗ đè chết 1 “em” thì ai biết được những trò thò lò bậy bạ ấy.
Sự xuống cấp về nhân tính là rõ ràng. Coi thường sức lao động của bộ đội trước sau cũng sẽ coi thường tính mạng của họ. Rồi bớt xén thời gian huấn luyện, nói dối nói trá, làm phép che mắt cấp trên, quà cáp biếu xén, và có thể làm mọi thứ tồi tệ khác. Nhân dân giao con em cho bộ đội là để làm nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu, chứ đâu phải giao con em đi làm nhà cho các ông “quan cách mạng”.
Chính vì cái lẽ ấy, bài viết này có động chạm tới những tên người thật, sự việc thật, cũng mong được bình tĩnh; cả những người không can dự gì cũng cần bình tĩnh. Bình tĩnh để cùng đối xử với nhau thật sự là tình con người.
II/ VÔ LÍ, CỰC KỲ VÔ LÍ.
Thời kỳ đầu năm 1987, đoàn B13 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở các điểm tựa trở về, công việc trước tiên của họ là củng cố doanh trại. Nói là doanh trại nhưng phần nhiều chỉ là những chiếc lán chiến sĩ dựng lên sơ sài, tranh cướp thời gian che sương che nắng. Doanh trại của trung đoàn M4 gần suối đã bị lũ cuốn trôi gần hết. Hầu như phải làm lại từ đầu. Những chiến sĩ trải qua sốt rét, teo cơ, phù thũng bủng beo, mới hồi phục, vừa đặt chân đã phải lo cột kèo, cắt tranh, trèo cọ. Những cây cọ cao hàng chục mét lần nữa thử thách sức bền bỉ của người lính. Trong vòng một tháng đơn vị đã có hàng chục chiến sĩ bị thương vì ngã khi trèo cọ. Chiến đấu bị thương đã đành, làm nhà để ở mà cũng bị thương thì cơ cực quá. Đã thấy lác đác các bài báo nói về ông Tô Duy nào đó có tới 192 mét vuông nhà ở ... rồi nơi này nơi khác biển thủ công quỹ... Nói vậy, những chiến sĩ vừa ở hang, ở hầm biết đâu mà so bì. Lại thấy báo chí nói về đại tác Bế Ích Q,,,, đại tá Nguyễn Tiến Đ...dùng nhiều vật tư và công sức bội đội để làm nhà riêng. Những cán bội có chức có quyền ấy, chỉ lo cho cơ ngơi mình, những ngôi nhà đặc biệt đầy đủ tiện nghi; mấy ai nghĩ tới sự vô lí khi hàng chục chiến sĩ phải nằm chung một sạp nứa trong những “doanh trại” bốn mùa trống gió. Hang trăm hàng ngàn chiến sĩ đang còn ở hang hốc, hầm hào nơi điểm tựa.
Còn một sự vô lí nữa, chả mấy ai tính cho được chi li, nhưng cứ nhìn bộ đội đi lại dọc đường, chờ đợi tàu xe thất tha thất thểu là có thể liên hệ thấy ngay. Nơi nào có đường tàu, tuy có phải chen lấn chật chội, bộ đội còn có phương tiện để mà chen, chứ những nơi chỉ đường độc đạo, thì việc đi lại quả là tai ách. Cuối năm 1987, tôi có dịp công tác ở đoàn B56 bộ binh, được biết một nhóm 17 chiến sĩ đã chặn một chiếc xe khách Hà Giang- Hà Nội để “trấn”. Kiểm soát quân sự được phái đến giải quyết. Đến nơi, quả có 17 chiến sĩ chặn xe để thanh toán sự việc xảy ra hôm trước. Lí lẽ đơn giản. Hôm qua, vì cần phải về đơn vị cho kịp thời gian quy định, nếu lỡ phải ở lại một đêm vơ với sẽ tốn kém, nên chúng tôi đã phải “nôn” số tiền gấp mười lần tiền vé, lái xe mới đồng ý cho đi. Lái xe chúng tôi nhớ mặt, số xe chúng tôi cũng nhớ. Hôm qua lái xe “trấn” chúng tôi, hôm nay chúng tôi “trấn” lại. Chúng tôi chỉ đòi lại số tiền trả quá giá vé! Thế đấy, chiến sĩ được mấy ngày phép tranh thủ, trở lại làm nhiệm vụ ở biên giới, đáng lí được ưu tiên chính đáng, thì lại bị gây phiền hà. Để rồi mắc cái tội gây gổ với lái xe. Tôi biết, phụ cấp của anh em không đủ để mua vé xe đâu. Tiền ấy, anh em chỉ có thể “trấn” của các ông cha bà mẹ và họ hàng ở nhà quê thôi.
Ấy thế mà, với tư liệu tôi có được trong tay, đại tá Nguyễn Tiến Đ...đã sử dụng riêng hàng trăm chuyến xe. Đại tá Tr... giúp bạn dăm chục chuyến xe. Còn có cán bộ khác nữa... Có vị thủ trưởng một năm đi “tranh thủ” 4 lần, mỗi lần dùng 200 lít xăng. Đại tá sư đoàn trưởng Trần Ngọc T...chi tới 3 tấn rưỡi xăng cho công cuộc làm nhà. Xe ấy, xăng ấy các vị không bao giờ chịu tính thành tiền! Xem mình hưởng thụ có quá đáng không?
Để rõ hơn sự vô lí ấy, tôi chỉ xin trích ra những tư liệu về những vụ, theo như cách diễn đạt của ủy ban kiểm tra đảng, thì đây là: “lỗi phạm thu vén cá nhân”. Đã thu vén cá nhân , không lợi dụng của cải vật tư của đơn vị thì cũng lợi dụng công sức của bộ đội.
Trong quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với trung tá Phạm Quang Đ...trung đoàn trưởng B50 ngày 20 tháng 2 năm 1987 có ghi: “Đã lợi dụng chức quyền, dùng công sức bộ đội về làm nhà, khai thác gỗ, đóng đồ dùng cho bản thân”. Trung tá Phạm Quang Đ... quê Phù Tiên, Hải Hưng, đã sử dụng chiến sĩ về nhà đóng gạch, đốt gạch, phụ hồ làm thợ xây, thợ mộc hết 290 công. Ngoài ra, khai thác 4 mét khối gỗ thành khí. Đã lấy 1 tủ đứng ba buồng, 1 bộ sa lông, 2 giường gỗ lát, đóng 14 bộ cánh cửa chính và cửa sổ. Đại tá Trần Ngọc T..., quê Hà Bắc, trú thành phố Thái Nguyên, cũng bằng hình thức cảnh cáo với nội dung “đã lợi dụng chức quyền sử dụng nhiều ngày công của bộ đội”. Xác minh, đã có 6 chiến sĩ công binh về làm nhà cho sư đoàn trưởng từ ngày 16 tháng 1 năm 1986 đến 16 tháng 6 năm 1986. Tổng cộng 810 ngày công, số công thực là 312 ngày, còn 428 công nghỉ tết và mưa. Đấy là chưa nói tới xi măng, xăng dầu, 35 tấm gỗ mỗi tấm có kích thước 2,1 m x 0,38 m, dày 3 phân và một số gỗ tròn!
Còn cái án kỷ luật cách chức thiếu tá trung đoàn trưởng Hà Đức B... quê Lập Thạch, Vĩnh Phú cũng vẫn là lỗi thu vén cá nhân. Cụ thể: “Bớt xén thời gian huấn luyện, lợi dụng công sức bộ đội khai thác gỗ để chia nhau đóng đồ đạc, tùy tiện sử dụng xe cộ, xăng dầu của đơn vị để chở gỗ và đồ đạc về nhà”. Cần phải nói thêm, thiếu tá B...còn có đồng minh của mình là Th...trung đoàn phó chính trị, Qu... trung đoàn phó tham mưu trưởng, và T... chủ nhiệm kỹ thuật, cùng chia nhau quyền lợi, do việc huy động bộ đội đi khai thác gỗ bồ đề cho cơ quan lâm nghiệp huyện Bảo Yên (Hoàng Liên Sơn) để được cấp giấy phép vận chuyển gỗ ra ngoài tỉnh.
Gỗ là niềm vui của một số cán bộ, thì gỗ là niềm đau khổ của chiến sĩ. Câu nói truyền miệng “Cán bộ lát chun lát hoa, chúng em nát da nát cổ” hay câu “lát lát lim lim, cán bộ đi tìm, chiến sĩ đi vác!”... là câu nói trong rất nhiều câu nói xót xa về mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ. Một chiếc xà vượt bằng gỗ đinh, kích thước dài 5 mét, thân gỗ 0,20 x 0,20 m vận chuyển từ trong núi, phải có 12 đến 20 người đốt đuốc, vừa khênh vừa kéo 1 đêm mới tới xe, như thể ăn cắp, để tránh kiểm lâm, tránh các sự kiểm soát khác, khốn khổ và cực nhọc. Những loại gỗ tốt lại hay mọc ở núi đá, gỗ làm nhà cho chiến sĩ đâu cần những thứ đó! Vậy mà, có cán bộ lấy tới 20 đến 30 chiếc xà vượt chở về xuôi. Mỗi xà vượt bán đi đủ mua tạ gạo. Chi phí ăn uống cho lái xe đi đường bất quá là “nhá” hết một chiếc xà! Còn lại của thủ trưởng. Tính toán chi li cả đấy! Anh em chiến sĩ còn đói còn rét mà cán bộ lại cho quyền mình được hưởng nhiều đặc lợi vậy, hỏi lương tâm ở đâu?
Đảng ủy quân khu đã ra nghị quyết 191; Tư lệnh quân khu đã có chỉ thị 199, cấm không được khai thác gỗ tùy tiện, không đóng đồ gỗ biếu xén, mua bán...lợi dụng. Nhưng đã cố ý thì chỉ thị nghị quyết nào cũng coi như chưa là cái chất gì! Khi toàn quân khu bật đèn đỏ khắp nơi, đại úy Trần Văn S...tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11, trung đoàn B68 vẫn tiếp tục “sử dụng công sức bộ đội xẻ gỗ đóng đồ mang về nhà, tự ý bán 100 kg gạo, lấy tiền mua lợn nuôi riêng, đã có hành động thô bạo đánh 2 chiến sĩ thuộc quyền. Quyết toán khống 12.653 đồng (thời giá 1987) số tiền chiến sĩ đào ngũ. Bán 2 con trâu, 1 con lợn, 200 kg gạo gây quỹ riêng chè chén. Chưa kịp kỷ luật vì các lỗi trên, thì ngày 20 tháng 7 năm 1987, S... lại cố tình “dùng bộ đội xẻ gỗ”, lấy 8 chiến sĩ đẩy gỗ bằng xe cải tiến ra ga Làng Ràng, rồi cho 3 “em” áp tải gỗ về quê Hà Nam Ninh”.
Nhìn rừng núi xác xơ, đã có người dân địa phương nói với tôi rằng: “Ta có cái lạ, cái gì chưa phá xong, cứ phải phá cho hết. Khi chưa có cao trào dùng gỗ lát thì coi cây lát bình thường. Nhưng khi cây lát được coi là quí, thì vào rừng thấy cây lát con cũng bập cho một nhát dao và nói: à cây lát!”.
Còn có nhiều hình thức nhẫn tâm trút lên vai người chiến sĩ. Ở trung đoàn 753 (F411) trung tá trung đoàn trưởng Nguyễn Duy Th... và đại úy Nguyễn Quốc V... trung đoàn phó, tham mưu trưởng còn cho 2 “em” về nhà 6 tháng, bắt nộp 400 kg thóc /người. Thiểu tá Nguyễn Thành Ph...trung đoàn trưởng trung đoàn M48 đã bán 63 lần giấy tờ ra quân cho chiến sĩ chưa hết nghĩa vụ, để lấy tiền tiêu xài.! Kéo theo cả một số trợ lý cũng phạm lỗi. Rồi hình thức khoán cũng được áp dụng triệt để. Khoán đóng gạch, khoán lấy củi, khoán làm thuê nhà, khoán đi buôn, khoán xin tre nộp đơn vị... cả khoán đào vàng nộp tiền. Ở trung đoàn B43 mỗi chiến sĩ một ngày phải nộp 2 cây tre, nến không có nộp bằng tiền. Ở đại đội 20 (trung đoàn M22) thì khoán cho chiến sĩ đào vàng, cốt sao có tiền về nộp bảo đảm mức khoán!
Trường hợp thiếu tá quyền trung đoàn trưởng trung đoàn M22 Hà Đức V... thì hình thức sinh lợi “sinh động” hơn. Không chỉ thu vén cá nhân, trong một cuộc hội nghị quân chính của trung đoàn, V... tuyên bố “mạnh dạn làm kinh tế, không kiện cáo nhau, miễn sao cho khéo là được”; đã gây men cho cuộc đua tài làm ăn giữa các đại đội, tiểu đoàn, đủ cả đãi vàng, xẻ gỗ, làm thuê, buôn bán, đổi chác... mục tiêu cuối cùng là tiền. Khi hậu quả làm cho con người mở mắt thì đã quá muộn, tiểu đoàn 3 khi chở gỗ tai nạn xe đổ, 2 chiến sĩ tử vong và 9 chiến sĩ bị thương.
Nếu bài viết này chỉ dừng lại ở con số thống kê thì khó lòng kể cho đủ. Vả lại, việc kể cũng trở nên nhạt nhẽo vô nghĩa. Vì, người ta cũng cần một khoảng lặng để mà suy nghĩ, để mà bình giá. Sự việc có căn cứ, không thể không có mấy lời để kết.
III/ ĐỂ KẾT
Cái câu “nước sông công lính” đã lỗi thời, cũng nên để câu “tất cả trên vai người lính” lỗi thời theo. Nhưng, người có khuyết tật bao giờ cũng tìm cách biện hộ cho mình. “Những chuyện tiêu cực đầy rẫy ra đấy, sao chỉ khui mình tôi?!” . Thưa vâng, tiếp tục đấy chứ, cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu đã dừng đâu? Chỉ có điều đang làm và sẽ làm. Ai đó còn tránh được cũng chỉ là do chưa có ai có đủ điều kiện để khui ra thôi. Thông thường những vụ vi phạm kỷ luật khi điều tra khá vất vả, khi quyết định hình thức kỷ luật thì ra sức “cụ quậy”, kêu ca. Cũng chưa thể nào tránh được sự bợ đỡ. Không ít người “nước mắt cá sấu” tỏ ra thông cảm! Hoặc bênh vực kệch cỡm. Trông người thế ấy, ngẫm mình ra sao! Vẫn phải có chứng lí rõ ràng, người phạm lỗi mới chịu. Biết bao rắc rối đối với người đi điều tra. Có vụ phải tốn công tốn sức hàng năm trời. Trong hồ sơ kỉ luật rất hiếm các trường hợp thực sự tự giác. Khui ra các vụ nói trên, hầu hết là do các đơn tố giác của các cá nhân và tập thể. Hãy xem đơn tố cáo của một quân nhân đối với cán bộ của mình. Lá đơn đề ngày 14 tháng 4 năm 1986 về trung tá trung đoàn trưởng Nguyễn Duy Tr...quê Trung Dã, Sóc Sơn, Hà Nội (xin chép nguyên văn):
“- Đã cho 2 hạ sĩ quan về nhà lao động thời gian 6 tháng, mỗi đồng chí phải nộp 400 kg thóc.
- Khi có cán bộ, chiến sĩ nào vi phạm khuyết điểm hoặc ăn mặc không đúng qui định, đồng chí trông thấy “ngứa mắt” thì không nhắc nhở mà phạt ngay bằng kinh tế... Dã có trường hợp 2 hạ sĩ quan bị phạt 1 kg gà, phải ra chợ mua 1 con gà hơn 1 kg mang về thả vào chuồng cho E trưởng.
- Nói với 2 chiến sĩ : muốn ra quân trước thời hạn thì mua cho E trưởng và tham mưu trưởng mỗi người 1 áo lông Đức”.
Tr... đã bị án kỉ luật số 65, ngày 7 tháng 6 năm 1986 với hình thức lưu đảng, cách chức trung đòan trưởng vì uống rượu say gây mất trật tự công cộng khi xem văn công. Đến ngày 17 tháng 8 năm 1987 Tr... lại tiếp án kỉ luật lần thứ 2, khai trừ đảng và tước quân hàm sĩ quan.
Trở lại câu chuyện với trung tá Nguyễn Văn Lương, tôi hỏi anh câu hỏi cuối cùng.
-Tại sao những việc như thế đã xảy ra khá lâu mà cứ để tồn đọng, gần đây mới giải quyết?
Trung tá Lương trả lời:
-Vì chưa đủ điều kiện khách quan. Cán bộ chưa đủ uy tín và năng lực để làm, chưa đủ con mắt tinh tường để nhận bắt và đánh giá sự việc. Khách quan còn hàm một yếu tố nữa là xu thế chung. Cái tiếng nói lâu nay dồn nén trong quần chúng được bung ra. “Những việc cần làm ngay” do NVL khởi xướng là cẩm nang. Nhận thức “bảo vệ cán bộ” trá hình và ấu trĩ trước đây bị bóc trần. Công ra công, tội ra tội, cho người ta tránh được sự lẫn lộn khi giải quyết các vụ việc. Một điều quan trọng nữa, phải có quyết tâm và phương thức giải quyết đúng đắn. Nhìn thống kê kỉ luật có tăng lên, chưa chắc là nỗi lo, vì, những vụ bùng nhùng trước đây, nay mới có điều kiện kiên quyết xử lí. Dẫu có chậm, nhưng chưa muộn.
Thế nhưng, cũng cần thành tâm cãi hộ cho các sĩ quan trong hoàn cảnh hiện thời! Đồng lương trừ tiền ăn đi, sĩ quan trung cấp cũng không đủ mua nổi 10 kg gạo mỗi tháng (lúc bấy giờ). Hậu phương gia đình đại đa số neo đơn, thiếu ăn, tiền dành dụm một năm không đủ chi tiêu dọc đường một chuyến đi phép, hay một chuyến đi công tác. Một số người, vì thế, có nghĩ tới việc “tự giải quyết khó khăn” thì có gì đáng trách!!! Nhưng giải pháp chắc chắn phải tìm ở chỗ khác, chứ đôi vai chiến sĩ thì bé nhỏ, làm sao gánh nổi cái gánh quá nặng khó khăn của các cán bộ bây giờ?