Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ “HAI CÂY LIM GIẾNG RỪNG”

Trần Nhuận Minh
Thứ ba ngày 15 tháng 5 năm 2018 4:24 PM

Báo Sức khỏe & đời sống, một tờ báo được rất nhiều người ở nhiều tầng lớp khác nhau đón đọc, vì ngoài việc chữa bệnh cứu người, với những tư liệu phong phú về sự nghiệp cao cả của ngành y tế, của các thầy thuốc, nhiều bài thuốc rất có hiệu quả chữa bệnh, còn cung cấp cho bạn đọc nhiều giá trị văn hóa rất sâu sắc, mới mẻ và bổ ích.
Trong số báo ra ngày chủ nhật 17/12/ 2017 vừa qua, có bài “ Về thăm chiến địa Bạch Đằng”. Đây là một bài báo tốt, nhiều tư liệu mới, cập nhật được những vấn đề theo quan điểm nhận thức của ngày hôm nay. Ví như nhà thơ Hồ Xuân Hương mà ta từng biết, đã từng ở đây, là vợ quan tham hiệp trấn An Quảng ( nay là Quảng Yên) đã làm thơ chữ Hán và chữ Nôm về vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng, lời thơ rất quí tộc, hào hoa phong nhã. Đây là Hồ Xuân Hương bằng xương bằng thịt, một Hồ Xuân Hương có thật, khác với Hồ Xuân Hương tác giả những bài thơ Nôm truyền tụng có nhiều bài gợi những “cái ấy” và “ chuyện ấy”, vẫn được truyền tụng trong dân gian, là nhân vật hư cấu của văn học dân gian và thơ cũng là thơ khuyết danh của văn học dân gian, rồi gán cho bà. Chỉ tiếc trong bài báo đáng biểu dương trên, có một đoạn dài viết về “hai cây lim giếng rừng”, đây là một cái sai, mà đến nay rất không nên có. Qua bài báo trên, càng thấy cái sai ấy có sức sống lâu bền, vì nó gắn liền với một sự thực lịch sử vĩ đại ở thời Trần, và chắc chắn với động cơ rất tốt, người ta bịa ra cho nó cũng đã nửa thế kỉ rồi, do đó không dễ mà xóa bỏ ngay được. Vì vậy, tôi chỉ xin nói về một điều này mà thôi.
Bài báo dài 1 trang, có 3 cái ảnh, thì 2 cái ảnh về “ Hai cây lim giếng rừng” với dòng chú thích: “ Hai cây lim giếng rừng, chiến tích của chiến thắng Bạch Đằng, giữa rừng Quảng Yên, Quảng Ninh”. Trong bài, tác giả viết: “ Trong thị xã Quảng Yên, có hai cây lim cổ thụ mọc bên cạnh giếng Rừng. Theo các nhà khoa học, hai cây lim đã gần ngàn năm tuổi, trùng khớp với thời gian chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” … Một đoạn khác, sau đó: “ Hai cây lim trải qua bao khắc nghiệt của thời gian… hai chứng nhân sống của lịch sử đã hồi sinh tươi tốt, tỏa bóng xuống hai cái giếng cổ, nước lúc nào cũng mát lạnh và trong vắt” .

Đọc đến đây, tôi tin là các thầy thuốc và đông đảo bạn đọc sẽ nhận ra ngay một điều, không ai lại đào giếng dưới bóng lim, không phải một mà đến 2 cái giếng, để “lim tỏa bóng xuống” như thế mà lấy nước uống. Bởi vì lá lim rất độc, khi lá lim rụng xuống nước đã “ gần một ngàn năm” thì những người uống nước đó cũng “gần một ngàn năm”… nếu đúng như thế, thì … người chết cũng phải đến vài vạn người… Vì nước lá lim, chưa kể rễ lim, rất độc, uống vào là chết người luôn. Nhưng điều đó đâu có. Và theo tôi được biết thì không có “nhà khoa học” nào xác nhận hai cây đó là 2 cây lim còn lại từ thời cụ Trần Hưng Đạo, mà chỉ có các nhà “sử thổ phỉ” bịa ra mà thôi.
Vậy đó là cây gì? Xin thưa, đó là cây muỗm. Ai trồng? Người Pháp (có thể là viên công sứ Pháp ). Trồng từ bao giờ? Từ sau năm 1883, khi người Pháp lần đầu đánh chiếm vùng này. Rồi không biết vào năm nào, sau năm 1883, người Pháp mang nó sang trồng, rồi sau đó cho đào giếng bên cạnh cây, dưới bóng mát của cây để lấy nước uống. Vì thế, nước giếng mới “ mát lạnh và trong suốt” được chứ. Vậy thời gian nó sống đến nay tối đa là 134 năm ( 1883 – 2017), đâu phải “ gần một ngàn tuổi” như bài báo đã viết. Lại nữa, cứ tối đến là nỏ “ ngủ”, lá rủ xuống, tương tự như cây xấu hổ vậy. Đấy là chi tiết sinh học bộc lộ nó không phải là lim, vì cây lim không ngủ đêm. Trong đêm lá lim vẫn “ tươi tốt”, “ tỏa bóng xuống” rậm rạp như ban ngày. Như vậy, người bịa ra là cây lim, không quan sát nó trong đêm, càng không phải là một nhà “lâm học”.
Nhân đây xin nói thêm. Ở thị xã Quảng Yên, TP Hạ Long và Móng Cái, có 2 loại cây do người Pháp mang sang trồng, đã thành “ phong cảnh nên thơ” cho du lịch nơi đây. Đó là cây muỗm trồng quanh các dinh thự Pháp và cây long não người Pháp trồng trong sân bệnh viện và quanh bệnh viện. Tôi từng có câu thơ : “ Mùa hè hàng cây nong não / Tỏa một mùi hương làm nhớ một người” là viết về “ nó ” đấy. Rất tiếc là ở Móng Cái năm 1979, ta đã triệt hạ vài chục cây nong não thời Pháp, thân cây phải 2 người ôm… Cũng xin nói thêm. Trong khoảng 40 - 50 năm nay, ở Quảng Ninh của tôi, cùng với “ sáng tạo ra lịch sử” như “ hai cây lim Giếng Rừng” đã nói trên, còn “sáng tạo ” ra hàng chục sự tích và một số di tích… mà tôi gọi chung là “ sử thổ phỉ”… Tiêu biểu nhất, rất tiếc, lại là “sự tích” cụ Trần Quốc Tảng đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ ở vùng biển Vân Đồn năm 1287 đầu 1288 (? ) đã đọc rất hùng tráng trên các loa phóng thanh trong lễ Diễu hành kỉ niệm cụ Trần Quốc Tảng ( mà tôi trực tiếp nghe). Rồi đền Cửa Ông thờ cụ Trần Quốc Tảng xây từ năm 1313 ở thời Trần , ngay sau khi cụ mất ở đây (? ). Thực ra, suốt đời Danh tướng Trần Quốc Tảng không hề liên quan gì đến vùng này, và việc thờ vọng cụ ở đây ( hay bất cứ đâu) là đúng, là hợp lòng người, hợp cả đạo trời, vì cụ là người có công với nước. Nhưng cứ bịa ra cho cụ cái cụ không có là một việc rất nên tránh, vì làm thế, dù không muốn, thực chất cũng là xúc phạm vị anh hùng. Được biết ngôi đền mới này do ông chủ mỏ than, vốn là quan ba mật thám Pháp, bỏ tiền cho vợ xây khoảng từ năm 1910, với mục đích chính trị của ông ta, rồi năm 1916, mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ, sau khi ông chủ thuyền người Bắc Ninh đã đưa Trần Quốc Nghiễn, anh ruột Trần Quốc Tảng vào thờ ở Bến Đoan, Hòn Gai năm 1913. GS Phan Huy Lê trong một tập sách do NXB Trẻ in, còn nói, dựa vào một tấm bia, có thể năm 1948 mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ ở Cửa Ông như hiện nay… vân vân và vân vân…

Do đó, sự nhầm lẫn như đã nói trên là rất dễ hiểu và theo tôi, tác giả bài báo và bản báo không có lỗi. Có lỗi là các nhà “ sử thổ phỉ” và bây giờ, là những người đã thấy sai, nhưng không có một ai chính thức đứng ra “tuyên bố sửa sai” cả, dù “ hai cây lim giếng rừng” cũng đã lặng lẽ rút ra khỏi sách giáo khoa, các tuyến du lịch quốc tế và trong nước đến Quảng Yên, thăm Di tích đánh giặc Nguyên của cụ Trần Hưng Đạo, đặc biệt là bãi cọc Bạch Đằng, cũng không đưa khách đến thăm “ di tích lịch sử thời Trần” này… Điều đó có thể tác giả bài báo chưa biết.