Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÁNG TƯ & TIN VUI - VÀ VỚI ĐIỀU ĐÓ, VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH NHƯ TẠM LÀNH LẠI VỚI GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI

Nhà báo Nguyễn Vĩnh
Thứ tư ngày 2 tháng 5 năm 2018 9:27 PM




Giữa tháng 4 năm nay, 2018, có thể nói là niềm vui lớn vô bờ, đúng hơn là một "hồng phúc" đã gõ cửa và bước vào nhà gia đình chúng tôi.

Em tôi (là em của 2 anh em đầu nhưng là anh của mấy em gái tiếp sau) - liệt sĩ Nguyễn Văn Yên, giấy báo tử gửi đến nhà giữa năm 1977, phải đến hôm nay, nghĩa là 41 năm sau, mới tìm được ra nơi em hy sinh, hoàn cảnh em ngã xuống.

Người duy nhất còn sống trong trận chiến ngày ấy, giờ đã 70 tuổi, quê tận Cao Bằng, qua rất nhiều tình huống phải nói là ngẫu nhiên và quá may mắn mới biết quê quán chính xác thôn xã của em tôi. Và ông, tên là Bế Văn Hợp (tên khai sinh Bế Nhật Hợp, dân tộc Tày Cao Bằng) đã không quản đường sá xa xôi, tuổi cao, mới đây ông đã tìm tới được gia đình tôi báo tin. Tôi đang ở xa đất nước nhưng có các em gái tôi ở quê may mắn sao đã gặp được ông.

Nghe người thân tôi kể lại, đận tìm đường vào quê tôi của ông cũng khó khăn vất vả. Khi xướng tên làng xã cũ, có người ông gặp hỏi đã trả lời không biết (vì đổi tên nên không còn tên xã ở khu vực này nữa mà chỉ là phường, là thị xã, mà tên tỉnh cũng khác rồi...). Ông kiên trì tìm ra UBND phường, may mắn sao lại gặp được người con rể của chú tôi, ông em đó quá biết chuyện nên đã dẫn ngay ông cựu chiến binh già vào nhà bà em gái tôi (gọi thế vì em gái tôi cũng đã 73 tuổi).

Tôi nghĩ người cựu binh già này làm công việc báo tin trên như một nghĩa cử với người đồng đội đã khuất.Ông làm mà không ai thúc giục, không một động cơ gì, bởi sự việc 49 năm đã trôi qua rồi còn gì? (vì năm em tôi hy sinh là năm 1969, ngày 28/9; chứ không phải 1972, ngày 5/7, như giấy báo tử). Ông thật là người đáng kính trọng. Gia đình chúng tôi mãi mãi coi ông là vị ân nhân của gia đình mình.

Ông Bế Văn Hợp kể lại hoàn cảnh và giây phút Nguyễn Văn Yên hy sinh cùng 3 đồng đội khác bị lính Mỹ phục kích bắn chết; và chính ông và 1 đồng đội ngày hôm sau đi lượm xác về chôn cất lại bị phục kích tiếp, đồng đội hy sinh, ông mất tích. Ông Hợp kể tiếp là hồi đó, từ sau Tết Mậu Thân 1968, vùng đóng quân của ông và em Nguyễn Văn Yên vô cùng khốc liệt, bộ đội ta thiếu ăn vì bố ráp, càn quét liên tục. Lính Mỹ không tin lính Sài Gòn nên kéo quân thêm, thay thế hết các đơn vị tác chiến. Mỹ trực tiếp cho xe ủi phát quang nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn khi trước là nơi ẩn nấp của quân ta chờ lực lượng tinh nhuệ từ miền Bắc vào chi viện, củng cố. Đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho các cánh quân của ta đóng trên địa bàn Tây Bắc mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Mọi việc liên quan đến sự hy sinh của các đồng đội của ông Hợp khi đó đều diễn ra tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - mà ngày đó gọi là Thủ Dầu Một. Chính người chiến binh già này còn nhớ như in trong lòng, nay vẫn vẽ ra được địa đồ, rành rọt chỉ ra nơi các chiến sĩ Trung đoàn 16 bị phục kích (anh con trai tôi bảo ông Hợp chắc hồi ở bộ đội được học về trinh sát).

Và mới đây năm 2017 trong chuyến "cựu chiến binh về nguồn", ông đã vào tận nơi khi địa phương vừa xây dựng xong Đền thờ, lập bia tưởng niệm.

Tại địa phương và qua những tấm bia tưởng niệm ông mới biết được chi tiết thôn - xã - huyện nguyên quán của em Yên tôi, chứ lâu nay ông chỉ biết Nguyễn Văn Yên quê ở tỉnh Hà Bắc (hồi đó gộp tỉnh, chứ nay chia đôi thành Bắc Ninh và Bắc Giang).

Với một người chỉ biết quê quán ở tỉnh nào đó thì thử hỏi tìm ra sao được người cần tìm?!Cũng qua ông, gia đình tôi mới biết được chi tiết chính xác ngày em Yên tôi hy sinh là 28/9/1969 chứ không phải 5/7/1972 như giấy báo tử.

Sự sai sót này trong giấy tờ, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt là điều dễ hiểu. Chính vị cựu binh này cũng nằm trong danh sách liệt sĩ ghi trên bia cùng với em tôi, mất sau em tôi 1 ngày, dù ông thì vẫn sống.

Số là sau chuyến đi với nhiệm vụ chôn cất đồng đội thì lại bị địch phục kích như tôi đã viết ở phần trên. Người chiến sĩ đi cùng bị lính Mỹ bắn chết còn ông Hợp bị thương nặng rồi mất tích; và sau đó đơn vị báo lên là ông Hợp đã hy sinh nên nay là liệt sĩ, được ghi ở bia tưởng niệm. Chuyện sai sót, lầm lẫn, thiếu tính chính xác trong một cuộc cuộc chiến tranh rất lâu dài, với nhiều mất mát thì khó mà tránh khỏi.

---

Hôm nay là ngày 30/4/2018, với gia đình tôi, tôi muốn nhắc lại điều này một lần nữa, bởi nó có ý nghĩa thiêng liêng với gia đình chúng tôi. 43 năm đã qua kể từ ngày đất nước có hòa bình, thì với gia đình chúng tôi những ngày trước tháng 4 nhiều sự việc, nhiều sự kiện lịch sử như thế này vẫn canh cánh bên lòng, giấu kín một nỗi đau sau tờ giấy báo tử em tôi, liệt sĩ Nguyễn Văn Yên gửi cho bố mẹ tôi từ một mùa hè giữa năm 1977.

Có thể nói suốt hơn 40 năm dài dằng dặc ấy, ý nghĩa hòa bình và yên hàn cho cuộc sống bình thường vẫn chưa tới với gia đình chúng tôi, nhất là với cha mẹ khi hai Người còn sống. Cứ mỗi khi nhìn lên bàn thờ thấy tấm ảnh Nguyễn Văn Yên mặc quân phục để lại cho gia đình trước thời điểm đi B, là mỗi người thấy thắt lòng, pha chút chua sót, thua thiệt mà ở những người chịu mất mát to lớn mới cảm nhận được. Bà mẹ chúng tôi trước khi nhắm mắt, chỉ nhìn tôi và nói "còn một việc nữa là,... em Yên"; và rồi không nói gì thêm ngoài ánh mắt chỉ như muốn lặng tắt. Tôi tin chắc cả ngàn cả vạn gia đình khác có người ruột thịt ngã xuống chiến trường miền Nam mà chưa tìm ra xương cốt, chưa xác định được địa điểm và hoàn cành hy sinh của liệt sĩ, thì cũng cùng một tâm trạng như chúng tôi mà thôi.

Suốt thời gian sau 1977 đến những năm gần đây, dù các thành viên trong gia đình tôi đã cố công tìm những thông tin về trường hợp ngã xuống trên chiến trường của em Yên tôi, nhưng các ngả đường tìm kiếm đó đều không có kết quả, nói đúng hơn là vô vọng.

Nhiều lần đi thực địa, nhiều lần lên các Sở, Ban trên tỉnh cũ, tỉnh mới, từ khi có mạng internet thì tra cứu thông tin ở các website ghi danh các nghĩa trang và tên liệt sĩ, đăng thông báo nhờ tìm kiếm..., thì vẫn những thông tin loanh quanh đã cũ, những tư liệu không mấy liên quan tới Nguyễn Văn Yên. Giờ nghĩ lại cũng phải, địa phương căn cứ vào tin tức thu thập từ chiến trường để làm giấy báo tử, mà giấy báo tử kia đã sai cả về thời điểm để gửi báo đến địa phương và gia đình (hy sinh theo giấy báo tử là năm 1972 mà năm 1977 mới báo), lại sai cả về năm tháng em Nguyễn Văn Yên hy sinh khi so với người cựu binh già Bế Văn Hợp biết rõ trực tiếp vừa kể lại... thì làm sao mà tìm ra thông tin nơi em Yên tôi ngã xuống cho được.

Đúng là vỏn vẹn trong giấy báo tử chỉ ghi mấy chữ "hy sinh tại chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ". Một vùng địa lý rộng lớn như thế, bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống... Có đi tìm liệt sĩ thì mới thấy xã ấp nào của vùng đất Nam Bộ nói tới kia cũng nghĩa trang nối tiếp nghĩa trang, bia tưởng niệm rồi tiếp bia tưởng niệm. Vùng đất sát mặt trận Tây Bắc Sài Gòn - Gia Định, kế giáp với Campuchia, luôn là cái túi hứng bom đạn, là một chiến trường hết sức ác liệt, bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây, thì biết cách nào mà xác định một con người hy sinh được?

Bản thân tôi cũng nhiều lần đi các xã - huyện của tỉnh Tây Ninh, của vùng ngoại vi Tp HCM, có lúc tới cả đất của chính tỉnh Bình Dương, nhìn thấy bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu tấm bia, nhưng rồi cũng không có tin tức, tư liệu gì về em mình.

Con trai tôi (năm nay cháu 46 tuổi), công tác tại Tp HCM còn có nhiều chuyến đi hơn tôi với mong muốn sớm tìm ra tin tức, tung tích người chú ruột của mình. Nhưng vô vọng.

Cho nên việc ông Bế Văn Hợp rất bất ngờ, có phần ngẫu nhiên, mang đến tin vui cho gia đình chúng tôi đã làm cho bố con tôi, bà vợ tôi và các em tôi vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc khôn cùng.

Sau khi ông Hợp đến thăm nhà ở quê tôi để báo tin, vẽ sơ đồ gửi vào Tp HCM, thì ngay lập tức anh con trai tôi đã đi lên Bình Dương xác định rõ thêm về nơi hy sinh của người chú của cháu. May mắn chồng lên may mắn, một đồng sự cùng công tác với cháu tại cơ quan lại có quê đúng tại Thanh An, Dầu Tiếng đã hăng hái cùng đi với con trai tôi. Tại địa phương các cháu đã ghi lại được những tấm hình mà tôi post lên với stt này, tất cả rất khớp với lời mô tả qua điện thoại của ông lính già Bế Văn Hợp.

Vấn đề đến lúc đó chỉ còn là chuyện có đúng là Nguyễn Văn Yên ở Đồng Quang, Tiên Sơn, Hà Bắc hay không?Vậy là người thân trong gia đình tôi đã ra ngay UBND xã (nay đổi là phường), xin phép tìm trong danh sách liệt sĩ lưu ở địa phương, thì không một liệt sĩ nào trùng tên trùng họ như em Yên cả.

Từ hôm đó là những câu chuyện trên điện thoại hoặc tin nhắn giữa hai bố con tôi, giữa tôi và các em gái, với bà vợ..., thôi thì mừng tủi tủi, chỉ biết đội ơn người ân nhân Cao Bằng, cảm tạ trời phật, tổ tiên đã phù hộ độ trì để nên một kết thúc có hậu như trường hợp gia đình nhà tôi có được hôm nay.

Giả sử mà xem, người lính già 70 tuổi kia sau những năm vất vả Nam Bắc chinh chiến mất đi sức khỏe, trí nhớ?

Giả sử gia đình riêng của ông (nghe ông kể lập gia định muộn) cứ lận đận, không có ngày tháng an nhàn, không đi chuyến "về lại chiến trường xưa" thì lấy đâu ra thông tin quê quán em Yên tôi (mà chỉ chung chung ở Hà Bắc thì thật bó tay). Mà giả sử nữa, nếu ông CCB Hợp về nguồn trước 2016 thì làm sao nhìn thấy tấm bia ghi tên em tôi với quê quán chi tiết. Bởi vì cho đến năm đó thì xã Thanh An mới xây xong Đền thờ và khắc bia đá.

Rồi giả thử nữa, khi ông Hợp từ chiến trường xưa về Bắc lại ốm đau, bệnh tật chợt đến, rồi lại ngại ngùng cách trở đường xá xa xôi (với một người cao tuổi) mà không trực tiếp tìm về tận quê tôi thì sao?...

Giả sử như hôm về quê tôi khi hỏi han ban đầu mà ông nản lòng, hoặc đến ủy ban mà người tiếp chuyện không phải là con rể ông chú tôi, có khi sự việc đã khác (vì chuyện em Yên tôi hy sinh là câu chuyện đã trải qua nửa thế kỷ rồi)...

.... Tóm lại phải là may mắn, rất may mắn; phải là gia đình chúng tôi có hồng phúc trùng lai thì mới bỏ qua đi được những "giả sử" kia. Mà cái thứ giả sử đó nó lại rất có thể xảy đến bất kỳ.May mắn thật.

Các em gái tôi, vợ con tôi rồi sẽ thu xếp lên Việt Bắc thăm nhà và cám ơn ông CCB già Bế Văn Hợp. Còn tôi chờ khi có mặt trở lại VN, tôi cũng phải sớm lên tạ ơn ông Hợp, người đồng đội sống và chiến đấu bên em Yên, biết rõ giờ phút nơi chốn Nguyễn Văn Yên hy sinh.

Rồi việc nữa là tôi sẽ đến nơi em ngã xuống, lấy nắm đất tại đó mang về quê hương, phần sẽ chôn cất tại ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ địa phương, phần sẽ chôn ở góc tấm bia đá ngay trong sân vườn lối cổng vào nhà tôi ở quê - tức là thay vào hai nắm đất hơn 10 năm trước bố con tôi đi tìm, lòng thành lấy ở địa phận tỉnh Tây Ninh. Khi mang nắm đất về đã xin phép địa phương chôn cất tại nghĩa trang, và cũng chôn cất ở sân vườn nhà.

Như có linh tính, nơi lấy nắm đất hơn chục năm trước nếu tính đường chim bay thì không xa nơi Nguyễn Văn Yên hy sinh là bao nhiêu, chỉ bên này bên kia khúc sông Sài Gòn chảy phân chia 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.

Câu chuyện lấy nắm đất hơn 10 năm trước có nhiều tình tiết về tâm linh đáng nhớ, đợi có dịp tôi sẽ kể lại...

Và sau hết, đợi khi tôi có nhà tại quê (do tôi là trưởng nam nên các em có ý chờ), trong một lần cúng giỗ cho em Nguyễn Văn Yên, anh em chúng tôi sẽ thắp thêm nén hương xin được cải lại ngày giỗ cho chính xác thời điểm em tôi hy sinh.Thay vì vẫn giỗ ngày 25/5 âm lịch (báo tử ngày 5/7/1972) thì nay giỗ vào ngày 17/8 âm lịch (ngày hy sinh chính xác 28/9/1969).

Con người Việt Nam mình là thế, nghĩa tử là nghĩa tận. Ở đây hai chữ "nghĩa tử" lại là sự hy sinh của một chiến sĩ, là liệt sĩ ngã xuống nơi chiến trường, điều ấy càng làm những người thân thấm thía ý nghĩa sâu xa.

Người đời chẳng thường bảo rằng, chỉ khi làm được những gì tốt đẹp nhất cho người đã khuất thì trong lòng người đang sống mới an nhiên được.

London, UK
30/4/2018

@ Ảnh do con trai tôi chụp tại Đền thờ xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương hồi giữa tháng 4/2018 vừa qua. -->> Bia ghi liệt sĩ Nguyễn Văn Yên (ảnh 1, hàng thứ 4 từ dưới lên). Bia ghi liệt sĩ Bế Văn Hợp (ảnh 4, hàng đầu tiên; nhưng ông Hợp may mắn vãn còn sống). Ảnh 3 là Sơ đồ CCB Bế Văn Hợp vẽ địa điểm hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Yên. Ảnh 2 là ngôi nhà chính của Đền thờ xã Thanh An. Còn tấm ảnh thứ 5 là di ảnh của Liệt sĩ Nguyễn Văn Yên.