Tôi đến Triển lãm "Thi hứng" III của nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội với vẻ tò mò xen lẫn háo hức của người yêu hội họa.
"Thi hứng" III của họa sĩ Trần Nhương gồm 36 bức tranh màu Acrylic được vẽ trong mấy năm gần đây. Cảm nhận đầu tiên của tôi, tranh của ông có bút pháp phóng khoáng, nét cọ tung tẩy của một người tự do trước cái đẹp. Từ bố cục đến đường nét, màu sắc khá rành mạch. Hầu hết tranh của ông thiên về gam trung tính cho thấy sự bung tỏa cảm xúc của người sáng tạo được đẩy đến cao độ. Mỗi bức tranh của ông như một câu chuyện của tình yêu, cuộc sống trong thế giới muôn màu của phụ nữ. Đứng trước mỗi bức tranh, người xem như được chuyện trò, giải bày, sẻ chia, đồng cảm. Điều đặc biệt nhất là hầu hết tranh trong triển lãm lần này đều thiên về ngợi ca vẻ đẹp phụ nữ. Ông tả phụ nữ bằng nét bút tế nhị, kín đáo nhưng khá mạnh bạo nhất là ở màu sắc. Và dường như mỗi người phụ nữ vào tranh của ông đều có một cuộc sống, một số phận, có cả khát vọng, hạnh phúc và khổ đau. Tôi thích các bức "Ngẫu hứng đỏ", "Triết học của tạo hóa", "Lòng riêng còn một chút này", "Sự nứt vỡ kiêu sa", "Lên nương", "Bài thơ của đá"...
Hình như nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương rất có duyên khi vẽ về phái đẹp. Bằng chứng là các bức tranh ông vẽ về phụ nữ đều ở tâm thế của một người luôn tôn thờ, bảo vệ, chở che. Bức tranh "Bài thơ của đá" ông vẽ con ngựa bạch dừng chân, phía sau có đôi trai gái đang tình tự. Hình như giữa con ngựa và cặp tình nhân đều có mối giao thoa. Bức "Đêm oline" miêu tả người phụ nữ khỏa thân với màn hình máy tính mở cùng con chó nhỏ cho thấy vẻ đẹp mong manh trong sự cô đơn, trống trải. Bức "Dịu dàng" thể hiện các thiếu nữ từ phía sau, những mái tóc dài buông trong gió cùng thân hình kiêu sa mờ tỏ. Còn bức "Sự nứt vỡ kiêu sa" lại mang đến một thông điệp về thiên chức cao quý sinh nở của người đàn bà rất đáng để người đời nghĩ suy....
Tranh của họa sĩ Trần Nhương không rạch ròi về chủ đề, ông mượn màu sắc, đường nét để nói cái ý tứ sâu xa; dẫn dắt người xem đến với một triết lí về cái đẹp của người đàn bà mà trong cuộc sống lắm khi ta cho là tầm thường. Phải công nhận, tranh của ông không dễ xem, không dễ cảm nhận, phải nhìn thật kĩ và thả trí tưởng tượng mới nhận ra cái hiện thực mà tác giả muốn nói. Ai cũng thấy chất phồn thực trong tranh của ông, nhưng cái phồn thực ấy được "pha màu" bằng sự trẻ trung, vui vẻ, hóm hỉnh. Vì thế, tranh khỏa thân của ông đều được "ngụy trang" một cách khéo léo nên không hề dung tục. Ngay cả cặp vú nổi trên khuôn ngực đầy đặn của người thiếu nữ mang vẻ đẹp hoang dại ấy cũng chỉ làm người xem dừng lại ở sự thích thú mà thôi.
Khép lại một "Thi hứng" III: "Đông vui, thân thiết, chân tình, thành công ngoài sự mong đợi" như lời ông tự nhận, tôi còn thấy, Trần Nhương là "đại gia", bởi chỉ riêng tranh thôi, ông hiện có tới vài trăm bức. Giữa thời buổi hỗn độn của văn hóa nghệ thuật mà tranh của ông tìm được chỗ đứng trong lòng người xem quả là điều đáng khâm phục.
Gần tuổi 80, sức vẽ vẫn còn sung và đặc biệt vẫn còn "run rẩy" trước phụ nữ, chắc người đó rất đặc biệt.