Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI ĐỀN HÙNG & 18 ĐỜI VUA HÙNG

Thái A
Thứ ba ngày 24 tháng 4 năm 2018 7:26 AM



Kết quả hình ảnh cho Đền Hùng

TNc: Nhà giáo Thái A cho chúng ta một cách nhìn về Vua Hùng. Trang nhà đưa bài lên để cùng suy ngẫm và trao đổi.

Sắp đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch, ngày Hội Đền Hùng (Giỗ Tổ).
Nhìn cảnh biển người chen lấn nhau lên đền Lễ Tổ mà kinh! Không biết lòng người dân sùng kính Quốc Tổ thật hay bởi tâm lý mê tín thần linh là sức mạnh có thể dựa dẫm, đã thôi thúc lòng tham danh lợi,nên đến để cầu xin các Vua Hùng phù trợ ? Thực tình, đời tôi chưa bao giờ thấy người dân mê tín thần linh, ngẫu tượng một cách cuồng nhiệt như bây giờ! Chùa chiền, đền đài miếu mạo..., một thời theo chủ nghĩa vô thần Mác-Lê đã phá bỏ hoặc để cho đổ nát, chẳng ai đoái hoài. Nay tự nhiên lại ồ ạt "thi đua"xây dựng ở mọi nơi...để rồi người dân lại lũ lượt kéo nhau đi hết chùa nọ đến đền kia, nối nhau xì xụp lễ bái, khấn khứa, cầu xin...lợi lộc(!) Thật cám cảnh cho trình độ dân trí nước nhà! Tôi cũng không thể hiểu nổi những người trách nhiệm làm văn hóa có ý đồ đặc biệt gì mà biến các thứ lễ hội dân gian thành một hình thái quái đản như vậy?Hay đây là cách biến Dân thành một bầy cừu để dễ sai bảo? Hội Đền Hùng cũng chung một kiểu xô bồ mê tín dị đoan như vậy!
Nhân đây, lại xin nói thêm một chút về " 18 ĐỜI VUA HÙNG“. Những vị Quốc Tổ (họ HÙNG) được truyền tụng qua huyền sử, mà nay bỗng nhiên các "nhà Sử học lỗi lạc" nào đó "phát minh" ở đâu ra, chính xác đến mức rõ cả tuổi, tên cụ thể bằng từ Hán- Việt hẳn hoi (!) (Mà âm Hán Việt đọc chữ Nho, theo một công trình KH công phu, đáng tin cậy của cố GS Nguyễn Tài Cẩn, chỉ mới hình thành ở tiếng Việt từ thời Bắc thuộc (Đường-Tống) trở về sau. Còn chữ Hán mới được mượn dùng chính thức ở nước ta thì từ đời Lý. ) Mỗi vị vua Hùng còn sống thọ tới mấy trăm năm, có bao nhiêu con cháu...Quả là ”tài thật"(!)"Tài đến thế là cùng"(!) Các nhà ''K.H " phiạ giỏi hơn triệu triệu lần người xưa chứ chẳng đùa!Đúng là ''hậu sinh khả úy''(hay khả ố nhỉ ?)(!) Những "khoa học gia" đó không hiểu đã là "huyền sử" thì những con số cũng là''ước lệ" cả thôi. Những con số trong huyền sử chỉ mang khái niệm "biểu trưng" mà thôi. Lấy số 18 có thể vì đây là bội số nhỏ nhất của số DƯƠNG 9, ( 9 là số dương cao nhất trong 9 số hàng đơn vị,18 lại có đặc điểm "lạ"> 1+8=9) Vậy nên số 18 là mang ý nghĩa tượng trưng, khái quát, biểu đạt ý nghĩa ''khá nhiều'', nhưng không xác định cụ thể là bao nhiêu. Cũng xin nói thêm về ý nghĩa các số DƯƠNG trong VĂN HÓA VIỆT. Theo văn hóa Việt , trong 9 số đơn vị chia ra 2 loại: ÂM (số chẵn 2, 4,6, 8) và DƯƠNG (số lẻ 1,3,5,7,9).số âm là số ổn định, chỉ số dương mới là số "sinh sôi'',là số'' thiêng". Thiêng đến nỗi có khi phải kiêng kị như " chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3", hay "mùng 5, 14, 23, (1+4=5; 2+3=5)/ Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn!"(ca dao).Ngoài ra trong lời nói hàng ngày, người Việt rất hay dùng các số dương để chỉ khái niệm ''nhiều '', không xác định, chẳng hạn: "3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh'', ''đã liều 3, 7 cũng liều'', ''5tao 7 tuyết''anh hò hẹn (Mưa Xuân- Nguyễn Bính), ''5 cha 3 mẹ'', ''quả mai 3, 7 đang vừa''(Kiều), ''5 thê 7 thiếp','5 lần 7 lượt'',"3 cọc 3 đồng","voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao...","trên trời (chỉ không gian nên có số4)36 thứ chim“(4x9=36, 3+6=9),"36 cái nõ nường", ''Hà Nội 36 phố phường ''v.v... Lại cũng cần nói thêm về từ ĐỜI. ĐỜI trong tiếng Việt có 3 nghĩa chính:
a) Chỉ cuộc sống của một người từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc. Ví dụ: Cả đời hắn ta sống xa quê.
b) Chỉ chung cuộc sống của mọi người. Ví dụ: Đời sống nhân dân giờ đây ngày một nâng cao.
c) Chỉ một triều đại của một dòng họ làm vua, gồm nhiều vua kế tiếp nhau, Ví dụ: Đời Lý (triều Lý), đời Trần (triều Trần), đời Nguyễn (triều Nguyễn), đời Đường (triều Đường)...
Ở nhóm từ 18 ĐỜi VUA HÙNG, "đời"không thể hiểu theo nghĩa a) là cuộc đời cụ thể của một người, vì hiểu theo nghĩa thông thường này nên mới gán cho các vị vua sống mấy trăm tuổi một cách vô lí không ai có thể thừa nhận (Bằng cách lấy niên đại chia cho18).
"Đời" ở đây theo nghĩa thứ 3, có nghĩa chỉ triều đại của một dòng họ gồm nhiều vua nối nhau của 18 chi họ HÙNG. Giải thích như vậy đúng với ý nghĩa từ ĐỜI hợp với con số 18 và khớp với số niên đại, mà cũng là áng chừng trong HUYỀN SỬ. Như vậy nghe ra mới thuận tai khi nhắc đến "Thời đại 18 đời Vua Hùng". Còn cái gọi là "phả hệ các vua Hùng" bằng chữ Hán mà TS nào đó (tôi quên tên) đã sưu tầm và dịch ra đang lưu trữ ở Bảo tàng đền Hùng đó nên cất vào kho ''tư liệu'', không nên khoe ra làm gì, vì nó không phải là tư liệu khoa học đáng tin cậy. Vì nó vô lý!.Đã không khoa học, mà đem khoe ra chỉ tổ làm trò cười cho thế giới!? Hãy giữ nguyên cái Huyền Sử Hùng Vương nó vốn tồn tại như các huyền thoại khác.
Vì tôi tin rằng đó cũng là văn bản "ngụy tạo" do một "sử gia vườn" nào đó do tâm lí "quá tự hào" về cội nguồn và lịch sử Dân Tộc, lại cộng thêm thói sùng bái "thánh nhân"của thời chưa biết khái niệm gì về KHOA HỌC nên "phịa" thêm ra văn bản đó! Vả lại nếu tài liệu đó có tên tác giả, thì do tâm lý, tích lũy được một ít chữ "thánh hiền", nên người đó cũng muốn khoe "tài", dựa ''hơi'' lịch sử để còn mong lưu danh với hậu thế về "học vấn thánh hiền" cao siêu của mình, cho con cháu còn được ''thơm'' lây chăng ?...Để rồi ngài ta mê muội đến nỗi không nhận ra sự vô lí và mâu thuẫn trong chính những dòng chữ mà mình đã ''phịa'' ra đó ! Trong thực tế cuộc sống chúng ta, con cháu khó mà nhớ hết tên tuổi anh em ông tổ 4- 5 đời trở lên của của dòng tộc mình , trừ ra là người trưởng họ giữ gia phả. Huống hồ đây lại là Tổ vua Hùng cách ta 4000 năm; ở thời kì còn là cuộc sống hồng hoang của nhân loại, còn chưa có quốc gia, chưa có chữ viết để ghi lại. Hơn nữa đây chỉ là huyền thoại người xưa lưu truyền lại nhờ cái miệng. Thế mà nhiều vị chuyên gia, GSTS cũng cho tài liệu này đáng tin cậy để lấy làm chính sử, mang khoe ra ở bảo tàng (!) Thấy chưa đủ thuyết phục, nên còn mang những tư liệu ngụy tạo đó khắc lên bia dưới bệ tượng 18 ông vua Hùng , đầu đội mũ lông chim, mặc áo vỏ cây, đóng khố, che ngoài bằng vỏ cây và lá cây rừng, tay chống nạnh, đứng xếp 2 hàng nhìn như những tên lính vào thời hồng hoang! Kể ra các bức tượng trông cũng đẹp và oai phong ra phết. Nhưng lại xếp hàng đứng đúng 2 bên rìa lối cổng dẫn vào Đền thờ chính các vị vua này (mới xây dựng ở Plei-cu Tây Nguyên) nên nhìn cảm tưởng đó là 2 hàng lính gác (!) Chắc các vị đứng gác để bảo vệ những cái ngai gỗ trống không và các bát hương ở trong đền chăng(?) Còn nếu được thờ phụng thì phải ngồi trong đền chứ sao lại đứng dầm mưa dãi nắng, phơi sương dãi gió ở ngoài trời thế kia (!?) Nhìn cảnh này cảm thấy như các vị vua Hùng bị con cháu ngày nay đầy đọa, phỉ báng thì hợp cảnh hợp tình, chứ tôn thờ kiểu gì lạ lùng quái đản như vậy? Nếu bảo là tượng đài thì phải dựng ở vườn hoa hay quảng trường chứ sao lại dựng ở cổng đền thờ nhỉ? Giá mà có nhà nghiên cứu văn hóa hay mĩ thuật nào giải thích rõ những bức tượng lính không ra lính, vua không ra vua này thì tốt quá.
Thực tình người viết ra những ý này không tài nào hiểu nổi những điều lố lăng phi truyền thống văn hóa của cha ông như vậy!
***
Nay đang là thời hiện đại của chúng ta. Nếu ta nhận là con cháu vua Hùng, lại sống giữa thời đại văn minh, khoa học, ta không nên ''vẽ rắn thêm chân'', tô vẽ thêm những điều vô lí để tự phỉnh nịnh mình, không những không thuyết phục để làm đẹp cho Lịch Sử nước nhà, mà còn tự "bôi tro chát chấu" vào "bộ mặt" khoa học rởm của chính mình đó! Chỉ tổ làm trò cười cho thế giới văn minh mà thôi!
T.A